
Một công nhân mỏ đang cầm những mẩu quặng coltan tại thị trấn khai thác Rubaya ở Cộng hòa Dân chủ Congo vào ngày 9 tháng 5 năm 2025 (Ảnh: Moses Sawasawa/ AP)
Khi các nhóm vũ trang tiếp tục gây ra sự tàn phá khắp châu Phi, một nhà lãnh đạo Công giáo hàng đầu châu Phi đã đổ lỗi cho cuộc chạy đua khai thác tài nguyên khoáng sản của châu Phi.
Đức Hồng y Fridolin Ambongo, Giám mục Kinshasa tại Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) đã phát biểu tại một cuộc họp báo tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh vào ngày 1 tháng 7.
Ngài là thành viên của nhóm Giám mục đến từ Nam bán cầu có mặt tại Vatican để trình bày một tài liệu chung về “công lý khí hậu”.
“Tôi đang trò chuyện với quý vị thay mặt cho các Giáo hội tại lục địa Châu Phi, một vùng đất giàu đa dạng sinh học, khoáng sản và văn hóa, nhưng lại nghèo nàn vì hàng thế kỷ khai thác, chế độ nô lệ và bóc lột”, vị Hồng y người Congo phát biểu.
“Châu Phi không phải là một châu lục nghèo, mà là một châu lục bị cướp bóc”, Đức Hồng y Ambongo lưu ý.
Quê hương của Đức Hồng y Ambongo là một ví dụ điển hình về mối liên hệ giữa việc khai thác khoáng sản và chiến tranh. Trong ba thập kỷ qua, miền đông DRC đã bị cuốn vào xung đột khi khoảng 120 nhóm vũ trang – một số nhóm, như M23, được các quốc gia nước ngoài hỗ trợ – tranh đấu giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ của khu vực.
“Làm sao chúng ta có thể chấp nhận rằng, nhân danh ‘chuyển đổi năng lượng’, toàn bộ các cộng đồng đang bị xóa sổ trong quá trình tìm kiếm lithium, coban hoặc niken? Làm sao chúng ta có thể chấp nhận thị trường carbon biến các khu rừng của chúng ta thành tài sản tài chính, trong khi các cộng đồng của chúng ta vẫn thiếu nước uống?”, Đức Hồng y Ambongo nói.
“Chúng tôi cho rằng đã quá đủ rồi, đã quá đủ những giải pháp sai lầm, đã quá đủ những quyết định được đưa ra mà không lắng nghe những người ở tuyến đầu của sự sụp đổ của khí hậu”, Đức Hồng y Ambongo nói.
Nhà hoạt động vì khí hậu Công giáo người Nigeria, bà Linda Uwaka, nói với Crux rằng có sự đạo đức giả trong lĩnh vực tài chính carbon.
“Chiến lược gây ô nhiễm ở các nước phát triển rồi trồng cây ở Châu Phi để bù đắp của quý vị đã phớt lờ nhu cầu cơ bản là phải ngăn chặn ô nhiễm trực tiếp. Chúng tôi coi đây là giải pháp sai lầm và từ chối nó”, bà nói.
Bà khẳng định rằng các cộng đồng nên dẫn đầu các giải pháp thực sự, đề cập đến năng lượng bền vững, dễ tiếp cận và các phương pháp như nông nghiệp sinh thái (agro-ecology) và quản lý rừng cộng đồng. Bà bác bỏ REDD vì cho rằng đây là giải pháp sai lầm đang được quảng bá, lập luận rằng nó gắn mác giá trị cho rừng và phủ nhận quyền tiếp cận tài nguyên của những người bảo vệ rừng theo truyền thống.
Tài liệu chung do các Giám mục ở Nam bán cầu trình bày có tựa đề “Lời kêu gọi công lý khí hậu và ngôi nhà chung: sự hoán cải môi sinh, sự chuyển đổi và phản đối các giải pháp sai lầm”, nêu lên lập luận về “cam kết của Giáo hội đối với công lý khí hậu và kêu gọi các quốc gia và chính phủ hành động”, khi thế giới chuẩn bị cho COP30 tại Brazil vào cuối năm nay.
Đức Hồng y Ambongo mô tả tài liệu này là “lời kêu gọi phẩm giá” và đồng thời lưu ý rằng các Mục tử ở miền Nam đang kêu đòi công lý về khí hậu như một vấn đề về quyền con người và quyền tâm linh.
Đức Hồng y Ambongo cho biết điều này đã trở nên cấp thiết, đặc biệt là khi tác động của biến đổi khí hậu ở Nam bán cầu được xem xét.
Theo báo cáo, nhiệt độ toàn cầu đã vượt quá mức trước thời kỳ tiền công nghiệp là 1,55°C và theo lời của Chủ tịch Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar, “chúng ta đang chứng kiến những tác động của tình trạng sa mạc hóa, vốn đang ảnh hưởng đến 500 triệu người ở Nam bán cầu”.
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, biến đổi khí hậu cũng đang tàn phá nền kinh tế Châu Phi, với việc các quốc gia Châu Phi mất từ 2 đến 5% GDP do biến đổi khí hậu. Cơ quan Liên Hợp Quốc báo cáo thêm rằng nhiều quốc gia Châu Phi đang chuyển hướng tới 9% ngân sách của họ để ứng phó với các hiện tượng khí hậu cực đoan.
Báo cáo ước tính chi phí thích ứng ở khu vực cận Sahara châu Phi dao động từ 30 đến 50 tỷ đô la mỗi năm trong thập kỷ tới.
“Cần phải có hành động khẩn cấp để tránh tác động không thể đảo ngược đến khí hậu và hệ thống tự nhiên”, Đức Hồng y Ambongo cho biết.
“Do đó, chúng tôi yêu cầu một nền kinh tế không dựa trên việc hy sinh người dân châu Phi để làm giàu cho người khác”, Đức Hồng y Ambongo nhấn mạnh.
Theo Đức Hồng y Ambongo, các Giám mục Nam bán cầu đề xuất một cuộc chuyển đổi tập trung vào cuộc sống, chủ quyền của cộng đồng bản địa và nông thôn, quyền của phụ nữ, người di cư vì biến đổi khí hậu và các thế hệ tương lai.
Tài liệu, được đệ trình lên Đức Thánh Cha Lêô XVI, thúc giục các nhầ cầm quyền trên thế giới với 10 “cam kết và trách nhiệm” và đồng thời đưa ra 10 yêu cầu cụ thể cùng với lời kêu gọi hành động, bao gồm cả những nỗ lực của chính Giáo hội.
Đức Hồng y Ambongo nhấn mạnh rằng Giáo hội tại Châu Phi đang cống hiến hết mình để nuôi dưỡng một “linh đạo chăm sóc”, bồi dưỡng đạo đức sinh thái cho giới trẻ và tạo ra một liên minh Nam lục địa. Liên minh này nhằm mục đích cất lên một tiếng nói: “thời của sự thờ ơ đã qua rồi”.
“Châu Phi muốn sống. Châu Phi muốn thở. Châu Phi muốn đóng góp cho tương lai công lý và hòa bình cho toàn thể nhân loại. Và Châu Phi sẽ làm như vậy với đức tin, hy vọng và phẩm giá bất khả chiến bại của mình”, vị Hồng y người Congo nói.
Đức Tổng Giám mục Ignatius Kaigama Địa phận Abuja nói với Crux rằng Giáo hội phải luôn gắn bó với “động lực nền tảng của sứ mạng” và “một phần của sứ mạng này là tái xem xét cách thức tốt nhất để thực hiện sứ mạng đó khi đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu”.
Minh Tuệ (theo Crux)