Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã phát biểu với Vatican News về chuyến viếng thăm 6 ngày của ngài tới Ukraine để cử hành Thánh lễ bế mạc cuộc hành hương đến Đền thánh Đức Mẹ Berdychiv và về những hy vọng vững chắc của Tòa Thánh về một sự kết thúc nhanh chóng của cuộc chiến với Nga và một nền hòa bình công bằng.
Đức Hồng Y Pietro Parolin đã đến thành phố Lviv phía Tây Ukraine hôm thứ Sáu, bắt đầu chuyến viếng thăm kéo dài 6 ngày, chuyến viếng thăm đầu tiên của ngài đến đất nước bị chiến tranh tàn phá kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga vào năm 2022.
Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã được bổ nhiệm làm Đại sứ Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô để cử hành Thánh lễ bế mạc cuộc hành hương của các tín hữu Công giáo theo Nghi thức Latinh Ukraine đến Đền thánh Đức Mẹ Berdychiv, phía tây Kyiv. Đức Hồng Y Parolin đã chủ sự Thánh lễ ở đó vào Chúa nhật ngày 21 tháng 7.
Khi đến nơi vào chiều thứ Sáu, Đức Hồng Y Parolin cùng với Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine, Đức Tổng Giám mục Visvaldas Kulbokas, đã dừng chân một chút tại Tòa Tổng Giám mục của Tổng Giáo phận Công giáo La Mã ở Lviv. Tại đây, Đức Hồng Y Parolin đã được Đức Tổng Giám mục Mieczyslaw Mokrzycki cùng với các Đức Giám mục phụ tá Edward Kava và Leon Maly chào đón. Đức Giám mục Volodymyr Hrutsa, Giám mục phụ tá của Tổng giáo phận Công giáo Hy Lạp ở Lviv, cũng tham dự cuộc họp. Cùng có mặt còn có Thị trưởng Lviv Andriy Sadovyi và người đứng đầu chính quyền khu vực Lviv Maksym Kozytskyi
Cầu nguyện cho hòa bình
Phát biểu với Vatican News sau cuộc gặp gỡ đầu tiên này, Đức Hồng Y Parolin giải thích rằng lý do chính cho sứ mạng của ngài là việc cử hành tại Đền Thánh Đức Mẹ Berdychiv, nơi sẽ được nâng lên thành Tiểu Vương cung Thánh đường theo thỉnh cầu của các Giám mục nghi lễ Latinh Ukraine.
Đền thờ nằm ở Zhytomyr Oblast (tỉnh), phía tây Kyiv, và là điểm hành hương của các tín hữu Công giáo từ khắp Ukraine và các quốc gia khác. Trong hai năm qua, những người hành hương đã đến thăm địa điểm này một cách đặc biệt để cầu xin sự chuyển cầu của Đức Trtinh Nữ Maria cho hòa bình.
Đức Hồng Y Parolin cho biết lời cầu nguyện cho việc chấm dứt ngay lập tức cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine sẽ là trọng tâm của buổi cử hành vào Chúa nhật: “Đây sẽ là một lời cầu nguyện hợp xướng dâng lên Mẹ Thiên Chúa, để cuối cùng Mẹ có thể ban hòa bình cho đất nước này, nơi mà Đức Thánh Cha luôn định nghĩa là đất nước phải ‘chịu giày vò khốn khổ’, ‘Ukraine chịu giày vò khốn khổ’”.
Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh giải thích thêm rằng dịp đặc biệt này cũng sẽ mang lại cơ hội để ngài gặp gỡ các nhà chức trách Ukraine, bao gồm cả Tổng thống Volodymyr Zelensky, người mà rất có thể ngài sẽ thảo luận về triển vọng hòa bình với Nga.
Do đó, món quà ngài mang đến Ukraine, Đức Hồng Y Parolin nhận xét, chính là sự gần gũi liên tục của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với những người Ukraine đang đau khổ: “Chuyến viếng thăm này là một biểu hiện nữa cho thấy sự bận tâm của Đức Thánh Cha đối với Ukraine và niềm hy vọng lớn lao của ngài về hòa bình”, Đức Hồng Y Parolin nói, đồng thời nhắc lại rằng ngay từ đầu cuộc xâm lược của Nga, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cố gắng tìm cách chấm dứt chiến tranh, tức là “điều gần đây được gọi là một nền hòa bình công bằng”.
“Chúng tôi đã nói về vấn đề này tại Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình gần đây ở Bürgenstock ở Thụy Sĩ”, Đức Hồng Y Parolin nhắc lại. “Vì vậy, sự gần gũi, cầu nguyện và hy vọng rằng có thể tìm ra những cách thức để chấm dứt cuộc xung đột này sớm nhất có thể”.
Cam kết vì một nền hòa bình công bằng
Thay mặt Đức Thánh Cha Phanxicô và Tòa Thánh, Đức Hồng Y Parolin một lần nữa bày tỏ sự bận tâm của mình đối với tình hình ở Ukraine và đồng thời nhắc lại cam kết của mình “nhằm tìm ra một giải pháp để đạt được nền hòa bình công bằng này”.
“Cho đến nay”, Đức Hồng Y Parolin giải thích, “bắt đầu từ chuyến viếng thăm Kyiv và sau đó đến Moscow của Đức Hồng Y Zuppi, đối với chúng tôi, dường như các sáng kiến nhân đạo là con đường phía trước để mang lại nền hòa bình (công bằng) này”.
“Rốt cuộc”, Đức Hồng Y Parolin nói thêm, “ý tưởng này dường như được chính quyền ở Kyiv chia sẻ, bởi vì ở Thụy Sĩ, họ cũng nói về ba vấn đề: trước hết là vũ khí hạt nhân và tránh leo thang; sau đó là vấn đề tự do di chuyển hàng hóa và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là vấn đề nhân đạo. Vì vậy, Tòa Thánh cũng đã tập trung vào vấn đề này theo yêu cầu của chính Chính phủ, nhưng nhằm thực hiện các bước có thể thực sự dẫn đến một nền hòa bình công bằng”.
Thiên Ân (theo Vatican News)