Đức Hồng y Parolin: ‘Học thuyết Xã hội Công giáo có thể hàn gắn những chia rẽ toàn cầu’

Tại Hội nghị do Quỹ Centesimus Annus Pro Pontifice tổ chức hôm thứ Sáu tuần trước, Đức Hồng y Pietro Parolin – Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh – đã nhấn mạnh vai trò thiết yếu của Học thuyết Xã hội của Giáo hội trong việc đối diện với những cuộc khủng hoảng hiện nay liên quan đến vấn đề quản trị toàn cầu và sự phân cực ngày càng gia tăng.

Đức Hồng y Pietro Parolin – Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh (Ảnh: Vatican News)

Đức Hồng y Pietro Parolin – Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh (Ảnh: Vatican News)

Trong bài phát biểu kêu gọi sự minh bạch mang tính luân lý và hành động thống nhất trước tình trạng chia rẽ toàn cầu, Đức Hồng y Parolin nói với các tham dự viên của Hội nghị quốc tế do Quỹ Centesimus Annus Pro Pontifice tổ chức rằng Học thuyết Xã hội Công giáo mang lại một khuôn khổ nền tảng để củng cố quản trị toàn cầu và chữa lành những rạn nứt sâu sắc đang đe dọa sự hiệp nhất thế giới.

Chủ đề của hội nghị: “Vượt qua sự phân cực và tái thiết sự quản trị toàn cầu: Những nền tảng luân lý” là trục xuyên suốt cho bài phát biểu của Đức Hồng y Parolin về vai trò của Giáo huấn xã hội của Giáo hội trong việc cổ võ công lý, đối thoại và sự hiệp nhất trong một thế giới ngày càng bị chia rẽ.

“Chúng ta đang đứng trước một ngã rẽ”, Đức Hồng y Parolin phát biểu. “Trong khi những thách đố toàn cầu như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng và di dân đòi hỏi sự hợp tác lớn hơn, chúng ta lại thường chứng kiến sự nghi kỵ và chia rẽ”.

Ngài gọi Học thuyết Xã hội Công giáo là “một truyền thống sinh động” chứ không phải là một hệ tư tưởng cứng nhắc, và đồng thời chỉ ra rằng nền tảng của Học thuyết này được xây dựng trên Tin Mừng, Giáo huấn của Giáo hội và lý trí con người.

Những nguyên tắc cốt lõi của Học thuyết Xã hội Công giáo — phẩm giá con người, công ích, liên đới, bổ trợ và chăm sóc công trình sáng tạo — theo lời Đức Hồng y Parolin, là kim chỉ nam luân lý mang tính phổ quát để đối diện với các khủng hoảng hiện nay.

Tái suy tư về quản trị toàn cầu

Đức Hồng y Parolin nêu rõ có một cuộc khủng hoảng về tính chính danh trong các cơ cấu quản trị toàn cầu hiện nay, khi nhiều người cho rằng các thể chế này hoặc quá can thiệp, hoặc không đủ hiệu quả.

Ngài nêu bật ba đóng góp nền tảng mà Học thuyết Xã hội Công giáo có thể mang lại: “Phẩm giá con người” như nền tảng của quản trị; “thiện ích chung” là mục tiêu; và “sự quân bình giữa bổ trợ và liên đới” để vừa trao quyền cho các cộng đồng địa phương, vừa cổ vũ sự hợp tác toàn cầu.

Phẩm giá con người, theo Đức Hồng y Parolin, là nguyên tắc “thách đố những hệ thống coi con người như đơn vị kinh tế hoặc con cờ chính trị. (…) Nguyên tắc này đòi hỏi các chính sách ưu tiên những người dễ bị tổn thương — người tị nạn, người già, thai nhi — hơn là đặt lợi nhuận hay quyền lực lên trên hết”.

Công ích, ngài nói tiếp, kêu gọi chúng ta vượt qua chủ nghĩa vị lợi hay cá nhân, để hướng đến hợp tác thay vì cạnh tranh. “Việc giảm nợ công không nên bị xem là một cử chỉ từ thiện, mà là một khoản đầu tư chung cho sự ổn định toàn cầu”.

Việc quân bình giữa bổ trợ và liên đới, theo ngài, sẽ giúp kiến tạo các cơ cấu quản trị không rơi vào độc đoán, nhưng cũng không tê liệt vì chia rẽ. “Không quốc gia nào là một hòn đảo biệt lập”, Đức Hồng y nhận định. “Bổ trợ không có liên đới sẽ bỏ rơi những người bị gạt ra bên lề, cũng như liên đới không có bổ trợ sẽ bỏ qua vai trò chủ thể của địa phương”.

Chữa lành qua đối thoại và gặp gỡ

Đề cập đến vấn đề phân cực, Đức Hồng y Parolin mô tả những rạn nứt ý thức hệ – được khuếch đại bởi truyền thông kỹ thuật số – đang đe dọa niềm tin và khả năng ra quyết định.

Do đó, ngài nói, chân lý cần được tìm kiếm qua đối thoại và vun đắp một “nền văn hóa gặp gỡ”, nơi sự lắng nghe và khiêm tốn hướng dẫn các cuộc tranh luận.

Ngài cũng nhấn mạnh rằng liên đới cần đóng vai trò như một nhịp cầu vượt qua những chia rẽ toàn cầu, và việc chăm sóc công trình sáng tạo phải trở thành một mối quan tâm phổ quát, vì các cuộc khủng hoảng môi trường – như ngài ghi nhận – ảnh hưởng đến mọi quốc gia, bất kể ý thức hệ.

“Biến đổi khí hậu không quan tâm đến biên giới”. ngài phát biểu. “Đây là cơ hội để chúng ta vượt qua chia rẽ và cộng tác vì ngôi nhà chung”.

Xây dựng một nền văn minh tình thương

Kết thúc bài phát biểu, Đức Hồng y Parolin tái khẳng định tầm quan trọng bền vững của Học thuyết Xã hội Công giáo trong việc định hướng nỗ lực canh tân các hệ thống chính trị và kinh tế.

“Quản trị toàn cầu không chỉ là vấn đề cơ cấu”, ngài nói, “mà là vấn đề xây dựng một nền văn minh tình thương”. Ngài quả quyết rằng “sự phân cực không phải là điều không thể tránh khỏi. Nó có thể được vượt qua bằng chân lý, liên đới và một mục đích chung”.

Vọng lại lời của Đức Thánh Cha Lêô XIII, ngài mời gọi các tham dự viên “xây dựng những nhịp cầu qua đối thoại và gặp gỡ”, đồng thời nhắc rằng sự hiệp nhất không có nghĩa là đồng nhất, và công lý không dựa trên sự báo thù, nhưng được bén rễ trong hòa bình.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết