Đức Hồng Y Giorgio Marengo của Mông Cổ: Đức Thánh Cha Phanxicô đến để ‘thì thầm Tin Mừng’

Đức Hồng Y Giorgio Marengo, Phủ Doãn Tông Tòa Ulaanbaatar, Mông Cổ, phát biểu tại một sự kiện ở Rôma do Trung tâm Giáo dân tổ chức vào ngày 17 tháng 7 năm 2023 (Ảnh: Elise Ann Allen/Crux)

Đức Hồng Y Giorgio Marengo, Phủ Doãn Tông Tòa Ulaanbaatar, Mông Cổ, phát biểu tại một sự kiện ở Rôma do Trung tâm Giáo dân tổ chức vào ngày 17 tháng 7 năm 2023 (Ảnh: Elise Ann Allen/Crux)

Đức Hồng Y Giorgio Marengo, Hoàng tử trẻ tuổi nhất của Giáo hội Công giáo, người sẽ chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô đến đất nước Mông Cổ mà ngài đang phục vụ chỉ trong hơn một tháng nữa, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đối với dân số Công giáo nhỏ bé của đất nước.

“Đức Thánh Cha muốn đến thăm một trong những cộng đồng Công giáo nhỏ bé nhất trên thế giới”, một lần nữa cho thấy rằng “trái tim của ngài cháy bỏng tình yêu dành cho Giáo hội hoàn vũ, và đặc biệt là Giáo hội nơi nó tồn tại trong bối cảnh thiểu số”, Đức Hồng Y Marengo phát biểu với các nhà báo bên lề của một sự kiện được tổ chức bởi Trung tâm Giáo dân ở Rôma hôm thứ Hai.

Lưu ý rằng Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm chỉ một năm sau khi trao cho ngài chiếc mũ đỏ, Đức Hồng Y Marengo cho biết có nhiều lý do tại sao Mông Cổ lại quan trọng đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng ngài cho biết lý do lớn nhất là “có lẽ vì đàn chiên Công giáo nhỏ bé ở Mông Cổ sống theo đức tin của họ với niềm vui, với sự đơn sơ, trở thành một môn đệ truyền giáo”.

“Cách đây hai, ba năm trước, trong tháng truyền giáo ngoại thường, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh đến việc sống căn tính của chúng ta với tư cách là những môn đệ truyền giáo, và chiều kích đức tin này của chúng ta được sống một cách đơn sơ ở Mông Cổ, và tôi nghĩ rằng đây là một khía cạnh chắc chắn sẽ nổi lên từ cuộc hành trình này”, Đức Hồng Y Marengo nói.

Đức Hồng Y Marengo, một thành viên của Dòng Thừa sai Consolata, đã sống ở Mông Cổ hơn 20 năm và được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Phủ Doãn Tông Tòa Ulaanbaatar vào năm 2020. Đức Cha Marengo đã được tấn phong Hồng y vào năm ngoái, khiến ngài trở thành thành viên trẻ nhất trong Hồng Y Đoàn của Giáo hội.

Đức Hồng Y Marengo cho biết có khoảng 1.450 tín hữu Công giáo ở Mông Cổ, nơi có chung biên giới với cả Trung Quốc lẫn Nga và là một quốc gia đa số theo Phật giáo.

Trong các bình luận của mình với các nhà báo, Đức Hồng Y Marengo đã cẩn thận tránh bất kỳ sự đề cập nào đến vấn đề địa chính trị và bỏ qua các câu hỏi về tác động ngoại giao của chuyến viếng thăm đối với mối quan hệ của Vatican với Trung Quốc, thay vào đó tập trung vào bản chất mục vụ của chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng Y Marengo nói, sẽ giúp “vạch ra những cách thức mới để Tin Mừng” được chào đón và được rao giảng tại quốc gia du mục, thưa thớt dân cư này, đồng thời sẽ giúp cộng đồng thiểu số Công giáo cảm thấy như họ là một phần của Giáo hội toàn cầu.

“Tôi hy vọng rằng người dân của chúng tôi, qua cuộc gặp gỡ với Đấng kế vị thánh Phêrô, sẽ cảm nhận được Giáo hội Công giáo trên toàn thế giới rộng lớn như thế nào, bởi vì đối với họ, quả không dễ cảm nhận được điều đó, vì chúng tôi chỉ là một nhóm ít người”, Đức Hồng Y Marengo nói.

Đồng thời, Đức Hồng Y Marengo cho biết ngài cũng tin rằng chuyến viếng thăm sẽ cho thấy tầm quan trọng của “cuộc hành trình đức tin cá nhân” mà mỗi người trải qua trong các thực tế khác nhau của họ.

Đức Hồng Y Marengo đã có mặt tại Rôma để đưa ra bài phát biểu quan trọng tại một sự kiện vào ngày 17 tháng 7 do Trung tâm Giáo dân và Trường Thần học Chủng viện Đức Mẹ Vô Nhiễm ở New Jersey tổ chức, với chủ đề: “Ân sủng và Hành động: Mục vụ Giáo lý viên theo Bước chân của Thánh Phaolô”.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Hồng Y Marengo tập trung vào nhiệm vụ của các nhà truyền giáo là “thì thầm Tin Mừng” với những người mà họ phục vụ.

Đức Hồng Y Marengo cho biết cụm từ này ban đầu được đặt ra bởi Đức Tổng Giám mục Thomas Menamparampil, nguyên Tổng Giám mục Địa phận Guwahati, Ấn Độ, người đã được truyền cảm hứng với khái niệm này trong giờ nghỉ giải lao tại hội nghị đặc biệt của Thượng Hội đồng Giám mục về Châu Á vào năm 1998.

Ý niệm này đặc biệt có sức thuyết phục trong văn hóa Mông Cổ, nơi mà các câu thần chú tâm linh khác nhau thường được thể hiện bằng tiếng thì thầm, Đức Hồng Y Marengo nói.

Sự thì thầm, Đức Hồng Y Marengo nói, “hàm ý tình thân hữu, sự gần gũi. Người ta không thì thầm với người họ gặp lần đầu tiên trên phố, mà là với bạn bè hoặc người mà bạn yêu quý”, và nó cũng có thể ám chỉ “sự thận trọng và điềm tĩnh”.

“Bất cứ ai được kêu gọi để phục vụ với tư cách là một nhà truyền giáo đều biết thời gian bạn dành để học một ngôn ngữ là bao lâu và quan trọng như thế nào. Ở Mông Cổ, trung bình là ba năm. Sau đó là thời gian để tìm hiểu văn hóa, sau đó là cá nhân, trong đó bạn phải xem xét toàn bộ đất nước và tâm lý xã hội của con người”, Đức Hồng Y Marengo nói.

“Phải mất rất nhiều thời gian để thâm nhập vào một nền văn hóa”, nhưng khi điều này được thực hiện, Đức Hồng Y Marengo nói, thì một mối quan hệ được tạo ra trong đó Tin Mừng có thể được loan báo, và mối quan hệ này dựa trên sự gần gũi và tình bạn cho phép người ta thì thầm với nhau.

Đức Hồng Y Marengo cũng nói về tầm quan trọng của việc hội nhập văn hóa đức tin đối với các nhà truyền giáo nước ngoài, và sự khác biệt giữa truyền giáo và cải đạo khuyến dụ người khác từ bỏ tôn giáo của họ.

Để đạt được mục tiêu này, Đức Hồng Y Marengo đã trích dẫn Thông điệp năm 1975 của Đức Thánh Cha Phaolô VI về truyền giáo, Evangelii Nuntiandi, trong đó đề cập đến sự giao thoa giữa truyền giáo và văn hóa.

Trong tài liệu, Đức Phaolô VI cho biết Tin Mừng và việc rao giảng Tin Mừng “chắc chắn không đồng nhất với văn hóa, chúng độc lập đối với mọi nền văn hóa. Tuy nhiên, vương quốc mà Tin Mừng loan báo được sống bởi những người nam nữ có mối liên hệ sâu xa với một nền văn hóa, và việc xây dựng vương quốc không thể tránh khỏi việc vay mượn những yếu tố của văn hóa hay các nền văn hóa của nhân loại”.

“Mặc dù độc lập với các nền văn hóa, Tin Mừng và việc rao giảng Tin Mừng không nhất thiết xung khắc với các nền văn hóa đó. Thay vào đó, chúng có khả năng thấm nhuần văn hóa, mà không phụ thuộc vào bất kỳ thứ gì trong số các nền văn hóa đó”, tài liệu viết, đồng thời gọi sự chia rẽ giữa Tin Mừng và văn hóa “chắc chắn là bi kịch của thời đại chúng ta, cũng như của các thời đại khác”.

“Vì thế, cần phải nỗ lực hết sức để đảm bảo việc Phúc Âm hóa toàn diện nền văn hóa hay nói đúng hơn là các nền văn hóa. Chúng phải được tái sinh nhờ cuộc gặp gỡ với Tin Mừng, nhưng cuộc gặp gỡ này sẽ không xảy ra nếu Tin Mừng không được loan báo”, Đức Hồng Y Marengo nói.

Theo nghĩa này, Đức Hồng Y Marengo cho biết Tin Mừng không bao giờ bị bịt miệng khi đức tin hội nhập văn hóa, nhưng đúng hơn, Tin Mừng “phải được công bố vì đó là một yếu tố trao quyền cho các nền văn hóa và giúp họ mở ra những chiều kích mới mẻ”.

“Nếu truyền giáo không chạm đến được trung tâm của một nền văn hóa, thì nó sẽ giống như một lớp sơn bề ngoài bị nứt và phai màu”, Đức Hồng Y Marengo nói, đồng thời cho biết việc hội nhập văn hóa của Tin Mừng “là một quá trình lâu dài, phải mất hàng thế kỷ và thường không bao giờ kết thúc”.

Đó là một quá trình “trong đó tất cả chúng ta đều là ‘sinh viên năm nhất’, chúng ta phải học hỏi mỗi ngày. Nhưng điều cơ bản là Tin Mừng phải được loan báo”, Đức Hồng Y Marengo nói.

Những nhân vật chính trong tiến trình này không phải là các nhà truyền giáo ngoại quốc như người ta có thể giả định, nhưng họ là “những người đón nhận đức tin vào Chúa Kitô, những người đã diễn giải lại cuộc sống của họ dưới ánh sáng của Tin Mừng”.

Khi nói đến việc “thì thầm Tin Mừng” với trung tâm của Châu Á, và cụ thể là Mông Cổ, Đức Hồng Y Marengo cho biết điều đó gắn kết tất cả các yếu tố đức tin và văn hóa lại với nhau.

“Anh chị em có Tin Mừng, là trung tâm của sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Giáo hội, nó không thể bị che giấu, nó phải được trao ban một cách tự do, ngay cả khi tính đến việc nó có thể bị hiểu lầm hoặc có thể tạo ra một số vấn đề, bởi vì mặt khác của sự ngạc nhiên là tai tiếng. Hai chiều kích này đi cùng với nhau”, Đức Hồng Y Marengo nói.

Điều này khác với việc khuyến dụ người khác từ bỏ niềm tin tôn giáo của họ, Đức Hồng Y Marengo nói, đồng thời cho biết rằng hành động này là một việc gì đó được thực hiện “nhằm thu được một số lợi ích từ đó: bạn tăng số lượng thành viên của mình; bạn biến chiều kích chia sẻ đích thực thành một thứ gì đó bị tha hóa bởi những lợi ích cá nhân. Bạn sử dụng các công cụ chính trị để bán sản phẩm của mình”.

“Nhưng Tin Mừng không cần phải bán. Tin Mừng phải được sống và được thể hiện qua chứng tá của những người sống tinh thần Tin Mừng”, Đức Hồng Y Marengo nói.

Đức Hồng Y Marengo cho biết ngài đã chia sẻ suy nghĩ của mình về việc “thì thầm Tin Mừng” với Đức Thánh Cha Phanxicô, và cả hai đã có “một số suy tư tốt đẹp cùng với nhau” về chủ đề này.

Ở cấp độ cá nhân, Đức Hồng Y Marengo nói rằng khi biết về chuyến Tông du của Đức Thánh Cha, sẽ đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một vị Giáo hoàng đến Mông Cổ, ngài đã phản ứng “như một người con với cảm giác ngạc nhiên và vui mừng, niềm vui được gặp gỡ Đấng Kế Vị Thánh Phêrô, điều này cho thấy tầm quan trọng của bất kỳ tín hữu nào đối với ngài”.

“Khi bạn thì thầm, bạn thì thầm với một vài người, không thể thì thầm với nhiều người cùng lúc vì họ không nghe được, nên tôi thiết nghĩ chuyến viếng thăm này cũng sẽ phần nào thể hiện sự quan tâm của Đấng Kế Vị Thánh Phêrô đối với từng cá nhân, từng người dấn thân vào cuộc hành trình đức tin này, tìm hiểu cuộc sống của họ dưới ánh sáng của Tin Mừng”, Đức Hồng Y Marengo nói.

Đức Hồng Y Marengo cho biết có 9 Giáo xứ ở Mông Cổ, năm trong số đó nằm ở thủ đô Ulaanbaatar.

Tuy nhiên, mặc dù số lượng nhà thờ còn ít ỏi, nhưng Đức Thánh Cha được mọi người trong cộng đồng Công giáo Mông Cổ biết đến, Đức Hồng Y Marengo nói, đồng thời lưu ý rằng mọi gia đình Công giáo mà ngài đã đến thăm đều có hình ảnh của Đức Thánh Cha Phanxicô trong nhà của họ.

Ngài nói, khoảng 70% các hoạt động của Giáo hội tại Mông Cổ là các dự án xã hội, đồng thời lưu ý rằng trong chuyến viếng thăm sắp tới, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ khánh thành một trung tâm từ thiện mới có tên là Ngôi nhà của Lòng thương xót, nơi sẽ phục vụ người nghèo và những người có hoàn cảnh khó khăn và là một cách để khuyến khích người dân Mông Cổ tham gia các hoạt động tình nguyện từ thiện.

Nhắc lại rằng chính Đức Thánh Cha Phanxicô thường nói rằng ngài mơ ước được trở thành một nhà truyền giáo ở Châu Á khi còn là một tu sĩ Dòng Tên trẻ tuổi, Đức Hồng Y Marengo cho biết Đức Thánh Cha, mặc dù chưa bao giờ được sai đi truyền giáo, “dù sao cũng đã sống cuộc đời truyền giáo của mình. Có thể ngài đã không rời Argentina, nhưng quả là một gương mẫu truyền giáo tuyệt vời cho chúng ta”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết