Budapest và Slovakia đang chờ đợi Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News, Quốc Vụ Khanh Vatican, Đức Hồng y Pietro Parolin, nhấn mạnh rằng tại Šaštin, Đức Thánh Cha sẽ trao phó tất cả những ai rơi vào những tình huống mong manh cho Đức Trinh Nữ Maria.
Đức Thánh Cha Phanxicô đang chuẩn bị thực hiện chuyến Tông du thứ 34 của mình, trong đó Đức Thánh Cha sẽ bế mạc Đại hội Thánh Thể ở Budapest, sau đó đến thăm Slovakia. Có rất nhiều kỳ vọng cho sự xuất hiện của Đấng kế vị Thánh Phêrô. Đức Hồng Y Pietro Parolin nhắc lại rằng đây là chuyến Tông du kép mà chính Đức Thánh Cha đã tuyên bố khi ngài trở về từ Iraq khi nói rằng nó nảy sinh từ sự khao khát và cầu nguyện. Phát biểu với Vatican News, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nhấn mạnh rằng “Cuộc hành hương đến Đền thờ Quốc gia Šaštin ở Slovakia sẽ là một cuộc hành hương diễn ra sau cuộc phẫu thuật của Đức Thánh Cha, do đó ở một khía cạnh nào đó cũng để tạ ơn Đức Mẹ vì sự thành công của ca phẫu thuật này”.
Trong cuộc phỏng vấn khi trở về từ Iraq, chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố mong muốn và ý định của ngài – như thường xảy ra với các chuyến Tông du – vốn nảy sinh từ việc cầu nguyện. Mong muốn và ý định viếng thăm và chủ sự Thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế tại Budapest, vốn đã bị hoãn lại vì Covid-19, và kế đến thể hiện sự gần gũi, để đến Slovakia và viếng thăm đất nước.
Đức Tổng giám mục Địa phận Budapest, Đức Hồng y Erdö, nhắc lại rằng Hungary cần ánh sáng của đức tin để cảm nhận và làm sâu sắc hơn tinh thần huynh đệ với tất cả mọi dân tộc. Đức Hồng y mong đợi hoa trái nào từ Đại hội Thánh Thể?
Đại hội Thánh Thể là dịp để cử hành, suy tư, nghiên cứu, đào sâu Mầu nhiệm Thánh Thể, và do đó Đại hội Quốc tế Budapest cũng có mục đích này. Trên thực tế, trong những ngày này, tất cả những khoảnh khắc này, cả những sự kiện lễ hội và những sự kiện mang tính học thuật đều đang diễn ra. Đại hội Thánh Thể sau đó sẽ dẫn đến một sự sống đó là Thánh Thể: cách đây chỉ vài ngày trước, tôi đã đọc lại bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô vào năm 2018 tại Molfetta nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày mất của Đức Cha Don Tonino Bello. Lúc đó, Đức Thánh Cha nói, trong số những thứ khác: “Tại mỗi Giáo xứ, trong mỗi nhà thờ phải có dòng chữ này: ‘Sau Thánh lễ, anh em không còn sống cho mình nữa, mà anh em sống cho tha nhân'”. Tôi tin rằng đây chính là ý nghĩa của điều mà Đức Hồng Y Erdö đã nói, đó là: Bí tích Thánh Thể làm chúng ta đắm chìm trong tình yêu của Chúa Kitô, trong chính sự sống của Chúa Kitô, một tình yêu với những chiều kích phổ quát, và do đó phải làm cho chúng ta có khả năng nhìn thấy nơi mỗi người nam và người nữ, nơi mỗi người, là anh chị em mà chúng ta phải gánh lấy những gánh nặng của họ.
Tại Slovakia, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ được chào đón bởi một một dân tộc nơi ký ức về các Thánh Cyril và Methodius vẫn còn sống động: một chuyến viếng thăm tái khẳng định nhịp cầu tinh thần của cuộc đối thoại giữa Đông và Tây phương…
Chắc chắn. Hình tượng của các Thánh Cyril và Methodius đã đặc trưng sâu sắc cho toàn bộ lịch sử của Quốc gia Slovakia: trong chính Hiến pháp, trong phần mở đầu, tôi tin rằng các Ngài được nhắc đến như những vị Tổ phụ về văn hóa và tinh thần của Dân tộc. Và Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Thông điệp “Slavorum Apostoli”, nói về các Ngài như một cầu nối giữa Đông và Tây phương. Điều chúng ta có thể nắm được về những vị Thánh này – và tôi tin rằng sứ điệp của họ mang tính hiện thời, trường tồn, trong số những thứ khác, các Ngài cũng là Đấng bảo trợ của Châu Âu, theo đề nghị của Đức Gioan-Phaolô II – trước hết là khả năng hội nhập Tin Mừng vào văn hóa. Họ biết cách trò chuyện với con người ở thời đại của họ, họ biết cách loan báo Tin Mừng theo những hình thức mà họ có thể tiếp cận được, và đây là lời mời gọi thực hiện điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị khi ngài nói về một Giáo hội bước ra bên ngoài, về một Giáo hội phải hoàn toàn hướng tới việc Phúc Âm hóa thế giới: hướng tới việc Phúc Âm hóa thế giới có nghĩa là tìm ra ngôn ngữ thích hợp để thế giới có thể đón nhận lời loan báo Tin Mừng. Do đó, một mặt, sự hội nhập văn hóa này, sự thúc đẩy truyền giáo này, và mặt khác cũng là thực tế của việc biết cách đưa sự đa dạng của linh đạo, của các hình thức diễn đạt của linh đạo, của văn hóa ngôn ngữ cũng trong sự hiệp nhất Công giáo, do đó trở thành một bản giao hưởng thống nhất chứ không phải một bản giao hưởng đồng nhất.
Chương trình của chuyến viếng thăm đã được sắp xếp, bao gồm cuộc gặp gỡ với cộng đồng Roma, một dấu hiệu cho thấy sự chú ý của Đức Thánh Cha đối với thực tế này …
Đối với tôi, có vẻ như cuộc gặp gỡ này nối tiếp với cuộc gặp gỡ mà Đức Thánh Cha đã thực hiện cách đây 2 năm trước tại Romania với cộng đồng Roma, nơi mà từ sâu thẳm trái tim, Đức Thánh Cha đã bày tỏ tất cả nỗi đau đớn đối với những đau khổ mà cộng đồng này đã phải gánh chịu, mà cộng đồng này đã phải chịu đựng theo thời gian. Sự quan tâm mạnh mẽ này của Đức Thánh Cha đối với nỗi đau của người dân, do đó cũng là lời cầu xin tha thứ cho biết bao nhiêu trách nhiệm mà chúng ta – Giáo hội hoặc những người thuộc Giáo hội có thể có – trong tình huống này. Đồng thời, điều đó một mặt cũng trở thành sự chú ý đến quần thể này, do đó tôn trọng, cũng như đánh giá cao những giá trị mà họ thể hiện – và có rất nhiều giá trị: từ giá trị gia đình cho đến giá trị của tinh thần liên đới, hiếu khách, chăm sóc người cao niên, v.v. – và mặt khác, nỗ lực đang được thực hiện để họ hòa nhập hoàn toàn vào xã hội.
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự Thánh lễ tại Đền thờ Quốc gia Šaštin nhân dịp lễ của Đức Mẹ Sầu Bi, Đấng Bảo trợ của Slovakia. Đây là một điểm dừng mà Đức Thánh Cha không muốn bỏ lỡ …
Chắc chắn, và ở một khía cạnh nào đó, Đức Thánh Cha đã kéo dài chuyến viếng thăm của mình để tham dự dịp lễ nổi tiếng về lòng sùng kính tuyệt vời đối với Đấng Bảo trợ của Slovakia. Tôi tin rằng một mặt, đây chính là dấu hiệu cho thấy sự cân nhắc đặc biệt mà Đức Thánh Cha luôn dành cho lòng sùng mộ bình dân, lòng đạo đức bình dân, nhưng trên hết là lòng sùng kính Đức Mẹ, điều mà ngài đã trải nghiệm trực tiếp ở Châu Mỹ Latinh, ở Argentina, ở tất cả các quốc gia của lục địa đó, nhưng đồng thời cũng bắt nguồn từ Châu Âu. Đền thờ Šaštin này là một ví dụ cho thấy lòng sùng kính Đức Mẹ quan trọng như thế nào đối với đời sống đức tin của một dân tộc, của một cộng đồng. Đồng thời, tôi cũng xin nhấn mạnh rằng cuộc hành hương này diễn ra sau cuộc phẫu thuật của Đức Thánh Cha, nên ở một khía cạnh nào đó, đó cũng là một cách để tạ ơn Đức Mẹ, chắc chắn, vì sự thành công của ca phẫu thuật này, nhưng đồng thời cũng trao phó cho Mẹ tất cả những ai tự nhận thấy mình trong những hoàn cảnh mong manh, dễ bị tổn thương, đau khổ, kể cả đau khổ về thể xác, như ngài đã trải qua trong thời gian này, đặc biệt có tính đến hoàn cảnh, tình huống đại dịch vẫn đang xảy ra, mà không may, gây ra sự đau thương cho nhiều quốc gia.
Thưa Đức Hồng y, tinh thần của chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha là gì?
Đức Thánh Cha đã tự mình bày tỏ điều đó, hôm Chúa nhật tuần trước, sau giờ nguyện Kinh Truyền Tin vào ngày 5 tháng 9. Ngài nói: “Tôi ước ao…”, vì vậy Đức Thánh Cha khao khát được gặp gỡ các tín hữu này, được gặp gỡ các Giáo hội này, có tính đến việc các chuyến Tông du đã bị thưa dần vì Covid-19. Một cách chính xác, Đức Thánh Cha cảm thấy cần phải tiếp tục hình thức thực thi Sứ vụ Phêrô của mình và khả năng tiếp xúc với những người đặc trưng cho phong cách và cách sống của ngài.
Minh Tuệ (theo Vatican News)