Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã gửi một thông điệp video tới Diễn đàn Toàn cầu về Hòa bình Hàn Quốc (KGFP), trong đó ngài đề cập vai trò của các Giáo hội trong việc thúc đẩy hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Mặc dù công lý đòi hỏi chúng ta không vi phạm quyền của người khác nhưng phải cung cấp cho họ quyền của họ, nhưng bác ái khiến chúng ta cảm thấy nhu cầu của người khác như của chính mình. Điều này thúc đẩy sự hợp tác hiệu quả và tinh thần hữu nghị. Do đó, hòa bình thực sự có thể được thiết lập trên thế giới khi công lý được thực hiện nơi lòng bác ái hoặc tình yêu thương.
Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng y Pietro Parolin, đã đưa ra lập luận này trong một thông điệp video hôm thứ Ba gửi tới “Diễn đàn Toàn cầu Hàn Quốc vì Hòa bình” (KGFP), một sự kiện thường niên mà Bộ Thống nhất Hàn Quốc tổ chức hàng năm, trong đó các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và các quan chức chính phủ đến từ hơn 20 quốc gia tham gia. Chủ đề của KGFP năm nay, từ ngày 31 tháng 8 đến ngày 2 tháng 9, là “Tầm nhìn mới cho quan hệ liên Triều và cộng đồng: Vì hòa bình, kinh tế và cuộc sống”. Do đại dịch, sự kiện đang được tổ chức trực tuyến.
Hôm thứ Ba, nhà ngoại giao hàng đầu của Vatican đã trình bày một bài báo dài về “Vai trò của các Giáo hội trong việc Thiết lập Hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên”, đưa ra các nguyên tắc, các giá trị và lý tưởng từ truyền thống của Giáo hội và Tin Mừng vốn có thể giúp mang lại hòa bình và hòa giải trên bán đảo.
Chào đón, đồng hành, lắng nghe
Theo Đức Giáo hoàng Phaolô VI, con người và các quốc gia phải gặp gỡ nhau với tư cách là anh chị em của nhau, với tư cách là con cái Thiên Chúa, và cùng nhau xây dựng tương lai chung của nhân loại, nhằm tạo ra những điều kiện cho sự phát triển toàn diện của nhân loại dựa trên tinh thần liên đới. Đức Hồng Y Parolin chỉ ra rằng quá trình này được thúc đẩy bởi các hành động chào đón, đồng hành và lắng nghe.
Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả việc chào đón người khác như là sự gần gũi, sự cởi mở đối thoại, sự kiên nhẫn và một lòng tốt không lên án. Nó có nghĩa là tạo không gian cho tất cả những điều này trong cuộc sống của chúng ta và sẵn sàng chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của chúng ta, giúp xây dựng các mối quan hệ đích thực.
Giải thích về sự cần thiết của sự đồng hành, Đức Hồng Y Parolin cho biết rằng không thể có sự phát triển hài hòa của xã hội ở tất cả mọi khu vực trừ khi chúng ta thực hiện các chiến lược chung trong các tình huống cụ thể, nhằm mục đích tôn trọng sự sống con người và phẩm giá của mỗi người và sự đồng hành tiến bộ của con người.
Lắng nghe và đối thoại
Hành động lắng nghe hoặc đối thoại liên quan đến việc dành thời gian quý báu và sự chú ý một cách có ý thức để giải mã một cách cẩn thận các tín hiệu mà chúng ta đang nhận được.
Đức Hồng Y Parolin cho biết rằng việc lắng nghe giúp giải quyết các cuộc xung đột, hòa giải văn hóa và xây dựng hòa bình trong các cộng đồng và các nhóm. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, đối thoại giúp chúng ta hiểu và đánh giá cao nhu cầu của người khác, đồng thời nuôi dưỡng nơi chúng ta thái độ lắng nghe và cởi mở với quan điểm xác đáng của người nói.
Đức Hồng Y Parolin cho rằng đối thoại là một dấu hiệu tuyệt vời của sự tôn trọng vì nó giúp mọi người hiểu và đánh giá cao nhu cầu của nhau. Đối thoại trở thành một biểu hiện của lòng bác ái, vì nó có thể giúp chúng ta tìm kiếm và chia sẻ công ích mà không bỏ qua những khác biệt và không làm cho quan điểm của chúng ta chiếm ưu thế hơn quan điểm của người khác.
Liên quan đến tầm nhìn mới về mối quan hệ trên bán đảo Triều Tiên, vị Hồng y 66 tuổi đã đưa ra hình ảnh của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, người luôn nhấn mạnh các giá trị phổ quát gắn kết mọi người lại với nhau. Đức Gioan XXIII luôn tìm kiếm những điều tốt đẹp hiện hữu nơi mỗi con người và xã hội, đồng thời thiết lập một cuộc đối thoại dựa trên sự tôn trọng và công nhận lẫn nhau, khắc phục tư tưởng hẹp hòi vốn tạo nên sự chia rẽ. Việc tin tưởng rằng có một số tính tốt nơi mỗi người, đã khiến ngài tìm kiếm trước tiên những điều dẫn đến sự hiệp nhất thay vì những điều chia rẽ. Đây là nền tảng của đối thoại, Đức Hồng y Parolin nói, và đây là điều đã cho phép Đức Giáo hoàng Gioan XXIII giúp giải quyết một cách ôn hòa cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.
Hòa bình, công lý, bác ái
Theo Công đồng Vatican II, Đức Hồng y Parolin giải thích, hòa bình không chỉ là việc không có chiến tranh hay sự cân bằng quyền lực giữa các lực lượng đối lập. Không thể có hòa bình trừ khi phúc lợi của con người được bảo vệ và mọi người chia sẻ với nhau sự phong phú về trí óc và tài năng của họ một cách tự do và trên tinh thần tin cậy lẫn nhau. Như vậy, hòa bình cũng là hoa trái của tình yêu, vì tình yêu vượt lên trên những gì công lý có thể đạt được.
Chúng ta cũng có thể nói rằng hòa bình chính là tình bằng hữu và lòng nhân từ. Theo Khổng Tử, Đức Hồng y Parolin chỉ ra, lòng nhân từ có nghĩa là không áp đặt lên người khác những điều mình không mong muốn, một nguyên tắc gần gũi với giới luật Kitô giáo: “Anh em hãy yêu thương người lân cận như chính mình” (Mt 22:39).
Dẫn lời Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Đức Hồng y Parolin cho biết rằng để hòa bình thực sự được thiết lập trên thế giới, công lý phải được thực hiện nơi lòng bác ái, tức là tình yêu thương. Đây là lý do tại sao ngài nhắc nhở tất cả mọi người rằng sự tha thứ là điều cần thiết để giải quyết các vấn đề của cá nhân và dân tộc. Chỉ một nhân loại mà ở đó, nền văn minh của tình yêu đang ngự trị, mới có thể tận hưởng nền hòa bình đích thực và lâu dài.
Tình bằng hữu
Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, tình bằng hữu còn có một chiều kích xã hội dựa trên sự liên đới và tính hỗ tương.
Đây chính là điều Đức Thánh Cha Phanxicô muốn nói đến khi mà giữa bối cảnh của sự tàn phá của Covid-19, tại Quảng trường Thánh Phêrô vắng vẻ vào ngày 27 tháng 3 năm 2020, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng tất cả chúng ta đang ở trên cùng một con thuyền, mong manh vô định và mất phương hướng, nhưng tất cả chúng ta đều cần đến nhau, vì không ai được cứu một mình.
Trong Thông điệp về Tinh thần huynh đệ và tình bạn xã hội, “Fratelli Tutti”, Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả đối thoại là việc tiếp cận, nói, nghe, nhìn, để hiểu biết và thông cảm lẫn nhau, và đồng thời tìm ra điểm chung. Những cuộc đối thoại như vậy của nhiều người quảng đại vị tha, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết, sẽ giúp các gia đình và các cộng đồng gắn bó với nhau, không gây ra những điều xào xáo.
Kết luận, Đức Hồng Y Parolin nhắn nhủ với KGFP rằng để có được nền hòa bình đích thực trên thế giới, công lý phải được thực hiện nơi tinh thần bác ái và mọi người phải tìm kiếm những thứ gắn kết họ hơn là những thứ gây chia rẽ. Nhấn mạnh về sự cần thiết của tình bằng hữu và tinh thần huynh đệ trên thế giới, Đức Giáo hoàng Phaolô VI nhần mạnh rằng chúng ta phải nhận ra nơi người khác không phải là một người xa lạ, một đối thủ, một điều phiền nhiễu, hay một kẻ thù, mà là những con người như chính chúng ta, đáng được tôn trọng, quý mến, đáng nhận được sự trợ giúp và tình yêu thương.
Minh Tuệ (theo Vatican News)