Đức Hồng Y John Tong cho biết thỏa thuận này sẽ chấm dứt ‘cuộc khủng hoảng về sự chia rẽ’ giữa các Giáo Hội chính thức và hầm trú.
Tòa Thánh và Trung Quốc đã đạt được sự đồng thuận về việc bổ nhiệm các Giám mục, điều này sẽ dẫn đến việc giải quyết những vấn đề nổi bật khác, Đức Hồng Y Hồng Kông John Tong cho biết.
“Từ giờ trở đi, sẽ không có thêm sự khủng hoảng về việc chia rẽ giữa các cộng đồng công khai cũng như hầm trú trong Giáo Hội tại Trung Quốc”, ĐHY Tong cho biết.
“Ngược lại, hai cộng đồng này sẽ dần dần tiến tới hòa giải và hiệp nhất trên các phương diện như: Giáo luật, chăm sóc mục vụ cũng như các mối tương quan. Giáo Hội tại Trung Quốc sẽ cộng tác với nhau để rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu trên mảnh đất Trung Quốc”.
Trong một bức thư được công bố hôm thứ Năm vừa qua, ĐHY Tong lưu ý rằng Tòa Thánh và Trung Quốc đều có những mối bận tâm khác nhau, do đó, cả hai bên sẽ ưu tiên những vấn đề còn lại theo những cách khác nhau.
“Chính phủ Trung Quốc bận tâm đến những vấn đề về cấp độ chính trị, trong khi đối với Tòa Thánh, những vấn đề có liên quan đến tôn giáo và mục vụ chính là những ưu tiên”, ĐHY Tong nói.
Tòa thánh Vatican và Trung Quốc – vốn đã cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 1951 – đã nhiều lần nối lại đàm phán từ những năm 1980. Dưới triều đại Giáo Hoàng của ĐTC Phanxicô, hai bên đã khởi động lại việc đối thoại chính thức vào năm 2014.
Việc đối thoại đã được xem xét từ góc độ chính trị, thế nhưng ĐHY Tong cho biết Ngài muốn đưa ra một quan điểm tôn giáo. Đầu tiên, Ngài đã viết về cuộc đối thoại này từ hồi cuối tháng tám vừa qua và Ngài cho biết các bài viết đã nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Trong những năm gần đây, do yêu cầu của chính phủ, các linh mục, nữ tu và giáo dân tại các Giáo phận của Trung Quốc đã bầu chọn ra các Giám mục mới của mình. Hầu hết những vị được bầu chọn đều được Tòa Thánh phê duyệt.
Đức Hồng Y Tong cho biết cuộc đối thoại Trung Quốc – Vatican chỉ ra rằng Trung Quốc sẽ “để cho Đức Thánh Cha giữ vai trò đề cử và phong chức các Giám mục Trung Quốc”. Bởi vì, theo luật Giáo Hội, Đức Thánh Cha là người có quyết định sau cùng trong việc bổ nhiệm các Giám mục, điều này sẽ giải quyết một số vấn đề, ĐHY Tong nói.
“Bắc Kinh cũng sẽ công nhận quyền phủ quyết của Đức Thánh Cha và Đức Thánh Cha là người có trách nhiệm cao nhất và sau cùng trong việc bổ nhiệm các ứng viên Giám mục tại Trung Quốc”, ĐHY Tong cho biết.
Hiệp hội Công giáo Yêu nước chủ trương việc “tự đề cử và tự phong” các Giám mục, nhưng nếu các thỏa thuận về quyền phê chuẩn của Đức Thánh Cha đối với các Giám mục được đạt, nguyên tắc này sẽ trở thành một vấn đề mang tính lịch sử, ĐHY Tong nói.
“Nếu Đức Thánh Cha có quyết định sau cùng về sự xứng đáng và phù hợp của một ứng cử viên giám mục, các cuộc bầu chọn của các Giáo Hội địa phương cũng như những kiến nghị của Hội Đồng Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc sẽ đơn thuần chỉ là một phương thức để bày tỏ sự tiến cử của mình”, Đức Hồng Y Tong nói.
Vai trò của Hiệp hội yêu nước do chính phủ kiểm soát đã được xem như là một trở ngại trong quan hệ giữa Trung Quốc và Tòa Thánh, nhưng động thái này sẽ biến hiệp hội này trở thành một tổ chức “tự nguyện, phi lợi nhuận, yêu nước và yêu mến Giáo Hội bao gồm các giáo sĩ và giáo dân đến từ khắp mọi miền trên đất nước”, Đức Hồng Y Tong nói.
Trung Quốc yêu cầu các vị lãnh đạo Công giáo phải đăng ký khai báo với Hiệp hội yêu nước, và một số Giám mục đã từ chối. Ở một số cấp độ, điều này đã dẫn đến cái gọi là các cộng đồng không chính thức hoặc hầm trú và chính thức hoặc đã được khai báo đăng ký trong chính nội bộ Giáo hội Công giáo.
Nhưng Đức Hồng Y Tong cho biết các tín hữu Công giáo thuộc cả hai cộng đồng “đều đang tích cực tìm kiếm cũng bày tỏ sự hiệp thông trọn vẹn và hiệp nhất với Giáo Hội hoàn vũ”.
Mặc dù một số Giám mục đã được tấn phong mà không có sự chấp thuận của Đức Thánh Cha, “họ vẫn nỗ lực để giải trình với Đức Thánh Cha ngay sau đó để được Ngài thông cảm và phê chuẩn”, Đức Hồng y nói. “Tất nhiên, nếu tất cả những đòi hỏi được đáp ứng, họ sẽ được bỏ qua, được chấp thuận và có thể được ủy thác cho việc coi sóc các Giáo phận”.
ĐHY Tong cho biết hiện nay có 7 Giám mục “đang trong tình trạng bị vạ tuyệt thông” bởi việc tấn phong Giám mục bất hợp pháp của họ; một số mắc phải những vấn đề liên quan tới tư cách đạo đức. Đức Hồng Y Tong cho biết ĐTC Phanxicô có thể sẽ xóa bỏ vạ tuyệt thông nếu như điều kiện cho phép, và những vấn đề liên quan đến luân lý rất có thể sẽ được xử lý riêng biệt.
Để được ân xá, các Giám mục vi phạm phải viết thư cho Đức Thánh Cha để xin tha thứ và tỏ sự sẵn lòng hiệp thông với Giáo Hội.
“Theo nguồn thông tin đáng tin cậy, tất cả các Giám mục được tấn phong bất hợp pháp này đều đã gửi thư cho Đức Thánh Cha. Họ đã bày tỏ sự sẵn sàng để tự giải trình với Đức Thánh Cha một cách vô điều kiện đồng thời nài xin sự tha thứ”, ĐHY Tong nói.
Tuy nhiên, tình hình có thể trở nên phức tạp nếu như Tòa Thánh bổ nhiệm một Giám mục khác để cai quản một Giáo phận vốn đã có một vị Giám mục bị rút phép thông coi sóc. Đức Hồng Y Tong cho biết những điều này và các yếu tố khác được hiểu là giải pháp đối với vấn đề này sẽ phải mất nhiều thời gian hơn.
Một vấn đề khác cần phải đối thoại nhiều hơn đó chính là việc thừa nhận của Trung Quốc đối với các Giám mục đã từ chối đăng ký khai báo với chính phủ.
Đức Hồng Y Tong cho biết cộng đồng Giáo Hội không chính thức là kết quả của một giai đoạn chính trị và lịch sử đặc biệt.
“Không có sự tin tưởng lẫn nhau giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh, và điều này gián tiếp đã dẫn đến sự thiếu tin tưởng giữa chính phủ và các Giám mục thuộc cộng đồng không chính thức – những người vẫn luôn theo đuổi các nguyên tắc của Giáo Hội. Nếu có một thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Trung Quốc về việc bổ nhiệm các Giám mục vốn sẽ bao hàm sự tin cậy đáng kể lẫn nhau giữa các bên [và] các Giám mục thuộc cộng đồng không chính thức, chắc chắn sẽ không còn được coi là sự đối lập đối với việc theo đuổi những nguyên tắc tôn giáo”, Đức Hồng Y Tong nhấn mạnh.
Đức Hồng Y Tong tiên đoán những lập luận rằng Trung Quốc không thể đối phó với Giáo Hội Công Giáo mà không nhìn vào tình hình của các nhóm dân tộc và tôn giáo khác; chẳng hạn như những vấn đề của Tây Tạng và Tân Cương.
Tuy nhiên – Đức Hồng Y Tong cho biết – dân chúng ở những vùng đó muốn tự trị hay độc lập, [trong khi] Giáo Hội Công Giáo không hướng đến điều đó.
“Các tín hữu Công giáo Trung Quốc nói chung đều mang tinh thần yêu nước, họ là những công dân tốt, những người không sẵn sàng tham gia vào các hoạt động chính trị”, Đức Hồng Y Tong nói. “Họ là những người sẽ không đe dọa đến sự ổn định chính trị cũng như xã hội, và các nhà lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn hiểu rõ điều này. Do đó, họ sẽ không đặt những vấn đề của Giáo hội Công giáo cũng như những vấn đề của Tây Tạng và Tân Cương trên cùng một mức độ”.
Đức Hồng Y Tong cho biết Ngài hiểu rõ điều này, thậm chí ngay cả với những thay đổi này, Giáo Hội sẽ không thể hoàn toàn tự do như ở các nước khác.
“Các lựa chọn trước mặt chúng ta đó là hoặc là nắm bắt lấy sự tự do cần thiết hiện tại để trở thành một Giáo Hội không hoàn hảo, nhưng là một Giáo Hội thực sự, sau đó tranh đấu để có được sự tự do hoàn toàn với hy vọng sẽ tiến tới một Giáo hội hoàn hảo, hoặc là chúng ta sẽ từ bỏ sự tự do cần thiết để rồi chẳng có gì cả, và sau đó lại chờ đợi để có thể có được sự tự do hoàn toàn – nhưng chẳng ai biết khi nào điều này mới thực sự xảy ra. Thực tế, nguyên tắc luân lý của Giáo Hội dạy chúng ta phải lựa chọn điều ít xấu hơn giữa những điều xấu.
“Vì vậy, theo như những giáo huấn về các nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực lành mạnh mà ĐTC Phanxicô đã dạy chúng ta, rõ ràng rằng đó cũng chính là đường lối mà Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc nên thực hiện”, Đức Hồng Y Tong cho biết.
Minh Tuệ chuyển ngữ