Phủ Doãn Tông Tòa Ulaanbaatar đã trình bày chương trình, logo và khẩu hiệu của chuyến Tông du sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Mông Cổ, đồng thời nhận xét rằng đây là một sự kiện lịch sử đối với Giáo hội non trẻ ở quốc gia châu Á.
Khi Cộng hòa Mông Cổ chuẩn bị chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô vào đầu tháng 9, Đức Hồng y Giorgio Marengo, Phủ Doãn Tông Tòa Ulaanbaatar, cho biết chuyến viếng thăm này là một sự kiện lịch sử mà Giáo hội non trẻ Mông Cổ sẽ hết sức trân trọng.
Đức Thánh Cha dự kiến sẽ đến thăm Mông Cổ đánh dấu chuyến Tông du nước ngoài lần thứ 43 của ngài từ ngày 31 tháng 8 (ngày khởi hành từ Rôma) đến ngày 4 tháng 9.
Đức Thánh Cha đã được mời đến thăm đất nước này vào ngày 24 tháng 8 năm 2022, khi một phái đoàn từ chính phủ Mông Cổ đến thăm Vatican và gửi lời mời chính thức từ Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khürelsükh.
Một Giáo hội non trẻ
Trình bày chương trình, khẩu hiệu và logo chính thức của chuyến Tông du của Đức Thánh Cha hôm thứ Sáu, nhà truyền giáo người Ý cho biết chuyến viếng thăm sẽ là điều “không thể tưởng tượng được” chỉ cách đây vài tháng.
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là vị Giáo hoàng đầu tiên đến thăm quốc gia Phật giáo nơi Giáo hội bắt đầu từ con số không vào năm 1992, sau sự sụp đổ của chế độ Cộng sản.
Vào năm đó, các nhà truyền giáo Công giáo đầu tiên của Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ (CICM), còn được gọi là Dòng Thừa Sai Scheut, đã quay trở lại để xây dựng lại Giáo hội sau gần 70 năm bị đàn áp tôn giáo.
Kể từ đó, dân số Công giáo đã tăng chậm nhưng đều đặn. Ngày nay có khoảng 1.450 người Công giáo Mông Cổ đã được rửa tội (so với chỉ 14 người vào năm 1995) phân bố tại 9 Giáo xứ, trên tổng dân số khoảng 3,5 triệu người. Họ được phục vụ bởi 29 Linh mục, trong đó có hai người Mông Cổ, hơn 40 nữ tu và ba nam tu sĩ thuộc hàng chục Hội dòng và thuộc 27 quốc tịch khác nhau, và ba giáo sĩ truyền giáo.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II dự định viếng thăm Mông Cổ vào năm 2003
Trong cuộc họp báo ở Ulannbataar – hãng thông tấn Fides đưa tin – Đức Hồng y Marengo nhắc lại rằng Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng đã lên kế hoạch viếng thăm Mông Cổ vào năm 2003, sau khi nâng Phái bộ Ulaanbaatar lúc bấy giờ lên thành Phủ Doãn Tông Tòa một năm trước đó, nhưng kế hoạch đã bị hủy bỏ do tình trạng sức khỏe ngày càng tồi tệ của ngài.
“Và giờ đây chúng tôi hiện diện ở đây”, Đức Hồng y Marengo nói, “20 năm sau, và khoảng 800 năm sau cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa Tòa Thánh và các hoàng đế Mông Cổ, khi Đức Giáo hoàng Innôcentê IV cử Đặc phái viên của mình, tu sĩ Dòng Phanxicô Giovanni di Pian del Carpine đến đích thân gặp gỡ những người Mông Cổ nổi tiếng và bắt đầu một cuộc đối thoại hòa bình”.
Tưởng nhớ Đức cố Giám mục Wenceslao Padilla
Vị Hồng y 49 tuổi, đặt chân đến Mông Cổ lần đầu tiên vào năm 2003, cũng đã tưởng nhớ vị tiền nhiệm của mình, Đức cố Giám mục Wenceslao Padilla, vị linh mục tiên phong đầu tiên lãnh đạo các nhà truyền giáo CICM vào năm 1992, và là Phủ Doãn Tông Tòa Ulan Bataar tiên khởi: “Chúng tôi đang gặt hái thành quả từ công việc truyền giáo vĩ đại của Đức cố Giám mục Wenceslao Padilla cũng như của nhiều nhà truyền giáo khác, và chúng tôi đang chuẩn bị – cũng nhân danh họ – cho sự kiện lịch sử này”, Đức Hồng y Marengo nói.
Minh họa ý nghĩa của logo và khẩu hiệu của chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô, “Cùng nhau Hy vọng”, Đức Hồng Y Marengo tập trung vào ý nghĩa của chuyến Tông du này cho cuộc đối thoại liên tôn trong nước.
Tầm quan trọng của chuyến thăm đối với quan hệ liên tôn ở Mông Cổ
Mối quan hệ với các cộng đồng tín ngưỡng Mông Cổ khác, và đặc biệt là với chính quyền tôn giáo Phật giáo địa phương, đầy tốt đẹp và bắt nguồn từ truyền thống cổ xưa về lòng khoan dung và cởi mở có từ thời Hoàng đế Chinggis Khaan (Thành Cát Tư Hãn). Điều này đã được khẳng định trong chuyến viếng thăm chính thức đầu tiên đến Vatican của một phái đoàn cấp cao gồm các tu sĩ Phật giáo Mông Cổ vào ngày 28 tháng 5 năm 2022, khi họ gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh vào năm 1990, quan hệ với chính quyền dân sự cũng tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn, như được thể hiện trong thỏa thuận được ký kết vào năm 2020 bởi Đại sứ Mông Cổ tại Tòa Thánh và Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Vatican để mở rộng sự hợp tác trong lĩnh vực văn hóa.
Công tác xã hội của Giáo hội tại Mông Cổ
Các nhà chức trách Mông Cổ đã thể hiện sự đánh giá cao đặc biệt đối với công việc xã hội do Giáo hội thực hiện trong nước dành cho những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất.
Vào ngày 4 tháng 9, ngày cuối cùng trong chuyến Tông du của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ gặp gỡ các nhân viên từ thiện của Giáo hội địa phương và sẽ khánh thành Ngôi nhà của Lòng thương xót, một tổ chức từ thiện, một cơ sở từ thiện bao gồm một phòng khám được thiết kế để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của những người vô gia cư và nạn nhân của bạo lực gia đình.
Theo Phủ Doãn Tông Tòa, trung tâm “đại diện cho một trong những dự án lớn đầu tiên do Giáo hội Công giáo bản địa khởi xướng ở một quốc gia nơi các hoạt động truyền giáo đã cổ võ đức tin”. Chắc chắn rằng Giáo hội tại Mông Cổ sẽ có thể trân trọng kinh nghiệm chào đón Người kế vị Thánh Phêrô, “lớn lên trong ý thức thực sự là một thân thể duy nhất, bén rễ sâu trong đất nước”.
Thiên Ân (theo Vatican News)