Chia sẻ về chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Bồ Đào Nha, Đức Hồng y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin cho biết Đại hội Giới trẻ Thế giới mang đến cơ hội quan trọng cho những người trẻ tiếp xúc gần gũi với Chúa Giêsu và đồng thời mô tả chuyến viếng thăm Fatima của Đức Thánh Cha là thời gian để gần gũi với các bệnh nhân và kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình.
Các bạn trẻ đã đến Lisbon đang háo hức chờ đợi Đức Thánh Cha Phanxicô để cùng nhau cử hành Đại hội Giới trẻ Thế giới lần thứ 37, cuộc tụ họp đầu tiên sau đại dịch Covid-19. Đức Thánh Cha lên đường đến Bồ Đào Nha với nhận thức rằng “những cuộc tụ họp này có tác động hết sức mạnh mẽ, chúng có sức mạnh thậm chí có thể thay đổi đời sống của một số người”.
Bằng những lời này, Đức Hồng Y Parolin đã chia sẻ với Truyền thông Vatican cái nhìn sâu sắc của ngài về những suy tư của Đức Thánh Cha khi ngài chuẩn bị gặp gỡ, lắng nghe và trò chuyện với những người trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới trong dịp lễ hội đức tin trọng đại này. Đức Thánh Cha sẽ sẽ có mặt tại thủ đô Bồ Đào Nha từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 8, đây sẽ là chuyến Tông du quốc tế lần thứ 42 của ngài.
Quốc Vụ Khanh Vatican cũng kêu gọi tất cả những ai không thể tham gia về mặt thể lý trong những ngày sắp tới hãy “cảm thấy mình được tham gia và đóng vai chính hoàn toàn” và đồng thời giải thích rằng chặng đường Fatima của cuộc hành trình bắt nguồn từ mong muốn của Đức Thánh Cha để được gần gũi với những người bệnh tật và đau khổ và cầu nguyện cho hòa bình.
Kính thưa Đức Hồng y, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ dành thời gian với các bạn trẻ tham gia Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Lisbon, Bồ Đào Nha. Ngài chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này thế nào?
Đức Thánh Cha Phanxicô có nhiều kỳ vọng cho Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Lisbon, và trong một số thông điệp video, ngài đã mời gọi những người trẻ tham gia cùng với ngài trong cuộc hành hương này và chuẩn bị sự kiện Giáo hội này, trước hết, trong lời cầu nguyện. Đức Thánh Cha cầu nguyện cho tất cả những người trẻ đã lên đường đến Lisbon trong những ngày này, với niềm xác tín, với sự hiểu biết rằng những cuộc gặp gỡ, những cuộc tụ họp này có sức mạnh to lớn, sức mạnh thậm chí có thể thay đổi đời sống của một số người”. Gần đây, Đức Thánh Cha đã nói “người ta lớn lên rất nhiều trong những ngày như thế này!”. Vì vậy, Đức Thánh Cha đã chuẩn bị cho Đại hội Giới trẻ Thế giới này với niềm hy vọng lớn lao và đang khuyến khích những người trẻ tuổi có thái độ tương tự đối với thời gian mà ngài sẽ trải qua với họ.
Vài tuần trước, Đức Thánh Cha là một trong những người đầu tiên được trao chiếc ba lô mà những người hành hương trẻ tuổi sẽ nhận được ở Lisbon.
Đại hội Giới trẻ Thế giới bắt nguồn từ một trực giác mà Thánh Gioan Phaolô II đã có. Cuộc tụ họp này có ý nghĩa gì vào năm 2023?
Tôi muốn nói rằng sự lựa chọn của Đức Gioan Phaolô II chắc chắn là một sự lựa chọn tiên tri, một trực giác tiên tri, cho thấy ước muốn của Giáo hội là đồng hành với những người trẻ, đồng hành với họ để loan báo Tin Mừng cho họ, để tạo điều kiện cho cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Kitô; đó là một dấu chỉ cho thấy Giáo hội cảm thấy ngày càng cam kết, ở cấp độ toàn cầu, đối với công việc mục vụ giới trẻ của mình, rằng Giáo hội ‘bắt nhịp’ với những lo lắng và quan tâm của những người trẻ tuổi, với những hy vọng và ước muốn của họ, với những kỳ vọng của họ, luôn luôn trong viễn cảnh của cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, Đấng là Đường, là Sự Thật, là Sự Sống.
Do đó, trực giác tiên tri này đối với tôi dường như được thể hiện ở tất cả mức độ phù hợp của nó ngay cả trong thời đại ngày nay của chúng ta. Trực giác tiên tri này vẫn giữ được tất cả sự phù hợp của nó trong thời hiện tại vì nó nhằm mục đích tái khẳng định cam kết của Giáo hội đối với các thế hệ trẻ. Trong một thế giới đang trải qua những thay đổi sâu sắc, một thế giới đã trải qua kinh nghiệm bi thảm của đại dịch Covid và đang trải qua nhiều xung đột, ngày nay, trên khắp hành tinh, việc giới trẻ gặp gỡ khuôn mặt của Chúa Giêsu Kitô là điều cần thiết hơn bao giờ hết hầu nhận biết Lời cứu độ của Ngài và trở thành môn đệ của Ngài. Và như vậy, Đại hội Giới trẻ Thế giới vẫn chứng tỏ là một công cụ và một cơ hội quan trọng để rao giảng Tin Mừng cho giới trẻ.
Hơn nữa, nó còn có một khía cạnh của tình huynh đệ phổ quát bắt nguồn từ sự kiện là những người trẻ này, đến từ các quốc gia khác nhau và do đó với các nền văn hóa, ngôn ngữ và lối sống khác nhau, có thể gặp gỡ nhau và trao đổi kinh nghiệm, trao đổi những món quà của họ.
Vì vậy, chúng ta nên biết ơn vì trải nghiệm này đã diễn ra trong 40 năm và ngày nay nó có cơ hội tuyệt vời để tác động đến cuộc sống của giới trẻ.
Giáo hội có thể học được gì từ những người trẻ ngày nay?
Tôi tin rằng Giáo hội đang đối mặt với thách thức lớn trong việc truyền bá đức tin, truyền bá đức tin cho thế giới nói chung. Và tôi tin rằng trong nhiệm vụ này mà Giáo hội có, những người trẻ tuổi có điều gì đó để nói với chúng ta.
Trong thế giới ngày nay, có nhiều người không biết Chúa Giêsu Kitô hoặc có lẽ đã chối bỏ Ngài, ngày càng có nhiều người mất đức tin và cư xử như thể Thiên Chúa không ở đó. Đức Thánh Cha thường nói về sự gẫy vỡ này trong việc truyền đạt đức tin giữa các thế hệ, đồng thời giải thích rằng việc cảm thấy gần như vỡ mộng với Giáo hội và không còn đồng cảm với truyền thống Công giáo là điều bình thường. Ngày càng có nhiều cha mẹ không rửa tội cho con cái, không dạy chúng cầu nguyện hoặc tham gia các cộng đồng đức tin khác (EG 70).
Tình huống này, mà chúng ta phải ý thức và phải xem xét, liên hệ chặt chẽ với sự tồn tại của những người trẻ chất chứa trong mình nhiều thắc mắc, nhiều nghi ngờ và nhiều câu hỏi mà họ không biết phải trả lời như thế nào. Do đó, điều mà những người trẻ yêu cầu Giáo hội là Giáo hội đổi mới động lực tông đồ của mình và không ngại dấn thân vào con đường hoán cải mục vụ và truyền giáo mà Đức Thánh Cha hết sức mong mỏi. Cần phải sáng tạo, cần phải tìm ra can đảm và ngôn ngữ thích hợp để giới thiệu Chúa Giêsu Kitô cho những người trẻ ngày nay, trong tất cả sự tươi mới của Ngài, trong tất cả tính thời sự của Ngài, theo cách thức mà ngay cả giới trẻ ngày nay, những người có sự bén nhạy, phong cách, cách làm việc khác với những người đồng trang lứa trong quá khứ, có thể gặp gỡ Ngài và sống kinh nghiệm đức tin sâu sắc, và từ kinh nghiệm đức tin sâu sắc này sẽ nảy sinh ước muốn chia sẻ nó với tất cả những người đồng trang lứa của họ. Do đó, một lời mời gọi đừng im lặng trong những bức tường của chúng ta, nhưng hãy trở thành nhà truyền giáo đích thực đối với những người trẻ tuổi và lôi kéo họ tham gia chặt chẽ hơn vào cuộc hành trình đức tin này.
Có quá nhiều cuộc khủng hoảng mà thế giới đang trải qua: chiến tranh, nghèo đói, thờ ơ, bị bỏ rơi, ích kỷ, chủ nghĩa thế tục… Liệu những người trẻ có thể vượt qua những thách thức này không?
Vâng, và tôi tin rằng dấu chỉ đến với chúng ta trong Sứ điệp mà Đức Thánh Cha gửi cho những người trẻ nhân dịp Đại hội Giới trẻ Thế giới, trong đó ngài giới thiệu Đức Maria, sau biến cố Truyền Tin, đã vội vã trỗi dậy và lên đường (Lc 1:39) đến với người chị họ của mình là Elizabeth, để giúp đỡ bà lúc cần kíp. Ở đây, Đức Mẹ chỉ cho chúng ta, trước hết, Mẹ chỉ cho những người trẻ con đường của sự gần gũi và gặp gỡ. Và tôi tin rằng những người trẻ tuổi khi họ bước trên những con đường của sự gần gũi và gặp gỡ này, tự họ có khả năng đối mặt và giúp giải quyết và vượt qua nhiều thách thức của xã hội chúng ta.
Tôi nhớ đến chứng từ của rất nhiều bạn trẻ, giống như Đức Mẹ, đã không ngại từ bỏ những tiện nghi của mình để gần gũi với những cần được giúp đỡ. Họ không thu mình lại mà chọn tận dụng khả năng, năng khiếu, năng lực của mình, trao tặng những gì họ đã nhận được cho người khác và tìm kiếm – thông qua những lựa chọn có vẻ khá hạn chế, khá nhỏ bé – để tạo ra môi trường phát triển tốt đẹp trên thế giới. Tôi tin rằng đây là sự đóng góp mà những người trẻ tuổi có thể thực hiện trước những thách thức to lớn của thời đại chúng ta.
Chặng Fatima đã được thêm vào chương trình Đại hội Giới trẻ Thế giới. Ý nghĩa của cuộc viếng thăm đền thánh Đức Mẹ này là gì?
Đây là một chuyến viếng thăm quan trọng, trong đó Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ những người trẻ bị bệnh tật và lần hạt Mân Côi với họ. Một khoảnh khắc hết sức mãnh liệt. Tôi tin rằng Đức Thánh Cha muốn nhắc lại sứ điệp của Đức Mẹ gửi cho ba trẻ mục đồng khi Đức Mẹ hiện ra vào năm 1917. Những lời của Đức Mẹ là những lời an ủi, những lời hy vọng trong một thế giới đang lâm cảnh chiến tranh, không quá khác biệt so với thực tế mà chúng ta đang trải qua ngày nay. Đức Mẹ mời gọi các trẻ mục đồng, và qua các em, Đức Mẹ mời gọi tất cả mọi người nam nữ, hãy cầu nguyện và đặc biệt là lẫn chuỗi Mân Côi, với lòng tin tưởng tuyệt đối, để đạt được hòa bình trên thế giới.
Vì vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô, người luôn canh cánh trong lòng bi kịch của những người bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột, với chuyến viếng thăm Đền thờ Fatima trong Đại hội Giới trẻ Thế giới này, đề nghị chúng ta đừng nản lòng và hãy kiên trì cầu nguyện và đặc biệt là lần hạt Mân Côi.
Đại hội Giới trẻ Thế giới có thể và phải là thời gian lắng nghe. Theo Đức Hồng y, điều gì có thể nảy sinh từ cuộc gặp gỡ này?
Trong cuộc gặp gỡ là ân sủng của Thiên Chúa, hoạt động trong tâm hồn của những người nam nữ và trong tâm hồn của những người trẻ. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng có ba thời điểm gặp gỡ dường như rất quan trọng đối với tôi. Đầu tiên là lắng nghe tiếng Chúa, lắng nghe lời mời gọi của Người. Một thời điểm đặc biệt quan trọng theo nghĩa này là buổi Canh thức cầu nguyện, buổi cử hành chiều thứ Bảy, trong đó chúng ta cũng sẽ trải qua thời gian chầu Thánh Thể. Gặp gỡ Thiên Chúa hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, và để cho chính mình được gặp gỡ Người hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, có nghĩa là sẵn sàng lắng nghe Lời Ngài: đó là một cuộc gặp gỡ có thể thực sự thay đổi cuộc đời của nhiều người trẻ.
Khoảnh khắc thứ hai là lắng nghe Đức Thánh Cha Phanxicô. Chúng ta biết khả năng của Đức Thánh Cha trong việc tiếp xúc và ‘hòa nhịp’ với những người trẻ tuổi, ngài có khả năng trò chuyện với họ như thế nào, đưa ra những lời có thể lay động họ, khuyến khích họ, kích thích họ cống hiến hết mình. Cuộc gặp gỡ với Đấng Kế Vị Thánh Phêrô, với tư cách là chứng nhân và thầy dạy đức tin, cũng có thể trở thành một bước ngoặt trong cuộc đời của những người trẻ.
Khoảnh khắc thứ ba đối với các bạn trẻ là gặp gỡ và lắng nghe nhau: mỗi kỳ Đại hội Giới trẻ Thế giới cũng là một cơ hội để gặp gỡ, như tôi đã nói, những người trẻ đến từ các quốc gia khác, để khám phá việc các bạn đồng lứa của họ sống sự khác biệt của họ và làm phong phú lẫn nhau thế nào.
Đức Hồng y có điều gì muốn nhắn nhủ với nhiều người trẻ không thể đến Lisbon, mặc dù họ rất muốn đến?
Vâng, chúng ta biết rằng trong khi Đại hội Giới trẻ Thế giới đang diễn ra ở Lisbon thì cũng sẽ có những sự kiện “tại địa phương” và có thể theo dõi qua các phương tiện truyền thông. Tôi mời gọi những ai không thể đến Lisbon, vì nhiều lý do, hãy hiệp lòng hiệp ý với Đức Thánh Cha và những người đồng trang lứa của họ đang có mặt tại Bồ Đào Nha và sống, dù ở xa, mạnh mẽ sống kinh nghiệm này bằng cách cầu nguyện với họ và cho họ, cho những người đang có mặt tại Lisbon. Và vì vậy họ cũng phải cảm thấy mình là một phần sống động của kỳ Đại hội Giới trẻ Thế giới này!
Tôi muốn kết luận bằng cách nói rằng, như Đức Thánh Cha đã nói, Đại hội Giới trẻ Thế giới không phải là màn “pháo hoa”, tức là những khoảnh khắc của sự hăng hái nhiệt tình, có lẽ là sự nhiệt tình lớn lao, tự đóng lại: chúng phải được hòa nhập vào công việc mục vụ giới trẻ thông thường. Do đó, trước mỗi kỳ Đại hội Giới trẻ Thế giới, phải có công việc mục vụ của các Giáo phận và Giáo xứ được kêu gọi để chuẩn bị cho các cuộc tụ họp thế giới, sau đó phải được theo dõi. Tôi tin rằng vào thời điểm này, tất cả những người trẻ tuổi, ngay cả những người không thể hiện diện trực tiếp tại Lisbon, phải cảm thấy mình được tham gia và đóng vai trò là những nhân vật chính hoàn toàn.
Minh Tuệ (theo Vatican News)