Đức Hồng Y Bo: “Tinh thần huynh đệ là nền tảng và con đường dẫn đến hòa bình”

Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu chúng ta đặt mình vào dụ ngôn Phúc âm về Người Samaritanô nhân hậu. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta đặt mình vào Dụ ngôn Phúc Âm về Người Samaritanô nhân hậu (Ảnh: Wikimedia Commons)

Kính thưa các Huynh đệ Giám mục Á Châu, và anh chị em thuộc các Giáo Hội Á Châu thân mến,

Với sự tôn trọng, niềm vui và tình yêu, tôi cầu chúc anh chị em bình an. Với lá thư này, tôi muốn khuyến khích anh chị em đọc, suy ngẫm và cầu nguyện về Thông điệp gần đây nhất của Đức Giáo hoàng Phanxicô, “Fratelli Tutti” về tinh thần huynh đệ và tình bạn xã hội.

Trong những giây phút đầu tiên của Triều đại Giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô đã cúi đầu trước đám đông các tín hữu đang tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô và mời gọi họ: “Chúng ta hãy luôn cầu nguyện cho nhau. Chúng ta hãy cầu nguyện cho toàn thể thế giới, ngõ hầu chúng ta có thể có được tinh thần huynh đệ tuyệt vời”.

Giáo hội đang sống, nó luôn phải tạo ra những điều bất ngờ

Năm 2020 này đã và đang, đối với nhiều anh chị em, và đối với người dân của anh chị em, là một khoảng thời gian của sự hỗn loạn, sợ hãi và mất mát. Đây quả là một sự khó nhọc đối với tất cả anh chị em, thật ngột ngạt khi buộc phải ở trong nhà và các nhà thờ của anh chị em bị buộc phải đóng cửa. Tất cả mọi lịch trình đều trống. Các khoản đóng góp đang dần cạn kiệt. Ngày càng có nhiều người nghèo đói. Tự nhiên chúng ta lo sợ cho tương lai. Tuy nhiên, Đức Phanxicô kêu gọi chúng ta đừng có những phản ứng hời hợt đối với thời điểm khủng hoảng này. Chúng ta không bao giờ ngừng thi hành sứ mạng của mình. Giờ đây chính là lúc để xây dựng sự tôn trọng lẫn nhau, để sống như chúng ta mong muốn về một thế giới trong tương lai. “Nếu Giáo hội vẫn đang tồn tại, nó phải luôn luôn tạo ra những điều bất ngờ”.

Đừng để niềm vui Tin Mừng bị mai một trong tâm hồn anh chị em. Đừng nhường chỗ cho văn hóa của sự thờ ơ. Bất chấp tất cả những nỗi đau khổ đang bủa vây chúng ta, hãy lưu ý, Đức Phanxicô thúc giục chúng ta trong Thông điệp này, về món quà to lớn, đầy bất ngờ và không đáng được lãnh nhận mà chúng ta có trong “tình huynh đệ”. Tinh thần huynh đệ, vốn đồng nghĩa với việc quan tâm và tôn trọng anh chị em của chúng ta, là nền tảng và con đường dẫn đến hòa bình. Tinh thần huynh đệ chính là sự liên đới và đối thoại; đó chính là tôn giáo thực sự. Nếu không có tinh thần huynh đệ, tự do và bình đẳng sẽ chẳng có ý nghĩa.

Rất nhiều đại dịch khác đang tồn tại bên cạnh Covid-19

Đức Phanxicô đang nói với chúng ta rằng có hơn một đại dịch đang tồn tại trên thế giới hiện nay. Covid-19 chỉ bộc lộ những nỗi đau khổ có tính hệ thống tiềm ẩn này. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự bất bình đẳng, những phát ngôn thù hận, xem thường người nghèo, người cao tuổi và trẻ sơ sinh, buôn bán phụ nữ và trẻ em – tất cả đều xảy ra với chúng ta theo tỷ lệ của một đại dịch.

Mỗi người trong anh chị em đều đau đớn nhận thức được về nơi mà nền văn hóa sự chết đang hiện diện trong các Giáo phận của anh chị em, các Giáo hội địa phương của anh chị em, trong các xã hội của anh chị em. Chúng ta biết rằng đối với ít nhất 18 quốc gia châu Á, án tử hình vẫn còn hợp pháp. Chúng ta sở hữu thương mại vũ khí ở châu Á và một số cuộc chiến tranh kéo dài nhất trên thế giới.

Hàng triệu người không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rời bỏ gia đình và bỏ ra nước ngoài để tìm kiếm công ăn việc làm. Đây là những vấn đề đã có trong chương trình nghị sự của chúng ta, đối đầu với Sứ điệp Tin Mừng và mời gọi chúng ta đưa ra phản ứng. Để chống lại những vấn nạn này, chúng ta cần phải phát triển vắc-xin của lòng nhân ái, liên đới và công lý.

Người Samaritanô nhân hậu

Trong Thông điệp “Fratelli tutti”, Đức Phanxicô hướng dẫn chúng ta trong một suy niệm dài của Thánh I-nhã về Dụ ngôn Tin Mừng nổi tiếng về người Samaritanô, người đã bị đánh động bởi lòng trắc ẩn. Có một cách hiểu của người Do Thái cổ xưa rằng các dụ ngôn nhằm mục đích an ủi những người đau khổ và làm ưu phiền những kẻ sung túc phong lưu. Những lời của Chúa Giêsu và các Luật sĩ cũng đang được gửi đến mỗi người chúng ta.

Đức Phanxicô mời gọi chúng ta đặt mình vào câu chuyện này và tưởng tượng mình như một trong những người qua đường, như là nạn nhân, thậm chí như là một trong những tên cướp, hay có lẽ như một Luật sĩ, hoặc như một người chủ quán trọ kinh ngạc trước lòng hảo tâm của người giải cứu, và cuối cùng như người Samaritanô nhân hậu.

Kế đến, chúng ta lại phải đối mặt với câu hỏi, ai là thân cận của tôi? Và câu hỏi không thể tránh khỏi đối với con tim của chúng ta: chúng ta có bị đánh động bởi lòng trắc ẩn không? Tình yêu xây dựng những nhịp cầu. Chúng ta xúc động khẳng định rằng chúng ta được tạo dựng vì tình yêu thương.

Lấy cảm hứng từ việc suy ngẫm về câu chuyện ngụ ngôn này, Đức Phanxicô vạch ra một lộ trình chung cho nhân loại thông qua cam kết đối với hòa bình, khước từ chiến tranh và án tử hình, khuyến khích tinh thần tha thứ và hòa giải trong các xã hội và quan tâm đến ngôi nhà chung của chúng ta.

Khi chúng ta nhìn bằng con mắt được làm cho trở nên nhạy bén bởi Tin Mừng này, chúng ta sẽ nhận ra Đức Kitô nơi tất cả những người bị loại trừ. Bất cứ điều gì loại trừ những người nghèo nhất cũng sẽ đều bị vạch trần. Chúng ta được mời gọi phê phán văn hóa lãng phí và bảo vệ nhân quyền của những người bị xã hội làm cho dễ bị tổn thương: phụ nữ, trẻ em, các nhóm sắc tộc thiểu số, những người tị nạn, những đứa trẻ chưa được sinh ra, những người lớn tuổi và nhiều người khác.

Sự tôn trọng con người và công ích chỉ phát triển từ tinh thần huynh đệ chân chính. Trong cảnh đói kém mà người dân của chúng ta đang phải đối mặt hàng ngày, chúng ta cũng chứng kiến những tấm gương đầy cảm hứng về lòng nhân ái trong việc chia sẻ thức ăn và những Người Samari nhân hậu, những người tình nguyện phục vụ để chăm sóc người khác.

Mối tương giao huynh đệ giữa các tôn giáo

Rõ ràng là ban đầu, Đức Phanxicô dự định tập trung Thông điệp này vào các mối tương giao huynh đệ giữa các tôn giáo, được nêu gương trong tinh thần huynh đệ mà Ngài đã ký tuyên bố tại Abu Dhabi với Đại Imam Ahmad Al-Tayyeb.

Tuy nhiên, khi Đức Phanxicô đang soạn thảo Thông điệp này, thế giới chìm ngập trong đại dịch. Chúng ta có thể thực sự cảm kích Ngài vì đã quyết định mở rộng phạm vi của Thông điệp này để phản ánh về cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng như những nguy cơ và những cơ hội mà nó tạo ra. Ở châu Á, cả hai thực tế này đều chạm đến cuộc sống và các cộng đồng của chúng ta một cách mật thiết và khẩn cấp: mối quan hệ giữa các tôn giáo và cách ứng phó với cuộc khủng hoảng Covid-19 trước mắt.

Đức Thánh Cha Phanxicô thúc giục chúng ta can đảm nhìn ra những cơ hội để xây dựng, ở đây và ngay bây giờ, thế giới mà Thiên Chúa mong muốn. Ngài thúc giục chúng ta đối mặt với những sai lầm trong quá khứ, chữa lành những vết thương và tìm kiếm cũng như cung cấp sự tha thứ, nhận ra rằng chân lý chính là “người bạn đồng hành không thể tách rời của công lý và lòng thương xót”. Xã hội vốn sẽ trỗi dậy trở lại từ Covid-19 là một xã hội mà tinh thần huynh đệ được coi trọng.

Bộ ba: Evangelii Gaudium, Laudato Si’, và Fratelli Tutti

Ba thông điệp lớn của ĐTC Phanxicô bổ sung cho nhau. “Evangelii Gaudium” cầu nguyện cho sự hòa giải với Thiên Chúa. “Laudato Si” là tiếng kêu từ trái tim kêu gọi sự hòa giải với công tình sáng tạo. “Fratelli Tutti” kêu gọi tinh thần hòa giải, đối thoại và liên đới giữa toàn thể nhân loại với tư cách là anh chị em với nhau.

Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn chúng ta ý thức rằng sự hiện diện của Thiên Chúa luôn luôn tràn ngập khắp thế giới, truyền cảm hứng cho tất cả mọi người thuộc mọi nền văn hóa và tôn giáo để thúc đẩy tinh thần hòa giải và hòa bình. Với tư cách là những tôi tớ trong sứ mạng của Đức Kitô ngày nay, chúng ta được mời gọi trợ giúp Ngài khi Ngài chỉnh đốn các mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, với công trình sáng tạo và với tha nhân.

Một thế giới rộng mở, một quả tim rộng mở

Nơi mà sự thiếu vắng tình huynh đệ tạo ra sự ích kỷ, sự thù địch và một thế giới khép kín, thì Tin Mừng kêu gọi một thế giới rộng mở và một trái tim rộng mở. Không có “người khác”, không có “họ”, chỉ có “chúng ta”. Chúng ta mong muốn, cùng với Thiên Chúa và trong Thiên Chúa, một thế giới rộng mở, một thế giới không có những bức tường ngăn cách, không có biên giới, không có người nào bị từ chối, không có những người xa lạ.

Để có được một thế giới rộng mở, chúng ta phải có những quả tim rộng mở. Để đạt được tinh thần huynh đệ phổ quát, nền luân lý xã hội của chúng ta sẽ phải là lời kêu gọi liên đới, gặp gỡ và tinh thần cho không biếu không. Chỉ có một hình thức chính trị tốt hơn mới tạo ra một thế giới rộng mở với một quả tim rộng mở: nền chính trị vì công ích chung; nền chính trị vì và với người dân; nền chính trị tìm kiếm phẩm giá con người; nền chính trị của những con người thực hành tình yêu chính trị; nền chính trị kết hợp hoạt động kinh tế và cơ cấu xã hội và văn hóa thành một dự án nhất quán, mang lại sự sống cho con người.

Thực tế châu Á được lặp lại trong “Fratelli Tutti”

Thực tế châu Á của chúng ta được nhắc lại trong Thông điệp “Fratelli Tutti” mang tính cấp bách. Châu Á đang ở giữa ngã ba đường. Con đường chúng ta đi sẽ quyết định cơ nghiệp mà chúng ta để lại cho thế hệ mai sau. Nó sẽ bị lãng phí hay được bảo vệ? Liệu Châu Á sẽ lựa chọn lòng tham cá nhân hay cam kết vì công ích chung? Phần lớn phụ thuộc vào cách thức chúng ta tái xây dựng xã hội hậu coronavirus. Nhiều chính phủ ở châu Á đang cố gắng quay trở lại mô hình kinh tế và xã hội đã thử nghiệm và đã thất bại, vì vậy, tính chất cấp bách là hoàn toàn phù hợp.

Với tư cách là những người Công giáo, chúng ta có thể chỉ là nhóm thiểu số ở tất cả các quốc gia ngoại trừ Philippines và Đông Timo, nhưng cung bậc thẳng thắn của Đức Phanxicô khuyến khích chúng ta mạnh mẽ lên tiếng với tất cả mọi người với tư cách là anh chị em của nhau.

Án tử hình hiện vẫn được áp dụng tại 18 quốc gia thuộc Liên Hội đồng Giám mục Á Châu. Nỗi đau khổ của những người Rohingya là một vết sẹo trên tâm hồn của chính quê hương đất nước của tôi, Myanmar. Chúng ta cảm nhận sâu sắc những sự căng thẳng giữa các dân tộc và chúng ta tìm kiếm cơ hội để ứng phó với những xung đột đang diễn ra ở nhiều khu vực của châu Á. Trái tim của chúng ta như bị thiêu đốt vì hàng triệu người phải di cư chỉ vì sự sống còn của họ. Chúng ta than khóc trước sự tàn phá của những khu rừng nhiệt đới xinh đẹp của chúng ta, nơi tái tạo hành tinh ốm yếu của chúng ta và mang lại sự sống cho các dân tộc bản địa của chúng ta.

Tinh thần của Thánh Phanxicô Assisi

Tinh thần của Thánh Phanxicô Assisi vẫn còn sống động trong Thông điệp “Fratelli Tutti”. Thánh nhân đã suy tư và quyết liệt trong sự nghèo khó của mình và sự liên kết của Ngài với những người nghèo khổ. Thánh Phanxicô Assisi thường xuyên chỉ trích lòng tham lam và bạo lực của chính xã hội Ngài, và Thánh nhân có một tầm ảnh hưởng trái ngược với vị thế xã hội của mình. Thánh Phanxicô Assisi như vẫn đang hiện diện đối với thời đại của chúng ta và bối cảnh của chúng ta bởi Thông điệp này.

Các Huynh đệ Giám mục và toàn thể anh chị em thuộc các Giáo hội Á Châu thân mến, xin cảm ơn vì lời chứng trong cuộc sống của anh chị em. Ước gì lời kêu gọi của Đức Thánh Cha về tinh thần liên đới, gặp gỡ và tinh thần cho không biếu không sẽ tìm được tiếng vang trong cuộc sống và các cộng đồng của anh chị em. Chớ gì anh chị em đón nhận lời mời gọi sâu sắc của Đức Thánh Cha Phanxicô để đối thoại, tôn trọng và quảng đại đối với tất cả mọi người. Thiên Chúa là Tình yêu mang tính phổ quát. Đức Trinh Nữ Maria sẽ luôn hướng dẫn chúng ta trên con đường của Thiên Chúa, con đường của tinh thần huynh đệ phổ quát.

Với tất cả tâm tình cầu nguyện của tôi!

Thân ái trong Chúa Kitô,

+ Hồng y Charles Maung Bo SDB

 

** Đức Hồng y Charles Maung Bo là Tổng giám mục Địa phận Yangon và là Chủ tịch của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu. Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm biên tập chính thức của UCA News.

Minh Tuệ (theo UCA News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết