
Đức Hồng Y Louis Raphael I Sako, Thượng Phụ Công giáo Chaldean của Babylon và là người đứng đầu Giáo hội Công giáo Chaldean (Ảnh: Daniel Ibáñez/ CNA)
Đức Hồng Y Louis Raphael Sako đã đưa ra lời kêu gọi viện trợ tài chính và tinh thần cho các Kitô hữu ở Trung Đông, đặc biệt là ở Iraq. Đức Thượng Phụ Babylon và người đứng đầu Giáo hội Công giáo Chaldean, đã đưa ra lời kêu gọi trong một lá thư được công bố hôm thứ Sáu, ngày 6 tháng 12.
“Hôm nay, sau 2 năm giải phóng khỏi ISIS, khu vực đồng bằng Nineveh vẫn rất cần sự trợ giúp của tất cả anh chị em chúng ta, những người có thể cầu nguyện và cùng chung tay giúp đỡ chúng tôi”, Đức Hồng y Sako nói.
Trong bức thư, được gửi đến các tổ chức phi chính phủ (NGO), các tổ chức xã hội, các Giáo hội và các chính phủ, ĐHY Sako cho biết rằng các Kitô hữu trong khu vực “rất cần đến sự trợ giúp đỡ của anh chị em để tất cả mọi người dân tại khu vực đồng bằng Nineveh có thể tiếp tục bám trụ lại nhà cửa của họ, và những người đã bị di dời ra ngoài khu vực có thể quay trở lại đó”.
Đồng bằng Nineveh là một khu vực nằm ở phía bắc Iraq.
Mặc dù ISIS đã bị đánh bại, nhu cầu hỗ trợ dưới tất cả mọi hình thức vẫn rất lớn, ĐHY Sako viết. Đặc biệt, có một “nhu cầu thiết yếu” đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe dưới mọi hình thức, ĐHY Sako nói.
“Chẳng hạn như, tôi rất muốn khuyến khích tất cả mọi thành phần nỗ lực làm việc cách đặc biệt nhằm khôi phục lại cuộc sống của người dân ở Đồng bằng Nineveh. Bằng cách khuyến khích các dự án trong nông nghiệp, chăn nuôi, thương mại, v.v.”, ĐHY Sako nói, đồng thời gợi ý rằng sự hợp tác hơn nữa giữa các giám mục trong khu vực có thể giúp đạt được những mục tiêu này.
Đức Hồng y Sako cũng kêu gọi các Kitô hữu “cầu nguyện cho Iraq, và đặc biệt cho người dân tại Đồng bằng Nineveh”, như một lời cầu nguyện đặc biệt trong Mùa Vọng này.
Edward Clancy, Giám đốc tiếp cận của Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ, cho biết rằng vấn đề lớn nhất mà những người dân sinh sống ở vùng đồng bằng Nineveh phải đối mặt đó chính là việc thiếu cơ sở hạ tầng.
“Họ thường xuyên thiếu các nguồn lực do nhiều năm chiến tranh và hiện tại, sự giúp đỡ lẻ tẻ từ chính phủ về đường xá, an ninh, những thứ đại loại như thế”, ông Clancy phát biểu với CNA trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Ông Clancy cũng cho biết thêm rằng người dân Hoa Kỳ cần phải nỗ lực làm việc để nhận thức được những vấn đề mà các Kitô hữu hiện phải đối mặt ở Trung Đông. Nếu không có sự nhận thức này, toàn bộ cộng đồng Kitô giáo sẽ phải đối mặt với sự tuyệt chủng.
“Sự nhận thức là một phần rất quan trọng trong đó”, ông Clancy nói. “Một điều nữa đó chính là mọi người trong thế giới Kitô giáo, cộng đồng Kitô giáo, có xu hướng không tự thể hiện mình. Bạn không nghe thấy nhiều, bạn biết, ‘điều này đang xảy ra với các Kitô hữu’. Dường như có nhiều mối bận tâm hơn trong việc giúp đỡ người khác, vốn chính là một điều tuyệt vời, nhưng đồng thời chúng ta phải hiểu rằng có rất nhiều Kitô hữu hiện đang rất cần được trợ giúp ở Trung Đông”.
Ở cấp độ địa phương, ông Clancy cho biết rằng các Giáo xứ cần phải nỗ lực làm việc để cung cấp “một số hình thức viện trợ” cho những anh chị em của họ ở Trung Đông, cả về mặt tài chính lẫn tinh thần. Nếu không có sự trợ giúp này, các Kitô hữu sẽ tiếp tục chạy trốn khỏi quê hương của họ hoặc có nguy cơ bị khủng bố.
“Chúng ta cần phải, với tư cách là một Giáo hội, hiểu rõ hơn rằng có rất nhiều anh chị em Kitô hữu của chúng ta ở đó và kế đến phải làm một điều gì đó về điều này”, ông Clancy nói.
“Chúng ta không khỏi bàng hoàng trước thực tế là hơn 90% Kitô hữu tại Iraq đã rời khỏi khu vực”, ông Clancy nói. “Điều đó đồng nghĩa với việc cần phải có nỗ lực phối hợp của Giáo hội toàn cầu để giúp cho Kitô giáo tiếp tục tồn tại ở những nơi chẳng hạn như Iraq và Trung Đông”.
Thiên Ân (theo CNA)