Đức Hồng Y Pizzaballa: ‘Chúng tôi sát cánh bên những người làm những việc tốt đẹp trong đêm u tối này’

Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ nghi lễ Latinh của Giêrusalem , tại Gaza (Ảnh: Vatican News)

Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ nghi lễ Latinh của Giêrusalem, tại Gaza (Ảnh: Vatican News)

Đức Hồng Y Thượng phụ nghi lễ Latinh của Giêrusalem nói về thời điểm đầy kịch tính ở Thánh địa và việc tìm ra lối thoát khó khăn như thế nào.

“Thời điểm này cực kỳ đau đớn, chúng tôi đang trải qua một đêm rất dài. Nhưng chúng tôi cũng biết rằng đêm đen sẽ chấm dứt. Đó là lúc Giáo hội phải làm việc cùng với tất cả những ai sẵn sàng làm điều gì đó tốt đẹp cho mọi người…”. Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, khi đi ghé thăm Rôma, đã có cuộc trò chuyện với Truyền thông Vatican về tình hình ở Israel, Gaza và Bờ Tây.

Tình hình những ngày này ở Israel và đặc biệt là ở Gaza như thế nào?

Tình hình không có nhiều thay đổi so với những tháng vừa qua, có lúc thăng lúc trầm. Gaza hiện bị chia cắt giữa miền bắc và miền nam, Rafah và thành phố Gaza. Đã có thời kỳ viện trợ nhân đạo được chuyển đến nhiều hơn, đặc biệt là ở miền Bắc. Giờ đây mọi chuyện lại trở nên phức tạp hơn một chút. Ví dụ như thịt bị thiếu. Nước là một vấn đề, và có thể nói rằng, nhìn chung, tình hình vẫn rất xấu đi và rất khó tìm ra lối thoát. Đối với tôi, dường như các cuộc đàm phán không dẫn đến bất cứ điều gì và các bên thực sự mong muốn đạt được sự ký kết. Và đây là những gì được nhận thấy, đồng thời cũng lưu ý đến mặt trận Lebanon đang ngày càng nóng lên. Triển vọng chẳng mấy khả quan.

Có bao nhiêu nạn nhân? Một số người đặt câu hỏi về số liệu được cung cấp, nhưng những hình ảnh được cung cấp cho thấy sự tàn phá…

Sự tàn phá. Thành phố Gaza bị phá hủy nên nạn nhân rất nhiều. Thật khó để đưa ra con số, nhưng con số này không thể kể xiết, và điều này là hiển nhiên. Có một thực tế là thương vong của dân thường luôn rất nhiều.

Làm thế nào có thể xây dựng lại cơ cấu xã hội và sự chung sống, có tính đến những sự việc đã xảy ra, nhưng đồng thời khắc phục những gì đã xảy ra?

Tôi thiết nghĩ hãy còn quá sớm để nói về điều này, hiện tại đang có một cuộc chiến tranh và những tổn thương. Sẽ mất thời gian để hiểu mức độ tổn thương đã ảnh hưởng đến mọi người và hậu quả của nó. Việc tái thiết sẽ là cần thiết. Có một sự quyết tâm xây dựng lại mọi thứ, tôi cảm nhận rất rõ điều này. Nhưng bằng cách nào, với tiêu chí nào và với ai? Vẫn còn quá sớm để nói điều đó.

Và tình hình ở Bờ Tây thế nào?

Bờ Tây luôn có nguy cơ nổ tung, các vấn đề xảy ra liên tục, gần như hàng ngày, đặc biệt là ở một số khu vực phía bắc, khu vực Jenin và Nablus. Các cuộc đụng độ giữa những người định cư và cư dân của các ngôi làng Ả Rập diễn ra liên tục, điều này đang tạo ra tình trạng tiêu hao sinh lực sẽ chẳng dẫn đến điều gì tốt đẹp.

Đức Hồng Y đã đề cập đến việc mở mặt trận phía bắc trước đó. Chúng ta đã chứng kiến ​​một cuộc tranh luận cực kỳ sôi nổi ở Israel về triển vọng tương lai. Có thể mong đợi điều gì?

Cuộc tranh luận nội bộ tồn tại ở Israel cũng như ở Lebanon: không ai muốn chiến tranh nhưng dường như không ai có thể ngăn chặn được nó, và đây chính là vấn đề. Tất nhiên, nếu mặt trận phía bắc mở ra, đó chắc chắn sẽ là một thảm kịch, đặc biệt đối với Lebanon, nơi có nguy cơ trở thành một Gaza khác, ít nhất là ở khu vực phía nam. Tôi không phải là chuyên gia về các vấn đề quân sự, nhưng tình hình vẫn cực kỳ căng thẳng, luôn có nguy cơ leo thang hơn nữa.

Cuộc sống của người Kitô hữu như thế nào trong bối cảnh như vậy?

Các Kitô hữu không phải là một dân tộc riêng biệt, họ trải qua những gì những người khác phải trải qua. Thật không may, chúng ta biết tình hình ở Gaza, nhưng mọi thứ quả thực vô cùng bất ổn ở Bờ Tây, đặc biệt là từ quan điểm kinh tế. Đã xảy ra tình trạng tê liệt, việc làm khan hiếm hoặc không tồn tại, và điều này làm cho triển vọng di cư ngày càng trở nên hấp dẫn, đáng tiếc là đặc biệt đối với các Kitô hữu.

Hãy hướng đến thời kỳ hậu chiến. Cộng đồng quốc tế có thể làm gì? Ai có thể giúp đỡ nhiều nhất để đạt được hòa bình?

Đối với tôi, việc tạo dựng hòa bình vào thời điểm này dường như là một mục tiêu quá xa vời. Hiện nay, chính trị và cộng đồng quốc tế phải nỗ lực chủ yếu để ngăn chặn xung đột. Để đạt được hòa bình và đạt được những triển vọng chính trị nghiêm túc hơn chắc chắn sẽ phải mất một thời gian dài. Cộng đồng quốc tế phải tìm cách khiến Israel và Hamas chấm dứt xung đột và đạt được lệnh ngừng bắn, đại diện cho bước đầu tiên hướng tới một điều gì đó nhất quán, vững chắc và ổn định hơn.

Kết quả của cuộc bầu cử tiếp theo của Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng đến viễn tượng này…

Chắc chắn cuộc bầu cử của Mỹ sẽ có ảnh hưởng. Tuy nhiên, tôi tin rằng các giải pháp phải được tìm ra ở địa phương, giữa hai bên, giữa Israel và Hamas.

Viện trợ có thể tiếp cận Gaza không?

Công việc đang được thực hiện để đạt được hiệu quả này, Tòa Thượng phụ nghi lễ Latinh cũng cam kết tiếp nhận viện trợ. Nngày 26 tháng 6, lô hàng viện trợ đầu tiên gồm vài tấn thực phẩm và nhu yếu phẩm cơ bản sẽ được chuyển đến. Có rất nhiều việc cần phải thực hiện, có hơn hai triệu người.

Tòa Thượng phụ Latinh ở Giêrusalem xem xét những sự việc đang xảy ra như thế nào? Quan điểm của người có đức tin khi đối mặt với tất cả những điều này là gì?

Hy vọng là nữ tử của đức tin. Khoảnh khắc này thật đau đớn, chúng tôi đang phải trải qua một đêm rất dài. Nhưng chúng tôi cũng biết rằng đêm đen sẽ kết thúc. Đó là lúc Giáo hội phải hiện diện tại vùng lãnh thổ này, gần gũi và làm việc cùng với tất cả những ai sẵn sàng làm điều gì đó tốt đẹp cho mọi người. Khi người ta dựng lên những rào cản chống lại nhau, Giáo hội phải luôn dang rộng bàn tay ra cho người khác. Đây là nhiệm vụ của chúng ta nảy sinh từ kinh nghiệm đức tin của chúng ta, đó là điều chúng ta được mời gọi thực hiện vào lúc này.

Ngài có cảm nhận được sự đồng hành của Giáo hội hoàn vũ không?

Vâng, Đức Thánh Cha luôn hết sức gần gũi với chúng tôi và tiếp tục thể hiện sự gần gũi đó. Cũng như nhiều Giáo phận toàn khắp thế giới.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết