Đức Hồng Y Koovakad: ‘Đối thoại liên tôn có thể xây dựng hòa bình’

Khi Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Đức Hồng y George Koovakad làm Tổng Trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn, vị Hồng y gốc Ấn Độ này đã trả lời phỏng vấn Vatican News về vai trò mới và sứ mạng liên tục của mình trong việc tổ chức các chuyến Tông du của Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha Phanxicô cùng với Đức Hồng y George Jakob Koovakad trên chuyến bay Giáo hoàng vào năm 2021 (Ảnh: Vatican News)

Đức Thánh Cha Phanxicô cùng với Đức Hồng y George Jakob Koovakad trên chuyến bay Giáo hoàng vào năm 2021 (Ảnh: Vatican News)

“Tôi cảm thấy ngạc nhiên, vui mừng và vô cùng lo lắng trước trách nhiệm to lớn khi kế nhiệm một người đầy thông thái và tốt lành như Đức Hồng y Ayuso, một người có đức tin sâu sắc và là người xây dựng hòa bình không biết mệt mỏi như Đức Hồng y Tauran”.

Đây là những cảm nghĩ được Đức Hồng y George Jacob Koovakad, người gốc Ấn Độ, người tổ chức các chuyến Tông du của Đức Thánh Cha, bày tỏ khi nhận được tin về quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ Sáu bổ nhiệm ngài làm Tổng Trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn.

Thánh Bộ này thúc đẩy mối quan hệ với các thành viên và nhóm tôn giáo không mang danh Kitô giáo, ngoại trừ Do Thái giáo, trực thuộc Thánh Bộ Cổ võ sự Hiệp nhất Kitô giáo.

Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố việc bổ nhiệm Đức Hồng y Koovakad làm Tỏng Trưởng Bộ này vào thứ Sáu, ngày 24 tháng 1, đồng thời cho biết thêm rằng Đức Hồng y Koovakad sẽ vẫn giữ vai trò hiện tại là người tổ chức các chuyến Tông du của Đức Thánh Cha.

Trong cuộc phỏng vấn sau đây, Đức Hồng y Koovakad đã chia sẻ về ấn tượng đầu tiên của mình và mẫu gương của các Đức Giáo hoàng trong việc thúc đẩy đối thoại liên tôn.

Đức Hồng y đã đón nhận tin bổ nhiệm này như thế nào?

Tôi vô cùng biết ơn Đức Thánh Phanxicô, người mà trong vòng chưa đầy hai tháng đã bất ngờ đưa tôi vào Hồng y Đoàn, bổ nhiệm tôi làm Tổng Giám mục, và hiện giao phó cho tôi một Thánh Bộ mà trước đó đã được một người khôn ngoan và tốt lành như Đức Hồng y Miguel Ángel Ayuso Guixot lãnh đạo, và trước ngài, một người có đức tin sâu sắc và là người xây dựng hòa bình không biết mệt mỏi như Hồng y Tauran, cho đến cuối đời.

Tôi thú nhận rằng ý nghĩ đó khiến tôi vô cùng lo lắng và cảm thấy mình không đủ năng lực. Đồng thời, tôi hoàn toàn trông cậy vào lời cầu nguyện của tất cả những người vẫn tiếp tục mơ về một thế giới nơi những khác biệt tôn giáo không chỉ cùng tồn tại một cách hài hòa mà còn trở thành những yếu tố thiết yếu trong việc xây dựng hòa bình giữa các dân tộc.

Tôi tin tưởng vào sự chỉ dẫn của Đức Thánh Cha cũng như đường hướng mà những người đi trước tôi đã vạch ra một cách đầy khôn ngoan. Trước hết, tôi tin tưởng vào sự giúp đỡ của các cộng sự viên của Thánh Bộ, những người mà tôi đã gặp gỡ trong vài giờ qua và đã chào đón tôi với tình bạn và khiến tôi cảm thấy yên tâm.

Đức Hồng y sinh ra cách đây 51 năm tại Chethipuzha, Kerala. Là một người Ấn Độ, mặc dù Đức Hồng y đã sống xa quê hương nhiều năm, ngài có cảm thấy sự chung sống giữa các tôn giáo đã ăn sâu vào bản sắc của mình không?

Vâng, tôi sinh ra và lớn lên trong một xã hội đa văn hóa và đa tôn giáo, nơi mọi tôn giáo đều được tôn trọng và sự hòa hợp được bảo vệ. Sự đa dạng chính là sự phong phú!

Tôi muốn nhấn mạnh rằng đối thoại liên tôn ở Ấn Độ theo truyền thống gắn liền với đời sống tu trì. Ngay từ năm 1500, Cha Roberto De Nobili, một tu sĩ Dòng Tên, đã áp dụng trang phục và phong tục của các tu sĩ Ấn Độ, học ngôn ngữ địa phương và tìm cách đồng hóa bất cứ điều gì có thể được coi trọng trong các truyền thống này. Tuy nhiên, những nỗ lực như vậy không phải là không có rủi ro, như Đức Thánh Cha đã dạy chúng ta, việc bước ra ngoài và tiến về phía trước luôn mang theo những rủi ro.

Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh là thái độ cởi mở, đồng cảm và gần gũi với các truyền thống khác. Đức tin Kitô giáo có khả năng hội nhập văn hóa: Người Kitô hữu được kêu gọi trở thành hạt giống của tình huynh đệ cho tất cả mọi người. Điều này không có nghĩa là từ bỏ bản sắc của mình mà là nhận thức rằng bản sắc không bao giờ nên là lý do để xây dựng những bức tường hoặc phân biệt đối xử với người khác. Thay vào đó, nó luôn phải là cơ hội để xây dựng những cầu nối.

Đối thoại liên tôn không chỉ đơn thuần là đối thoại giữa các tôn giáo mà còn giữa những tín đồ được kêu gọi làm chứng cho vẻ đẹp của đức tin vào Thiên Chúa và thực hành tình bác ái huynh đệ và sự tôn trọng.

Một trong những trách nhiệm của Bộ là tương quan với thế giới Hồi giáo. Xin Đức Hồng y có thể chia sẻ đôi điều về vấn đề này?

Công đồng Vatican II đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong quan hệ với các tôn giáo khác, bao gồm cả Hồi giáo. Tôi nhớ lại những lời nói và cử chỉ mang tính tiên tri, chẳng hạn như của Thánh Phaolô VI, người, khi hành hương đến Uganda năm 1969, đã vinh danh những vị tử đạo Kitô giáo tiên khởi của Châu Phi bằng cách chỉ ra một sự tương đồng bao gồm cả các tín đồ Hồi giáo trong cuộc tử đạo mà tất cả họ đều phải chịu dưới thời các vị vua bộ lạc địa phương.

Sau đó là lời của Thánh Gioan Phaolô II nói với giới trẻ Hồi giáo ở Casablanca, Morocco, vào năm 1985, khi ngài nói: “Chúng ta tin vào cùng một Thiên Chúa, một Thiên Chúa duy nhất, Đấng hằng sống, Đấng tạo dựng thế giới và đưa các tạo vật của Người đến sự hoàn hảo”. 60 năm sau, chính Đức Gioan Phaolô II này đã bước vào một đền thờ Hồi giáo lần đầu tiên, bước qua ngưỡng cửa đền thờ Hồi giáo Umayyad ở Damascus trong chuyến viếng thăm Syria của ngài.

Ký ức về Đức Giáo hoàng Benedict XVI cầu nguyện thầm lặng tại Đền thờ Hồi giáo Xanh (Blue Mosque) ở Istanbul năm 2006 vẫn còn sống động. Và làm sao chúng ta không nhắc đến nhiều bước đi của Đức Thánh Cha Phanxicô, chẳng hạn như việc ký kết Văn kiện về Tình huynh đệ nhân loại với Đại Imam của Al-Azhar, Ahmad Al-Tayyeb, vào ngày 4 tháng 2 năm 2019, tại Abu Dhabi, tiếp theo là Thông điệp Fratelli Tutti một năm sau đó.

Hầu hết các sự kiện mà Đức Hồng y đề cập đều liên quan đến các chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô, điều này khiến tôi liên hệ điều này với vai trò của ngài trong việc tổ chức các chuyến thăm của Đức Thánh Cha.

Thật vậy, đúng là như thế: các chuyến đi của Đức Thánh Cha hầu như luôn mang chiều kích liên tôn, gặp gỡ với các nhà chức trách của các tôn giáo khác, và những khoảnh khắc sống tình huynh đệ. Tôi nghĩ đến chuyến viếng thăm gần đây đến Châu Á và Châu Đại Dương vào tháng 9 năm ngoái khi Đức Thánh Cha Phanxicô làm phép “Đường hầm hữu nghị” nối liền đền thờ Hồi giáo và Nhà thờ Chính tòa ở Jakarta, Indonesia. Tôi đã xúc động trước những cử chỉ hữu nghị của Đại Imam Nasaruddin Umar.

Cùng với Sứ thần Tòa Thánh và các cộng tác viên từ Văn phòng chịu trách nhiệm về các chuyến Tông du của Phủ Quốc Vụ Khanh—những người mà tôi cảm ơn vì công việc của họ—chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng, trong cuộc đối thoại với các nhà chức trách Hồi giáo, cho chuyến viếng thăm Dubai dự kiến ​​vào đầu tháng 12 năm 2023 để tham dự COP28 về biến đổi khí hậu, chuyến thăm đã bị hủy chỉ vài ngày trước khi khởi hành do Đức Thánh Cha đang dưỡng bệnh.

Tôi cũng muốn nhắc đến trải nghiệm tuyệt vời vài tháng trước ở Mông Cổ, nơi chỉ có 1,3% dân số theo Kitô giáo, cũng như các chuyến Tông du tới Kazakhstan và Bahrain. Bối cảnh của Bộ Đối thoại Liên tôn hoàn toàn mới đối với tôi, nhưng tôi tin rằng kinh nghiệm mà tôi đã và sẽ tiếp tục có được tại Văn phòng chịu trách nhiệm về các chuyến Tông du đã và sẽ luôn có giá trị.

Tương tự như vậy, tôi hy vọng công việc của tôi tại các Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Algeria, Hàn Quốc và Iran sẽ hữu ích. Tôi vẫn nhớ rất rõ hình ảnh cuộc đối thoại của Đức Thánh Cha với Đại Ayatollah Sayyid Ali al-Sistani tại Najaf trong chuyến viếng thăm lịch sử của ngài tới Iraq vào năm 2021, mặc dù vào thời điểm đó, tôi vẫn chưa tham gia vào việc tổ chức các chuyến Tông du.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết