Đức Hồng y Parolin bảo vệ thỏa thuận sắp được gia hạn với Trung Quốc

Parolin

Hôm qua, thứ Bảy, Đức Hồng y Pietro Parolin lên tiếng bảo vệ thỏa thuận gây tranh cãi của Vatican với Trung Quốc, nói rằng tất cả các Đức Giáo hoàng gần đây đều hy vọng một thỏa thuận như vậy về việc bổ nhiệm các giám mục.

Phát biểu tại Milano ngày 3 tháng 10, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Vatican xác nhận rằng Tòa thánh đã cam kết gia hạn thỏa thuận, sẽ hết hiệu lực vào ngày 22 tháng 10, nói rằng đó “chỉ là một điểm khởi đầu” cho mối quan hệ tốt hơn giữa hai quốc gia.

“Để cuộc đối thoại có kết quả nhất quán hơn, cần phải tiếp tục nó. Do đó, về phía Tòa thánh, có mong muốn rằng thỏa thuận được gia hạn, ad experimentum [tạm thời] như nó đã có cho đến nay, để xác minh tính hữu ích của nó” – Đức Hồng y nói tại một sự kiện kỷ niệm 150 năm sự hiện diện của Viện Giáo hoàng về Truyền giáo Nước ngoài (PIME) ở Trung Quốc.

Vatican News đưa tin rằng Đức Hồng y Parolin nhắc lại tuyên bố của Đức Hồng y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng y đoàn, vào tháng Hai, rằng Đức Benedicto XVI đã thông qua dự thảo thỏa thuận về việc bổ nhiệm các giám mục, nhưng rồi thỏa thuận này đã “chỉ có thể ký kết vào năm 2018”.

Đức Hồng y Quốc vụ khanh đã trả lời cho “sự hiểu lầm” về thỏa thuận vốn đã bị chỉ trích cả trong và ngoài Giáo hội. Những người chỉ trích cho rằng thỏa thuận này đã phản bội những người Công giáo “hầm trú”, là những người vẫn trung thành với Đức Giáo hoàng bất chấp sự đàn áp, và đã ngăn cản Vatican lên án những hành vi vi phạm nhân quyền trắng trợn ở Trung Quốc.

Trung Quốc là chủ đề của các cuộc trao đổi trong tuần này giữa Đức Hồng y Parolin và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Pompeo cho rằng thỏa thuận đã thất bại trong việc bảo vệ người Công giáo Trung Quốc khỏi cuộc đàn áp các tín đồ tôn giáo dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.

Đức Hồng y Parolin nói: “Một số hiểu lầm đã nảy sinh. Nhiều điều trong số này phát sinh từ việc gán cho thỏa thuận tạm thời giữa Tòa thánh và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa các mục tiêu mà thỏa thuận này không có. Hoặc từ việc quy cho thỏa thuận này trách nhiệm về các sự kiện liên quan đến đời sống của Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc vốn không liên quan đến thỏa thuận. Hoặc thậm chí liên kết với các vấn đề chính trị không liên quan gì đến thỏa thuận này ”.

“Tôi nhắc lại một lần nữa – và về điểm này, Tòa thánh chưa bao giờ gây ra những hiểu lầm hoặc nhầm lẫn – rằng thỏa thuận ngày 22 tháng 9 năm 2018 chỉ liên quan đến việc bổ nhiệm các giám mục.”

Đức Hồng y thừa nhận rằng có “nhiều vấn đề khác” mà Giáo hội ở Trung Quốc với hơn 10 triệu người Công giáo, đang phải đối mặt.

“Nhưng không thể giải quyết tất cả một lượt, và chúng tôi biết rằng con đường dẫn đến bình thường hóa hoàn toàn sẽ còn rất dài, như Đức Benedicto XVI đã dự đoán vào năm 2007 [năm ngài viết thư cho người Công giáo Trung Quốc]. Tuy nhiên, vấn đề bổ nhiệm các giám mục có tầm quan trọng đặc biệt. Trên thực tế, đó là vấn đề khiến Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc đau đầu nhất trong 60 năm qua,” Đức Hồng y nói.

Một thỏa thuận về các cuộc bổ nhiệm là rất quan trọng để ngăn chặn các cuộc tấn phong giám mục bất hợp pháp, Đức Hồng y nói, giải thích rằng Vatican quyết định “đối đầu và giải quyết vấn đề tế nhị này một lần và mãi mãi.”

“Nhưng kinh nghiệm của rất nhiều thập kỷ đã cho thấy (và đang cho thấy) rằng một giải pháp như vậy nhất thiết chỉ có được nhờ một thỏa thuận giữa Tòa thánh và chính quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Vì lý do này, Tòa thánh đã nhiều lần nhấn mạnh rằng mục tiêu của thỏa thuận chủ yếu là về mặt giáo hội và mục vụ,” Đức Hồng y nói.

Ngài nói rằng Giáo hội hy vọng bây giờ có thể “chắc chắn” tránh được việc tấn phong giám mục bất hợp pháp trong tương lai, nhấn mạnh rằng ngày nay tất cả các giám mục Trung Quốc đều hiệp thông với Đức Giáo hoàng.

Mục tiêu mục vụ, ngài tiếp tục, là “giúp các Giáo hội địa phương được hưởng các điều kiện tự do, tự chủ và tổ chức cao hơn, để họ có thể hiến thân cho sứ vụ loan báo Tin Mừng và góp phần vào sự phát triển toàn diện của con người và xã hội. ”

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị có tiêu đề “Một Trung Quốc khác. Thời gian khủng hoảng, thời gian thay đổi ”- Đức Hồng y Parolin đã nhắc lại lịch sử quan hệ của Giáo hội Công giáo với Trung Quốc, bắt đầu với sứ mệnh của tu sĩ Dòng Tên người Ý Matteo Ricci vào thế kỷ 16.

Ngài lưu ý rằng vào năm 1951, thời điểm Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cắt đứt quan hệ với Tòa thánh, chính quyền Trung Quốc và các nhà lãnh đạo Giáo hội đã cố gắng tạo ra một thỏa thuận cho phép người Công giáo địa phương tiếp tục nhận Đức Giáo hoàng là người có thẩm quyền tôn giáo của họ, trong khi họ vẫn tuân theo mệnh lệnh của chính phủ.

“Điều đó cho thấy rằng từ thời Đức Piô XII, Tòa Thánh đã cảm thấy cần phải đối thoại, ngay cả khi hoàn cảnh của thời đó gây ra rất nhiều khó khăn” – Đức Hồng y nói.

Nhưng sau bốn lần dự thảo một thỏa thuận khả thi, nỗ lực này đã bị bỏ rơi, tạo ra “sự ngờ vực lẫn nhau”.

“Đó là một thất bại đã ghi dấu toàn bộ lịch sử tiếp theo” – Đức Hồng y Parolin nói – và phải nhiều thập kỷ sau đó, cuộc đối thoại mới có thể bắt đầu trở lại, với chuyến viếng thăm Trung Quốc của Đức Hồng y người Pháp Roger Echegaray được thực hiện vào năm 1980.

“Kể từ đó, một con đường đã bắt đầu – giữa những thăng trầm – dẫn đến ngày hôm nay,” ngài nói.

Đức Hồng y nói thêm rằng ngài đã nhìn thấy những dấu hiệu cho thấy thỏa thuận đang bắt đầu giúp vượt qua sự chia rẽ giữa những người Công giáo thuộc Giáo hội “hầm trú” và những người Công giáo thuộc Giáo hội được nhà nước Trung Quốc công nhận, và ngài nhấn mạnh rằng đó chính là mục tiêu cơ bản của thỏa thuận.

Thỏa thuận cũng nhằm củng cố “một chân trời hòa bình quốc tế, vào thời điểm hiện tại, khi chúng ta đang trải qua rất nhiều căng thẳng ở cấp độ thế giới”.

Đức Hồng y Parolin kết luận rằng thỏa thuận tiếp nối một hướng đi “từ Đức Benedictô XVI đến Đức Giáo hoàng Phanxicô, một hướng đi nhắm đến tương lai hơn là hiện tại, đến Giáo hội phải phát triển ở Trung Quốc hơn là các tranh chấp của ngày hôm qua và ngày hôm nay.”

CNA

 

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết