Đức Hồng y Kurt Koch, Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ sự Hiệp nhất Kitô giáo, đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn gần đây với kênh YouTube tiếng Tây Ban Nha “Cónclave Informa” (Báo cáo về Mật nghị) rằng Mật nghị “không phải là một vấn đề chính trị, mà là một buổi cầu nguyện” và một Giáo hoàng “phải là một con người của đức tin”.
“Đối với tôi, điều quan trọng là Mật nghị không phải là một vấn đề chính trị, mà là một buổi cầu nguyện. Trước hết, nhân vật chính của Mật nghị là Chúa Thánh Thần, và chúng ta phải cầu nguyện cho điều này”, Đức Hồng y Koch nói.
Trong bối cảnh này, Đức Hồng y Koch cho biết rằng “một Giáo hoàng có nhiệm vụ đầu tiên là phải trung thành với thánh ý Chúa, vì ngài phải hướng dẫn toàn thể dân Chúa” và do đó, “ngài phải là tấm gương về việc tìm kiếm thánh ý Chúa”.
Đức Hồng y Koch nhấn mạnh rằng “Giáo hoàng phải là một con người của đức tin và trên hết là con người của các giá trị Kitô giáo trên thế giới. Đặc biệt là ở châu Âu, nơi đã mất đi rất nhiều, rất nhiều cội rễ Kitô giáo trong lịch sử của mình, và điều này không báo hiệu điều tốt lành cho tương lai”.
Đức Hồng y Koch cũng chỉ ra rằng văn kiện “Vị Giám mục Rôma” của Thánh Bộ vào tháng 6 “trên hết là một văn kiện nghiên cứu” dựa trên sự xác tín rằng “quyền tối thượng của vị Giám mục Rôma là một món quà của Chúa Thánh Thần mà chúng ta không thể chỉ giữ cho riêng mình”.
“Rõ ràng là một số người thấy rằng chúng ta cần một người lãnh đạo, một người đứng đầu ở mọi cấp độ của Giáo hội, ở cấp độ địa phương, khu vực và toàn cầu. Trên hết, một số tín hữu Chính thống giáo nhìn nhận theo cách này. Với những các tín hữu Tin lành, tình hình rất khác”, Đức Hồng y Koch cho biết thêm.
Cuộc khủng hoảng về Giáo lý
Đức Hồng y Koch lưu ý rằng “cuộc khủng hoảng đức tin nghiêm trọng mà chúng ta đang gặp phải trong Giáo hội ngày nay cũng là cuộc khủng hoảng về Giáo lý, vì nó rất quan trọng để sống đức tin trong xã hội ngày nay”.
“Nếu những người trẻ không còn biết Kitô giáo là gì, đức tin Kitô giáo là gì, họ không thể trưởng thành trong đức tin và rồi họ sẽ bỏ lại đức tin phía sau. Chính vì lý do này, Giáo lý có vị trí ưu tiên hàng đầu trong đời sống của Giáo hội, hoặc cần phải nắm vững Giáo lý”, Đức Hồng y Koch cho biết thêm.
“Điều rất quan trọng là các tín hữu phải có mối tương quan cá nhân với Thiên Chúa”, Đức Hồng y Koch tiếp tục. “Nếu họ không cầu nguyện, họ không có sự gặp gỡ cá nhân với Thiên Chúa, họ không thể biết được thực tại thiêng liêng. Bởi vì ngay cả với con người, nếu một người chỉ nói về một người khác nhưng không trò chuyện với người đó, thì người đó không thể hiểu biết người đó thêm nữa”.
Chìa khóa để giải thích Công đồng Vatican II
Khi được hỏi về những ý kiến cho rằng Giáo hội Công giáo đã trải qua quá trình “Tin lành hóa” sau Công đồng Vatican II, Đức Hồng y Koch tin rằng “vấn đề cơ bản là cách chúng ta nhìn nhận, cách chúng ta hiểu Công đồng Vatican II, đặc biệt là các văn bản, chứ không chỉ tinh thần”.
Do đó, Đức Hồng y Koch cho rằng “rất quan trọng” khi tuân theo giáo huấn của Đức Benedict XVI về việc áp dụng phương pháp thông diễn học đối với việc cải cách chứ không phải đoạn đuyệt để phân tích Công đồng Vatican II.
Bí tích Thánh Thể, chìa khóa của sự hoán cải
Dựa trên kinh nghiệm của mình trong cuộc đối thoại đại kết và chứng kiến nhiều cuộc cải đạo từ Giáo hội Tin Lành, Đức Hồng y Koch nhấn mạnh rằng Bí tích Thánh Thể đóng vai trò nền trong những tiến trình này.
“Tôi đã hỏi những người này: Tại sao? Và câu trả lời luôn là: ‘Vì Bí tích Thánh Thể’. Bởi vì chúng tôi chưa từng trải nghiệm trong đức tin Tin Lành việc cử hành cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô vốn thực sự hiện diện trong cuộc sống của chúng ta. Và vì vậy chúng tôi muốn thay đổi và trở thành người Công giáo”, Đức Hồng y Koch nói.
Và vì thế, Đức Hồng y Koch khuyến khích việc “đào sâu hơn thực tại Thánh Thể thậm chí ngay cả trong Giáo hội của chúng ta” vì “Thánh Thể là nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống Giáo hội”.
Đức Trinh Nữ Maria, mẫu gương của Giáo Hội
“Đức Trinh Nữ Maria chính là mẫu gương của Giáo hội. Mọi điều Thánh Kinh nói về Giáo hội, trước đây đều đã nói về Đức Maria. Và từ Đức Maria, Giáo hội có thể học được Giáo hội là gì”, vị Giám chức giải thích.
“Nếu chúng ta thấy trong Thánh Kinh có sự tôn kính Đức Maria và nếu chúng ta muốn trung thành với Thánh Kinh, chúng ta không thể quên Đức Maria, mà phải thấy thực tại chính yếu của đức tin của Đức Maria. Và điều này cực kỳ quan trọng”, Đức Hồng y Koch tiếp tục.
Trong bối cảnh đại kết, Đức Hồng y Koch cho biết thêm rằng “ngày nay chúng ta phải đào sâu đức tin của mình, bao gồm cả trong phong trào đại kết, vốn phải là một thực tại của đức tin, bởi vì mục tiêu của chủ nghĩa đại kết là đức tin, đức tin tông truyền, mà mỗi thành viên mới trong Thân Mình Chúa Kitô lãnh nhận trong Bí tích Rửa tội. Chủ nghĩa đại kết phải là một điều gì đó liên quan đến Bí tích Rửa tội. Đức tin trước hết không phải là một Giáo hội chính trị, tôn giáo nhưng phải là trung tâm điểm của cuộc sống”.
Đức tin của Tây Ban Nha
Đức Hồng y Koch cũng bày tỏ mong muốn rằng “đức tin sẽ luôn nằm trong máu huyết của người dân Tây Ban Nha”.
“Thật tuyệt vời biết bao khi nhìn thấy đức tin vẫn luôn nằm trong máu huyết của người dân Tây Ban Nha. Tôi hy vọng là như vậy”, theo Đức Hồng y Koch, người đánh giá cao rằng Tây Ban Nha có “một lịch sử vĩ đại” bất chấp thực tế rằng “khi bạn đến thăm các Nhà thờ Chính tòa, các Vương cung Thánh đường, các nhà thờ, chúng giống như các bảo tàng và đôi khi tôi tự hỏi: Các tín hữu có thể cầu nguyện ở đâu? Nhưng tôi hy vọng rằng đây không phải là một thực tế phổ biến và ở các Giáo xứ thì khác”, Đức Hồng y Koch kết luận.
Minh Tuệ (theo CNA)