Đức Hồng Y: ‘Cuộc gặp gỡ tại Marseille nhằm mục đích giúp gắn kết khu vực Địa Trung Hải’

Đức Hồng Y Cristóbal López Romero SDB, Tổng Giám mục Rabat, Morocco, ngày 5 tháng 10 năm 2019 tại Vatican (Ảnh: REMO CASILLI/REUTERS)

Đức Hồng Y Cristóbal López Romero SDB, Tổng Giám mục Rabat, Morocco, ngày 5 tháng 10 năm 2019 tại Vatican (Ảnh: REMO CASILLI/REUTERS)

Các Giám mục Công giáo đến từ 30 quốc gia trong và xung quanh khu vực Địa Trung Hải hiện đang có mặt tại thành phố cảng Marseille, miền nam nước Pháp để tham dự cuộc họp kéo dài một tuần lễ để thảo luận về những thách thức chung mà họ và những người mà họ phục vụ đang phải đối mặt.

“MED-23” là phiên bản thứ ba của sự kiện “Cuộc gặp gỡ Địa Trung Hải”, được khai mạc hôm Chúa nhật vừa qua và sẽ kết thúc với chuyến viếng thăm từ ngày 22 đến 23 tháng 9 của Đức Thánh Cha Phanxicô. Chủ đề của sự kiện kéo dài một tuần lễ này là “Bức tranh khảm Hy vọng”, và ngoài các phiên họp của các Giám mục, nó sẽ có nhiều sự kiện văn hóa và liên tôn song song, các cuộc hội thảo bàn tròn về đối thoại liên tôn, cũng như cuộc gặp gỡ của giới trẻ từ khắp khu vực Địa Trung Hải.

Đức Hồng Y Cristóbal López Romero SDB, Tổng Giám mục Địa phận Rabat, Morocco, là một trong những người tham gia sự kiện. Vị tu sĩ Dòng Salêdiêng 71 tuổi là một nhà truyền giáo gốc Tây Ban Nha, đã phục vụ nhiều năm ở Châu Mỹ Latinh trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm ngài vào chức vụ hiện tại vào cuối năm 2017 và trao mũ đỏ cho ngài hai năm sau đó.

Đức Hồng Y López nói với phóng viên Vatican của La Croix, Loup Besmond de Senneville, rằng Cuộc gặp Địa Trung Hải vào tuần này là một cơ hội khác để Giáo hội “đi đầu trong một phong trào văn hóa, xã hội và cuối cùng là chính trị nhằm biến khu vực xung đột này thành một khu vực hòa bình”.

Đức Hồng Y nhìn nhận thế nào về khu vực Địa Trung Hải và sự tách biệt giữa bờ biển phía bắc và phía nam của nó?

Giáo phận Rabat của tôi giáp Địa Trung Hải dài 18 km, trên dải đất giữa Algeria và cửa sông Moulouya, dòng sông Morocco chảy ra biển. Điều đầu tiên khiến tôi ngạc nhiên khi tham gia cuộc họp của các Giám mục khu vực ở Bari vào năm 2020, đó là Địa Trung Hải không chỉ là một không gian địa lý vốn có thể thu gọn thành hai bờ Bắc và Nam.

Tôi tưởng tượng một bên là Tây Ban Nha, Ý và Pháp, và một bên là Algeria, Tunisia và Morocco. Nhưng đó là một không gian khó hiểu thấu hơn nhiều, với 5 bờ biển cùng tồn tại.

Đầu tiên là bờ biển Balkan, sau đó là bờ biển được hình thành bởi toàn bộ Trung Đông, với Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Israel và Palestine. Sau đó, có bờ biển được hình thành bởi các quốc gia gần Biển Đen, bao gồm Romania, Bulgaria, Georgia và Moldavia, ngoài ra còn có Ukraine và Nga, không quên Hy Lạp và các đảo Crete, Cyprus và Malta.

Do đó, rõ ràng đây là một lĩnh vực không thể bị coi là sự đối đầu giữa Châu Âu và Châu Phi, hay vấn đề nhập cư duy nhất. Địa Trung Hải quy tụ Kitô giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo, và là nơi có sự phức tạp lớn về văn hóa và ngôn ngữ. Chưa kể đến tình hình kinh tế, chính trị, với những quốc gia phá sản như Lebanon, Palestine, Syria và Libya.

Liệu có thể mang lại hòa bình cho khu vực này, một phần trong đó đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng bạo lực?

Địa Trung Hải, vùng biển gắn kết tất cả chúng ta, luôn là nguồn gốc của xung đột và chiến tranh bạo lực trong suốt lịch sử. Hãy nghĩ đến người Carthage và người La Mã, cũng như những xung đột giữa Đông và Tây.

Địa Trung Hải phải là nguồn gốc của sự thống nhất, như các quốc gia châu Âu đã làm với Liên minh châu Âu. Tôi nhận thức một cách rõ ràng rằng sẽ mất nhiều thời gian để đạt được điều đó. Nhưng hành trình 10.000 km luôn bắt đầu bằng bước đi đầu tiên. Giờ đây chúng ta hãy xem điều gì sẽ cho phép chúng ta thực hiện cuộc hành trình này. Giáo hội có thể dẫn đầu một phong trào văn hóa, xã hội và cuối cùng là chính trị để biến khu vực xung đột này thành một khu vực hòa bình.

Tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô lại gắn bó với Địa Trung Hải đến vậy?

Sự gắn bó của Đức Thánh Cha Phanxicô với khu vực này bắt đầu khi ngài nhận thức được các vấn đề nhập cư. Sau đó Đức Thánh Cha phát hiện ra rằng đây là điểm gặp gỡ của ba châu lục và ba tôn giáo. Động thái tương tự cũng xảy ra khi ngài nhấn mạnh Amazon là một khu vực địa lý cụ thể ở Nam Mỹ, nơi các vấn đề về sinh thái được thể hiện.

Từ quan điểm này, Đức Thánh Cha Phanxicô đề xuất Địa Trung Hải như một điểm thử nghiệm để chứng minh rằng các dân tộc thuộc các nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau có thể cùng nhau xây dựng một khu vực hòa bình. Nếu Liên minh châu Âu đã thành công trong việc này thì tại sao Địa Trung Hải lại không làm được điều tương tự?

Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Marseille sẽ là gì?

Tôi không biết chính xác Đức Thánh Cha sẽ nói gì, nhưng chúng ta có thể tưởng tượng rằng ngài sẽ khuyến khích những người lắng nghe ngài thể hiện tình liên đới hơn nữa và tương trợ lẫn nhau. Chúng ta đang trải qua giai đoạn mà các nhà lãnh đạo chính trị ở bờ biển Địa Trung Hải của châu Phi và Thổ Nhĩ Kỳ đang nhận tiền từ các quốc gia châu Âu để xây dựng các bức tường và rào chắn. Đây không phải là sự hỗ trợ lẫn nhau miễn phí!

Ngược lại, Giáo hội nên cổ võ những cách thức gia tăng tinh thần huynh đệ và tình liên đới. Nguồn vốn từ các quốc gia châu Âu nên đến với các quốc gia cần chúng, chứ không chỉ, theo những lợi ích cụ thể, đến những quốc gia có thể dựng lên những bức tường để “bảo vệ” mình khỏi những người di cư.

Đó chẳng phải là một phép màu sao?

Tôi không kêu gọi một phép màu mà kêu gọi mọi người cùng nỗ lực. Tất nhiên, chúng ta có thể hướng về Thiên Chúa, nhưng việc xây dựng hòa bình là tùy thuộc vào chúng ta. Sẽ không có hòa bình ở khu vực này nếu các tôn giáo không chung sống hòa bình với nhau. Sẽ là một bước tiến lớn nếu các tín hữu có thể vượt qua sự chia rẽ và cùng nhau hướng tới những mục tiêu chung.

Nhưng chẳng phải Địa Trung Hải cũng là nơi của sự cực đoan hóa sao?

Điều đó đúng, nhưng chủ nghĩa cuồng tín chỉ có thể giảm đi thông qua nỗ lực thúc đẩy đối thoại liên tôn.

Chúng ta đang chứng kiến cuộc tranh đấu giữa những người bảo vệ chủ nghĩa cấp tiến, chủ nghĩa cuồng tín và cách giải thích văn bản theo nghĩa đen với những người muốn đối thoại, gặp gỡ và chia sẻ. Đó là một cuộc chiến khó khăn vì những người bảo vệ chủ nghĩa cuồng tín rất hùng mạnh. Chúng ta đang ở giữa một trận chiến khó khăn, nhưng cần phải chiến đấu chống lại nó.

Minh Tuệ (theo La Croix)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết