Đức Hồng y Parolin: ‘Các công ước nhân quyền quốc tế phải được bảo vệ trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine’

Quốc Vụ Khanh Vatican, Đức Hồng y Pietro Parolin tham dự phiên họp toàn thể tại Hội nghị thượng đỉnh về Hòa bình ở Ukraine tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock gần Lucerne, Thụy Sĩ, vào ngày 16 tháng 6 năm 2024 (Ảnh: ALESSANDRO DELLA VALLE/ POOL/ AFP/ Getty Images)

Quốc Vụ Khanh Vatican, Đức Hồng y Pietro Parolin tham dự phiên họp toàn thể tại Hội nghị thượng đỉnh về Hòa bình ở Ukraine tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock gần Lucerne, Thụy Sĩ, vào ngày 16 tháng 6 năm 2024 (Ảnh: ALESSANDRO DELLA VALLE/ POOL/ AFP/ Getty Images)

Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng y Pietro Parolin, đã gặp gỡ Cao ủy Nhân quyền Nga Tatiana Moskalkova qua hội nghị truyền hình vào ngày 16 tháng 9 để nhấn mạnh sự cần thiết cần phải bảo vệ các công ước nhân quyền quốc tế trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.

Theo tuyên bố của Văn phòng Báo chí Tòa Thánh vào ngày 18 tháng 9, Đức Hồng y Parolin đã cảm ơn bà Moskalkova vì vai trò của bà trong việc đảm bảo việc trả tự do cho hai Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế người Ukraine, Cha Ivan Levytsky và Cha Bohdan Geleta, vào ngày 28 tháng 6, sau 18 tháng bị lực lượng Nga giam giữ tại thành phố Berdyansk bị chiếm đóng.

Trong báo cáo của Cơ quan Thông tin Tôn giáo Ukraine, hai Linh mục đã chọn ở lại và phục vụ cộng đồng Công giáo Hy Lạp và Công giáo La Mã mà họ phục vụ tại Berdyansk. Vào ngày 22 tháng 11 năm 2022, cả hai đều bị quân đội Nga bắt giữ vì tội tàng trữ vũ khí.

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã cảm tạ Thiên Chúa về việc trả tự do cho Cha Levytsky và Cha Geleta trong bài diễn văn đặc biệt của ngài vào ngày 29 tháng 6 nhân dịp Lễ Thánh Phêrô và Phaolô. “Tôi tạ ơn Chúa vì hai Linh mục Công giáo Hy Lạp đã được trả tự do”, Đức Giáo hoàng nói. “Cầu mong tất cả các tù nhân của cuộc chiến này sẽ sớm được trở về nhà”.

Vào tháng 7, Đức Hồng y Parolin đã gặp gỡ cả hai Linh mục thuộc Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine, trong chuyến viếng thăm Ukraine từ ngày 19 đến 24 tháng 7 để gặp gỡ các nhà lãnh đạo tôn giáo và dân sự tại Kyiv và Odesa.

Trong cuộc họp hôm thứ Hai, Đức Hồng y Parolin và bà Moskalkova đã thảo luận về sự cần thiết phải duy trì “các quyền cơ bản của con người được ghi nhận trong các công ước quốc tế”.

Theo báo cáo của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) công bố vào tháng 2, hơn 10.500 thường dân Ukraine đã thiệt mạng và khoảng 20.000 người khác bị thương kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Báo cáo cho biết con số thương vong thực sự “có thể cao hơn đáng kể”.

Các vấn đề khác được thảo luận trong cuộc họp vào ngày 16 tháng 9 bao gồm các vấn đề nhân đạo như hỗ trợ cho các tù nhân quân sự Ukraine tại Nga và trao đổi những người lính bị giam giữ tại Nga và Ukraine.

OSV News đưa tin rằng Cha Geleta đã tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn dài một tiếng với kênh truyền hình Zhyve TV của Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine rằng hai Linh mục đã bị tra tấn về mặt tâm lý và thể xác trong nhà tù cùng với các tù nhân chiến tranh khác.

Khoác trên mình quốc kỳ Ukraine, 2 Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, Cha Bohdan Geleta, (bên trái) và Cha Ivan Levytsky (bên phải), chụp hình tại sân bay Kyiv ở Ukraine ngày 29 tháng 6 năm 2024. Phía bên phải là Đức Tổng Giám mục Visvaldas Kulbokas, Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine (Ảnh CNS/Do Phòng Truyền thông của Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine cung cấp)

Khoác trên mình quốc kỳ Ukraine, 2 Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, Cha Bohdan Geleta, (bên trái) và Cha Ivan Levytsky (bên phải), được chào đón tại sân bay Kyiv ở Ukraine ngày 29 tháng 6 năm 2024. Phía bên phải là Đức Tổng Giám mục Visvaldas Kulbokas, Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine (Ảnh CNS/Do Phòng Truyền thông của Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine cung cấp)

“Chúng tôi cũng có thể nghe thấy tiếng la hét từ phòng giam của chúng tôi ở hành lang”, Cha Geleta nói trong cuộc phỏng vấn của Zhyve TV. “Cha Ivan đã bị đánh đập rất dã man đến nỗi ngài đã bất tỉnh hai lần”.

Sau khi được tự do, cả hai vị Linh mục đều mong muốn chia sẻ câu chuyện của mình để khuyến khích những người có người thân là tù nhân chiến tranh không đánh mất hy vọng mà hãy hướng đến Thiên Chúa qua lời cầu nguyện.

“Thiên Chúa biết rằng thậm chí ngay cả qua những đau khổ này, Ngài vẫn dẫn dắt mọi người đến với Ngài. Chúng ta không biết điều này, đó là một điều huyền nhiệm. Nếu không, một người có thể không thể chịu đựng được”, Cha Geleta nói với Zhyve TV.

Hoàng Thịnh (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết