Đức Hồng Y Gambetti: Việc truyền giáo cần có “sự cởi mở hoàn toàn” đối với tha nhân

Các Hồng y tham dự Ngày thứ 4 trong Tuần lễ Tưởng nhớ (Novemdiales), hay “chín ngày” để tang Đức cố Giáo hoàng Phanxicô vào ngày 29 tháng 4 năm 2025, tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô tại Vatican (Ảnh: Daniel Ibañez/ CNA)

Các Hồng y tham dự Ngày thứ 4 trong Tuần lễ Tưởng nhớ (Novemdiales), hay “chín ngày” để tang Đức cố Giáo hoàng Phanxicô vào ngày 29 tháng 4 năm 2025, tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô tại Vatican (Ảnh: Daniel Ibañez/ CNA)

Con đường truyền giáo đồng nghĩa với “sự cởi mở hoàn toàn” với tha nhân, Đức Hồng y Mauro Gambetti, OFM Conv, đã phát biểu vào ngày thứ tư trong Tuần lễ Tưởng nhớ (Novemdiales), hay “chín ngày” để tang Đức cố Giáo hoàng Phanxicô của Giáo hội.

Cha Gambetti, Giám quản Đền thờ Thánh Phêrô, đã cử hành Thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn Đức cố Giáo hoàng Phanxicô trước sự hiện diện ​​của các Hồng y và các Giám quản của bốn Vương cung Thánh đường Giáo hoàng, là các nhóm giáo sĩ được giao nhiệm vụ đảm bảo việc chăm sóc Phụng vụ và Bí tích cho các ngôi Vương cung Thánh đường.

Bài đọc I trong Thánh lễ, được cử hành tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, trích từ Sách Công vụ Tông đồ và trích lời Thánh Phêrô: “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận” (Cv 10, 34).

Trong thời đại của sự toàn cầu hóa và tục hóa đang khát khao chân lý và tình yêu, Đức Hồng y Gambetti cho biết: “Thái độ của Phêrô chỉ ra con đường truyền giáo: sự cởi mở không hạn chế đối với mọi người, sự quan tâm vô điều kiện đối với người khác, chia sẻ kinh nghiệm và đào sâu để giúp mọi người nam và nữ tôn trọng sự sống, tôn trọng công trình sáng tạo, và khi họ thấy điều đó làm đẹp lòng Chúa — Thánh Phanxicô Assisi nói (RegNB XVI, 43) — thì đó chính là việc loan báo Tin Mừng”.

Bài Tin Mừng trong Thánh Lễ là đoạn Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng trong Vương quốc của Người, Người sẽ tách biệt họ với nhau, “như mục tử tách chiên với dê”.

Các Hồng y làm dấu T hánh giá vào đầu Thánh lễ Ngày thứ 4 trong Tuần lễ Tưởng nhớ (Novemdiales), hay “chín ngày” để tang Đức cố Giáo hoàng Phanxicô vào ngày 29 tháng 4 năm 2025, tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô tại Vatican (Ảnh: Daniel Ibañez/ CNA)

Các Hồng y làm dấu T hánh giá vào đầu Thánh lễ Ngày thứ 4 trong Tuần lễ Tưởng nhớ (Novemdiales), hay “chín ngày” để tang Đức cố Giáo hoàng Phanxicô vào ngày 29 tháng 4 năm 2025, tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô tại Vatican (Ảnh: Daniel Ibañez/ CNA)

Đức Hồng y Gambetti lưu ý rằng chiên “không nổi loạn, nhưng trung thành, hiền lành, chăm sóc các chiên con và những thành viên yếu thế nhất trong đoàn chiên”, trong khi dê “muốn được độc lập, bất tuân vị mục tử và các loài khác bằng cặp sừng của mình, nhảy chồm lên các con dê khác như một biểu hiện của sự thống trị, nghĩ đến bản thân chứ không nghĩ đến thành phần còn lại của đoàn chiên khi đối diện với sự nguy hiểm”.

“Trên bình diện cá nhân và thể chế, chúng ta đang thể hiện kiểu mẫu nào trong hai cách thế ấy?”, Đức Hồng y Gambetti nêu câu hỏi để mời gọi suy tư.

“Rõ ràng, như vậy, việc chúng ta thuộc về Vương Quốc của Thiên Chúa không tùy thuộc vào sự hiểu biết rõ ràng về Đức Kitô: ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói… khát… là khách lạ… trần truồng… đau yếu hay ở tù đâu…?’. Trong nguyên ngữ Hy Lạp, động từ ‘thấy’ mà Thánh Mát-thêu dùng là òráo, nghĩa là nhìn sâu xa, cảm nhận, thấu hiểu. Nói cách khác: Lạy Chúa, có bao giờ chúng con ‘thấu hiểu,’ ‘nhận ra’, ‘phân định’ được Chúa?”, Đức Hồng y Gambetti chia sẻ.

“Câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy rằng không phải việc tuyên xưng đức tin, không phải kiến thức thần học, hay việc thực hành các Bí tích là điều đảm bảo chúng ta được tham dự vào niềm vui của Thiên Chúa, mà là mức độ tham dự – cả về chất lượng và số lượng – vào câu chuyện nhân sinh của những người anh chị em bé nhỏ nhất của chúng ta”, ngài nói thêm.

Theo Đức Hồng y Gambetti, dụ ngôn về Cuộc Phán Xét Chung “mặc khải phẩm giá tối thượng của các hành vi nhân loại, được xác định trong mối tương quan với lòng trắc ẩn, tình liên đới, sự dịu dàng và sự gần gũi trong nhân tính”.

Ngài cho biết Đức cố Giáo hoàng Phanxicô đã thể hiện chính sự nhân tính ấy và đã trích dẫn một vài câu thơ của nhà văn Edith Bruck, người gốc Hungary, mang quốc tịch Ý và là người sống sót sau thảm họa diệt chủng Do Thái.

Nhà văn Bruck, người đã gặp gỡ và trò chuyện với Đức cố Giáo hoàng Phanxicô nhiều lần, đã viết một lời tiễn biệt ngài trong ấn bản ngày 23 tháng Tư của nhật báo Vatican, L’Osservatore Romano.

Trích lời bà Bruck, Đức Hồng y Gambetti nói:

“Chúng ta đã mất đi một con người đang sống trong tôi.
Một người đã yêu thương, xúc động, rơi lệ, kêu cầu hòa bình, mỉm cười, hôn, ôm, cảm động và làm người khác cảm động, lan tỏa sụ nồng ấm.
Sự yêu mến của tất cả mọi người thuộc mọi màu da, khắp nơi, đã làm cho ngài trẻ lại.
Sự châm biếm và dí dỏm khiến ngài trở nên khôn ngoan.
Sự nhân văn của ngài lan tỏa, khiến cả đá sỏi cũng mềm lại.
Điều chữa lành ngài khỏi bệnh tật chính là đức tin vững mạnh được bén rễ từ trời cao”.

Tuần lễ Tưởng nhớ (Novemdiales), hay “chín ngày” để tang Đức cố Giáo hoàng Phanxicô đã tiếp tục với ngày thứ năm vào ngày 30 tháng Tư. Đức Hồng y Leonardo Sandri, Phó Niên trưởng Hồng y Đoàn, đã chủ sự Thánh lễ tại Nhà Nguyện Giáo hoàng.

Hồng y Đoàn, trong khi đang tiến hành các phiên họp tiền Mật nghị gọi là các phiên họp khoáng đại, sẽ bắt đầu Mật nghị để tuyển chọn vị kế nhiệm Đức Phanxicô vào ngày 7 tháng Năm.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết