Phát biểu với Vatican News, Đức Hồng y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin đã mô tả chuyến Tông du lần thứ 47 của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Corsica vào Chúa nhật như một hành trình theo bước chân truyền thống, chứng tá và cuộc gặp gỡ của Kitô giáo, trong đó ngài sẽ tái khẳng định rằng Địa Trung Hải không được trở thành nghĩa trang cho người di cư.
Những công tác chuẩn bị cuối cùng đã được tiến hành tại Ajaccio, nơi sẽ chào đón Đấng kế vị Thánh Phêrô, vị Giáo hoàng đầu tiên đến thăm hòn đảo của Pháp nằm giữa Địa Trung Hải vào Chúa nhật.
Vị Giám mục của thành phố Corsica, Đức Hồng y François Bustillo, nhấn mạnh rằng sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phanxicô “không phải là một đặc ân mà là một trách nhiệm”. Đây sẽ là chuyến viếng thăm ngắn khoảng 12 giờ đồng hồ, nhưng rất sâu sắc, được đánh dấu bằng vẻ đẹp và sự sống động của lòng mộ đạo bình dân, các chủ đề về sự gặp gỡ, lòng hiếu khách và việc chăm sóc công trình sáng tạo.
Trước chuyến Tông du nước ngoài lần thứ 47 của Đức Thánh Cha Phanxicô, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng y Pietro Parolin, người sẽ tháp tùng Đức Thánh Cha trong chuyến Tông du này, đã chia sẻ với Vatican News về cách thức cộng đồng địa phương có thể biến những gì ngài gọi là “trách nhiệm” thành những hành động cụ thể cho tương lai, cả về mặt tinh thần lẫn xã hội.
Chuyến Tông du này diễn ra trong Mùa Vọng và trước thềm Năm Thánh 2025. Do đó, có thể thấy điều này dưới ánh sáng của lời chỉ dẫn của Thánh Phaolô cho ông Titô là “sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này, trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang. Đó là những điều anh phải nói, phải khuyên, phải sửa dạy với tất cả uy quyền” (2:12-15).
Với sự hiện diện của mình tại Ajaccio, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn nhắc nhở chúng ta chính xác về lời kêu gọi và trách nhiệm này, điều mà Giáo hội địa phương – Giám mục, Linh mục, Phó tế, Tu sĩ nam nữ, và tất cả những người tham gia ở nhiều cấp độ khác nhau của đời sống Giáo hội – sẽ tìm cách chuyển thành những cử chỉ và hành động cụ thể.
Đối với tôi, có vẻ như những lựa chọn thực tế nên được lấy cảm hứng từ ba thái độ cơ bản mà Thánh Phaolô đã đề cập, là đặc điểm của đời sống và chứng tá của các Kitô hữu trên thế giới: hành động với sự điềm đạm, công bằng và lòng đạo đức. Nói cách khác, trách nhiệm phải đồng nghĩa với sự hoán cải cá nhân và cộng đồng, hướng tâm hồn chúng ta về Chúa Giêsu là Đấng sắp đến, để mang lại “phép lạ” của một cuộc sống mới, một xã hội mới và một thế giới mới.
Đức Thánh Cha sẽ bế mạc hội nghị về lòng đạo đức bình dân ở Địa Trung Hải, có sự tham dự của các Giám mục từ nhiều quốc gia. Đây là cơ hội duy nhất cho đối thoại và sự đoàn kết. Ngài mong đợi những thành quả nào từ hội nghị này, liên quan đến đức tin bắt nguồn từ truyền thống nhưng vẫn cởi mở với việc truyền giáo?
Chúng ta biết đối thoại quan trọng như thế nào đối với Đức Thánh Cha Phanxicô – “nền văn hóa gặp gỡ” – trong việc tìm kiếm sự hiệp nhất và hòa hợp lớn hơn giữa các cộng đồng, các Giáo hội, các tín hữu, các quốc gia và dân tộc… mà Chúa Giêsu đã hiến dâng mạng sống của Người: “để họ được nên một, nên một, để thế gian biết rằng chính Cha đã sai Con và Cha đã yêu thương họ như đã yêu thương Con” (Ga 17:23).
Và lòng đạo đức bình dân quan trọng biết bao đối với Đức Thánh Cha! Hai nguyên tắc chỉ đạo này là nền tảng của hội nghị, và chính trên hai điểm này mà hội nghị hướng đến mục tiêu đơm hoa kết trái.
Tôi xin nhắc lại—về lòng mộ đạo bình dân—điều Đức Thánh Cha viết trong chương nói về việc loan báo Tin Mừng trong Tông Huấn Evangelii Gaudium (số 122-126). Ngài cho chúng ta biết rằng lòng đạo đức bình dân là một sức mạnh to lớn cho công cuộc truyền giáo, ẩn chứa một đức tin sâu sắc được diễn tả bằng biểu tượng nhiều hơn là lý trí nhưng vẫn có nội dung thần học sâu sắc.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta nhìn vào một người mẹ đọc Kinh Mân Côi cầu nguyện cho đứa con đau yếu của mình, trong các cuộc rước kiệu và các cuộc hành hương, trong những lời cầu nguyện tự phát trước tượng các Thánh hoặc Thánh giá, nơi lòng sùng kính Đức Mẹ tại một đền thờ… những cử chỉ truyền giáo nhỏ bé nhưng có ý nghĩa chứng tỏ tình yêu lớn lao và lòng tin tưởng lớn lao vào Chúa Kitô chịu đóng đinh và phục sinh.
Vào cuối chuyến thăm, Đức Thánh Cha dự kiến sẽ gặp gỡ Tổng thống Pháp Macron tại sân bay. Theo ngài, những vấn đề nào có thể nảy sinh trong cuộc trò chuyện của họ, xét đến viễn cảnh của việc xây dựng cầu nối và tình huynh đệ trong thời điểm lịch sử phức tạp và xung đột như vậy?
Tôi không thể nói ngay vấn đề nào sẽ là trọng tâm trong cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha với Tổng thống Pháp, nhưng tôi hình dung rằng chủ đề hòa bình, bất kể nơi nào đang cần và mong đợi ngày hôm nay, sẽ là chủ đề then chốt.
Tính đến thời điểm này, chỉ còn vài ngày nữa là đến Lễ Giáng Sinh, ngày lễ mừng ngày chào đời của Hoàng Tử Hòa Bình, và tình hình toàn cầu hiện nay, hòa bình chắc chắn sẽ là vấn đề trọng tâm.
Ngoài ra, người ta đều biết rằng Giáo hội Công giáo rất coi trọng sự sống con người, kể từ khi thụ thai đến khi chết đi một cách tự nhiên, và Giáo hội không ngần ngại kêu gọi các nhà lãnh đạo và viên chức nhà nước trong mọi dịp, ngay cả khi chúng ta biết rằng điều đó có thể không được đón nhận. Mặt khác, như Thánh Phaolô đã khuyên ông Titô, “những điều anh phải nói, phải khuyên, phải sửa dạy với tất cả uy quyền”.
Cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra tại sân bay Ajaccio, giữa Địa Trung Hải. Tôi hình dung Đức Thánh Cha sẽ tái khẳng định rằng đại dương của chúng ta, mare nostrum, không được trở thành “nghĩa trang” đối với những người tìm kiếm tương lai tốt đẹp hơn và mạo hiểm mạng sống của họ.
Điều này đặt ra câu hỏi thường trực về cách chào đón, với tư cách là những anh chị em trong nhân loại, những người gõ cửa nhà chúng ta và thường đóng góp vào việc xây dựng đời sống xã hội và kinh tế của đất nước chúng ta, mang theo tài năng và năng lượng của họ.
Cách tiếp cận này cho phép chúng ta thiết lập các quy tắc, yêu cầu tôn trọng luật pháp và sự cân bằng xã hội và văn hóa, nhưng trước hết là làm việc với các quốc gia xuất xứ để công dân của họ có thể ở lại và tìm thấy những gì họ cần để sống xứng hợp với tư cách là những công dân thực thụ.
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp gỡ các giáo sĩ và cử hành Thánh lễ trong chuyến viếng thăm của mình. Ngài mong đợi Đức Thánh Cha sẽ gửi những thông điệp gì tới các Linh mục và giáo dân?
Nói chung, và đặc biệt là trong các chuyến Tông du, Đức Thánh Cha đặc biệt chú ý đến lịch sử của những con người trước mặt ngài, nền văn hóa mà họ đắm mình vào, và những vấn đề, hy vọng và đau khổ mà mỗi người mang trong lòng.
Theo nghĩa này, thái độ tốt nhất của chúng ta không phải là “mong đợi” điều gì đó theo sở thích của mình mà là chào đón Lời Chúa, lắng nghe Giáo huấn của Người và một lần nữa để mình được nâng đỡ trên cuộc hành trình đó.
Chắc chắn, khi ở giữa lòng châu Âu, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ không quên khích lệ và cổ võ, thông qua sự hiện diện của mình, cam kết tông đồ của Giáo hội và các nhân viên mục vụ, cả Linh mục lẫn giáo dân, đồng thời kêu gọi các tín hữu cũng như các thể chế dân sự và chính trị đối thoại và cùng nhau nỗ lực làm việc vì thiện ích chung của xã hội, đặc biệt là đối với những người dễ bị tổn thương nhất.
Minh Tuệ (theo Vatican News)