Xem xét lại Châu Âu’ – vị Hồng Y người Đức phát biểu với ZENIT về hy vọng của ĐTC Phanxicô dành cho châu Âu
Châu Âu phải tôn trọng sự sống, kể từ lúc thụ thai cho đến khi chết tự nhiên, và đồng thời cần phải có một thái độ tích cực về tương lai của nó.
Vị Hồng y người Đức, Đức Cha Reinhard Marx, Chủ tịch Ủy ban các Hội đồng Giám mục của Cộng đồng Châu Âu (COMECE), đã phát biểu với ZENIT sau một cuộc họp báo tại Văn phòng báo chí Tòa thánh sáng hôm thứ Sáu 27 tháng 10 năm 2017, với sự tham gia của Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại Trưởng Tòa Thánh, và Giám đốc Văn phòng Báo chí Vatican, ông Greg Burke.
Họ đã trình bày Hội nghị Quốc tế với chủ đề “Xem xét lại Châu Âu” đang được tổ chức tại Vatican, từ ngày 27-29 tháng 10 năm 2017.
Khi được Zenit phỏng vấn về lời mời gọi của ĐTC Phanxicô đối với Châu Âu, để trở nên như một người mẹ, phong phú và sống động, trong chuyến viếng thăm vào ngày 25 tháng 11 năm 2014 tới Quốc hội Châu Âu tại Strasbourg, Đức Hồng Y Marx cho biết: “Tôi thiết nghĩ ĐTC Phanxicô muốn nhấn mạnh với hình ảnh này: ‘Châu Âu, hãy nghĩ về tương lai’. Và sự sống chính là tương lai”.
“Chúng ta là một lục địa cổ võ việc bảo vệ sự sống. Chúng ta phải trở thành một lục địa cổ võ việc bảo vệ sự sống”.
Đức Hồng Y Marx cho biết rằng trong khi điều này rõ ràng đề cập đến việc chống phá thai, chấm dứt sự sống, tôn trọng sự sống kể từ lúc mới bắt đầu cho đến khi chấm dứt tiểu sử của một người, Ngài lưu ý rằng ĐTC Phanxicô đang đề cập đến thái độ mà mọi người cần phải có, cụ thể là phải trở nên tích cực đối với sự sống.
“Vì vậy”, Đức Hồng Y Marx tiếp tục, “Tôi thiết nghĩ điều đó tốt đẹp cho châu Âu, để không nghĩ về quá khứ, các biện pháp an ninh, chiến tranh, nhưng suy nghĩ về những cơ hội, về những khả năng có thể xảy ra, và về tương lai”. “Đó chính là tinh thần mà ĐTC Phanxicô mong muốn từ châu Âu”.
Khi được hỏi về những điều có thể làm được đối với vấn đề di dân, Đức Hồng Y Marx nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải nhận ra rằng mỗi người đều được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Đó là xác tín của chúng ta”. Do đó, ĐHY Marx nói, chúng ta cần nhìn vào mỗi người như một con người, tách hẳn ra khỏi vấn đề tôn giáo, và phải cố gắng để giúp đỡ họ.
“Chúng ta cũng phải nỗ lực làm việc để những nguyên do của việc di dân sẽ biến mất”, ĐHY Marx lưu ý: “Chúng ta cần phải nỗ lực vì một thế giới tốt đẹp hơn, đặc biệt là cho những người nghèo và những người di cư”. Ngày mai, ngày 28 tháng 10, ĐTC Phanxicô sẽ phát biểu với các tham dự viên tham dự hội nghị này, và dự kiến Ngài sẽ làm nổi bật sự cam kết của Giáo hội đối với dự án hòa bình này cũng như phản ánh về tương lai của Liên minh Châu Âu.
Thay vì trở thành một “hội nghị khuôn mẫu”, “Xem xét lại Châu Âu”, vị Hồng y người Đức và thành viên của nhóm C9 giải thích, sẽ là một cuộc đối thoại. Nó nhằm thúc đẩy một cuộc thảo luận thẳng thắn và cởi mở giữa các bên liên quan đang sẵn sang nỗ lực làm việc vì lợi ích chung và đưa con người, với đầy đủ phẩm giá, trở thành trọng tâm của các chính sách công.
Theo thông cáo báo chí, có khoảng 350 tham dự viên, đến từ 28 phái đoàn của tất cả các quốc gia EU, trong đó bao gồm các chính trị gia cấp cao của EU, các vị Hồng y, các Giám mục, linh mục, đại sứ, các học giả, đại diện của các tổ chức và phong trào Công giáo đa dạng và các giáo phái Kitô giáo khác, tham gia vào cuộc đối thoại này.
Lần đầu tiên, các đại biểu đã quy tụ tại New Synod Hall tại Vatican, vào ngày 27 tháng 10, và tiếp tục thảo luận trong các hội thảo vào ngày mai, trước khi tham gia cuộc tranh luận chung kết thúc với bài phát biểu của ĐTC Phanxicô.
COMECE gồm các Giám mục được các Hội đồng Giám mục Công giáo của 28 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu uỷ nhiệm.
Minh Tuệ chuyển ngữ