Trong một cuộc phỏng vấn đề cập đến nhiều vấn đề với tờ báo tiếng Ý L’Eco di Bergamo, Quốc Vụ Khanh Vatican đã nhắc lại nhu cầu cấp thiết về một “nền ngoại giao hy vọng” đa phương và “sự can đảm” để đàm phán hòa bình.
Vào thời điểm mà ngoại giao quốc tế dường như đã mất đi sức hấp dẫn và hiệu quả ở mọi nơi, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Vatican, đã tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc của Tòa Thánh đối với chủ nghĩa đa phương, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các cách tiếp cận toàn diện đối với hòa bình.
Giải pháp cho xung đột không bao giờ được áp đặt một cách đơn phương
“Mọi người đều có thể đóng góp cho hòa bình, nhưng các giải pháp không bao giờ được theo đuổi thông qua sự áp đặt đơn phương có nguy cơ chà đạp lên quyền của toàn thể người dân”, Đức Hồng y Parolin nói, “nếu không, sẽ không bao giờ có được một nền hòa bình công bằng và lâu dài”.
Quốc Vụ Khanh Vatican đã chia sẻ quan điểm này với Alberto Ceresoli, biên tập viên của tờ báo địa phương L’Eco di Bergamo tiếng Ý. Trong cuộc phỏng vấn đề cập đến nhiều vấn đề, Đức Hồng y Parolin đã đề cập đến một số vấn đề địa chính trị cấp bách, bao gồm các cuộc chiến ở Gaza và Ukraine, tình hình thay đổi ở Trung Đông cũng như vai trò của châu Âu trong những thách thức địa chính trị của thời đại chúng ta.
Điểm cốt lõi trong suy nghĩ của Đức Hồng y Parolin là các giải pháp cho xung đột không bao giờ nên được áp đặt một cách đơn phương, vì cách tiếp cận như vậy sẽ ngăn cản việc thiết lập nền hòa bình công bằng và lâu dài.
Một tia hy vọng cho Thánh đía
Liên quan đến cuộc xung đột Israel-Palestine, Đức Hồng y Parolin đã bày tỏ sự lạc quan thận trọng về lệnh ngừng bắn tạm thời và bấp bênh hiện tại: “Đây chắc chắn là tin tốt lành vì thành quả của nó đã bắt đầu được nhìn thấy – chẳng hạn như việc trả tự do cho các con tin Israel và tăng cường viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza – và vì có hy vọng rằng đây có thể là khởi đầu cho một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn, chấm dứt nỗi thống khổ của người dân Palestine ở Gaza và phần còn lại của Palestine”.
Sự cấp thiết của sự hỗ trợ quốc tế để giúp đỡ Syria
Liên quan đến sự thay đổi chế độ gần đây của Syria, Đức Hồng y Parolin đã bày tỏ sự quan ngại về sự ổn định của nước này và đồng thời nhấn mạnh nhu cầu cần có sự hỗ trợ quốc tế để giúp đất nước này duy trì toàn vẹn lãnh thổ và thúc đẩy sự chung sống hòa hợp giữa nhiều nhóm dân cư khác nhau.
Sự ngờ vực và lo sợ lẫn nhau cản trở đối thoại
Khi được hỏi về những khó khăn cố hữu mà nền ngoại giao quốc tế phải đối mặt trong việc giải quyết các tình huống phức tạp như chiến tranh ở Gaza và Ukraine, Đức Hồng y Parolin lưu ý rằng trở ngại chính là sự ngờ vực và sợ hãi lẫn nhau lan rộng, gây ra sự phân cực và cản trở cuộc đối thoại mang tính xây dựng.
Đức Hồng y Parolin tái khẳng định rằng “não trạng đội nhóm” ngày càng phổ biến trong lĩnh vực chính trị toàn cầu – nơi các bên chỉ tham gia với những đối tác có cùng chí hướng trong khi tránh xa các quan điểm đối lập – làm trầm trọng thêm tình trạng kém hiệu quả về ngoại giao. Sự tự loại trừ này khỏi các cuộc thảo luận đa dạng hạn chế các cơ hội cho việc hòa giải và giải quyết có ý nghĩa, Đức Hồng y Parolin cho biết.
Sự cần thiết đối với chủ nghĩa đa phương và một “nền ngoại giao hy vọng” mới
Để vượt qua những thách thức này, Đức Hồng y Parolin đã đề xuất một cách tiếp cận ngoại giao khác bắt nguồn từ điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là “nền ngoại giao hy vọng” tập trung vào đối thoại, kiên nhẫn và xây dựng lòng tin.
Cách tiếp cận như vậy, Đức Hồng y Parolin cho biết, sẽ là một giải pháp thay thế cho động lực đối đầu và loại trừ đang thịnh hành, thay vào đó đề xuất một khuôn khổ ưu tiên sự hiểu biết và hòa giải lâu dài và do đó có thể hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy hòa bình. Đây là lý do tại sao, Đức Hồng y Parolin nói thêm, “điều cần thiết là phải tin vào ‘chủ nghĩa đa phương’ và tăng cường vai trò của các thể chế quốc tế, chẳng hạn như Liên hợp quốc, đảm bảo rằng chúng có thể hoạt động hiệu quả hơn và mang tính đại diện hơn”.
Lặp lại lời của Đức Thánh Cha Phanxicô và Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Đức Hồng y Parolin cũng nhấn mạnh rằng hòa bình đòi hỏi lòng can đảm, công lý và sự tha thứ, ba giá trị, ngài lưu ý, dường như ngày càng vắng bóng trong xã hội hiện đại. “Ngày nay, sự can đảm để đàm phán thường bị nhầm lẫn với sự yếu đuối, trong khi sức mạnh quân sự và các cuộc biểu dương lực lượng vẫn tiếp tục được coi là công cụ giải quyết xung đột”, Đức Hồng y Parolin cho biết. Mặt khác, ngài nói thêm, hòa bình phải được xây dựng trên nền tảng công lý và sự tha thứ, vì “hòa bình đích thực không thể tồn tại nếu không có một trật tự công bằng”.
“Chỉ khi lòng dũng cảm, công lý và sự tha thứ một lần nữa được thể hiện như những giá trị cơ bản, thì chúng ta mới có thể bước vào con đường thực sự hướng tới hòa bình”.
Châu Âu cần một tầm nhìn
Quay lại vai trò của châu Âu trong các vấn đề toàn cầu, Đức Hồng y Parolin đã truy nguyên những thách thức hiện tại của châu lục này bắt nguồn từ việc không thừa nhận di sản Kitô giáo của mình trong Hiến pháp châu Âu. Theo Đức Hồng y Parolin, việc thiếu sự công nhận này đã góp phần làm suy yếu bản sắc và sự thống nhất của châu Âu. Do đó, để châu Âu tiếp tục có tiếng nói và vai trò trong bối cảnh thế giới hiện tại, châu Âu phải quay trở lại với cội nguồn lịch sử và văn hóa đã từng mang lại cho châu lục này sức mạnh và tầm nhìn, như Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi, ngài nhận xét.
“Lời kêu gọi của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, được Đức Thánh Cha Phanxicô lặp lại, ‘Châu Âu, hãy tìm lại chính mình, hãy là chính mình!’, vẫn còn phù hợp ngày nay và là con đường cần theo đuổi nếu muốn tiếp tục đóng vai trò trung tâm trên trường thế giới”.
Thiên Ân (theo Vatican News)