Đức Hồng y Tarcisio Isao Kikuchi Địa phận Tokyo đã kêu gọi Giáo hội Công giáo ở Châu Á, vốn là “thiểu số tuyệt đối” trong khu vực, hãy cam kết đối với vấn đề đối thoại liên tôn.
Đức Hồng y Kikuchi nhấn mạnh rằng cam kết đối thoại liên tôn “không phải là sự thỏa hiệp về niềm tin của chúng ta, mà là để phát huy tiềm năng của chúng ta nhằm tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn”, tờ Crux đưa tin vào ngày 9 tháng 12.
Các hành động của Giáo hội Châu Á sẽ hỗ trợ việc thực hiện thánh ý của Thiên Chúa thông qua việc “xây dựng hòa bình, bảo vệ phẩm giá con người, bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ những người đang trong hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống”, Đức Hồng y Kikuchi cho biết thêm.
Đức Hồng y Kikuchi là một trong 21 vị tân Hồng y được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm trong Công nghị được tổ chức tại Vatican vào ngày 7 tháng 12.
Có 4 vị Hồng y đến từ châu Á trong Công nghị gần đây nhất, nâng số lượng Hồng y châu Á lên 37 vị (khoảng 15%) trong tổng số 253 Hồng y trên toàn thế giới.
Các Hồng y mới được bổ nhiệm khác là tân Hồng y Pablo Virgilio S. David đến từ Philippines, tân Hồng y Dominique Joseph Mathieu đến từ Iran và tân Hồng y George Jacob Koovakad đến từ Ấn Độ.
Đức Hồng y Kikuchi chỉ ra rằng việc người dân di chuyển qua biên giới quốc gia là “nguyên nhân chính tạo nên môi trường đầy thách thức cho nhiều người ở châu Á”.
“Giáo hội Châu Á được kỳ vọng sẽ là người đi đầu trong việc bảo vệ phẩm giá của những người di cư”, Đức Hồng y Kikuchi nhấn mạnh.
Trong khi tuyên bố rằng mình “thực sự khiêm nhường” khi được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Hồng y vào ngày 6 tháng 10, trong khi ngài đang tham dự Thượng Hội đồng về Hiệp hành tại Rôma, Đức Hồng y Kikuchi nói thêm rằng ngài “vẫn đang tiếp tục suy ngẫm xem Thiên Chúa muốn tôi làm gì lúc này”.
“Thật sự, đây là vinh dự lớn lao cho Giáo hội Tokyo và Giáo hội Nhật Bản khi có thêm một vị Hồng y nữa”, Đức Hồng y Kikuchi nói.
Vị Giám chức lãnh đạo Tổng Giáo phận Tokyo tuyên bố rằng việc bổ nhiệm ngài làm Hồng y là “lời kêu gọi thực hiện trách nhiệm của chúng tôi [Giáo hội Công giáo Nhật Bản] trong Sứ mạng của Giáo hội”.
Trích dẫn Sứ điệp năm 2019 của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Hiroshima và Nagasaki về hòa bình hoàn toàn bằng cách bãi bỏ vũ khí hạt nhân, Đức Hồng y Kikuchi nhấn mạnh rằng “Giáo hội tại Nhật Bản có trách nhiệm đi đầu trong việc xây dựng hòa bình”.
Đức Hồng y Kikuchi, người cũng là Chủ tịch của Caritas Quốc tế, chi nhánh dịch vụ xã hội của Vatican, cho biết việc bổ nhiệm ngài cho thấy “kỳ vọng của Đức Thánh Cha Phanxicô rằng Caritas sẽ trở thành đơn vị tiên phong của Giáo hội Hiệp hành”.
“Caritas đã và đang thực hiện sứ mệnh Giáo hội Hiệp hành trong nhiều năm trên khắp thế giới”, Đức Hồng y Kikuchi nhận xét.
Đức Hồng y Kikuchi chỉ ra rằng việc có một số Hồng y trong số các Giám mục châu Á – đặc biệt là trong số các nhà lãnh đạo của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC) – tượng trưng cho kỳ vọng của Giáo hội Công giáo rằng Giáo hội Châu Á sẽ là “người đi đầu trong việc bảo vệ phẩm giá con người”.
Nhật Bản có khoảng 400.000 người Công giáo (khoảng 0,33%) trong tổng số 120 triệu dân.
Tổng số Kitô hữu ở Nhật Bản ước tính là 1,26 triệu người, chiếm khoảng 1,05% dân số.
Hoàng Thịnh (theo UCA News)