Đức Hồng Y Lacroix: 'Đại Hội Thánh Thể là một cuộc gặp gỡ của nhân loại'

Đức Hồng y Gérald Cyprien Lacroix, Tổng giám mục Địa phận Québec

Đức Hồng y Gérald Cyprien Lacroix, Tổng giám mục Địa phận Québec

Vào ngày 12 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự “Statio Orbis”, hay Thánh lễ bế mạc, của Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 tại Budapest, Hungary. Phát biểu về Đại hội, Đức Hồng y Gérald Cyprien Lacroix, Tổng Giám mục Quebec, Canada, chia sẻ rằng cuộc quy tụ này nhằm nhắc nhở mọi người rằng Chúa Giêsu chính là nguồn mạch của sự sống.

Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Budapest có thể đã bị trì hoãn một năm do đại dịch COVID-19, nhưng những người tham dự đều được đảm bảo về một chương trình sự kiện thú vị trải dài trên 20 địa điểm trong thành phố.

Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Budapest đã bị trì hoãn một năm do đại dịch COVID-19, nhưng những người tham dự đều được đảm bảo về một chương trình thú vị bao gồm các sự kiện trải dài tại 20 địa điểm trong thành phố.

Điểm nổi bật của Đại hội sẽ là Thánh lễ bế mạc do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự tại Quảng trường Anh hùng của Budapest, nhưng mỗi ngày các tham dự viên có thể đắm mình trong các buổi nhóm cầu nguyện, các buổi chia sẻ Giáo lý, những chứng ngôn, các buổi hội thảo, Thánh lễ và các sự kiện văn hóa.

Đại hội cũng bao gồm các diễn giả khách mời như Đức Hồng y Louis Raphael Sako đến từ Iraq và Đức Hồng y Gérald Cyprien Lacroix, Tổng giám mục chính tòa Québec Québec, Canada.

Một cuộc gặp gỡ của nhân loại

“Đại hội Thánh Thể Quốc tế là một sự kiện vô cùng quan trọng vì nó liên quan đến tất cả các khía cạnh của cuộc sống”, Đức Hồng y Lacroix phát biểu với Đài phát thanh Vatican.

“Tất nhiên có những khoảnh khắc vô cùng quan trọng của cầu nguyện, của việc suy tư; khoảng thời gian để cầu nguyện, cũng như là khoảng thời gian để gặp gỡ những người khác. Tất cả mọi người từ khắp nơi trên thế giới sẽ hiện diện ở đây, vì vậy chúng ta trải nghiệm Giáo hội theo một cách thức mới khi chúng ta cử hành bằng nhiều ngôn ngữ, theo nhiều nền văn hóa và tìm thấy nơi Chúa Giêsu như là nguồn mạch; tất cả mọi sự sống đều bắt nguồn từ Ngài, vì vậy việc gặp gỡ là vô cùng quan trọng. Tất cả chúng ta đều hòa nhịp với đời sống của Giáo hội ở mỗi khu vực riêng của chúng ta, ở các quốc gia của chúng ta, nhưng được gặp gỡ các Kitô hữu khác, các tín hữu khác từ khắp nơi trên thế giới là một trải nghiệm tuyệt vời như vậy”.

Đức Hồng Y Lacroix tiếp tục cho biết rằng Đại hội là “một cuộc gặp gỡ của nhân loại; Chúa Giêsu quy tụ chúng ta lại với nhau và giúp chúng ta xây dựng một gia đình, được xây dựng trong sự hiệp nhất, trong tình yêu thương, bác ái, và nó mở rộng quả tim của chúng ta với người khác cũng như những thực tại khác. Chúng ta sẽ lắng nghe các buổi hội nghị cũng như lắng nghe các nhân chứng, những người sẽ đến và chia sẻ kinh nghiệm của họ, những điều họ trải nghiệm ở đất nước của họ, những điều rất quan trọng cũng sẽ được chia sẻ”.

Những kỷ niệm về Đại hội năm 1976

Đức Hồng Y Lacroix đã tham dự nhiều Đại Hội Thánh Thể trong những năm qua và ngài nhớ mãi về lần đầu tiên ngài tham dự Đại Hội Thánh Thể, khi ngài vừa tròn 18 tuổi. Đức Hồng Y Lacroix nhắc lại rằng cha mẹ ngài đã quyết định cả gia đình sẽ tham dự dự Đại hội Thánh Thể ở Philadelphia vào năm 1976, nơi họ đang sống vào thời điểm đó. “Tôi là con cả trong gia đình có bảy người con và tất cả chúng tôi đã cùng với bố mẹ tôi ở trong một căn lều nhỏ để cùng nhau lưu lại cả tuần lễ ở Philadelphia; đó là kinh nghiệm đầu tiên của tôi. Thật là choáng ngợp khi được cùng tham gia cầu nguyện với hàng ngàn người và tham dự tất cả các nghi lễ cũng như các sự kiện văn hóa này và gặp gỡ mọi người đến từ khắp nơi trên thế giới”.

Đức Hồng Y Lacroix cho biết ngài hy vọng sẽ tiếp tục tham gia các kỳ Đại hội Thánh Thể Quốc tế trong nhiều năm tới “vì đó là nơi chúng ta đến với Nguồn mạch, nơi chúng ta đến với Thiên Chúa với tư cách là nhân loại, với tư cách là Giáo hội và để Ngài đổi mới chúng ta; tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta để chúng ta có thể tiếp tục sống giữa thế giới đầy rẫy khó khăn này và tìm thấy hy vọng”.

“Tôi đến đây vì bản thân tôi cần điều này, nhưng tôi cũng đến để chia sẻ niềm vui này với những người khác”, Đức Hồng Y Lacroix nói.

Chủ đề Hòa bình và Hòa giải

Trong Đại hội, Đức Hồng Y Lacroix đang chia sẻ với các tham dự viên về chủ đề hòa bình, với tiêu đề: “Bí tích Thánh Thể, nguồn mạch vô tận của Hòa bình và Hòa giải”. Đức Hồng Y Lacroix lưu ý rằng Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch của sự bình an và hòa giải vô tận trong đời sống cá nhân của ngài. Đức Hồng Y Lacroix tiếp tục cho biết rằng bằng cách chia sẻ Lời Chúa, bằng lời cầu nguyện và chia sẻ trong Bí tích Thánh Thể, “Tôi đã tìm thấy nguồn sức mạnh mới, niềm hy vọng mới để đứng dậy và tiếp tục sứ mạng tiếp tục phụng sự Thiên Chúa và Dân của Người, và phục vụ nhân loại”.

Khi được hỏi liệu việc tổ chức Đại hội Thánh Thể Quốc tế có quan trọng hơn bao giờ hết vào thời điểm đại dịch toàn cầu và xung đột ở nhiều quốc gia trên thế giới hay không, Đức Hồng Y Lacroix nói, “Trong mọi thời đại của lịch sử, điều quan trọng là phải đến với nhau như những người đã được rửa tội… nhưng tất nhiên trong những thời điểm khó khăn hơn, giống như những thời điểm chúng ta đang trải qua, điều đó thật hữu ích, và đó quả là một món quà để có thể truyền niềm hy vọng này vào huyết quản và con tim của chúng ta, vào tâm hồn chúng ta, để nhận ra nhau như anh chị em”.

Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến Budapest để chủ sự “Statio Orbis” hay Thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 này. Phát biểu về chuyến viếng thăm, Đức Hồng Y Lacroix chia sẻ rằng Đức Thánh Cha Phanxicô “rất nhạy cảm với những đau khổ trên thế giới và nhu cầu hy vọng, và sự cần thiết phải hiệp nhất với nhau trong đức tin nên có thể ngài đã quyết định đến đây vì ngài biết rằng đây là một thời điểm cực kỳ khó khăn trong lịch sử của chúng ta và dân Chúa cần một Vị Chủ chăn, người sẽ mang đến cho họ niềm hy vọng, hướng tầm nhìn của họ về Thiên Chúa và cầu xin Ngài tiếp tục bước đi cùng với chúng ta và ban muôn ơn lành cho chúng ta và ban cho chúng ta sức mạnh, lòng can đảm để đương đầu với mọi thử thách mà chúng ta cần phải đối đầu hiện tại”.

Đức Hồng Y Lacroix tiếp tục cho biết rằng “đây quả là một phước lành thực sự”, đồng thời cũng cho biết thêm rằng người dân ở Hungary vô cùng háo hức và tự hào được chào đón Đức Thánh Cha.

Đức Hồng Y Lacroix cho biết rằng ngài hy vọng sẽ trở về Canada với tư cách là “một vị Tổng Giám Mục tràn đầy niềm tin hơn, tràn đầy hy vọng và niềm vui, và với mong muốn tiếp tục phục vụ”. Đức Hồng Y Lacroix cũng hy vọng rằng trải nghiệm này ở Budapest sẽ giúp mọi người trở về nhà tiếp tục “sống và chia sẻ niềm vui về sự hiện diện sống động của Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta, và đồng thời nhắc nhở mọi người rằng tất cả mọi Suối nguồn của chúng ta đều ở nơi Ngài; Ngài chính là Nguồn mạch Sự sống”.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết