Đức Hồng Y Prevost tại Thượng Hội đồng về Hiệp hành: ‘Việc giáo sĩ hóa phụ nữ’ sẽ không giải quyết được vấn đề

Đức Hồng Y Robert Francis Prevost, người đã giữ chức Tổng Trưởng Bộ Giám mục kể từ ngày 12 tháng 4 năm 2023 (Ảnh: Daniel Ibáñez/EWTN News)

Đức Hồng Y Robert Francis Prevost, người giữ chức Tổng Trưởng Bộ Giám mục kể từ ngày 12 tháng 4 năm 2023 (Ảnh: Daniel Ibáñez/EWTN News)

Đức Hồng y Robert Francis Prevost, đại biểu Thượng Hội đồng về Hiệp hành, cho biết trong tuần này rằng “việc giáo sĩ hóa phụ nữ” sẽ không giải quyết được các vấn đề trong Giáo hội Công giáo.

Khi được hỏi về những lời kêu gọi liên quan đến sự quản lý của phụ nữ trong Giáo hội Công giáo tại cuộc họp báo của Thượng Hội đồng vào ngày 25 tháng 10, vị Hồng Y người Mỹ đã nhấn mạnh rằng “truyền thống Tông truyền là điều đã được nhấn mạnh một cách hết sức rõ ràng, đặc biệt nếu quý vị muốn nói về vấn đề truyền chức Linh mục cho phụ nữ”.

“Một điều cũng cần phải nói là việc truyền chức cho phụ nữ – và đã có một số phụ nữ đã nói điều này khá thú vị – ‘việc giáo sĩ hóa phụ nữ’ không nhất thiết giải quyết được một vấn đề, nó có thể tạo ra một vấn đề mới”, Đức Hồng y Prevost nói với các nhà báo.

“Và có lẽ chúng ta cần xem xét một cách hiểu mới hoặc một cách hiểu khác về cả sự lãnh đạo, quyền lực, thẩm quyền lẫn sự phục vụ – trên hết là tinh thần phục vụ – trong Giáo hội từ những quan điểm khác nhau mà phụ nữ và nam giới có thể đưa vào cuộc sống của Giáo hội, nếu bạn muốn”.

Đức Hồng Y Prevost, người giữ chức vụ Tổng Trưởng Bộ Giám mục Vatican, lưu ý rằng Giáo hội Công giáo không phải là một hình ảnh phản chiếu của xã hội và “cần phải khác biệt”.

Đức Hồng Y Prevost giải thích rằng chỉ vì một phụ nữ có thể làm Tổng thống hoặc đảm nhận nhiều loại vai trò lãnh đạo khác nhau trên thế giới, nên không có “sự tương đương trực tiếp nào khi nói: ‘Do đó, trong Giáo hội…”

“Không đơn giản khi nói rằng: ‘Bạn biết đấy, ở giai đoạn này, chúng ta sẽ thay đổi truyền thống của Giáo hội sau 2.000 năm về bất kỳ điểm nào trong số đó'”, Đức Hồng Y Prevost nói.

Đồng thời, Đức Hồng Y Prevost cho biết thêm, phụ nữ đang liên tục đảm nhận các vai trò lãnh đạo mới cả ở Vatican lẫn các bộ phận khác của Giáo hội, đồng thời lưu ý rằng Đức Thánh Cha Phanxicô gần đây đã bổ nhiệm Nữ tu Simona Brambilla làm Thư ký của Bộ Tu sĩ.

“Tôi thiết nghĩ sẽ có sự thừa nhận liên tục về thực tế là phụ nữ có thể đóng góp rất nhiều vào đời sống của Giáo hội ở nhiều cấp độ khác nhau”, Đức Hồng Y Prevost nói.

Bình luận của Đức Hồng Y Prevost được đưa ra sau khi hãng tin RNS đưa tin rằng “một ‘nhóm’ nữ tu ủng hộ việc truyền chức cho phụ nữ, và đặc biệt là các nữ Phó tế, đã thành lập tại Thượng hội đồng… chủ yếu đến từ Châu Mỹ Latinh và một số từ Châu Âu”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tái khẳng định việc phụ nữ không thể trở thành Linh mục, hoặc thậm chí là Phó tế của Giáo hội hiện đại, trong một cuộc phỏng vấn cho một cuốn sách được xuất bản ở Ý tuần này.

Đức Thánh Cha nói: “Việc phụ nữ không được tiếp cận đời sống mục vụ không phải là một sự tước đoạt bởi vì vị thế của họ quan trọng hơn nhiều”.

“Giáo hội Luther truyền chức cho phụ nữ, nhưng vẫn có ít người đến nhà thờ”, Đức Thánh Cha nói. “Các Linh mục của họ có thể kết hôn, nhưng mặc dù vậy họ không thể gia tăng số lượng Linh mục. Vấn đề là văn hóa. Chúng ta không nên ngây thơ và nghĩ rằng những thay đổi lập trình sẽ mang lại cho chúng ta giải pháp”.

Đức Tổng Giám mục Timothy Broglio, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ và Tổng Giám mục của Tổng Giáo phận Quân đội Hoa Kỳ, cũng đã nói về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội tại cuộc họp báo của Thượng Hội đồng.

Suy tư về “ảnh hưởng to lớn” mà các nữ tu đã có đối với nền giáo dục ở Hoa Kỳ và các nơi khác, Đức Tổng Giám mục Broglio nói: “Tôi thiết nghĩ giả định rằng bởi vì tất cả các vai trò đều không do phụ nữ đảm nhiệm ở mọi cấp độ [và] do đó họ không có ảnh hưởng là sai lầm”.

Bà Nora Kofognotera Nonterah, Giáo sư thần học ở Ghana, chia sẻ rằng theo kinh nghiệm của mình tại Thượng Hội đồng về Hiệp hành, bà “cảm thấy được lắng nghe với tư cách là một giáo dân, một phụ nữ và là một người Châu Phi trong một Giáo hội… chưa có cơ hội làm phong phú thêm chính mình với tiếng nói và trí tuệ từ phụ nữ, từ giáo dân, và từ người Châu Phi”.

Bà Nonterah là một trong 54 phụ nữ tham gia Thượng Hội đồng vào tháng này với tư cách là đại biểu có quyền bỏ phiếu.

“Trong những ngày này, tôi xác quyết chắc rằng Giáo hội của chúng ta phải sẵn sàng ngồi dưới chân phụ nữ, đặc biệt là các nữ giáo dân đến từ miền Nam toàn cầu, để học cách đổi mới khả năng sáng tạo của Giáo hội”, bà Nonterah nói.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết