Đức Thượng Phụ Chaldean khuyến khích việc cầu nguyện đại kết cho “hòa bình, an ninh và sự ổn định”. Sự gần gũi của Giáo hội với những người trẻ tuổi “trên các ngả đường phố” để “kêu đòi quyền lợi của họ”. Nhũng người biểu tình đã vượt qua sự chia rẽ bè phái và đồng thời khôi phục bản sắc dân tộc. Những nạn nhân mới ở Baghdad và ở phía nam trong số những người biểu tình.
Baghdad (AsiaNews) – Tình trạng tham nhũng và sự chia rẽ bè phái “là nguyên nhân chính” của “sự xấu đi” của tình hình hiện tại ở Iraq, đồng thời cũng chính là “nguyên nhân của sự chia rẽ” và nguồn gốc của “các cuộc xung đột phi lý”, theo Đức Thượng Phụ Chaldean, Đức Hồng y Louis Raphael Sako, chia sẻ trong buổi cầu nguyện đại kết cho “hòa bình, an ninh và sự ổn định” được tổ chức chiều hôm 4/11 tại Baghdad.
Sự kiện này đã được kêu gọi trong bối cảnh của tình trạng bạo lực gia tăng liên quan đến các cuộc biểu tình chống chính phủ. Điều khủng khiếp nhất đó chính là mọi người đang nói về hiện tượng này bắt đầu từ các quan chức trong Chính phủ, nhưng không ai trong số họ dám xóa bỏ “căn bệnh ung thư” này, Đức Hồng y Sako cho biết thêm.
Sự kiện được tổ chức tại Nhà thờ Thánh Giuse, với chủ đề “Lạy Thiên Chúa, nguồn mạch hòa bình, xin ban hòa bình cho Iraq”. Chương trình bao gồm một phút mặc niệm để tưởng nhớ các nạn nhân vô tội trong số những người biểu tình và lực lượng an ninh và hy vọng về sự hồi phục nhanh chóng cho những người bị thương. Tiếp theo đó là việc đọc các đoạn Thánh Vịnh, đọc Bát Phúc theo Tin Mừng Mát-thêu, các bài Thánh Ca. Hiện diện trong sự kiện là các Giám mục phụ tá Địa phận Warduni và Yaldo, các nữ tu, linh mục và nhiều tín hữu, mỗi người đều cầm trong tay một cây nến và lá cờ Iraq.
“Những người trẻ này – Đức Thượng Phụ Chaldean nhấn mạnh – Những người trẻ này đã xuống đường đòi hỏi quyền lợi của họ bởi vì họ tự nhận thấy mình “bị đẩy vào bước đường cùng”, đồng thời bày tỏ sự khổ sở của họ. Bên cạnh đó là việc thiếu các dịch vụ, điện và nước, v.v. Điều tương tự cũng áp dụng đói với các tổ chức giáo dục và y tế, đường sá và khả năng việc làm”.
Những người biểu tình, Đức Hồng y Sako chỉ ra, đã có thể “vượt qua sự chia rẽ tôn giáo” và đồng thời “khôi phục bản sắc dân tộc”, một yếu tố cấu thành “mục tiêu to lớn” bởi vì “không có gì lớn hơn Iraq”. Đây chính là “những gì chúng ta đã nhìn thấy trong chuyến thăm Quảng trường Tahrir vào ngày 2 tháng 11 vừa qua” nơi mà “tất cả mọi công dân chỉ có Iraq trong tim”.
Cuối cùng, ĐHY Sako chuyển sang giai cấp thống trị và kêu gọi họ “lắng nghe” tiếng kêu phản đối từ những người con trai và con gái của đất nước “theo cách thức mang tính xây dựng và với tinh thần trách nhiệm”. Và “lời kêu gọi đặc biệt” được dành riêng cho “các lực lượng an ninh của chúng ta”, đồng thời nhắc nhở họ “hãy nắm lấy cuộc diễu hành của công chúng” hướng tới “một ngày mai ổn định và thịnh vượng hơn”.
Bất chấp những lời kêu gọi của Đức Thượng Phụ Chaldean, đã có những báo cáo về các tình tiết bạo lực mới và có thêm nhiều nạn nhân. Chiều tối hôm 4/11 tại Shatra, miền nam Iraq, cảnh sát đã nổ súng vào những người biểu tình, bắn vào đầu ít nhất hai người. Các vụ đổ máu hôm 4/11 được thêm vào sáu người biểu tình đã thiệt mạng ở Baghdad, bị các nhân viên an ninh bắn chết.
Con số các nạn nhân và tình trạng bạo lực cũng khiến Liên Hợp Quốc không khỏi lo ngại. Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc tại Iraq, Jeanine Hennis-Plasschaert, cho biết rằng bà “kinh hoàng vì các vụ đổ máu liên tục xảy ra tại Iraq”. “Bạo lực – bà Hennis-Plasschaert cho biết thêm – chỉ làm nảy sinh thêm bạo lực, những người biểu tình ôn hòa cần phải được bảo vệ. Đã đến lúc cần phải có cuộc đối thoại quốc gia”.
Minh Tuệ (theo Asia News)