Người đứng đầu Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC), Đức Hồng y Charles Bo của Tổng Giáo phận Yangon, Myanmar, cho biết các Thượng Hội đồng cấp Giáo phận là phương tiện hiệu quả để “xây dựng tầm nhìn và sứ mệnh” cho các Giáo hội địa phương.
Vị Giám chức cấp cao của Myanmar phát biểu với các nhà báo hôm thứ Năm rằng tính Hiệp hành ở cấp Giáo phận không phải là một khái niệm mới đối với Giáo hội Công giáo.
“Khi tôi được bổ nhiệm Giám mục vào năm 1990, một điều thu hút tôi trong Giáo luật là về Thượng Hội đồng cấp Giáo phận”, Đức Hồng y Bo phát biểu tại một cuộc họp báo của Vatican.
“Trong suốt những năm trong cương vị Giám mục — tôi đã phhujc vụ tại 7 Giáo phận — tôi đã chủ trì các Thượng Hội đồng cấp Giáo phận 4 lần: vào các năm 1992, 1996, 2004 và 2014”.
Với hơn hai thập kỷ kinh nghiệm với các Thượng Hội đồng cấp Giáo phận, vị Hồng y 75 tuổi cho biết việc thu thập phản hồi “từ những người nông dân, từ các làng mạc, từ các Giáo xứ, từ những người công nhân, các tu sĩ và tù nhân” đã chứng tỏ là một tiến trình có giá trị.
Theo Đức Hồng y Bo, các báo cáo được lập ra từ các cuộc tham vấn của Thượng Hội đồng với các tín hữu Công giáo tại các Giáo phận đã cung cấp nền tảng vững chắc cho sự phát triển của các Giáo hội địa phương tại quê hương Myanmar của ngài.
Hội đồng Giám mục Myanmar là một trong 22 thành viên tích cực của FABC do Đức Hồng y Bo lãnh đạo. Đầu năm nay, FABC đã tổ chức hội thảo về Hiệp hành — với sự tham dự của 38 đại biểu từ các Giáo hội địa phương trải rộng trên 17 quốc gia — tại Bangkok, Thái Lan, từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 8.
Trong cuộc họp khu vực, sự cần thiết của tinh thần đoàn kết và sự hòa hợp đã được xác định là chìa khóa cho sự phát triển của Giáo hội Công giáo tại một khu vực phần lớn không theo Kitô giáo.
Bất chấp những thách thức mà Giáo hội phải đối mặt ở Châu Á, bao gồm sự rộng lớn về mặt địa lý của khu vực và “các nền văn hóa và truyền thống đã bám rễ sâu” chống lại sự thay đổi hoặc coi Kitô giáo là ngoại bang, Đức Hồng y Bo tin rằng các cuộc thảo luận toàn cầu của Thượng Hội đồng trong tháng này sẽ là một “cơ hội quý giá” nhằm mang lại “sự đổi mới” cho các Giáo xứ địa phương.
FABC đặt mục tiêu đóng vai trò quan trọng trong việc “hướng dẫn Giáo hội tại Châu Á hướng tới sứ mạng Hiệp hành” bằng cách chú trọng hơn đến sự tham gia của phụ nữ, sự cam kết của giới trẻ, người nghèo và người bị gạt ra bên lề, và người di cư ở cấp Giáo xứ.
“FABC đóng vai trò là nền tảng của sự hợp tác giữa các Giáo hội địa phương và thúc đẩy các ưu tiên mục vụ chung”, Đức Hồng y Bo cho biết hôm thứ Năm.
“Tiến trình Thượng Hội đồng đã mang lại nguồn năng lượng mới và hy vọng cho tương lai, và Giáo hội tại Châu Á cam kết xây dựng một Giáo hội bao gồm sự tham gia của mọi người và lắng nghe mọi người”, Đức Hồng y Bo cho biết thêm.
Với phiên họp toàn cầu cuối cùng của Thượng Hội đồng về Hiệp hành sắp bế mạc vào ngày 27 tháng 10, Đức Hồng y Bo hy vọng 272 Giám mục tham gia các cuộc thảo luận trong năm nay sẽ khởi sự các Thượng Hội đồng cấp Giáo phận tại các Giáo phận của họ.
“Tôi cũng muốn khuyến khích tất cả các Giám mục và tất cả các Giáo phận rằng — dựa trên những thành quả mà chúng ta thu thập được trong Thượng Hội đồng về Hiệp hành này — chúng ta không bắt đầu và dừng lại ở cuộc họp này [tại Vatican] mà là một nỗ lực liên tục mà chúng ta nỗ lực thực hiện trong tất cả các Giáo hội”, Đức Hồng y Bo phát biểu trong cuộc họp báo vào ngày 17 tháng 10.
Minh Tuệ (theo CNA)