Đức Hồng Y Parolin lên án nạn buôn lậu và bóc lột ngư dân

Hai thế kỷ sau khi bãi bỏ việc buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương, gần 21 triệu người tiếp tục làm việc dưới sự ép buộc, phần lớn trong nền kinh tế không chính thức hoặc bất hợp pháp và chủ yếu trong các ngành lao động nặng nhọc, chẳng hạn như thủy sản.

Ngu dan

Hôm thứ hai 21/11, Đức Hồng Y Pietro Parolin – Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh – đã lên án tình trạng buôn lậu, nạn buôn người và việc đối xử tồi tệ đối với các ngư dân vốn là những người góp phần đóng góp rất quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu. Đồng thời, Ngài cũng cảnh báo về những rủi ro của việc đánh bắt cá không kiểm soát đã dẫn đến sự suy giảm mạnh mẽ của một số loài, cũng như mối đe dọa đến chuỗi thức ăn đối với các thế hệ tương lai.

Những lời của Đức Hồng Y được đưa ra khi Ngài đến thăm trụ sở của Tòa Thánh tại Tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc nhân sự kiện đánh dấu Ngày Thủy sản Thế giới. Đức Hồng Y lưu ý rằng ngành thủy sản là một ngành công nghiệp phát triển nhanh chóng vốn sử dụng hàng triệu người lao động, giúp nuôi sống nhiều gia đình cũng như nhiều cộng đồng, đặc biệt là tại các nước đang phát triển.

Đức Hồng Y Parolin nói rằng hai thế kỷ sau khi bãi bỏ việc buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương, gần 21 triệu người tiếp tục làm việc dưới sự ép buộc, phần lớn trong nền kinh tế phi chính thức hoặc bất hợp pháp và chủ yếu trong các ngành lao động nặng nhọc, chẳng hạn như thủy sản. Di dân và các nạn nhân của nạn buôn người hay lao động cưỡng bức đều đặc biệt dễ bị bóc lột khi họ tìm kiếm các công việc tạm thời thông qua các cơ quan tuyển dụng.

Công nhân trên những chiếc tàu đánh cá – Đức Hồng Y Parolin tiếp tục – về cơ bản đã bị cô lập trong thời gian dài, bị tước đoạt không chỉ về việc bảo lãnh hợp đồng, mà còn về những quyền cơ bản nhất của người lao động. Các tàu đánh cá ngoài khơi lênh đênh trên biển khơi trong suốt một thời gian dài, với việc các thủy thủ đoàn thường bị giam giữ trong những điều kiện tồi tệ, trong một không gian và hoàn cảnh đầy bó buộc cũng giống hệt như việc bị giam lỏng vậy, Đức Hồng Y Parolin chia sẻ.

Đây chính là nạn nhân của một hệ thống nô lệ đúng nghĩa, Đức Hồng Y Parolin cho biết, đồng thời Ngài cũng kêu gọi mọi nỗ lực để có thể đồng cảm, giải cứu và tái hoà nhập các ngư dân đang bị bóc lột theo những phương thức như vậy.

Cuối cùng Đức Hồng Y Parolin kêu gọi các quốc gia và các chính phủ phải thắt chặt luật quy định các ngành công nghiệp đánh bắt cá hầu bảo vệ nhân quyền và đấu tranh chống lại những tay buôn người và những kẻ buôn lậu.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết