
Đức Hồng y Oswald Gracias, Tổng Giám mục Địa phận Mumbai và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Ấn Độ
Đức Hồng y Oswald Gracias, Tổng Giám mục Địa phận Mumbai và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Ấn Độ, đã kêu gọi các Giám mục đồng tổ chức “Ngày tưởng niệm” quốc gia vào ngày 10 tháng 8, kỷ niệm 50 năm luật phá thai của đất nước có hiệu lực.
Trong một lá thư gửi các vị Giám chức Ấn Độ, Đức Hồng y Gracias giải thích rằng “ở đất nước chúng ta sau luật phá thai đó [. . .] không có dấu hiệu chậm lại của xu hướng triệt tiêu sự sống này”.
Mục đích của ngày này là nhằm “bày tỏ sự đau buồn của chúng ta trước hành vi giết hại những đứa trẻ không mong muốn”, để “chúng ta có thể thúc đẩy não trạng ủng hộ việc bảo vệ sự sống trong xã hội của chúng ta”.
Lá thư tiếp tục đề xuất một số sáng kiến có thể được thực hiện vào ngày đau buồn này.
Đối với Đức Giám mục Thomas Elavanal Địa phận Kalyan, “Thiên Chúa là Đấng Tạo dựng sự sống. Sự sống con người vô cùng thiêng liêng và quý giá trước mặt Thiên Chúa, và vì vậy sự sống phải được bảo vệ và thúc đẩy ngay từ giây phút đầu tiên xuất hiện sự tồn tại, như chúng ta nói, từ khi thụ thai cho đến khi chết đi một cách tự nhiên”.
“Bất kỳ sự can thiệp y tế nào cũng phải nhằm mục đích cứu sống”, Tiến sĩ Pascoal Carvalho, một thành viên bác sĩ ở Mumbai thuộc Học viện Giáo hoàng về Sự sống, lưu ý. “Kêu gọi phá thai, một sự can thiệp của Y tế, là một cách ngụy tạo tinh vi cho một hành động kinh khủng đối với một người không có khả năng tự vệ”.
“Ban đầu, Đạo luật MTP (Đạo luật Chấm dứt Mang thai về Y tế) cho phép chấm dứt thai kỳ đến 20 tuần”, Tiến sĩ Carvalho giải thích. Nhưng “Vào tháng 3 năm 2021, gần 50 năm sau, Đạo luật sửa đổi cho phép chấm dứt thai kỳ lên đến 24 tuần”.
Đối với Tiến sĩ Carvalho, “ngay từ thời điểm thụ thai, tức là vào ngày đầu tiên xuất hiện sự sống trong lòng mẹ, đứa trẻ chưa được sinh ra đã là một con người và có quyền bình đẳng như bất kỳ một người trưởng thành nào”.
Minh Tuệ (theo Asia News)