Đức Hồng Y Bo hoan nghênh chuyến Tông du Thái Lan-Nhật Bản của ĐTC Phanxicô như “một khoảnh khắc ân sủng”

Đức Hồng Y Charles Bo, Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC), đã đưa ra một thông điệp nhân chuyến Tông du sắp tới của ĐTC Phanxicô đến Châu Á.

Giáo hoàng Francis dự kiến sẽ đến thăm Nagasaki và Hiroshima trong chuyến thăm Nhật Bản. (ANSA)

ĐTC Phanxicô dự kiến sẽ đến thăm Nagasaki và Hiroshima trong chuyến Tông du Nhật Bản (Ảnh: ANSA)

Các Giám mục Công giáo châu Á coi chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Thái Lan và Nhật Bản, vào tuần tới, như là “một khoảnh khắc ân sủng đối với các Kitô hữu”.

“ĐTC Phanxicô là một nhà tiên tri của thời hiện đại. Ngài là một nhà lãnh đạo thế giới không chỉ đưa ra một thông điệp về tôn giáo mà còn là một thông điệp cho toàn thể nhân loại”, theo Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, Đức Hồng y Charles Bo người Myanmar, Tổng Giám mục Yangon.

ĐTC Phanxicô sẽ đến thăm Thái Lan và Nhật Bản, từ ngày 20 đến 26 tháng 11. Chuyến Tông du nước ngoài lần thứ 32 trong Triều đại Giáo hoàng của ĐTC Phanxicô sẽ là chuyến Tông du thứ 4 đến châu Á: chuyến Tông du Hàn Quốc vào năm 2014; Sri Lanka và Philippines vào năm 2015; Myanmar và Bangladesh vào năm 2017.

Đức Hồng Y Bo dự định sẽ hội kiến ĐTC Phanxicô tại Bangkok vào ngày 22 tháng 11 tại Đền thờ dâng kính Chân Phước Nicholas Boonkerd Kitbamrung ở thủ đô Bangkok, trong một cuộc họp với các Giám mục Thái Lan và FABC.

Vươn ra các khu vực ngoại vi

Chủ tịch FABC lưu ý rằng ĐTC Phanxicô đang tiếp cận với “tất cả mọi loại người”, được thể hiện qua mong muốn đến thăm các quốc gia, nơi mà cộng đồng Công giáo chỉ là một thiểu số, đồng thời bày tỏ mối bận tâm đối với những người bị gạt ra bên lề xã hội và những người sống ở các khu vực ngoại vi.

Về vấn đề này, vị Hồng y Dòng Salêdiêng coi chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô đến Myanmar và Bangladesh như là một ân sủng và một phép lạ. Chuyến đi đầy gian truân nhưng điều đó không ngăn cản việc ĐTC Phanxicô đến thăm hai quốc gia này.

Đức Hồng Y Bo lưu ý: “ĐTC Phanxicô đến như một người lữ hành của hòa bình và sự hiện diện của Ngài đã mang lại sự vui mừng và hạnh phúc to lớn cho mọi tâm hồn người dân của chúng ta”. “Toàn bộ đất nước Myanmar tràn đầy hy vọng vào những ngày đó khi mà Đức Thánh Cha hiện diện cùng với chúng ta”. Đức Hồng Y Bo khuyến khích Giáo hội Công giáo và đặc biệt là giới trẻ trở nên “khí cụ hòa bình”.

Đời sống tâm linh sâu sắc của truyền thống Đông phương

Đức Hồng Y Bo cũng coi chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô đến Thái Lan và Nhật Bản như là một phước lành lớn lao xét về khía cảnh của một cuộc gặp gỡ. Cả hai quốc gia, theo Đức Tổng Giám mục Địa phận Yangon nhận xét, luôn luôn “chìm ngập trong các truyền thống tâm linh sâu sắc”, đến mức “thu hút hàng ngàn người đến với các bờ biển của họ”.

Chủ tịch FABC nhắc lại “sự thích thú của ĐTC Phanxicô đối với các tôn giáo Đông phương”, “tình yêu của Ngài đối với thiên nhiên và sinh quyển”, được thể hiện rõ trong Thông điệp ‘Laudato si’ và trong hội nghị đặc biệt gần đây của Thượng Hội đồng Giám mục về khu vực Amazon, cũng như sự ngưỡng mộ của vị Giáo hoàng người Argentina “đối với truyền thống tâm linh của Đông phương”, coi tất cả mọi loài thọ tạo đều là một phần của sự hiện diện của Thiên Chúa”.

ĐTC Phanxicô – nhà tiên tri của công lý

Cuối cùng, Đức Hồng Y Bo cũng đã đề cập đến vấn đề “biến đổi khí hậu” và “tình trạng nghèo đói”, những vấn đề mà Đức Thánh Cha luôn luôn canh cánh trong lòng. Và bởi vì “Thái Lan và Nhật Bản hiện đang phải đối mặt với những thách thức lớn liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu”, Đức Hồng Y Bo cho biết ngài tin chắc rằng tiếng nói của ĐTC Phanxicô “sẽ được lắng nghe liên quan đến những vấn đề này”.

Trong chuyến viếng thăm sắp tới, Chủ tịch FABC cho biết châu Á sẽ chào đón “nhà tiên tri của công lý: công lý kinh tế và môi trường”. Bằng việc nhấn mạnh rằng, “Châu Á là cái nôi của các tôn giáo và các nền văn minh lớn”, Đức Hồng Y Bo kết luận thông điệp của mình bằng cách bày tỏ mong ước rằng “cuộc gặp gỡ tâm linh sẽ trở thành nguồn mạch của sự chúc lành cho tất cả mọi người ở các quốc gia này và là ánh bình minh mới của hòa bình và thịnh vượng” nơi một lục địa vĩ đại.

ĐTC Phanxicô sẽ viếng thăm Thái Lan từ ngày 20 đến 23 tháng 11, sau đó, Ngài sẽ thăm Nhật Bản, từ 23 đến 26 tháng 11.

Đây sẽ chính là chuyến viếng thăm thứ hai của một vị Giáo hoàng đến Thái Lan trong hơn 35 năm, sau chuyến Tông du của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1984. Khẩu hiệu của chuyến Tông du, “Các môn đệ Chúa Kitô, Các môn đệ truyền giáo”, nhằm đánh dấu kỷ niệm 350 năm thành lập Hạt Đại Diện Tông Tòa Xiêm, được thành lập vào năm 1669, chính thức đánh dấu sự khởi đầu của Giáo hội trong nước.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô đã đến thăm Nhật Bản cách đây 38 năm trước vào năm 1981. Chủ đề chuyến Tông du của ĐTC Phanxicô đến Nhật Bản, “Bảo vệ tất cả mọi sự sống”, không chỉ tập trung vào việc tôn trọng phẩm giá của mỗi con người, mà còn cả môi trường, theo các Giám mục Công giáo trong nước.

Hoàng Thịnh (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết