Đức Hồng Y McElroy: Viện Bất bạo động của Pax Christi sẽ tiến đến các vùng ngoại vi

Trong khi Pax Christi chuẩn bị ra mắt Viện Bất bạo động mới, Đức Hồng y Robert McElroy nói với Vatican News rằng mọi hình thức bạo lực đều trái ngược với Tin Mừng, và đồng thời cũng cho biết rằng người Kitô hữu phải vượt qua sự mù quáng trước các cuộc xung đột ở một số nơi trên thế giới.

Đức Hồng y Robert McElroy nhận Nhà thờ Hiệu tòa của mình tại Rome (Ảnh lưu trữ) (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Hồng y Robert McElroy nhận Nhà thờ Hiệu tòa của mình tại Rome (Ảnh lưu trữ) (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Các nhà đạo đức học Kitô giáo đã vật lộn với khái niệm “chiến tranh chính nghĩa” kể từ khi Thánh Augustinô đặt ra nền tảng đạo đức của nó vào thế kỷ thứ 4.

Đức Hồng y Robert McElroy, Giám mục Địa phận San Diego, đã làm rõ rằng lý thuyết chiến tranh chính nghĩa không bao giờ phù hợp với thông điệp của Tin Mừng, bất kể lý thuyết đó có “đạo đức” đến đâu về mặt kỹ thuật.

“Trong đời sống của Giáo hội”, Đức Hồng y McElroy phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News, “các học thuyết về chiến tranh chính nghĩa là yếu tố thứ yếu trong Giáo lý Công giáo; yếu tố đầu tiên là chúng ta không nên tham gia vào chiến tranh”.

Một cách quá thường xuyên, Đức Hồng y McElroy tiếp tục, người ta đã lợi dụng lý thuyết chiến tranh chính nghĩa và truyền thống đằng sau nó như một lý do biện minh cho chiến tranh. Theo Đức Hồng y McElroy, đây là “một vấn đề hệ trọng”.

Bạo lực luôn đi ngược lại Tin Mừng

Pax Christi Quốc tế, một phong trào hòa bình Công giáo, sẽ khánh thành Viện Bất bạo động Công giáo mới tại Rôma vào ngày 29 tháng 9, một sự kiện mà Đức Hồng y McElroy sẽ tham dự.

Đề cập đến sứ mệnh của Viện mới, vị Hồng y người Mỹ giải thích rằng bạo lực là một từ rất khó hiểu, bởi vì có nhiều hình thức bạo lực khác nhau trên thế giới, tất cả đều “trái ngược với bản chất cốt lõi của Tin Mừng”.

Đức Hồng y McElroy cho biết Viện Bất bạo động sẽ tập trung vào nhiều cuộc xung đột, các cuộc nội chiến và chiến tranh xuyên biên giới quốc gia.

“Điều quan trọng hơn bao giờ hết là Giáo hội phải là chứng tá trong ​​việc tìm ra những cách thức thay thế để giải quyết những xung đột này khi chúng bùng nổ”, Đức Hồng y McElroy nói. “Nhưng, việc xây dựng hòa bình là một nỗ lực rộng lớn hơn nhiều so với việc chấm dứt xung đột”.

Do đó, hòa bình không chỉ đơn thuần là không có chiến tranh, nhưng việc không có chiến tranh là bước đầu tiên, và việc loại bỏ xung đột sẽ mang lại sự hòa hợp lớn hơn với các yếu tố của Phúc Âm, quan tâm đến phẩm giá con người và tình đoàn kết giữa các dân tộc.

“Những chủ đề rộng hơn đó là điều cần thiết như một phần của việc xây dựng hòa bình”, Đức Hồng y McElroy cho biết, “nhưng việc đưa chủ nghĩa bất bạo động tích cực vào trung tâm của thần học Công giáo về chiến tranh và hòa bình” sẽ đặt nền móng.

Vượt ra khỏi khuôn khổ đức tin Công giáo

Đức Hồng y McElroy lưu ý rằng kết quả của bất bạo động là rõ ràng và đã được nghiên cứu sâu rộng, đồng thời cũng cho biết rằng hòa bình được thiết lập thông qua sự chủ động bất bạo động mạnh mẽ hơn nhiều so với bất kỳ điều gì đạt được bằng cách “chiến thắng” một cuộc xung đột.

Thuật ngữ “bất bạo động” vượt ra khỏi khuôn khổ Giáo hội Công giáo, và được Mahatma Gandhi đặt ra bằng tiếng Anh, người đã dịch từ tiếng Phạn ahimsa, có từ 5.000 năm trước (có nghĩa là “không xé rách”, “không gây hại”, “bất bạo động” và “sức mạnh được giải phóng bằng cách từ chối gây hại”). Ghandi, giống như Martin Luther King, Jr., cả hai đều không phải là người Công giáo, là những người tiên phong trong phong trào bất bạo động.

Đức Hồng y McElroy cho biết việc truyền bá chủ nghĩa bất bạo động trên toàn cầu là “một cuộc trò chuyện đã diễn ra trong nhiều bối cảnh văn hóa và thể chế khác nhau, vượt ra khỏi khuôn khổ thế giới Công giáo”.

Nhưng ngài tự hỏi, “làm sao chúng ta có thể đưa cuộc thảo luận đi xa hơn nữa trên thực tế, để các chuẩn mực quốc tế về bất bạo động có thể xuất hiện và được nuôi dưỡng?”.

Một Viện cho thế giới

Viện Công giáo về Bất bạo động của Pax Christi bao gồm các đại diện từ khắp nơi trên thế giới, với các thành viên đến từ các quốc gia đang xảy ra xung đột, như Nam Sudan và Palestine, cho đến các quốc gia được gọi là “cường quốc”, như Hoa Kỳ.

Đức Hồng y McElroy cho biết ngài nhớ lại việc ngồi cạnh vị Hồng y người Nam Sudan trong suốt Thượng Hội đồng tại Vatican năm ngoái.

“Đó là một cuộc xung đột đau đớn với nhiều bạo lực”, vị Hồng Y Hoa Kỳ nói. “Tuy nhiên, trong các cuộc trò chuyện của chúng tôi, có vẻ rõ ràng rằng cách duy nhất để xây dựng hòa bình thực sự và giúp đỡ xã hội là tránh nuôi dưỡng vòng xoáy bạo lực. Điều đó không thể thực hiện được chỉ bằng cách ăn miếng trả miếng”.

Không bao giờ thiếu những ví dụ về bạo lực và chiến tranh, Đức Hồng y McElroy tiếp tục, đồng thời than phiền về những xung đột nội bộ ở một số khu vực thuộc Nam Bán cầu, điều mà người dân ở Bắc Bán cầu thường cố tình phớt lờ.

“Viện Bất bạo động, bằng cách mở rộng các cuộc trò chuyện và tiếp cận, sẽ giúp chúng ta nhìn nhận mọi vấn đề”, Đức Hồng y McElroy nói.

Một phạm vi của Viện mới là hiểu chính xác những sự việc đang xảy ra trên thế giới, để phát triển các phương pháp giải quyết các vấn đề khác nhau. Như Đức Giáo hoàng Phanxicô thường khuyên, Giáo hội phải mở rộng sự chăm sóc và chú ý của mình đến các vùng ngoại vi.

“Đó là sức mạnh của chứng tá, sức mạnh của việc kêu gọi mọi người đoàn kết và do đó đánh bại bạo lực”, Đức Hồng y McElroy nói. “Mặc dù những nỗ lực như vậy không phải lúc nào cũng đạt được hòa bình, nhưng nó phải là cốt lõi và là linh hồn của những gì chúng ta làm với tư cách là người Công giáo, là con người và là những người môn đệ theo Chúa Giêsu Kitô”.

Sự thờ ơ của chúng ta phải chấm dứt

Đức Hồng y McElroy kết luận bằng cách nhắc lại những chân trời mới mà Viện Bất bạo động Công giáo hy vọng đạt được trong khi tiếp tục bám sát Thông điệp Fratelli tutti của Đức Giáo hoàng Phanxicô.

“Đức Thánh Cha nói với chúng ta rằng chúng ta phải suy nghĩ bằng những lời lẽ mới”. Đức Hồng y McElroy kết luận. “Chúng ta có tâm trí thiển cận về các vùng ngoại vi, và chúng ta nghĩ rằng một số khu vực ít quan trọng hơn. Đó là chất độc và điều đó chắc chắn trái ngược với Tin Mừng”.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết