10 năm sau khi cái gọi là Nhà nước Hồi giáo thảm sát các Kitô hữu và người Yazidi, Đức Thượng phụ Baghdad chia sẻ với Vatican News rằng sự đau khổ đoàn kết tất cả mọi người dân Iraq: “Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm với nhau, và khi chúng ta chết, Thiên Chúa sẽ không hỏi tôi là Kitô hữu hay là tín đồ Hồi giáo, mà sẽ hỏi ‘Ngươi đã làm gì cho anh em mình?'”.
Cách đây 10 năm trước, vào đêm ngày 6 tháng 8 năm 2014, 120.000 Kitô hữu ở Iraq đã buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ.
Hơn nữa, cả một dân tộc — người Yazidi — đã phải hứng chịu một nỗ lực diệt chủng. Hơn 3.000 người đàn ông, phụ nữ, trẻ em trai và trẻ em gái đã bị giết hại, và ít nhất 6.800 người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em trai và trẻ em gái, đã bị cái gọi là Nhà nước Hồi giáo bắt cóc. Vụ tấn công này đã bị Liên Hợp Quốc công nhận là tội ác diệt chủng.
Đó là một “thảm kịch tập thể” đối với người dân Iraq, Đức Hồng y Louis Raphaël Sako, Thượng phụ nghi lễ Chaldean của Baghdad, nói với Vatican News. “Một thảm kịch liên quan đến các Kitô hữu và các nhóm thiểu số khác vẫn còn in sâu trong tâm trí mọi người. Đúng là ISIS đã bị đánh bại, nhưng hệ tư tưởng của chúng vẫn còn mạnh mẽ, và không chỉ ở Iraq”.
Hiện nay còn lại gì sau thảm kịch mà các Kitô hữu Iraq và các nhóm thiểu số khác đã phải trải qua cách đây 10 năm?
Mọi người không có nhiều niềm tin vào tương lai. Mọi người cứ tự hỏi: Khi nào chúng ta mới có một nhà nước hiện đại, dân chủ và văn minh, nơi tất cả mọi người đều có thể là công dân với quyền lợi và nghĩa vụ bình đẳng?
Đây là lý do tại sao nhiều người rời khỏi Iraq, không chỉ riêng các Kitô hữu. Tôi cố gắng trò chuyện với mọi người, trấn an họ rằng sự ác này sẽ không kéo dài và họ cần phải kiên nhẫn.
Sự vắng mặt của các Kitô hữu ở đồng bằng Nineveh có ý nghĩa gì đối với Iraq?
Các Kitô hữu vẫn lo sợ cho sự an toàn của họ vì đất nước không ổn định và họ chỉ là một nhóm thiểu số nhỏ bé. Ngoài ra, mọi người đều lo ngại về những căng thẳng phát sinh từ cuộc khủng hoảng Trung Đông.
Phải chăng toàn thể người dân cũng đang phải chịu đựng nỗi lo sợ này?
Cả các Kitô hữu ở đồng bằng Nineveh lẫn người Yazidi đều sợ hãi. Chúng ta cần thay đổi não trạng tạo nên chiến tranh và sự trả thù.
Chúng ta cần học cách đối thoại và giải quyết vấn đề không phải bằng vũ khí mà bằng đối thoại – một cuộc đối thoại nghiêm túc và can đảm. Chúng ta cần thay đổi các chương trình giáo dục, ngôn ngữ, những phát ngôn mà mọi người đưa ra.
Liệu phương Tây cũng phải cũng chịu trách nhiệm đối với tình trạng mà ngài mô tả?
Phương Tây có phần e dè với những người cho rằng giải pháp duy nhất là chiến tranh. Như Đức Thánh Cha đã nói: chiến tranh không bao giờ là sự chiến thắng. Mọi người đều thua cuộc!.
Vấn đề với phương Tây là sự thờ ơ. Mọi người đều tập trung vào logic lợi nhuận và thiếu các giá trị đạo đức và tinh thần. Chúng ta cũng có thể thấy điều này với những gì đang xảy ra ở Ukraine. Thật đáng buồn!
Kinh nghiệm của cộng đồng Kitô giáo ngày nay, cùng với cuộc diệt chủng người Yazidi dưới bàn tay của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo, dạy cho chúng ta điều gì?
Ký ức này sẽ không bao giờ dễ xóa bỏ. Vẫn còn nhiều hành động thù hận, chẳng hạn như vụ tấn công năm ngoái ở Qaraqosh, khiến hơn 133 người tử vong trong một lễ cưới.
Và cuộc diệt chủng Yazidi… làm sao người ta có thể tưởng tượng, vào thế kỷ 21, khi phụ nữ bị bán và bị tách khỏi gia đình chỉ vì một sắc tộc khác? Có những giá trị gì?
Đây là điều khủng khiếp, không chỉ đối với chúng ta mà còn đối với toàn thế giới, vốn không thể ngăn chặn những điều như vậy xảy ra.
Ngài có lời kêu gọi nào để thế giới chú ý tới tình hình ở Iraq không?
Tôi thiết nghĩ chúng ta không được quên anh chị em của mình trong tinh thần nhân loại. Chúng ta là anh em, và cuộc sống quả là một điều tuyệt vời.
Chúng ta không thể để mọi người chết mà không làm gì cả, dù điều đó xảy ra ở Iraq hay bất cứ nơi nào khác. Mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm với người khác, và khi chúng ta chết, Thiên Chúa sẽ không hỏi tôi là Kitô hữu hay là tín đồ Hồi giáo, mà sẽ hỏi chúng ta: Ngươi đã làm gì cho anh em mình?
Minh Tuệ (theo Vatican News)