Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News, Đức Hồng y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin kêu gọi tôn trọng luật nhân đạo quốc tế tại Gaza, thúc giục Hamas trả tự do cho tất cả các con tin, lên án chủ nghĩa bài Do Thái, đồng thời cho biết Tòa Thánh sẵn sàng chủ trì các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.
Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ Khanh Tòa Thánh, đã chia sẻ với Vatican News về một số vấn đề đang là tâm điểm quan tâm của Tòa Thánh, trong đó có những hình ảnh bi thảm từ Dải Gaza, vụ tấn công bài Do Thái tại Washington, DC, khả năng tổ chức một hội nghị hòa bình về Ukraine, và những ngày đầu triều đại Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Lêô XIV.
Thưa Đức Hồng y, tại Gaza, trẻ em đang chết đói và người dân thì kiệt sức; bom vẫn trút xuống các trường học và bệnh viện. Tuy nhiên, dường như không có ý định chấm dứt việc ném bom…
Những sự việc đang diễn ra tại Gaza là điều không thể chấp nhận được. Luật nhân đạo quốc tế phải luôn được áp dụng—và được áp dụng cho tất cả mọi bên. Chúng tôi kêu gọi chấm dứt các cuộc ném bom và cho phép viện trợ nhân đạo đến được với dân chúng. Tôi cho rằng cộng đồng quốc tế cần phải làm mọi điều có thể để chấm dứt thảm kịch này.
Đồng thời, chúng tôi một lần nữa mạnh mẽ kêu gọi Hamas lập tức trả tự do cho tất cả các con tin mà họ vẫn đang giam giữ, và trao trả thi hài của những người đã bị sát hại sau vụ tấn công dã man ngày 7 tháng 10 năm 2023 nhằm vào Israel.
Đức Hồng y đã phản ứng thế nào trước vụ tấn công gần đây tại Washington, trong đó hai nhân viên của Đại sứ quán Israel bị sát hại?
Vụ việc đã khiến tôi vô cùng đau xót. Cũng như vào ngày 7 tháng 10, những nạn nhân vô tội lại phải thiệt mạng—và những người này vốn dĩ đã dấn thân cho hòa bình và các hoạt động nhân đạo. Chúng ta phải luôn cảnh giác để đảm bảo rằng căn bệnh ung thư mang tên chủ nghĩa bài Do Thái—một thứ chưa bao giờ thực sự bị tiêu diệt—không trỗi dậy một lần nữa.
Trong những ngày gần đây, sau kết quả hạn chế của cuộc gặp gỡ tại Istanbul, đã có những đề cập đến khả năng tổ chức các cuộc đàm phán mới do Vatican chủ trì, dù phía Nga đã tuyên bố từ chối. Đức Hồng y có thể cho biết tình hình hiện nay ra sao không?
Đức Thánh Cha Lêô đã đề nghị Tòa Thánh sẵn sàng hoàn toàn trong việc chủ trì các cuộc đàm phán, cung cấp một địa điểm trung lập và an toàn. Đây không phải là một hành động trung gian, bởi vì vai trò trung gian chỉ có thể được đảm nhận khi được cả hai bên yêu cầu. Trong trường hợp này, chỉ đơn thuần là một lời đề nghị công khai về sự hiếu khách cho một cuộc gặp gỡ có thể xảy ra. Hiện nay cũng đang được thảo luận một số địa điểm khác, chẳng hạn như Geneva.
Dù vậy, điều quan trọng không phải là các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine—những cuộc đàm phán mà tất cả chúng ta đều mong chờ—sẽ diễn ra ở đâu. Điều thực sự quan trọng là các cuộc đàm phán đó phải khởi sự, vì việc chấm dứt chiến tranh là điều cấp bách.
Trước hết và trên hết, cần có một lệnh ngừng bắn để chấm dứt sự tàn phá, những thành phố bị hủy hoại, những thường dân thiệt mạng. Kế đến, điều cấp thiết là phải đạt tới một nền hòa bình ổn định, công bằng và lâu dài, được cả hai bên chấp nhận và đồng thuận.
Từ những giây phút đầu tiên sau khi được bầu chọn, Đức Tân Giáo hoàng đã nhiều lần nhắc đến từ “hòa bình”.
Vâng, Đức Thánh Cha Lêô XIV tiếp tục một cách mạnh mẽ trong đường hướng của các vị tiền nhiệm. Điều khiến tôi xúc động là trong giờ Kinh Regina Caeli đầu tiên từ ban công chính của Đền thờ Thánh Phêrô—chính nơi mà Đức cố Giáo hoàng Phanxicô trước đây đã ban phép lành cuối cùng và kêu gọi hòa bình và giải trừ quân bị—Đức Tân Giáo hoàng cũng đã lặp lại lời của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI tại Liên Hiệp Quốc: “Đừng bao giờ để xảy ra chiến tranh nữa!”.
Đức Thánh Cha và toàn thể Tòa Thánh cam kết xây dựng hòa bình và hỗ trợ mọi sáng kiến đối thoại và đàm phán.
Có người nói đến vai trò “nổi bật trở lại” của Vatican trên trường quốc tế…
Tôi muốn nhắc lại lời sâu sắc của Đức Thánh Cha Lêô XIV trong bài giảng Thánh lễ với Hồng y Đoàn tại Nhà nguyện Sistine và trong Thánh lễ Khai mạc sứ vụ: chúng ta phải rút lui về phía sau, bởi vì Đức Kitô mới là nhân vật chính; người Kitô hữu không tự cho mình là cao trọng hơn người khác, nhưng được mời gọi trở nên “nắm men nhỏ trong khối bột”, làm chứng cho tình yêu, tinh thần hiệp nhất và hòa bình.
Thay vì nói đến “vai trò nổi bật”, tôi muốn đặt các sáng kiến ngoại giao của Tòa Thánh trong bối cảnh của sứ mạng phục vụ cho hòa bình và tình huynh đệ.
Khi trò chuyện với giới báo chí, Đức Thánh Cha Lêô đã kêu gọi một “hình thức truyền thông khác”. Phải chăng hiện nay cũng đang tồn tại một “cuộc chiến của ngôn từ”?
Các nhà báo—và những người làm truyền thông nói chung—đảm nhận một sứ mạng quý giá, đặc biệt trong thời điểm chiến tranh. Đức Thánh Cha đã kêu gọi một cách truyền thông “không khoác lên mình những lời lẽ gây hấn”, và “không bao giờ tách rời việc tìm kiếm sự thật khỏi tình yêu mà chúng ta phải khiêm tốn theo đuổi”.
Ngôn từ cũng có thể trở thành công cụ của chiến tranh, hoặc có thể giúp chúng ta hiểu nhau hơn, đối thoại với nhau, nhận ra nhau là anh chị em. Hòa bình khởi đầu từ mỗi người chúng ta, và chúng ta được mời gọi xây dựng hòa bình bắt đầu từ cách ta giao tiếp với người khác. Như Đức Thánh Cha Lêô đã nói, chúng ta phải “từ chối lối tư duy theo mô thức chiến tranh”, ngay cả trong truyền thông.
Nhắc đến việc tìm kiếm sự thật: vào những ngày cuối triều đại của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô, ngay trước khi diễn ra Mật nghị, đã có những bình luận liên quan đến cách các vị Tổng Trưởng của một số Bộ tại Giáo triều từng xử lý các cáo buộc lạm dụng khi còn là Giám mục Giáo phận. Những điều này đã được điều tra chưa?
Liên quan đến những bình luận và những lời đồn đoán xoay quanh cách xử lý của một số vị Tổng Trưởng các Bộ thuộc Giáo triều Rôma trong việc xử lý các cáo buộc lạm dụng khi các ngài còn là Giám mục giáo phận, các cơ quan hữu trách đã thực hiện các cuộc điều tra—dựa trên việc xem xét chứng cứ khách quan và tài liệu—và kết luận rằng các vụ việc đã được xử lý ad normam iuris, nghĩa là theo đúng các quy định hiện hành, và đã được các vị Giám mục Giáo phận thời đó chuyển đến Bộ có thẩm quyền để xem xét và đánh giá.
Việc kiểm tra của các cơ quan được ủy quyền đã xác nhận dứt khoát rằng không có hành vi sai phạm nào trong cách hành xử của các vị Giám mục liên quan.
Khi chọn Tông Hiệu Giáo hoàng là Lêô, Đức Tân Giáo hoàng cho thấy sự tiếp nối với Đức Giáo hoàng của Thông điệp Rerum Novarum: cuối thế kỷ XIX là thời đại của Cách mạng Công nghiệp; còn ngày nay, chúng ta đang sống trong thời đại của cuộc cách mạng kỹ thuật số và phải đối mặt với các thách đố do trí tuệ nhân tạo đặt ra. Chúng ta nên phản ứng thế nào trước những thách đố đó?
Chúng ta hãy chờ đợi những suy tư mà Đấng Kế vị Thánh Phêrô sẽ đưa ra về vấn đề này. Theo tôi, con đường đúng đắn không phải là chấp nhận một cách thiếu suy xét, cũng không phải là lên án một cách cực đoan.
Những khả năng ngày càng tinh vi và mạnh mẽ mà công nghệ mang lại cho chúng ta phải luôn được sử dụng như những công cụ phục vụ cho điều thiện, và chúng ta không bao giờ được quên rằng việc đưa ra những quyết định sống còn liên quan đến con người thì không thể được giao phó cho một cỗ máy.
Chúng ta phải luôn cảnh giác để ngăn chặn—như vẫn đang xảy ra—việc không gian kỹ thuật số, và như vậy là cả trí tuệ nhân tạo, bị sử dụng như công cụ tuyên truyền nhằm thao túng dư luận bằng những thông điệp sai lệch.
Khi nhắc đến các nhà báo đang bị cầm tù, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã ca ngợi lòng can đảm “của những người bảo vệ phẩm giá, công lý và quyền của các dân tộc được biết sự thật, bởi vì chỉ có những dân tộc được thông tin đầy đủ mới có thể đưa ra các lựa chọn một cách tự do”.
Minh Tuệ (theo Vatican News)