Đức Hồng y Goh: Đức Thánh Cha Lêô XIV là “vị Mục tử thích hợp” để mang lại sự hiệp nhất và quân bình cho Giáo hộid

Đức Hồng Y William Goh phát biểu với Phó Chủ tịch EWTN News Matthew Bunson tại Rome vào Thứ Hai, ngày 19 tháng 5 năm 2025 (Ảnh: EWTN News)

Đức Hồng Y William Goh phát biểu với Phó Chủ tịch EWTN News Matthew Bunson tại Rôma hôm Thứ Hai, ngày 19 tháng 5 năm 2025 (Ảnh: EWTN News)

Đức Hồng y William Goh của Singapore tin rằng Đức Thánh Cha Lêô XIV sẽ xây dựng một sự hiệp nhất sâu xa hơn trong lòng Giáo hội, đặc biệt đối với các tín hữu Công giáo vốn thường chia rẽ trong các vấn đề liên quan đến tín lý và luân lý của Giáo hội.

Trong cuộc phỏng vấn với ông Matthew Bunson, Phó Chủ tịch kiêm Tổng biên tập của EWTN News, Đức Hồng y Goh đã gọi vị Đức tân Giáo hoàng là “món quà của Thiên Chúa” và đồng thời khẳng định rằng Đức Thánh Cha Lêô là “vị Mục tử thích hợp” để dẫn dắt Giáo hội tiến bước trong tiến trình Hiệp hành và giải thích sự quân bình giữa việc “trung thành với Giáo huấn truyền thống và tinh thần canh tân”.

“Việc giữ gìn truyền thống không phải là điều sai trái, và việc quay trở về với sự chính thống của Giáo hội cũng không sai”, ngài nói. “Nhưng đồng thời, chúng ta cũng không nên quá cứng nhắc về các Giáo huấn luân lý khi áp dụng vào thực hành”.

Đức Hồng y Goh mô tả Đức Thánh Cha Lêô là một người luôn lắng nghe, “hết sức quan tâm đến những ưu tư và chia sẻ của các Hồng y”, và đồng thời nhận định rằng sự mong mỏi đối với tinh thần hiệp nhất của Đức Thánh Cha đã thể hiện rõ qua cả lời nói lẫn hành động kể từ khi ngài được bầu chọn vào ngày 8 tháng 5.

“Tôi tin rằng, cho đến nay, dựa trên những bài diễn văn của ngài, Đức Thánh Cha đang thực sự thực hành lời mời gọi bước đi trong tinh thần Hiệp hành”, Đức Hồng y Goh nhận định. “Trong cuộc gặp gỡ với Hồng y Đoàn, ngài đã trò chuyện với chúng tôi bằng một cung cách rất cá vị”.

“Tôi tin rằng sẽ có sự cộng tác lớn hơn, đối thoại sâu sắc hơn, nhờ đó chúng ta có thể thực sự kiến tạo một sự hiệp nhất vững bền hơn trong Giáo hội”, Đức Hồng y Goh nói thêm.

Khi suy tư về những vấn đề đã từng “gây chia rẽ trong Giáo hội” dưới triều đại của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô – chẳng hạn như “sự mơ hồ” trong một số Giáo huấn được trình bày trong Tông Huấn Amoris Laetitia và tiến trình Hiệp hành – vị Hồng y châu Á bày tỏ hy vọng rằng Đức Thánh Cha Lêô XIV sẽ mang lại sự rõ ràng và giảm thiểu sự nhầm lẫn trong các cuộc thảo luận về Giáo huấn Công giáo.

“Tôi vẫn luôn nhấn mạnh rằng chúng ta không thể nói về tính Hiệp hành nếu không có sự hiệp nhất trong Giáo lý, không có sự hiệp nhất trong đức tin”, Đức Hồng y Goh nói với ông Bunson.

“Sự hiệp nhất dựa trên tình yêu hời hợt thì không bao giờ là một sự hiệp nhất đích thực”, ngài tiếp tục. “Hiệp nhất phải được đặt nền móng trên chân lý được diễn tả trong đức ái”.

Trước sự tăng trưởng không ngừng của Giáo hội tại châu Á và châu Phi, Đức Hồng y Goh cho biết nhiều tín hữu Công giáo là những người trở lại đạo và không muốn thỏa hiệp với đức tin mới tìm được của mình.

“Chúng tôi là những người có đức tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa và chúng tôi muốn bước đi theo đường lối Tin Mừng”, vị Hồng y đầu tiên – và hiện là duy nhất – của Singapore chia sẻ trong cuộc phỏng vấn. “Thật vậy, chúng tôi đã từ bỏ đức tin cũ để đón nhận đức tin chân chính”.

“Chúng tôi muốn bước đi trong chân lý, theo Tin Mừng và theo những gì Giáo hội đã dạy chúng tôi”, ngài nhấn mạnh. “Đó chính là điều đang hướng dẫn chúng tôi và các tín hữu tại châu Á”.

Bên cạnh khả năng lắng nghe của Đức Thánh Cha, Đức Hồng y Goh cũng ghi nhận khả năng sử dụng nhiều ngôn ngữ của ngài là một lợi thế đối với những ai muốn trao đổi với Đức Thánh Cha về các thách đố mục vụ mà Giáo hội đang đối diện ở nhiều nơi trên thế giới, cả trước và sau Mật nghị Hồng y vừa qua.

“Một điểm thuận lợi nơi Đức Thánh Cha Lêô là ngài nói được tiếng Anh, bởi vì rất nhiều Hồng y châu Á không giỏi tiếng Ý”, Đức Hồng y Goh cho biết. “Chúng tôi muốn trao đổi và chia sẻ quan điểm với Đức Thánh Cha, nhưng đôi khi lại gặp khó khăn vì rào cản ngôn ngữ”.

“Tôi nghĩ rằng, nếu biết tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý thì ngài đã có thể giao tiếp với ít nhất hai phần ba thế giới rồi, đúng không?”, Đức Hồng y Goh chia sẻ thêm.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết