Đức Hồng y Parolin: ‘Tòa Thánh và Monaco hoạt động vì phẩm giá con người’

Hồng y Pietro Parolin tại lễ kỷ niệm ở Nhà thờ Monaco (Delphine Allaire)

Đức Hồng y Pietro Parolin cử hành Thánh lễ tại Nhà thờ Chính Tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm tại Công quốc Monaco (Ảnh: Delphine Allaire)

Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh viếng thăm Công quốc Monaco nhân kỷ niệm 40 năm Công ước được ký kết giữa Tòa Thánh và Monaco năm 1981. Đức Hồng y Parolin cho biết chuyến viếng thăm này nhằm khuyến khích sứ mạng của Giáo hội và các giá trị của Tin Mừng.

Đức Hồng Y Pietro Parolin đã cử hành Thánh lễ vào sáng Chúa Nhật tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Công quốc Monaco. Đức Hồng y Parolin đã bày tỏ rằng đó quả là một vinh dự “được trở thành Ngoại trưởng đầu tiên của Đức Giáo hoàng thực hiện chuyến viếng thăm này”. Đức Hồng Y Parolin đã đến thành phố-quốc gia này hôm thứ Bảy nhân dịp kỷ niệm 40 năm nâng Giáo phận Monaco lên hàng Tổng Giáo phận, diễn ra vào ngày 30 tháng 7 năm 1981, qua Tông sắc của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, sau khi ký kết Thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Công quốc Monaco.

Nhà thờ Chính Tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội

Nhà thờ Chính Tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội

Chăm sóc những người bị tổn thương về thể xác và tinh thần

Trong bài giảng của mình, Đức Hồng y Parolin đã nhắc lại một sự kiện trong lịch sử hàng thế kỷ của Công quốc Monaco “kể về niềm tin Kitô giáo ở vùng đất này có nguồn gốc sâu xa như thế nào.” Chính nhờ đức tin này mà các Kitô hữu, Đức Hồng Y Parolin thúc giục, được kêu gọi quan tâm đến những người lân cận của họ, đặc biệt là “những người phải sống cảnh nay đây mai đó”, “bị tổn thương về thân thể”, chẳng hạn như những người nghèo, những người bị gạt ra bên lề và những người di cư, cũng như những người “bị tổn thương về tinh thần”, chẳng hạn như tất cả “những người cô đơn, tâm hồn bị tổn thương bởi các mối quan hệ sai lầm, những khuyết điểm và những sự thất bại cá nhân”. “Tinh thần bác ái Kitô giáo”, Đức Hồng Y Parolin nói, “đã làm sống động và xây dựng châu Âu của chúng ta qua nhiều thế kỷ, xuất phát từ sự dồi dào của Lòng thương xót của Thiên Chúa mà trong Chúa Kitô tuôn đổ trong cuộc sống của chúng ta và đến lượt chúng ta cần phải cam kết chia sẻ cuộc sống của người khác”.

Gặp gỡ hàng giáo sĩ: “Chủ nghĩa thế tục ngày càng gia tăng đã dẫn đến sự chống đối của xã hội”

Vào chiều Chúa Nhật, Đức Hồng Y Parolin đã khai mạc cuộc họp với các giáo sĩ, các phong trào Giáo hội và các hiệp hội Công giáo, nhấn mạnh tính cấp thiết của việc rao truyền đức tin, thực thi bác ái, hỗ trợ các gia đình và chăm sóc công trình sáng tạo. Sau đó, Đức Hồng Y Parolin đã nhắc lại việc chúng ta đang sống trong một xã hội ngày càng phân cực và chia rẽ, và về việc “một hình thức nhất định của chủ nghĩa thế tục đã được củng cố ở châu Âu, bắt đầu từ cuộc Cách mạng Pháp, đã góp phần vào sự phát triển của sự chống đối của xã hội ngày càng gia tăng”, kể từ khi chủ nghĩa thế tục tuyên bố loại bỏ tôn giáo khỏi phạm vi đời sống công dân, đẩy tôn giáo xuống mức chỉ mang chiều kích cá nhân.

Thế nhưng, Đức Hồng Y Parolin cảnh báo rằng nơi nào chiều kích tôn giáo bị phủ nhận “quyền công dân” trong xã hội, thì sự phát triển hài hòa của xã hội dân sự sẽ bị suy yếu nếu không có sự đóng góp của nó. Đức Hồng Y Parolin bày tỏ sự đánh giá cao đối với thực tế được nhận thấy ở Công quốc Monaco, vốn cho thấy rằng có thể có một mối tương quan tích cực giữa Giáo hội và Nhà nước và nói chung là giữa các cơ quan dân sự và tôn giáo. “Một mối tương quan trong đó mỗi bên duy trì quyền tự chủ riêng của mình”, nhưng là một mối tương quan mà họ cùng phối hợp với nhau vì thiện ích chung.

Sự hợp tác giữa Monaco và Tòa Thánh

Đức Hồng y Parolin đã có cuộc trò chuyện với Vatican News trong chuyến viếng thăm Monaco.

Kính thưa Đức Hồng y, chuyến viếng thăm Monaco của ngài có tầm quan trọng như thế nào?

Đức Thánh Cha đương nhiên muốn bày tỏ sự gần gũi của mình với tất cả các Giáo hội, chắc chắn ngài cố gắng thực hiện điều đó trên phương diện cá nhân thông qua các chuyến Tông du, nhưng cũng bằng những phương thức khác, chẳng hạn như những mối liên hệ mà Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh có với các thực tại Giáo hội, xã hội, chính trị khác nhau. Tôi tin rằng chuyến viếng thăm này của tôi mang ý nghĩa quan trọng nhằm thu hút sự chú ý đến sự kiện mà chúng ta đang cùng nhau mừng kỷ niệm và trên hết là để tạo sự khích lệ. Trên thực tế, những chuyến thăm tôi thực hiện trên hết là một sự khích lệ để họ tiếp tục trên con đường Phúc Âm, bất chấp những khó khăn. Đây là những thách thức mà tôi nghĩ rằng Giáo hội ở Monaco cũng phải trải qua. Cho dù có mối quan hệ đặc biệt với Nhà nước, nhưng đúng là xã hội đang ngày càng có xu hướng phi Kitô giáo hóa, xa rời các nguyên tắc đức tin. Vì vậy, có mặt ở đây, thay mặt cho Đức Thánh Cha, là một cách thức để nói rằng hãy tiến về phía trước và cố gắng hoàn thành sứ mạng của mình, trong một thực tế khác với những nơi khác, có lẽ phong phú hơn và sung túc hơn theo những cách thức khác, nhưng điều đó, chính xác vì lý do này, cần các giá trị của Tin Mừng.

Trong bối cảnh đó, Tòa Thánh nhìn nhận thế nào về thực tế độc đáo của việc Monaco coi Công giáo như là Quốc giáo?

Đó là một di sản lịch sử, một di sản mà ở nhiều nơi khác đã bị mất đi do quá trình phát triển của xã hội, trong khi ở đây nó vẫn được duy trì. Tòa Thánh coi đây như là cơ hội để cộng tác và công nhận vai trò công khai của tôn giáo.

Đức Hồng y Parolin phát biểu với Đài phát thanh Vatican - Tin tức Vatican

Đức Hồng y Parolin phát biểu với Đài phát thanh Vatican (Ảnh: Vatican News)

Hai Quốc gia có thể cộng tác như thế nào?

Họ có thể cộng tác ở cấp độ của các giá trị mà họ đồng ý và do đó, cố gắng đặt những giá trị này làm nền tảng của đời sống xã hội và chính trị. Nó không phải là để bảo vệ các nguyên tắc vì nó đang giữ vững những gì chúng ta tin là điều kiện cơ bản để bảo tồn và phát huy phẩm giá của mỗi con người. Đây là điều quan trọng. Mặt khác, chúng ta có thể hợp tác trong các dự án hợp tác quốc tế lớn mà Công quốc Monaco đã khởi xướng và tiếp tục thực hiện trong việc hỗ trợ người dân ở các khu vực cần được giúp đỡ. Tòa Thánh cam kết mạnh mẽ về vấn đề này, hãy nghĩ về ví dụ về vấn đề Covid và sự phục hồi: Đức Thánh Cha đã thiết lập một ủy ban đặc biệt. Ở cấp độ này, chẳng hạn vậy, chúng ta có thể làm việc cùng nhau, nhưng cũng có thể phối hợp trong nhiều lĩnh vực khác có nhu cầu.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết