Đức Hồng Y Michael Czerny, Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện, đã phát biểu tại Đại hội Quốc tế về việc Chăm sóc Công trình Sáng tạo lần thứ IV được tổ chức tại Lisbon, Bồ Đào Nha. Đức Hồng Y Czerny đã nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải “chuyển đổi từ nền kinh tế nhiên liệu hóa thạch sang nền kinh tế năng lượng sạch”.
“Sự dấn thân của giới trẻ đối với hệ sinh thái toàn diện. Lối sống vì một nhân loại mới” là chủ đề của Đại hội Quốc tế về việc Chăm sóc Công trình Sáng tạo lần thứ IV diễn ra vào ngày 31 tháng 7 tại Đại học Católica Portuguesa, Lisbon. Hội nghị kéo dài một ngày trước thềm Đại hội Giới trẻ Thế giới lần thứ 38 đã diễn ra tại thủ đô của Bồ Đào Nha nơi những người trẻ tuổi từ khắp nơi trên thế giới đang đổ xô về.
Hội nghị đánh dấu cơ hội gặp gỡ và lắng nghe ý kiến từ nhiều chuyên gia về 5 lĩnh vực liên quan đến đời sống con người: kinh tế, giáo dục và đời sống gia đình, tài nguyên thiên nhiên, chính trị và công nghệ. Một yếu tố mới của cuộc gặp gỡ này so với các cuộc gặp gỡ trước đây là sự hiện diện của không gian ảo sử dụng công nghệ nhập vai (immersive technology) của metaverse. Công việc sẽ kết thúc với một tài liệu chung kết có chữ ký của những người trẻ tuổi tham gia bao gồm kết quả của các cuộc thảo luận và nền tảng cho các hành động và suy tư tiếp theo trong tương lai.
Hệ sinh thái toàn diện phục vụ tất cả mọi người
Một số tổ chức đang cộng tác trong việc tổ chức Đại hội, bao gồm Quỹ Giới trẻ Gioan Phaolô II; Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống; Quỹ Đại hội Giới trẻ Thế giới Lisbon 2023; Đại học Católica Portuguesa tổ chức sự kiện này; Đại học Cattolica del Sacro Cuore và khoa “Alta Scuola per l’Ambiente”; Phong trào Laudato Si’; Nền kinh tế Phanxicô và Quỹ Magis; và sự bảo trợ của Tổng thư ký Thượng hội đồng; các Đại sứ quán Bồ Đào Nha và Công quốc Monaco tại Tòa Thánh.
Thay mặt và đại diện cho Thánh Bộ Cổ võ Sự Phát triển Con người Toàn diện, đồng tổ chức hội nghị, sự kiện này có sự tham dự của Tebaldo Vinciguerra, Điều phối viên của hội đồng về tài nguyên thiên nhiên, và Đức Hồng y Michael Czerny, Tổng Trưởng, người đã có bài phát biểu với đề tài: ” Ý nghĩa thần học của Hệ sinh thái Toàn diện phục vụ mọi người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất”.
Một kỷ nguyên địa chất mới
Đức Hồng Y Czerny trước hết nhìn vào kỷ nguyên địa chất mới ngày nay, được gọi là Kỷ nhân sinh (anthropocene), vốn đã mang lại “một bước ngoặt đáng kinh ngạc trong lịch sử của hành tinh chúng ta”. Con người, Đức Hồng Y Czerny nhắc lại, đã thay đổi đáng kể tất cả các hệ thống hành tinh: bầu khí quyển, đại dương, lục địa và hệ sinh thái. Điều chưa từng có trong thời đại chúng ta là sự kết hợp của nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau, bao gồm khủng hoảng sinh thái, các cuộc chiến tranh văn hóa, cảnh ngộ của hàng trăm triệu người nghèo và người tị nạn, và thời đại kỹ thuật số với những cơ hội và cạm bẫy của nó.
Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ Sự Phát triển Con người Toàn diện tiếp tục nhấn mạnh rằng trong Thông điệp Laudato si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô, ngài kêu gọi chúng ta xem xét tất cả các khía cạnh của cuộc khủng hoảng toàn cầu liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu và đặc biệt suy tư về nền tảng của một “hệ sinh thái toàn diện vì một nhân loại mới”.
Giới trẻ yêu cầu sự thay đổi
Đức Hồng Y Czerny đã chỉ ra tâm điểm của thông điệp về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta: “Đức Thánh Cha Phanxicô nói với chúng ta, một cách đơn giản và mạnh mẽ, rằng nhân loại cần phải thay đổi, và thậm chí hơn thế nữa, cần phải hoán cải”. Trong tài liệu, Đức Hồng Y Czerny cho biết thêm, Đức Thánh Cha cũng xem xét vai trò của các thế hệ mới: “Những người trẻ tuổi yêu cầu sự thay đổi. Họ tự hỏi làm thế nào mà bất cứ ai có thể tuyên bố xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn mà lại không nghĩ đến cuộc khủng hoảng môi trường và những đau khổ của những người bị loại trừ”.
Chúng ta cũng phải chú ý ngày càng nhiều hơn đến mối liên kết giữa các yếu tố khác nhau tạo nên thế giới, Đức Hồng Y Czerny lưu ý, và dựa vào đó là “sự cân bằng tinh tế giúp cho sự tồn tại của chúng ta và của tất cả các loài sinh vật.” Mô hình có khả năng cân bằng các mối liên kết này được lấy cảm hứng từ Thông điệp Laudato Si’ vốn “khẳng định vai trò không thể thay thế của con người trong việc chăm sóc ngôi nhà chung”.
Một nền kinh tế mới
Đức Hồng Y Czerny cũng đưa ra một số hành động cụ thể để cổ võ đích thực một hệ sinh thái toàn diện. Mục tiêu chính là đạt được, thông qua quá trình chuyển đổi bền vững, mục tiêu không phát thải vào giữa thế kỷ này. Phải có một sự chuyển đổi nhanh chóng từ “nền kinh tế nhiên liệu hóa thạch sang nền kinh tế năng lượng sạch”. Để đạt được mục tiêu này, Đức Hồng Y Czerny giải thích rằng người ta phải chấm dứt nạn phá rừng, “đặc biệt là ở các lưu vực sông có tầm quan trọng toàn cầu như Amazon và Congo.” Người ta phải “bảo vệ các bờ biển khỏi xói mòn”, “bảo vệ đa dạng sinh học” và “ngăn chặn suy thoái hệ sinh thái”.
Nền kinh tế và tài chính cũng không được thúc đẩy bởi “việc theo đuổi lợi nhuận một cách điên cuồng”. Và trên hết, phải thúc đẩy “một cách nghĩ mới về con người, về cuộc sống, về xã hội”. “Hệ sinh thái toàn diện”, như Thông điệp Laudato Si’ tuyên bố, đòi hỏi “sự sẵn sàng chiêm ngưỡng Đấng Tạo Hóa đang sống giữa chúng ta và bao quanh chúng ta”, và “đánh giá một cách trung thực các cam kết và lối sống của chúng ta, để phát triển sự hài hòa thanh thản với công trình tạo”.
Đi theo con đường của Thánh Phanxicô
Để thúc đẩy một hệ sinh thái toàn diện, Đức Hồng Y Czerny cuối cùng đã chỉ ra một hướng dẫn. Một mô hình tiêu biểu thường được Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc đến: “Thánh Phanxicô Assisi là mẫu gương trổi vượt của việc chăm sóc những người dễ bị tổn thương và là mẫu gương về một hệ sinh thái toàn diện được sống một cách vui vẻ và chân thực”. Thánh Phanxicô Assisi cho chúng ta thấy “mối liên hệ không thể tách rời giữa việc quan tâm đến thiên nhiên, công lý cho người nghèo, dấn thân cho xã hội và sự bình an nội tại”.
Thiên Ân (theo Vatican News)