Đức Hồng y Pierbattista Pizzaballa: Hòa bình đòi hỏi sự công nhận “người khác”

Đức Thượng phụ nghi lễ La tinh của Giêrusalem, Đức Hồng y Pierbattista Pizzaballa, đã đưa ra lời kêu gọi cấp bách trong cuộc họp tại Ý.

Đức Hồng y Pierbattista Pizzaballa, Đức Thượng phụ nghi lễ Latinh ở Giêrusalem (Ảnh: AHMAD GHARABLI | AFP)

Đức Hồng y Pierbattista Pizzaballa, Đức Thượng phụ nghi lễ Latinh ở Giêrusalem (Ảnh: AHMAD GHARABLI | AFP)

Yếu tố nguy hiểm ẩn sau cuộc chiến đang diễn ra giữa Israel và Hamas là não trạng người Do Thái và người Palestine phủ nhận sự tồn tại của nhau, Đức Thượng phụ nghi lễ Latinh ở Giêrusalem cho biết.

“Những gì chúng ta đang thấy hiện nay là ‘Tôi chứ không phải ai khác’, … ngôn ngữ của việc người này từ chối người kia. Nó đã trở thành nội dung hàng ngày mà anh chị em tiếp nhận trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, v.v.”, Đức Hồng y Pierbattista Pizzaballa phát biểu tại một cuộc họp thường niên được tổ chức tại Rimini, Ý.

Đức Hồng y Pizzaballa cho biết rằng ngay cả khi chiến tranh kết thúc, vẫn còn một thách thức lớn để khôi phục nền hòa bình lâu dài. Việc xây dựng lại từ thái độ phủ nhận sự tồn tại của người khác, của lòng căm thù và sự ngờ vực, sẽ là một “nỗ lực to lớn mà mọi người sẽ cần phải cam kết”, theo Đức Hồng y Pizzaballa, Thượng phụ nghi lễ Latinh tại Giêrusalem và chịu trách nhiệm coi sóc một cộng đồng Kitô giáo nhỏ bé ở Thành phố Gaza trong bối cảnh cuộc xung đột tàn khốc.

Đức Hồng y Pizzaballa là diễn giả chính tại một cuộc họp Công giáo cấp cao thường niên được gọi một cách thông tục là “Hội nghị Rimini”. Cuộc họp này được tài trợ bởi Phong trào Hiệp thông và Giải phóng.

Trong phiên hỏi đáp vào ngày đầu tiên của Hội nghị, Đức Hồng y Pizzaballa đã thảo luận về ơn gọi của mình với tư cách là một tu sĩ Dòng Phanxicô, điều mà ngài đã khám phá ra khi còn là một đứa trẻ lớn lên ở vùng Bergamo của Ý. Sau khi gia nhập Dòng Anh em Hèn mọn, thầy Pizzaballa được gửi đến học Kinh Thánh ở Giêrusalem, một trải nghiệm đưa ngài từ một nơi mà mọi người “là người Công giáo từ trước khi bạn được sinh ra” đến một hoàn cảnh mà trong đó ngài là một người thuộc nhóm thiểu số.

Đức Hồng y Pizzaballa nói rằng ngài và những anh em tu sĩ khác theo học tại một trường Kinh Thánh đã kết bạn với những sinh viên Do Thái Chính thống, và họ cùng nhau đọc Tin Mừng và thảo luận về Kitô giáo. Pizzaballa đã kết bạn với một người đã hỏi ngài về sự Phục sinh. Chàng tu sĩ trẻ người Ý này đột nhiên nhận ra rằng mình không thể đưa ra lời giải thích cho một người không thuộc đức tin của mình. Thầy Pizzaballa coi đó là dấu hiệu cho thấy giá trị của đối thoại liên tôn, giúp ngài củng cố đức tin của mình.

Sự cần thiết của đối thoại ở cấp độ cơ sở

Ngày nay tại Thánh địa, Đức Hồng y Pizzaballa than phiền, đối thoại liên tôn đang trong cơn khủng hoảng, vì các nhà lãnh đạo của 3 tôn giáo theo truyền thống Abraham không thể gặp gỡ nhau công khai. Đức Hồng y Pizzaballa thúc giục một sự nỗ lực mới cho cuộc đối thoại như vậy, nhưng đề xuất rằng nó nên diễn ra nhiều hơn ở cấp cơ sở hơn là giữa “giới tinh hoa”.

Cuộc chiến hiện tại, bắt đầu sau khi Hamas xâm lược Israel, khiến 1.200 người thiệt mạng và 200 người bị bắt làm con tin, đã gây ra cái chết của 40.000 người Palestine, chính quyền Palestine tuyên bố. Đức Hồng y Pizzaballa nói rằng “chẳng ai chờ đợi các Kitô hữu giải quyết vấn đề”.

“Về mặt chính trị, chúng ta ít nhiều không liên quan”, Đức Hồng y Pizzaballa nói. Nhưng điều quan trọng là Giáo hội vẫn hiện diện ở đó, để hỗ trợ mọi người và có khả năng lên tiếng, bởi vì khi xảy ra một cuộc khủng hoảng, điều đầu tiên mọi người hỏi là ‘Bạn đã ở đâu?’ Và câu trả lời là ‘Tôi đã hiện diện ở đó’”.

Cộng đồng nhỏ bé của chúng tôi ở Gaza không chỉ ngồi đó nhìn vẩn vơ, chờ đợi chiến tranh kết thúc mà còn tìm cách giúp đỡ, với sự hỗ trợ của chúng tôi”, Đức Hồng y Pizzaballa nói. “Một điều nữa, từ mà Đức Giáo hoàng Phanxicô thường dùng là parousia, nghĩa là ‘hiện diện’. Chúng ta không thể giải quyết vấn đề, nhưng chúng ta có thể đưa ra lời chân lý, với tư cách là những người có thể nhìn thấy những gì đang xảy ra và không phải là một phần của cuộc xung đột. Tôi thiết nghĩ đây là vai trò mà Giáo hội có thể đảm nhiệm”.

Minh Tuệ (theo Aleteia)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết