Đức Hồng y Parolin: Tôn trọng các quyền con người là bước đầu tiên để giải quyết cuộc khủng hoảng

Tòa Thánh hy vọng rằng cuộc khủng hoảng ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể được xử lý theo luật pháp. Đức Hồng Y tái khẳng định rằng Syria cần một giải pháp thương lượng và hòa bình để chấm dứt sự đau khổ của người dân. Các sự kiện ở Nice? “Một biểu hiện của sự hận thù thuần túy, chúng ta phải làm việc để giúp đỡ các dân tộc và mọi người chấp nhận nhau, chúng ta phải ưu tiên cho phẩm giá của con người”

20160720 Parolin

Chiều hôm qua, 19/7/2016, Quốc vụ khanh Tòa thánh, Đức Hồng y Pietro Parolin, đã tham dự lễ trình bày các kết quả nghiên cứu về y tế và khoa học của Bịnh viện Bambino Gesù tại Casina Pio IV ở Vatican. Nhân dịp này, ngài đã gặp gỡ các phóng viên và trả lời một số câu hỏi.

Thưa Đức Hồng y, hôm nay chúng ta đã được nghe một câu chuyện về tình liên đới: câu chuyện của Bịnh viện Bambino Gesù. Tuy nhiên, châu Âu và thế giới hiện đang trải qua một thời điểm rất khó khăn, đầy mâu thuẫn. Ngài có thể cho chúng tôi biết ngài đánh giá như thế nào về những gì đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ?

“May mắn là vẫn có những cơ hội trong đó niềm hy vọng vẫn còn tồn tại, vì vẫn có đó những con người, với sự cống hiến vĩ đại, quan tâm đến tha nhân và tìm cách vun trồng, tìm cách làm cho sự sống lớn lên, đối lại với một cảnh tượng thế giới đang khiến chúng ta phải lo âu rất nhiều vì phải chứng kiến những sự hận thù, những sự chia rẽ và những sự đối kháng cứ ngày càng gia tăng. Và đúng là ngày càng khó giải quyết những xung đột, càng khó khăn hơn nữa khi phải hành động và đối xử theo các tiêu chí tôn trọng phẩm giá, công lý và tình liên đới “.

Có một mối quan tâm đặc biệt đối với cuộc khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ?

“Lập trường của chúng tôi cũng như mối quan tâm của toàn bộ cộng đồng quốc tế, là tình hình hiện nay có thể được xử lý và giải quyết phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền và các quy định của pháp luật.”

Một vài ngày trước, Đức Giáo hoàng nói rằng hòa bình ở Syria là có thể, rằng giải pháp phải là giải pháp chính trị chứ không phải quân sự, và ngài đã đưa ra đề nghị về một chính phủ đoàn kết dân tộc. Đức Hồng y có nghĩ rằng đây là một lập trường mà Tòa Thánh có thể theo đuổi ở cấp độ ngoại giao?

“Ngay từ đầu, chúng tôi đã luôn luôn nói rằng trong cuộc khủng hoảng này cũng như trong các cuộc xung đột khác, giải pháp duy nhất có thể sẽ luôn là một giải pháp thương lượng, chính trị. Hẳn nhiên chúng tôi không có nhiệm vụ chỉ ra các công thức của giải pháp này, có những con người, có những cơ quan, có những thể chế phù hợp để làm điều đó và họ cũng đang làm. Nhưng chắc chắn chúng tôi nhấn mạnh trên nguyên tắc rằng chỉ có giải pháp đàm phán hòa bình mới có thể giúp tránh đau khổ hơn nữa cho dân chúng, vốn đã phải chịu đựng nhiều và đang kiệt sức; ngoài ra, giải pháp đàm phán cũng có thể cho phép xây dựng bền vững lại đất nước Syria”.

Ở Nice, chúng ta đã chứng kiến một vụ thảm sát, một bi kịch: chúng ta có thể nói gì trước sự lây lan của chủ nghĩa cực đoan, một hiện tượng đang diễn ra không chỉ ở châu Âu mà trên toàn Trung Đông và một phần của châu Phi?

“Đối mặt với những gì đã xảy ra ở Nice rõ ràng chúng ta không còn lời nào để nói. Tôi nghĩ, đây là một biểu hiện của lòng căm thù thuần túy: đi đến chỗ mù quáng chống lại những người đang quy tụ nhau trong một lễ hội, và tàn sát cả trẻ em, người già… thực sự, chúng tôi tự hỏi những gì đang xảy ra vậy. Tất cả chúng ta phải làm việc chung với nhau để cố gắng hiểu, trước hết, để hiểu rõ nguyên nhân của những hiện tượng rất bi thảm và rất đau đớn đó, và sau đó cố gắng vượt qua chúng. Sự can thiệp phải diễn ra trên nhiều cấp độ, chắc chắn cần hoạt động tình báo, vốn cần thiết để bảo đảm an ninh, nhưng công việc phải được đặc biệt thực hiện lại thuộc về lãnh vực văn hóa, để nhổ tận gốc rễ những hiện tượng này và để giúp các dân tộc và mọi người chấp nhận nhau và chấp nhận – như Đức Giáo hoàng vẫn thường nói và tôi nghĩ là một điểm cơ bản – rằng sự khác biệt giữa chúng ta phải trở thành một nguồn mạch làm phong phú lẫn nhau chứ không phải là một dịp đối đầu và gây đau buồn.”

Chúng ta có thể nói rằng việc mở rộng quyền con người và dân sự là một thách thức lớn của thời điểm lịch sử quá phức tạp này?

“Vâng, chắc chắn là như thế. Nhưng đó là, tôi sẽ nói, điểm khởi đầu: tôn trọng con người và phẩm giá của họ. Đó là những gì chúng tôi luôn luôn nói: đặt con người vào trung tâm. Chúng ta phải tính đến tất cả các tình huống khác nhau, nhưng đó thực sự sẽ phải là điểm khởi đầu, nếu không chúng ta sẽ đi lạc, sẽ làm tăng thêm những tình huống của hận thù, bạo lực và chia rẽ.”

Đức Giáo Hoàng thường sử dụng lối diễn đạt: xây dựng những chiếc cầu. Đây vẫn là một ưu tiên …

“Chắc chắn rồi, nhưng đó không chỉ là một khẩu hiệu. Tôi sợ rằng tất cả điều này vẫn chỉ là một khẩu hiệu, một lối nói, và không có kết quả trong hoạt động. Tôi nghĩ chúng ta cần phải hành động, mỗi người theo vị trí của mình và theo trách nhiệm của mình mà nỗ lực và chiến đấu chống lại những sự lạm dụng và xây dựng một thế giới của tình liên đới.”

Đại hội Giới trẻ Thế giới (ĐHGTTG) được khai sinh cách đây 30 năm, thế giới đã thay đổi rất nhiều kể từ đó, và như có một sự thay đổi thế hệ rất rõ ràng. Theo ngài, mô hình ĐHGTTG có thể được sửa đổi, cập nhật theo những thay đổi hay có thể vẫn giữ như cũ?

“Đi cho đến cùng, những thực tại căn bản vẫn như cũ, cụ thể là những mục tiêu vẫn như cũ, vẫn là cùng một bản đồ hành trình, chính xác là Tin Mừng, và lương thực của cuộc hành trình này vẫn là Thánh Thể. Chắc chắn các kịch bản thay đổi, và trong thực tế, một số điều chỉnh cho kịch bản mới đã đến từ cả hai quan điểm địa lý và lịch sử. Tôi nghĩ rằng các cuộc gặp gỡ này đã được sinh ra trong một bối cảnh nhất định, về cơ bản vẫn có giá trị theo nghĩa đưa những người trẻ đến với nhau vì những mục tiêu tốt lành và để giúp họ cảm thấy rằng họ không đơn độc và có thể làm việc chung với nhau.”

Nhưng ĐHGTTG cũng có thể là cơ hội đối thoại và thảo luận, cơ hội gặp gỡ với các bạn trẻ toàn thế giới. Một sự đào tạo để làm điều đó là cần thiết? Người ta nói nhiều về các tôn giáo khác, ví dụ, những người tham gia không phải là người Công giáo …

“Tất nhiên cũng có điều đó, nhưng Ngày Giới trẻ Thế giới thực sự xảy ra là khi người ta trở về nhà. Đó là nơi diễn ra ĐHGTTG. Tức là, có thời gian cử hành ĐHGTTG, nhưng sau tất cả những điều đó, thì cái quan trọng là sự thực hiện một cam kết nghiêm túc của những người trẻ đã tham gia ĐHGTTG để sống thật những gì đã được gieo trong ĐHGTTG.”

Francesco Peloso (Vatican Insider)

Tân Thanh chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết