Trong một cuộc phỏng vấn sau khi Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô qua đời, Đức Hồng Y Charles Maung Bo của Myanmar đã tưởng nhớ về vị Giáo Hoàng quá cố như một vị “Mục tử đầy yêu thương và nhân hậu”, người đã “trở thành lời vang vọng của chúng tôi”, “hiểu thấu nỗi buồn phiền của chúng tôi” và “mang lại sự chữa lành”. Đức Hồng Y Bo, người đã giữ chức vụ lãnh đạo các Giám Mục Á Châu trong hai nhiệm kỳ, đã khẳng định “tình cảm sâu sắc” của Đức Phanxicô đối với người dân châu Á, cũng như “tình yêu” của ngài dành cho những người dân Myanmar đang đau khổ.

Đức cố Giáo hoàng Phanxicô gặp gỡ Đức Hồng y Charles Maung Bo tại Myanmar năm 2017 (Ảnh: Vatican News)
“Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô đã gần gũi với tất cả mọi người, với những người tuyệt vọng đau khổ, những người bị lãng quên và cả chính trái đất này. Ngài đã dành chỗ trong trái tim mình cho những người mà thế giới gạt ra bên lề. Và giờ đây, khi thế giới thương tiếc ngài, chúng ta cảm nhận được nỗi buồn luôn đi kèm với lòng yêu mến sâu sắc”.
Trong một cuộc phỏng vấn đề cập đến nhiều vấn đề với Vatican News, Đức Hồng Y Charles Maung Bo, Tổng Giám Mục Địa phận Yangon và Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Myanmar, người đã giữ chức vụ Chủ tịch Liên Hội đồng Giám Mục Á Châu trong hai nhiệm kỳ, đã tưởng nhớ về Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô theo cách này sau khi ngài Về Nhà Cha vào ngày 21 tháng 4.
Đức Hồng Y Bo đã vinh dự khi được Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm vị Hồng Y đầu tiên của Myanmar, và đã đón tiếp Đức Thánh Cha đến đất nước của mình vào tháng 11 năm 2017.
Hồi tưởng về chuyến Tông du mang tính lịch sử của Đức Thánh Cha Phanxicô đến đất nước của mình, Đức Hồng Y Bo cho biết: “Bất chấp áp lực đáng kể từ nhiều phía khuyên ngài không nên đến thăm đất nước chúng tôi, và bất chấp rất nhiều thách thức hiện hữu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn đến thăm đất nước chúng tôi. Và qua đó, ngài đã nhấn mạnh sự đau khổ của dân tộc của chúng tôi”.
Thực vậy, “Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô đã dành tình cảm sâu sắc đối với người dân châu Á”, Đức Hồng Y Bo nhớ lại, và đồng thời cũng cho biết thêm rằng: “Ngài yêu mến người dân Myanmar chúng tôi”.
Trong suốt những năm qua, Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô đã liên tục kêu gọi sự chú ý đối với Myanmar, kêu gọi hòa bình và sự viện trợ, và thậm chí trước khi qua đời, ngài không chỉ bày tỏ lời chia buồn đối với tất cả những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất bi thảm, mà còn cung cấp thực phẩm để giúp đỡ dân chúng tôi đang khốn khổ.
Tính đến ngày 19 tháng 4 năm 2025, số người chết trong trận động đất 7.7 độ richter xảy ra ở Myanmar vào ngày 28 tháng 3 đã lên tới 3,726 người, với 5,105 người bị thương và 129 người hiện vẫn đang mất tích.
Thảm họa này đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện tại ở Myanmar, với gần 20 triệu người đang cần viện trợ do cuộc xung đột dân sự kéo dài.
***
Kính thưa Đức Hồng Y Bo, Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô luôn thể hiện sự gần gũi với người dân tại quốc gia của ngài. Sự gần gũi của Đức cố Giáo Hoàng với người dân Myanmar, những người đang phải chịu đựng trên mọi phương diện, với chiến tranh, cuộc khủng hoảng nhân đạo, và rồi lại bị chồng chất bởi trận động đất, có ý nghĩa gì đối với họ?
Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô thực sự là một Ngôn sứ của những vùng ngoại vi. Ngài không tìm kiếm sự an toàn ở trung tâm quyền lực, cũng không coi những tiện nghi của Vatican là nơi nương náu của mình. Thay vào đó, Ngài đã hướng trái tim và cái nhìn của mình đến những khu vực ngoại vi hiện sinh của nhân loại—đến những người mà tiếng kêu của họ bị chìm nghỉm trong diễn ngôn toàn cầu, những giọt nước mắt của họ không được thế giới chú ý.
Trong tinh thần đó, sự chú ý của ngài đã hướng về Myanmar—một quốc gia đã phải chịu đựng đau khổ trường niên, bị tổn thương, đang sống trong tình trạng khủng hoảng đa chiều. Bất chấp áp lực đáng kể từ nhiều phía khuyên ngài không nên đến thăm đất nước chúng tôi, và bất chấp rất nhiều thách thức hiện hữu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn đến thăm đất nước chúng tôi.
Và qua đó, ngài đã nhấn mạnh sự đau khổ của dân tộc chúng tôi. Quyết định của ngài đã khiến nhiều người bất ngờ—ngay cả trong các quốc gia Công giáo. Nhưng đối với ngài, người dân mới là điều quan trọng nhất, và nỗi khổ đau của con người là một sự bận tâm thiêng liêng.
Ngài đã yêu mến người dân Myanmar—với sự kiên nhẫn, lòng dũng cảm và sự liên đới đáng kinh ngạc của họ giữa những cuộc khủng hoảng không ngừng. Khi từng cơn bão tố ập đến đất nước này, Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô đã đồng hành cùng với chúng tôi—không phải từ xa, mà trong một sự liên đới đầy cảm xúc trìu mến. Ngài đã mang nỗi đau của chúng tôi trong những lời cầu nguyện, trong các thông điệp và trong trái tim của ngài.
Hơn chín lần, ngài đã công khai nói về Myanmar. Ngài đã đưa ra những tuyên bố chân thành và thậm chí đã cử hành một Thánh lễ đặc biệt cầu nguyện cho hòa bình ở đất nước chúng tôi. Qua đó, Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc nhở thế giới rằng Myanmar rất quan trọng, rằng những vết thương của chúng tôi không vô hình, và hòa bình là điều có thể đạt được.
Chắc chắn, Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô đã khẳng định không bao giờ quên Myanmar…
Sự ủng hộ kiên định của Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô và sự bận tâm sâu sắc, cá nhân của ngài đối với nỗi khổ đau của dân tộc của chúng tôi đã chạm đến trái tim của vô số người trên toàn quốc. Ngay cả khi thiên nhiên quay lưng lại với chúng tôi và trận động đất tàn phá, Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô cũng không rút lui. Thông qua Vatican, những cử chỉ quan tâm và hành động đong đầy yêu thương đã được gửi đi—những lời khẳng định âm thầm nhưng mạnh mẽ rằng Đức Thánh Cha Phanxicô chưa bao giờ quên lãng chúng tôi.
Điều làm cho điều này càng thêm cảm động đối với người dân chúng tôi là ngài đã làm tất cả điều này trong những ngày cuối cùng trong triều đại Giáo hoàng của mình, trong khi phải chiến đấu với một căn bệnh đe dọa đến tính mạng. Trong những ngày cuối đời, khi hầu hết mọi người sẽ tìm kiếm sự nghỉ ngơi, ngài vẫn tiếp tục mang thập giá của thế giới đang đau khổ—Myanmar cũng nằm trong số đó.
Ký ức về Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô giờ đây đã khắc sâu vào tâm hồn của quốc gia chúng tôi. Người dân Myanmar sẽ không bao giờ quên một vị Mục tử yêu thương và nồng hậu như vậy. Giọng nói của ngài đã trở thành tiếng vang vọng của chúng tôi, trái tim ngài đã đập cùng nỗi buồn của chúng tôi, và sự hiện diện của ngài đã mang lại sự chữa lành.
Trong những ngày cuối đời, Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô đã kêu gọi hỗ trợ cho đất nước của quý vị. Điều này quan trọng như thế nào?
Quả thực, sự quan tâm của ngài là “phương thuốc chữa lành cho người dân chúng tôi”. Hãy tưởng tượng hàng ngàn người vô gia cư, nhà thờ và nhân viên nhà thờ buộc phải ngủ ngoài đường, phải đối mặt với những mối đe dọa hàng ngày từ thiên nhiên và trải qua những khoảnh khắc như tận thế.
Trong một tình huống như vậy, sự quan tâm và hỗ trợ của Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô giống như một người mẹ đang vươn tay ra với đứa trẻ hoảng sợ. Không chỉ người Công giáo mà cả những người khác, khi họ biết rằng Đức Giáo Hoàng đã cầu nguyện trong giờ Kinh Truyền Tin cho Myanmar, họ đã cảm thấy được an ủi sâu sắc.
Anh chị em tín hữu của chúng tôi cảm thấy mình thuộc về một gia đình nhân loại rộng lớn, nơi không có nỗi khổ đau hay giọt nước mắt nào bị lãng quên. Cảm giác này xuất hiện bởi vì Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô đã chủ động tiếp cận với mọi người.
Ngài nhận thấy di sản của Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô là gì?
Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô sẽ được ghi nhớ trong lịch sử như một trong những môn đệ trổi vượt nhất của Chúa Giêsu—một vị Giáo Hoàng luôn bám chặt vào cốt lõi triệt để của Tin Mừng: Sự quan tâm không lay chuyển của Thiên Chúa đối với những người dễ bị tổn thương nhất, những người bị gạt ra ngoài lề và những người bị lạc lối. Trong một thời đại mà nhiều người đã khuất phục trước cám dỗ để xem nhẹ đức tin chỉ còn là sự an ủi và sự tuân thủ, ngài đã có can đảm để nói lên sự khẩn thiết của các ngôn sứ và sự dịu dàng của Chúa Kitô.
Những lời nói của ngài, đôi khi khiến những người quyền lực và tự mãn cảm thấy bất an, đã trở thành một tấm gương phản chiếu cho một thế giới đã trở nên vô cảm trước sự bất công. Đặc biệt ở các quốc gia giàu có, nơi Kitô giáo thường bị bóp méo để biện minh cho đặc quyền và loại trừ người nghèo, Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô đã đưa Tin Mừng trở lại cốt lõi ban đầu của nó: Tình yêu không lay chuyển của Chúa Kitô đối với những người nghèo và sự liên đới thiêng liêng của Người với những người bị gạt ra bên lề.
Ngài không chỉ tham gia vào cuộc đối thoại về người nghèo; ngài đã thực sự bước đi bên họ. Ngài không chỉ bảo vệ những người bị áp bức; ngài đã ôm lấy họ như những người thân yêu của mình. Triều đại Giáo hoàng của ngài thể hiện một dụ ngôn sống động—một chứng nhân cho một Giáo Hội không thể ở trong các cung điện trong khi thế giới đang tiều tụy héo hon bên ngoài những cánh cổng của nó.
Lịch sử sẽ không chỉ khắc ghi những lời nói của Đức Phanxicô mà còn cả sự đồng hình đồng dạng sâu sắc giữa cuộc đời của ngài và cuộc đời của Chúa Giêsu. Sự đơn sơ dung dị, sự khiêm nhường, sự can đảm và lòng trắc ẩn vui tươi của ngài đã vượt qua mọi sắc lệnh. Trong một thế giới đang trở nên lạnh lùng và bị bội nhiễm bởi văn hóa thờ ơ, ngài đã nhắc nhở chúng ta rằng trái tim của Giáo Hội phải đập với nhịp đập của Lòng thương xót.
Di sản của Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô sẽ là việc ngài đã phục hồi Giáo Hội trên các đường phố, nơi các vùng ngoại vi và những góc khuất đau thương của thế giới, nơi mà chính Chúa Kitô hiện diện. Ngài đã chứng minh rằng để thực sự trở thành người Kitô hữu đó là noi theo bước chân của Chúa Giêsu, bênh vực những người không có tiếng nói, và yêu thương với sự quảng đại vô bờ bến của Tin Mừng.

4 Logo cho 4 chuyến Tông du Châu Á và Châu Đại Dương của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô (Ảnh: Vatican News)
Đức Hồng y có cho rằng Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô đã đặc biệt quan tâm đến người dân ở khu vực châu Á và Châu Đại Dương?
Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô có tình cảm sâu sắc với người dân châu Á. Trong một trong những chuyến thăm cuối cùng của mình đến vùng Viễn Đông, Ngài đã thực hiện một cuộc hành hương đến một khu vực xa xôi, nơi có sự hiện diện của Giáo hội Công giáo gần như không tồn tại.
Ngài đã ôm lấy tất cả mọi người ở châu Á và Châu Đại Dương, thể hiện vai trò của một Mục Tử Nhân Lành, người đã cố gắng kết nối với những người mà ngài mong muốn đối thoại. Trong khi những người khác ưu tiên giao lưu với các học giả danh tiếng, Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô đã đề cao việc đối thoại thông qua những cuộc gặp gỡ với các nền văn hóa, dân tộc và bối cảnh tương ứng của họ.
Sự công nhận của ngài đối với các cộng đồng bản địa như những người bảo vệ thiên nhiên đã tạo điều kiện cho nhiều cuộc trao đổi văn hóa. Ở Myanmar, chuyến viếng thăm của Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng dân chúng.
Người dân châu Á, như Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô tin tưởng, sẽ mở rộng vòng tay chào đón Chúa Kitô của châu Á. Thế kỷ này hứa hẹn sự trở lại của Chúa Kitô đến châu Á, và Chúa Kitô của châu Á sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho thế giới. Qua sự hiểu biết sâu sắc về châu Á và Giáo Hội châu Á, Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô đã hình dung một tương lai mà hai thực thể này giao thoa một cách sâu sắc và mang tính biến đổi.
Kính thưa Đức Hồng Y, ngài có lời nào an ủi hoặc khích lệ đức tin dành cho những người đang thương tiếc trước sự ra đi của Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô không?
Trong những khoảnh khắc sâu sắc của nỗi buồn, khi thế giới trở nên yên tĩnh hơn và trái tim chúng ta đau đớn vì sự mất mát, chúng ta phải nhớ đến chân lý thiêng liêng mà Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô đã sống và dạy chúng ta: cuộc sống là những mối tương quan.
Toàn bộ triều Giáo hoàng của ngài là một bản giao hưởng của những mối tương quan —được xây dựng trên tình yêu, thể hiện trong sự liên đới và sống với sự đơn giản dung dị. Ba văn kiện quan trọng nhất của ngài phản ánh điều này một cách tuyệt đẹp.
Niềm Vui của Tin Mừng thực sự là lời kêu gọi phục hồi mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, ngập tràn ân sủng và niềm vui. Tiếp đến, Fratelli Tutti đã đưa ra tầm nhìn can trường của ngài về tình huynh đệ và tình bằng hữu với nhau, vượt qua mọi biên giới, vượt qua mọi sự khác biệt. Cuối cùng, trong Laudato Si’, Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô đã đưa ra lời kêu gọi đầy nhiệt huyết để phục hồi mối tương quan của chúng ta với Cong trình sáng tạo, chăm sóc Ngôi nhà chung của chúng ta.
Đức cố Giáo Hoàng đã gần gũi với tất cả mọi người, với những người bị gạt ra bên lề, những người bị lãng quên và cả chính trái đất này. Ngài dành chỗ trong trái tim mình cho những người bị thế giới gạt ra bên lề. Và giờ đây, khi thế giới thương tiếc ngài, chúng ta cảm nhận nỗi buồn luôn đi kèm với lòng yêu mến sâu sắc
Nơi nào có sự tương quan sâu sắc, nơi đó cũng có nỗi đau sâu sắc của sự chia ly. Sự thương tiếc của chúng ta không phải là sự yếu đuối. Thay vào đó, đó là minh chứng cho vẻ đẹp của những mối liên hệ mà Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô đã xây dựng trên khắp các nền văn hóa, quốc gia và trái tim mọi người.
Nhưng nếu chúng ta cẩn thận lắng nghe sự thinh lặng mà Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô để lại, chúng ta cũng có thể nghe thấy lời thì thầm của ngài: “Đừng chìm đắm quá lâu trong nỗi buồn của các con—hãy trở lại với những điều quan trọng. An ủi những người đang đau khổ. Nâng đỡ những người thấp hèn. Rao giảng hòa bình được xây dựng trên công lý. Hãy dịu dàng. Hãy mạnh dạn. Hãy xây dựng thế giới mà chúng ta đã cùng nhau mơ ước”.
Minh Tuệ (theo Vatican News)