Đức Hồng y Parolin với người nghèo tại Kinshasa: "Anh chị em đã đi từ cõi chết sang cõi sống"

Đức Hồng y Pietro Parolin chào đón một phụ nữ Congo

Đức Hồng y Pietro Parolin chào đón một phụ nữ Congo

Vào ngày thứ hai tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Đức Hồng y Pietro Parolin đã chia sẻ sự gần gũi của Đức Thánh Cha Phanxicô với các Dòng tu địa phương và những người nghèo mà họ giúp đỡ, đồng thời cho biết rằng họ là bằng chứng cho thấy tình yêu thương “không bao giờ cạn kiệt mà chỉ nhân lên”.

Cách đây nhiều năm, vào một buổi sáng Thứ Bảy Tuần Thánh, các Nữ tu Trợ thế Thánh Tâm Chúa Giêsu đã phát hiện một người tên là Guy nằm bên ngoài cửa nhà của họ. Cơ thể anh ta đầy ruồi bu kín và lở loét; cha mẹ anh đã bỏ rơi anh trên đường phố, cáo buộc anh là phù thủy sau khi hai người anh trai của anh lần lượt qua đời chỉ trong vài ngày. Guy đã bị đánh đập tơi tả, và bị tạt nước sôi vào người. Giờ đây, Guy dạy tiếng Pháp cho những người trẻ tuổi, và cầu xin những lời cầu nguyện cho sự ăn năn hoán cải của gia đình mình.

Những câu chuyện về sự từ chối và đau khổ

Vào chiều Chủ nhật, Guy đã mỉm cười khi gặp gỡ Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Vatican, tại Tòa Khâm sứ Tòa Thánh ở Kinshasa, cùng với một nhóm các Dòng tu địa phương và những người mà họ hỗ trợ.

Sau Thánh lễ ban sáng tại thủ đô Cộng hòa Dân chủ Congo, Đức Hồng Y Parolin đã dành cuộc gặp gỡ cuối cùng tại đất nước cho những người nghèo và bệnh tật, đồng thời mang sự quan tâm và lo lắng của Đức Thánh Cha đến với những người cao niên, trẻ em, các bà mẹ đơn thân, các cặp vợ chồng và thanh thiếu niên phải trải qua đau khổ.

Mỗi người trong số họ đều phải chịu đựng một số hình thức từ chối và kỳ thị của xã hội, bệnh tật, khuyết tật, hoặc bị bỏ rơi, thậm chí ngay cả bởi chính gia đình của họ, giống như Guy.

Đức Hồng Y Parolin đã tìm cách cung cấp sự hỗ trợ của Giáo hội cho họ và cho các Tu sĩ nam nữ, những người cung cấp cho họ thực phẩm, sự chăm sóc y tế và tình yêu thương.

Đức Hồng Y Parolin chào đón hai thiếu nữ Congo

Đức Hồng Y Parolin chào đón hai thiếu nữ Congo

‘Từ nỗi buồn đến niềm vui’

Đức Hồng Y Parolin nhắn nhủ những người có mặt rằng tất cả những người này đều là những con người “đã đi từ cõi chết sang cõi sống, từ sự tủi nhục đến phẩm giá, từ nỗi buồn đến niềm vui”.

Đức Hồng Y Parolin đã trao những nụ cười, những cái bắt tay và ban phép lành cho những người đàn ông và phụ nữ ngồi trên xe lăn, và chạm nhẹ vào má những người trẻ tuổi.

Đổi lại, Đức Hồng Y Parolin đã nhận được lòng biết ơn, những bài hát và một chiếc vòng cổ kết từ hoa hồng tím – một món quà đặc trưng của Ấn Độ – được các Nữ tu Dòng Thừa Sai Bác Ái đeo quanh cổ ngài.

Những câu chuyện về việc phục vụ người nghèo

Là một phần của cuộc gặp gỡ, đại diện của các Dòng tu khác nhau đã kể những câu chuyện về công việc phục vụ của họ.

Sơ Marie Chimene, cùng với các Nữ tu Dòng Nữ Tử Thánh Giuse Genoni, đã phát biểu trước, kể về việc Hội Dòng của mình giúp đỡ những đứa trẻ đường phố địa phương, những người mà họ muốn gọi là “con cái của Thiên Chúa”.

Các Nữ tu bước ra bên ngoài để tìm kiếm những đứa trẻ này trên đường phố Kinshasa và mang chúng về để cho chúng một mái ấm.

“Những đứa trẻ này không còn nhà cửa hay gia đình, bởi vì chúng đã bị đuổi ra khỏi nhà hoặc vì những lý do khác mà chúng tôi không phải lúc nào cũng biết, vì có những đau khổ khôn xiết khiến chúng không thể nói ra. Một số thậm chí đã bị bắt cóc và sau đó bị bỏ rơi”, Sơ Marie giải thích. “Chúng tôi cố gắng cung cấp cho chúng những bữa ăn nóng thường xuyên, huấn luyện cách vệ sinh và cách cư xử, và chúng tôi cũng dạy chúng cầu nguyện”.

Sơ Marie kể câu chuyện về Mordecai, người bắt đầu sống trên đường phố từ năm 11 tuổi nhưng giờ đây, ở tuổi 14, ước mơ trở thành phi công, và câu chuyện của Marthe và Nathalie, hai chị em cùng huyết thống bị mẹ ruồng bỏ trên vỉa hè đường phố.

Đức Hồng Y Parolin chào đón một phụ nữ được hỗ trợ bởi các Nữ tu Dòng Thừa Sai Bác Ái

Đức Hồng Y Parolin chào đón một phụ nữ được hỗ trợ bởi các Nữ tu Dòng Thừa Sai Bác Ái

Giúp đỡ những người bị cáo buộc là phù thủy

Một Hội Dòng khác giúp đỡ mọi người trên đường phố là các Nữ tu Trợ thế Thánh Tâm Thánh Tâm Chúa Giêsu, những người bị gọi là “những thầy phù thủy”. Những “thầy phù thủy” này bị cáo buộc có liên quan đến phép thuật phù thủy, thậm chí ngay cả khi một đứa bé không thể đi lại bình thường, và thường bị gia đình bỏ rơi.

Các Nữ tu đã thành lập Trung tâm Telema, trong đó Guy được đề cập ở trên là một thành viên. Josephine là một thành viên khác, người đã sống lang thang trên đường phố sau khi bị suy nhược thần kinh và không tắm trong nhiều năm, mặc quần áo rách rưới và lục lọi đồ ăn từ các thùng rác.

“Một ngày nọ, một trong các Nữ tu của chúng tôi đã gặp Josephine, đưa em đến với cộng đoàn của chúng tôi có tên là Bethany, chăm sóc em, và sau đó đưa em đến Telema. Một tháng sau, Josephine đã mỉm cười trở lại và có lại được phẩm giá con người của mình. Ba tháng sau, Josephine được tái hòa nhập với gia đình; giờ đây, em đã có được một công việc kinh doanh nhỏ”.

“Ông bà” của các Nữ tu Dòng Tiểu Muội Bần Cùng

Sơ Claudia Nicoli, một Nữ tu gốc Ý, đã nói về các Nữ tu Dòng Tiểu Muỗi Bần Cùng đã phục vụ tại Cộng hòa Dân chủ Congo từ năm 1952.

Sơ Claudia đã kể lại việc 6 trong số các Nữ tu trong cộng đoàn của mình qua đời vì Ebola ở Kikwit vào năm 1995.

“Khi dịch bệnh bắt đầu, hai Nữ tu trong số họ ở Kinshasa đã đến Kikwit (cách đó 500 km), nhận thức rõ rằng họ có thể chết. Các nhân viên nói với họ: ‘Nếu các chị đi, các chị có thể chết’. Họ trả lời: ‘Thiên Chúa đã làm gì cho chúng ta?’”.

Các Nữ Tu Người Nghèo cũng đã điều hành một mái ấm trong suốt 46 năm để tiếp nhận những người bị người khác từ chối, đặc biệt là trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ mồ côi, người vô gia cư và người già.

“Nghèo đói đã khiến xã hội trở nên mất nhân tính”, Sơ Claudia nói. “Những người trẻ tuổi, những người đau yếu bệnh tật và người già không có gì để cung cấp cho gia đình của họ bị gạt ra bên lề và bị bỏ rơi. Trong mái ấm của chúng tôi, họ được chào đón như những người thân”.

Các Nữ tu Dòng Thừa sai Bác ái tại Tòa Khâm Sứ

Các Nữ tu Dòng Thừa sai Bác ái tại Tòa Khâm Sứ

Chứng tá của các Nữ tu Dòng Thừa sai Bác ái

Các Nữ tu Dòng Thừa sai Bác ái đã được Mẹ Têrêsa cử đến Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1987, người đã vô cùng xúc động trước những bất hạnh mà Mẹ gặp phải ở đất nước này, đã mở 2 mái ấm dành cho những người phải chịu đựng “đủ mọi hình thức nghèo khổ”.

Các Nữ tu đã giới thiệu với Đức Hồng Y Parolin một thanh niên được tìm thấy khi anh ta 18 tuổi khỏa thân đi lang thang trên đường phố, cơ thể đầy những vết thương. “Anh ta cực kỳ hung hăng, phá phách các băng ghế và khiến mọi người sợ hãi. Dần dần anh ta bình tĩnh lại và bắt đầu trò chuyện”.

Được một Tu sĩ tiếp nhận, giờ đây anh đã “hoàn toàn thay đổi”, sống trong một mái ấm, chơi nhạc trong Thánh lễ Chúa nhật, làm việc trong một công ty bất động sản, và sắp kết hôn.

Đức Hồng Y Parolin đã chào đón và chúc lành cho Martine, người mà các Nữ tu Dòng Thừa sai Bác ái tìm thấy trong một hộp các tông, và Kizito, một cậu bé mắc hội chứng tăng động năm nay 14 tuổi được tiếp nhận khi chỉ mới 9 tuổi. “Cậu bé thường nói không ngừng nghỉ trong nhiều giờ và rất khó kiểm soát. Hiện tại cậu bé đã có thể làm một số công việc nhà”.

Một bài hát tạ ơn được gửi đến Đức Hồng y Parolin

Một bài hát tạ ơn được gửi đến Đức Hồng y Parolin

Trung tâm ‘Giấc mơ’ của Cộng đồng Sant’Egidio

Cuối cùng, đại diện của Cộng đồng Sant’Egidio đã chia sẻ với Quốc Vụ Khanh Vatican về Dự án ‘Giấc mơ’ dành cho các bệnh nhân HIV của họ. Nhờ một trung tâm chăm sóc được thành lập vào năm 2011, hơn 1.700 người bị AIDS, suy dinh dưỡng, tăng huyết áp, tiểu đường, sốt rét và lao đang được điều trị miễn phí.

Trong thời kỳ cao điểm của đại dịch Covid-19, Trung tâm vẫn mở cửa và các phòng thí nghiệm của nó được sử dụng để chẩn đoán virus hoặc thu thập mẫu. Các tình nguyện viên hiện đang tham gia cùng với nhân viên y tế trong một chiến dịch tiêm chủng và nâng cao nhận thức rộng rãi ở các chợ, bến cảng và trung tâm y tế.

Đức Hồng Y Parolin xúc động một cách rõ ràng

Đứng trên sàn và phát biểu với sự xúc động một cách rõ ràng, Đức Hồng Y Parolin nhắn nhủ tất cả những người này rằng ngài sẽ mang câu chuyện của họ để trình bày với Đức Thánh Cha Phanxicô.

“Tôi chắc chắn sẽ mang tên tuổi và khuôn mặt của anh chị em đến với Đức Thánh Cha Phanxicô, xin Ngài nhớ đến anh chị em trong lời cầu nguyện, tạ ơn Chúa vì những điều kỳ diệu mà Ngài đã thực hiện nơi anh chị em”.

“Giáo hội hoàn vũ cảm ơn anh chị em và khuyến khích anh chị em kiên trì nỗ lực, ngay cả khi phải trả giá bằng những khó khăn và thất bại rõ ràng”, Đức Hồng Y Parolin nói. “Trong cuộc sống hàng ngày của anh chị em, anh chị em trải nghiệm cách tình yêu thương, khi được phân phát, không bị chia cắt và không cạn kiệt, nhưng được nhân lên và lớn lên”.

“Tên của anh chị em giống như rất nhiều nốt nhạc đẹp trong khúc ca tạ ơn mà chúng ta phải dâng lên Thiên Chúa mỗi ngày”, Đức Hồng Y Parolin cho biết thêm. “Ngay khi anh chị em nghĩ rằng tất cả có thể mất đi, ánh sáng và sự sống nảy sinh trong nỗi đau của anh chị em và biến đổi mọi thứ. Tất nhiên, không phải mọi thứ đều màu hồng và anh chị em vẫn phải đối mặt với những khoảnh khắc khó khăn, có lẽ nhiều lo lắng và sợ hãi về tương lai. Nhưng Thiên Chúa đã mở ra một con đường mới cho mỗi người trong anh chị em; Ngài đã đặt anh chị em đứng lên trên đôi chân của anh chị em, và mời anh chị em tiếp tục bước đi với Ngài. Ngài đã mở rộng đôi bàn tay của Ngài với anh chị em, vì vậy, đừng buông tay”.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube