Đức Hồng Y Dolan: Những câu chuyện về các Kitô hữu bị đàn áp nên đánh động mọi tâm hồn

Ảnh: Christopher Rose/ Flickr CC BY NC 2.0.

Ảnh: Christopher Rose/ Flickr CC BY NC 2.0.

Các Kitô hữu Hoa Kỳ phải là những người ủng hộ các Kitô hữu bị đàn áp trên thế giới mạnh mẽ hơn, các diễn giả cho biết tại một sự kiện hôm thứ Năm tuần trước có sự tham dự của các nạn nhân của cuộc đàn áp, các nhà lãnh đạo tôn giáo và các chuyên gia toàn cầu.

Đức Hồng Y Timothy Dolan Địa phận New York khuyến khích các tín hữu Công giáo nghĩ về “những anh chị em trong đức tin của chúng ta hiện đang chịu đau khổ chỉ vì họ đeo Thahs giá, họ cúi đầu trước Thánh Danh Chúa Giêsu, họ tuyên xưng đức tin qua Kinh Tin Kính mỗi Chúa nhật”.

Vào đầu tuần trước, Đức Hồng Y Dolan đã được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo của Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ, nơi ngài có khả năng đóng một vai trò trong các cuộc xung đột với chính quyền sắp tới của tổng thống đắc cử Joe Biden.

“Chúng tôi, các Giám mục Công giáo ở Hoa Kỳ, như quý vị cũng biết, có những cuộc đấu tranh hợp pháp và liên tục để bảo vệ quyền tự do đầu tiên và quý giá nhất của chúng ta”, Đức Hồng Y Dolan nói. “Những vấn đề của chúng ta thậm chí có lúc lên đến đỉnh điểm và đáng lo ngại, nhưng hiện tại chúng dường như trở nên nhạt nhoà, nếu như so sánh với ‘Chặng đàng Thánh giá’ mà rất nhiều anh chị em Kitô hữu của chúng ta đang bước đi và nhiều anh chị em ở những nơi khác trên thế giới đang trải qua cuộc đàn áp đẫm máu”.

“Nếu tư cách chung như là những chi thể của chúng ta trong Nhiệm Thể Chúa Kitô đồng nghĩa với mọi thứ, thì sự đau khổ của họ cũng phải trở thành của chúng ta”, Đức Hồng Y Dolan nói.

Đức Hồng Y Dolan Dolan đã trích dẫn mô tả của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II về thời hiện tại như là “thời đại mới của các vị Tử đạo”. Một nửa trong số tất cả các vị Anh hùng Tử đạo Kitô giáo trong lịch sử 2.000 năm của Kitô giáo đã bị giết hại chỉ riêng trong thế kỷ 20.

“Thế kỷ 21 này, tôi lo sợ, dường như không hứa hẹn tốt hơn nhiều”, Đức Hồng Y Dolan tiếp tục. “Thế kỷ này, chỉ mới hai thập kỷ trôi qua, đã chứng kiến 1,25 triệu Kitô hữu đã bị giết hại trên khắp thế giới, đơn giản chỉ vì họ tin vào Chúa Giêsu Kitô. Và mối đe dọa đó đối với các tín đồ tôn giáo ngày càng nghiêm trọng”.

Hội nghị chuyên đề vào ngày 19 tháng 11, “Hành động đúng thời điểm: Bảo vệ các Kitô hữu bị đe dọa ở các vùng đất lâu đời và các vùng đất khác”, được tổ chức bởi Tổ chức ‘Anglosphere Society’, Tổ chức Hiệp sĩ Columbus, Trung tâm Tự do Tôn giáo thuộc Viện Hudson, Học Viện về các Kitô lâu đời và Bị đe dọa, và Hiệp hội Phúc lợi Công giáo Cận Đông. Hầu hết các tham dự viên tham gia hội nghị đều phát biểu qua video.

Trong số các diễn giả tham dự hội nghị chuyên đề có chị Mariam Ibraheem, một phụ nữ Sudan đã bị bắt và bị cáo buộc tội từ bỏ Hồi giáo. Theo luật pháp Sudan, chị Ibraheem được coi như là một người Hồi giáo do đức tin Hồi giáo của cha mình, mặc dù thực tế rằng chị đã được người mẹ nuôi dưỡng theo truyền thống Kitô giáo sau khi cha của chị rời bỏ gia đình khi chị mới 6 tuổi. Chị Ibraheem cũng bị buộc tội ngoại tình và bị kết án với hình phạt 100 roi vì cuộc hôn nhân của chị với một người chồng theo Kitô giáo không được công nhận theo luật Sudan.

Mặc dù bị kết án tử hình vào tháng 5 năm 2014, chị Ibraheem vẫn không từ bỏ đức tin Kitô giáo của mình. Đứa con trai nhỏ của chị cùng sống với chị trong tù và chị đã hạ sinh một bé gái khi bị giam giữ trong tù. Sau khi được quốc tế chú ý, chị Ibraheem và gia đình đã được trả tự do vào tháng 6 năm 2014 và hiện họ đang sống ở Hoa Kỳ.

Đức Hồng y Dolan đã suy nghĩ về những điều mà các tín hữu Công giáo Hoa Kỳ có thể làm để trợ giúp các Kitô hữu bị đàn áp.

“Chúng ta là thành viên của một trong những cộng đồng được chúc phúc giàu có nhất trên hành tinh này”, Đức Hồng y Dolan nói. Mặc dù người Công giáo Mỹ thể hiện sự đoàn kết để bảo vệ quyền tự do tôn giáo của chính họ, “chúng ta không thể chỉ dừng lại ở đó”, Đức Hồng y Dolan nói.

“Chúng ta phải trở thành những người ủng hộ mạnh mẽ”, Đức Hồng y Dolan nói . “Chúng ta cần sự ủng hộ nhiệt tình của mọi người, chứ không chỉ các nhà lãnh đạo của chúng ta. Nếu chúng ta không có được điều đó, chúng ta sẽ không thể đi quá xa”.

Đức Hồng y Dolan đã trích dẫn lời nhắc nhở của Đức Thánh Cha Phanxicô để tiến hành đánh giá lương tâm về chủ đề này. Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích các Kitô hữu tự vấn lương tâm của mình rằng liệu họ có thờ ơ với cuộc đàn áp Kitô giáo hay trả lời như thể “một thành viên trong gia đình của chính tôi đang đau khổ”.

Trong số các hành động được khuyến nghị của mình, Đức Hồng y Dolan cho biết rằng các tín hữu nên khuyến khích việc liên lỉ cầu nguyện cho những người bị bức hại. Những lời cầu nguyện cho sự chuyển đổi của nước Nga đã hình thành cảm thức thời thơ ấu của Đức Hồng y Dolan về cuộc sống đằng sau Bức màn sắt, và “văn hóa cầu nguyện” tương tự trong sự riêng tư và trong các buổi cử hành phụng vụ cầu nguyện cho các Kitô hữu bị đàn áp ngày nay có thể có tác động, Đức Hồng y Dolan nói.

“Chúng ta cũng muốn làm cho tất cả mọi người nhận thức được sự đau khổ to lớn của các anh chị em của chúng ta bằng mọi cách thức hiện có”, Đức Hồng y Dolan nói, đồng thời bình luận rằng ngài đã yêu cầu các Mục tử phát biểu về vấn đề này và đưa câu chuyện về các vị tử đạo ngày nay vào các bài giảng của họ. Những câu chuyện này cũng hữu ích để sử dụng trong việc hình thành đức tin liên tục.

“Kinh nghiệm của chúng ta trong việc bảo vệ tự do tôn giáo cho thấy rằng khi chúng ta chuyển hướng suy nghĩ về một vấn đề, chúng ta có thể làm cho công chúng biết đến vấn đề đó”, Đức Hồng y Dolan nói.

Đức Hồng y Dolan ca ngợi các nhóm như Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ, Cơ quan Phúc lợi Công giáo Cận Đông, Tổ chức Dịch vụ Cứu trợ Công giáo, Tổ chức Bảo vệ các Kitô hữu, Open Doors (Những Cánh cửa rộng mở), Tổ chức Hiệp sĩ Mộ Thánh, Tổ chức Hiệp sĩ Malta và Tổ chức Hiệp sĩ Columbus vì công việc của họ để giúp đỡ anh chị em Kitô hữu bị bách hại.

Các diễn giả khác tại hội nghị chuyên đề bao gồm Robert Nicholson, Giám đốc điều hành của Dự án Philos, và luật sư và nhà hoạt động dân quyền Trung Quốc Guangcheng Chen, hiện là nhà nghiên cứu của Trung tâm Nhân quyền tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ.

Ông Chen đã bảo vệ phụ nữ và các gia đình chống lại các chính sách cưỡng bức triệt sản và phá thai của chính phủ Trung Quốc. Nhà hoạt động dân quyền này đã bị bắt giữ, bị đánh đập và bị quản thúc tại gia trước khi trốn thoát sang Hoa Kỳ.

Đức Giám mục Matthew Kukah Địa phận Sokoto, Nigeria phát biểu với hội nghị chuyên đề rằng các Kitô hữu tại Nigeria gặp khó khăn trong việc đảm bảo đất đai cho các nhà thờ ở những bang coi việc xây dựng nhà thờ là phá hoại đạo Hồi. Ngược lại, hầu hết các đền thờ Hồi giáo được nhà nước tài trợ.

Vị Giám chức đề xuất tập trung vào các vấn đề “thiết yếu” như chặng đường phía trước, bằng cách giải quyết các khu vực khủng hoảng như tình trạng vô gia cư, trẻ em mồ côi, tình trạng thất nghiệp và các điều kiện ngăn cản nông dân trồng trọt hoặc thu hoạch mùa màng. Ở những khu vực đang gặp khó khăn trong việc xây dựng trường học, sự hiện diện của người Hồi giáo trong các trường học là “một sự đảm bảo rằng cuộc đàn áp sẽ không tiếp tục”, Đức Cha Kukah nói.

Đức Tổng Giám mục Basha Warda Địa phận Erbil đã phát biểu về tình hình mà các Kitô hữu Iraq và các dân tộc thiểu số khác như những người Yazidis hiện đang phải đối mặt. Vị Giám chức cảnh báo về “tình trạng đánh mất hy vọng ngày càng tăng” đối với các Kitô hữu tại Iraq, nhóm đã giảm từ 1,6 triệu người trước cuộc xâm lược của Hoa Kỳ vào năm 2003 xuống còn dưới 250.000 người hiện nay.

“Lần này, rất có thể chúng tôi sẽ biến mất vào thời điểm thế giới chọn một lần nữa chú ý đến chúng tôi. Và giờ đây, chúng tôi vẫn ở đây, vẫn đang làm việc với tất cả mọi sức lực, lòng can đảm nào và hy vọng rằng chúng tôi vẫn có thể tiếp tục hiện diện”.

Trong khi bác bỏ “văn hóa phụ thuộc”, Đức TGM Warda lưu ý rằng các Kitô hữu, giống như nhiều người khác, đang phải đối mặt với tình trạng túng thiếu nghiêm trọng trong các lĩnh vực cơ bản như an ninh, lương thực, việc làm, giáo dục và tự do tôn giáo.

Cũng trong hội nghị chuyên đề, nhà văn David Oldroyd-Bolt đã phỏng vấn Lord David Alton, một cựu nghị sĩ Đảng Tự do hiện đang làm việc tại Viện Quý tộc của Anh. Nghị sĩ Alton cho biết rằng mặc dù những người ủng hộ tự do tôn giáo không thể giải quyết tất cả các vấn đề, “chúng tôi có thể giải quyết một số vấn đề trong số đó”.

Nghị sĩ Alton đã trích dẫn trường hợp bắt cóc, cưỡng ép kết hôn và cưỡng bức cải đạo một bé gái 13 tuổi ở Pakistan, được giải quyết khi những người ủng hộ cô bé nhận được sự giúp đỡ từ “các thành viên tốt lành của cơ quan tư pháp”.

Nghị sĩ Alton đã nhìn thấy những cải thiện gần đây trong việc hỗ trợ các Kitô hữu bị đàn áp, chẳng hạn như việc thành lập Nhóm nghị sĩ toàn đảng vì Quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng quốc tế, vốn có thể đưa ra mục tiêu chung về một số vấn đề. Ông ca ngợi công việc của Sam Brownback, Đại sứ Lưu động của Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, cũng như những người đến từ các quốc gia khác có vai trò tương tự.

Nghị sĩ Alton gợi ý rằng về chủ đề đàn áp Kitô giáo, có “rất nhiều sự thờ ơ” được thúc đẩy bởi “thái độ khinh thường đối với đức tin tôn giáo”.

Nghị sĩ Alton chỉ trích những người bác bỏ việc nhóm Hồi giáo cực đoan Nigeria Boko Haram giết hại các Kitô hữu là có những nguyên nhân xuất phát từ vấn đề biến đổi khí hậu hoặc tình trạng gia tăng dân số.

“11 Kitô đã bị sát hại vào dịp Lễ Giáng sinh. Đó không phải là do vấn đề biến đổi khí hậu”, nghị sĩ Alton nói.

Nghị sĩ Alton, người từng là phó chủ tịch của nhóm nghị viện toàn đảng về Hồng Kông, cho biết rằng về vấn đề Trung Quốc, ông có xu hướng theo quan điểm của Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen), một người chỉ trích thỏa thuận của Vatican với Trung Quốc. Đức Hồng y Zen đã “nhắc đi nhắc lại rằng quý vị không nên giao thiệp với đảng cộng sản”.

“Đó quả là có đôi chút phản bội khi thực hiện một thỏa thuận với đảng cộng sản Trung Quốc”, nghị sĩ  Alton nói, đồng thời gọi thỏa thuận là “một sai lầm lịch sử nghiêm trọng”.

 “Chúng ta nên sát cánh cùng với những người đã phải chịu đựng rất nhiều đau khổ vì đức tin của họ”, nghị sĩ  Alton nói.

Nhiều diễn giả, bao gồm cả Đức Hồng y Dolan và Đức Tổng giám mục Warda, đã trích dẫn ví dụ và công việc của Andrew Walther, người đã chết vì bệnh bạch cầu chỉ vài tháng sau khi trở thành Giám đốc Điều hành và Chủ tịch của EWTN News. Ông từng là nhà lãnh đạo quan trọng trong nỗ lực giúp đỡ các Kitô hữu bị đàn áp trong vai trò phó chủ tịch truyền thông và lập kế hoạch chiến lược cho Tổ chức Hiệp sĩ Columbus.

Phần cuối của hội nghị chuyên đề có một bài phát biểu được ghi âm trước về ông Walther từ Michael Warsaw, Chủ tịch và Giám đốc điều hành EWTN. Ông Warsaw cho biết ông Walther là một người bạn lâu năm của mình đã từng hy vọng ông có thể tiếp tục công việc thay mặt cho các Kitô hữu bị đàn áp trong vai trò mới đảm nhận.

“Tác động của công việc của ông Andrew trong lĩnh vực này là rất đáng kể”, ông Warsaw cho biết thêm: “một trong những cách tốt nhất để tất cả chúng ta tưởng nhớ ông Walther đó là nhắc nhở chúng ta về việc các Kitô hữu bị bắt bớ”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết