Đức Hồng Y Bo: ‘Được mời gọi để trở nên tiếng nói cho vấn đề nhân quyền tại Myanmar’

Đức Hồng y Charles Maung Bo, Chủ tịch của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu

Đức Hồng y Charles Maung Bo, Chủ tịch của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu

Khi Đức Hồng y Charles Maung Bo trở thành Hồng y đầu tiên của Myanmar vào năm 2015, ngài đã thực hiện sứ vụ mới của mình một cách nghiêm túc.

“Đức Thánh Cha Phanxicô đã trao cho tôi chiếc mũ đỏ và nói: ‘Đó là màu của máu’”, Đức Hồng Y Bo nhớ lại. Chiếc mũ Hồng y của Đức Hồng Y Bo, hay biretta, là lời nhắc nhở ngài luôn không được sợ hãi trong việc bảo vệ và lên tiếng cho người dân của mình – Giáo hội tại Châu Á.

Đức Hồng Y Bo đã phát biểu với EWTN tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 ở Budapest, Hungary, vào ngày 8 tháng 9. Ngài đã thảo luận về Giáo hội tại Châu Á với Matthew Bunson, Tổng biên tập và trưởng văn phòng Washington của EWTN News, và Linh mục John Paul Zeller, Tuyên úy nhân viên của EWTN.

Văn hóa và tôn giáo của Châu Á đi đôi với nhau, Đức Hồng y Bo, người cũng là Chủ tịch của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, cho biết. Đức Hồng y Bo gọi nền văn hóa và tôn giáo – bao gồm Phật giáo, Hồi giáo và Công giáo – “hết sức phong phú và đa dạng”.

Mặc dù vậy, Đức Hồng y Bo nói, họ đoàn kết với nhau về một số vấn đề nhất định. Trong số những vấn đề khác, Đức Hồng y Bo cho biết, người châu Á ưu tiên “truyền thống và văn hóa tôn trọng người cao tuổi và đoàn kết trong gia đình, giá trị của gia đình, giá trị của người mẹ”.

Đức Hồng y Bo cũng cho biết thêm rằng ở Myanmar, “có thể 90-95% các gia đình đều rất ổn định”.

Một trong những “thành quả của văn hóa” ở châu Á, đặc biệt là ở Myanmar, Đức Hồng y Bo cho biết thêm, đó là người dân có khuynh hướng chủ yếu rất sùng đạo. Đức Hồng y Bo giải thích rằng Myanmar có dân số 85% theo Phật giáo, 5% theo Hồi giáo và 5-6% theo Kitô giáo. Người Công giáo là nhóm thiểu số với 1,3%.

“Sẽ không có ai nói rằng: ‘Tôi là một người không theo đạo, Tôi không theo tôn giáo nào cả, tôi là một người có tư tưởng tự do, tôi không giữ bất kỳ tôn giáo nào cả’. Không ai sẽ nói như vậy ở Myanmar”, Đức Hồng y Bo nói.

Ở Myanmar, người Công giáo coi Đức Giáo hoàng và Giáo hội là điều gì đó “rất linh thiêng”, Đức Hồng y Bo nói. Khi gặp phải những lời chỉ trích đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô, người dân Myanmar của ngài cảm thấy bị xúc phạm và không khỏi ngạc nhiên.

Ngay cả quân đội và chính phủ cũng bày tỏ sự tôn trọng đối với Giáo hội và các nhà lãnh đạo của Giáo hội, Đức Hồng y Bo nói.

“Trước cuộc đảo chính, tôi có thể tự do tiếp cận để gửi thư từ cho cả chính phủ cũng như các tướng lĩnh quân đội”, Đức Hồng y Bo ông nhớ lại khi nhắc đến việc quân đội đang nắm quyền kiểm soát Myanmar. “Đồng thời, tất nhiên, họ khá kiên quyết trong việc tiến hành chương trình nắm giữ quyền lực trong nước của riêng họ”.

Trong bối cảnh chính trị bất ổn như vậy, Đức Hồng y Bo đã nỗ lực nắm giữ vai trò như là tiếng nói cho vấn đề nhân quyền tại châu Á.

“Chúng tôi nghĩ rằng – chỉ trong năm, sáu năm qua – chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đang trên đường tiến đến dân chủ, đến tự do. Nhưng một lần nữa, giờ đây, nó lại sụp đổ đối với quân đội và chúng tôi không có quyền nói về nhân quyền và chúng tôi thực tế không có đối thoại”, Đức Hồng y Bo nói.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo, Đức Hồng y Bo tiết lộ, thường xuyên bị áp lực phải tránh xa các vấn đề chính trị.

“Ngay cả bản thân tôi cũng đã một, hai, ba lần bị yêu cầu không được tham gia vào lĩnh vực chính trị, nhưng tôi nói: ‘Đó không phải là chính trị. Đây là về quyền con người, về những nhu cầu cơ bản mà chúng tôi lên tiếng nhân danh người dân’”.

EWTN hiện đang đưa tin kéo dài một tuần lễ về Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 ở Budapest. Tìm hiểu thêm tại: https://www.ewtn.com/tv/spotlight/52nd-international-eucharistic-congress

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết