Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng y Pietro Parolin, đã phát biểu với Vatican News về chuyến Tông du sắp tới của ĐTC Phanxicô đến Ireland nhân dịp Đại Hội Gia đình Thế giới.
Trước chuyến Tông du của ĐTC Phanxicô, Đức Hồng y Pietro Parolin, đã đề cập đến một số vấn đề chính bao gồm vấn đề giáo sĩ lạm dụng tình dục ở Ireland và những nơi khác, tầm quan trọng của gia đình trong xã hội ngày nay và sự đóng góp của các gia đình Kitô giáo trong đời sống của Giáo hội.
Dưới đây là cuộc phỏng vấn của Đức Hồng y Parolin:
Kính thưa Đức Hồng y Parolin, ĐTC Phanxicô sẽ đến Ireland để tham dự Đại Hội Gia đình Thế giới. Chủ đề này ngày càng tập trung vào Triều đại Giáo hoàng của Ngài. Chúng ta có thể mong đợi điều gì sau khi các Thượng Hội Đồng Giám mục và ‘Amoris Laetitia’?
Tôi thiết nghĩ Đức Thánh Cha trước hết sẽ tái khẳng định Tin Mừng của gia đình, đó chính là chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục – các gia đình. Tin Mừng của các gia đình đồng nghĩa với việc tập trung và nhấn mạnh vị thế cực kì quan trọng của gia đình trong xã hội cũng như trong Giáo Hội ngày nay. Và kế đến nhằm hỗ trợ sứ mạng của gia đình trong thế giới ngày nay, một sứ mạng của tình yêu, một sứ mạng của lòng trung thành, một sứ mạng của việc giáo dục và phát sinh sự sống. Nhưng tôi chắc chắn rằng sự hiện diện tương tự như vậy của Đức Thánh Cha sẽ chính là sự khuyến khích đối với các gia đình trong những nỗ lực phấn đấu của họ nhằm đem tình yêu đến với thế giới này và thực sự giúp các cá nhân và xã hội đạt tới hạnh phúc mà tất cả mọi người đang tìm kiếm.
Theo ý kiến của Ngài, sự đóng góp lớn nhất mà các gia đình Kitô hữu có thể mang lại cho Giáo Hội ngày hôm nay cũng như cho những người không có kinh nghiệm cá nhân về đức tin?
Tôi nghĩ rằng, như tôi đã từng chia sẻ trước đây, điều quan trọng là phải trở nên nhân chứng cho niềm vui của Tin Mừng và điều này đặc biệt chính là khả năng có thể tiếp cận với người khác trong tình yêu, vốn chính là điều mang lại hạnh phúc trong thế giới này – trước một thế giới đã nhiều lần phải trải nghiệm, và đó cũng chính là một vấn đề to lớn ngày nay – sự cô đơn lẻ loi và cô lập. Kế đến, gia đình có sứ mạng và vai trò mang ý thức về sự hiệp thông, mang ý nghĩa của tình yêu, mang cảm thức về việc tôn trọng sự sống của các cá nhân cũng như của cộng đồng. Tôi nghĩ rằng đó chính là những đóng góp quan trọng mà gia đình và các gia đình Kitô giáo có thể mang đến cho thế giới.
Những chủ đề tế nhị chẳng hạn như vấn đề di dân, các cuộc khủng hoảng của gia đình và việc tiếp nhận người đồng tính cũng sẽ được đề cập tại Hội nghị Dublin. Ngày nay, Giáo hội phải nói gì với những người không chia sẻ các giá trị và tầm nhìn của Giáo hội về thế giới?
Vâng, dĩ nhiên, Giáo Hội phải tiếp tục đề xướng sự thật và vẻ đẹp của Tin Mừng về gia đình với một sự tôn trọng, với một sự chú ý nhiều hơn; nhưng Giáo Hội cũng phải tiếp tục làm như vậy và đặc biệt là phải đưa ra những ví dụ. Tôi thiết nghĩ điều quan trọng đó chính là phải cùng đồng hành với người dân trong những tình huống của họ như ĐTC Phanxicô đã chia sẻ kể từ khi bắt đầu Triều đại Giáo hoàng của mình rằng Giáo Hội chính là một bệnh viện dã chiến. Chúng ta có cơ hội để quan tâm chăm sóc tất cả mọi người, cùng đồng hành với họ, đặc biệt là bắt đầu từ việc lắng nghe họ và thiết lập một cuộc đối thoại với họ.
ĐTC Phanxicô đã nhiều lần đề nghị rằng các gia đình cần phải được hỗ trợ bởi các tổ chức với các chính sách phù hợp. Chúng ta cần phải bắt đầu từ đâu?
Điều đó quả là không phải hề dễ dàng chút nào. Chúng ta phải bắt đầu tốt hơn, tôi nghĩ rằng ĐTC Phanxicô đã nhiều lần chia sẻ rằng chúng ta cần phải bắt đầu từ chính chúng ta, từ các gia đình của chúng ta. Sau đó, chúng ta phải thực sự quan tâm đến việc chuẩn bị cho các đôi bạn trẻ tiến tới Bí tích Hôn nhân và sau đó cùng đồng hành với họ, cùng đồng hành với các gia đình – đặc biệt là khi họ nhận thấy căng thẳng và mâu thuẫn đầy khó khăn. Và tất nhiên đây chính là một dấu chỉ về tình yêu của Chúa Giêsu Kitô. ĐTC Phanxicô cho biết rằng Giáo Hội đã phải nỗ lực rất, rất nhiều theo ý nghĩa đó, thế nhưng hiện vẫn còn nhiều khoảng trống cần phải được lấp đầy và sau đó hoạt động theo đường hướng đó. Tôi thiết nghĩ nhiệm vụ thứ hai đó là Giáo hội, với tiếng nói tiên tri, cũng cần phải nhắc nhở các chính khách, những người hoạt động trong lĩnh vực chính trị, và các tổ chức, rằng họ có nhiệm vụ phải hỗ trợ các gia đình và đồng thời đáp ứng những mong đợi cũng như những nhu cầu của họ.
Ireland đã thay đổi rất nhiều kể từ chuyến Tông du cuối cùng của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1979. Nó đã được đánh dấu bằng những câu chuyện khủng khiếp về tình trạng lạm dụng tình dục của các giáo sĩ và những người khác. Đất nước này cũng đã bị chấn động bởi báo cáo gần đây của bồi thẩm đoàn Pennsylvania. Ngài muốn chia sẻ điều gì với người dân Ireland?
Quả là không hề dễ để nói về vấn đề này, bởi vì vụ bê bối lạm dụng tình dục này đã thực sự ảnh hưởng, và tiếp tục ảnh hưởng đến chúng ta cũng như tất cả mọi người, và nó có gây ra những tác động vô cùng tàn khốc đối với cuộc sống cũng như việc làm chứng mà Giáo Hội sẽ mang lại cho thế giới. Như ĐTC Phanxicô đã nhiều lần nhắc nhở chúng ta, và Ngài cũng sẽ tiếp tục làm như vậy, rằng nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta đó chính là quan tâm chăm sóc những người đã bị ảnh hưởng – những nạn nhân của hiện tượng bi thảm này. Tôi nghĩ rằng Giáo hội ở Ireland đã thừa nhận những thất bại của mình và đồng thời Giáo hội cũng đã cung cấp các biện pháp nhằm ngăn chặn những sự việc đã xảy ra trong quá khứ hầu không để nó lặp lại trong tương lai. Và kế đến, trên khuôn khổ này, việc chú ý đến các nạn nhân, việc thừa nhận và ăn năn về những điều đã gây ra trong quá khứ. Và trong nỗ lực nhằm ngăn chặn những điều tương tự như vậy tiếp tục xảy ra, tôi nghĩ rằng chúng ta phải nhìn nhận chuyến Tông du của Đức Thánh Cha như một hành trình đầy hy vọng, nhằm giúp Giáo Hội ở Ireland và các gia đình nói chung, tham gia vào một cuộc hành trình với hy vọng rằng chúng ta thực sự có thể thay đổi và chúng ta có thể xây dựng một xã hội mà trong đó trẻ em và những người dễ bị tổn thương được bảo vệ một cách an toàn, và thực sự Giáo Hội có thể thể hiện vai trò của mình theo tinh thần Tin Mừng.
Minh Tuệ chuyển ngữ