Dưới bóng tối của cuộc chiến ở Ukraine, Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo năm nay là cơ hội để các Kitô hữu cùng nhau nỗ lực làm việc để đạt được hòa bình, theo một Hồng y của Vatican.
Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Cổ võ Sự Hiệp nhất Kitô giáo, cho biết ngài đang cầu nguyện trong tuần này để “chúng ta có thể tìm lại hòa bình giữa các Kitô hữu ở Ukraine”.
Trong một cuộc phỏng vấn với EWTN News vào ngày 18 tháng 1, Đức Hồng Y Koch giải thích rằng cuộc chiến Ukraine đã tạo ra một “tình huống rất khó khăn” cho cuộc đối thoại đại kết vì có “nhiều căng thẳng và chia rẽ trong thế giới Chính thống giáo”.
“Tôi nghĩ rằng, với cuộc chiến này ở Ukraine, chúng ta đang ở trong một tình thế rất khó khăn, bởi vì người Kitô hữu giết hại người Kitô hữu, và trước hết là các tín đồ Chính thống giáo giết hại các tín đồ Chính thống giáo. Và đây quả là một thông điệp rất tồi tệ và đáng buồn đối với thế giới bởi vì các Kitô hữu có nghĩa vụ và trách nhiệm dấn thân vì hòa bình”, Đức Hồng Y Koch nói.
“Tôn giáo không thể là một phần của vấn đề chiến tranh mà phải là một phần của tinh thần hòa giải và hòa bình”.
Đức Hồng Y Koch cho biết Giáo hội Công giáo đang nỗ lực làm việc để “tái tìm lại sự hiệp nhất” giữa những căng thẳng và chia rẽ trong thế giới Chính thống giáo thông qua đối thoại giữa Giáo hội Công giáo và Chính thống giáo.
“Và giờ đây chúng ta có rất nhiều sự căng thẳng và chia rẽ trong thế giới Chính thống, và đây quả là một khó khăn. Chẳng hạn, chúng tôi có một ủy ban quốc tế và hỗn hợp giữa Giáo hội Công giáo và tất cả các Giáo hội Chính thống, nhưng Giáo hội Chính thống Nga không tham gia vào cuộc đối thoại này”, Đức Hồng Y Koch nói.
Đức Hồng Y Koch giải thích rằng Giáo hội Chính thống Nga đã rút khỏi ủy ban sau khi Giáo hội Chính thống Ukraine tuyên bố tình trạng độc lập, hoặc độc lập về hàng giáo phẩm, vào năm 2019.
“Và khi Giáo hội Chính thống Nga không tham gia vào cuộc đối thoại này, thì đây quả là một thách thức”, Đức Hồng Y Koch cho biết thêm.
Đức Hồng Y Koch nhấn mạnh rằng Vatican đang nỗ lực để mở rộng cánh cửa đối thoại với Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga, bất chấp những khó khăn.
“Nhưng đối với chúng tôi, điều rất quan trọng là chúng tôi có thể tiếp tục mối quan hệ với Tòa Thượng phụ Chính thống Nga ở Moscow. Nhưng đó là một tình huống rất khó khăn, bởi vì chúng tôi có cảm tưởng rằng Tòa Thượng phụ Chính thống Nga ủng hộ cuộc chiến này, và chúng tôi có một tầm nhìn khác, như Đức Thánh Cha đã nói… rằng cuộc chiến này là vô nghĩa. Nhưng chúng ta phải tiếp tục mở rộng cánh cửa cho các mối quan hệ và làm sâu sắc thêm những gì khả thi”, Đức Hồng Y Koch nói.
Giáo hội Công giáo dành một tuần lễ vào mỗi tháng Giêng để cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu. Chủ đề của Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo năm nay được trích từ Sách Isaia 1:17: “Hãy làm điều lành; tìm kiếm công lý”.
Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo lần thứ 56 bắt đầu vào ngày 18 tháng 1 và sẽ tiếp tục với những lời cầu nguyện đại kết hàng ngày cho đến lễ Thánh Phaolô Tông đồ Trở lại vào ngày 25 tháng 1, khi Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự một buổi cầu nguyện đại kết tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành.
Vào ngày đầu tiên của tuần lễ cầu nguyện, Đức Hồng y Koch đã suy tư chuyến Tông du sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Châu Phi phản ánh “công việc chung” vì tinh thần hòa giải và hòa bình được chia sẻ bởi Giáo hội Công giáo, Khối Hiệp thông Anh giáo Thế giới và Giáo hội Trưởng lão ở Anh.
Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ viếng thăm Nam Sudan từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 2 trong chuyến Tông du mà ngài gọi là “cuộc hành hương vì hòa bình” đến quốc gia châu Phi từ lâu đã tranh đấu để thực hiện các thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt bạo lực giữa các nhóm vũ trang và lực lượng quân sự.
Trong nhiều năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mong muốn thực hiện một chuyến Tông du đến Nam Sudan cùng với Đức Tổng giám mục Justin Welby Địa phận Canterbury, và người điều hành Giáo hội Scotland. Chuyến viếng thăm dự kiến trước đó của Đức Thánh Cha đến Nam Sudan cùng với Đức Tổng giám mục Welby đã bị hủy bỏ vào năm 2017 do những lo ngại về vấn đề an ninh, và chuyến đi hiện tại đã được lên kế hoạch lại vào năm 2023 sau khi bị hoãn lại vào mùa hè năm ngoái do vấn đề đầu gối của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Đức Hồng y Koch đã nhìn thấy một thông điệp hy vọng trong chuyến viếng thăm sắp tới. Ngài nói: “Chuyến Tông du này của Đức Thánh Cha tại Nam Sudan sẽ là một cuộc hành hương chung giữa Đức Tổng giám mục Justin Welby Địa phận Canterbury, Chủ tịch Giáo hội Trưởng lão ở Anh và Đức Thánh Cha Phanxicô vì tất cả các Giáo hội này đều nỗ lực dấn thân nhằm tìm lại sự hòa giải ở đất nước này”.
“Và đây quả là một dấu hiệu rất đẹp rằng tất cả các Giáo hội đang cùng cộng tác với nhau để tìm lại hòa bình trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn này”.
Minh Tuệ (theo CNA)