Việc Đức Thánh Cha Lêô XIV nhấn mạnh đức tin vào Chúa Kitô Phục Sinh là điều cốt yếu đối với Giáo hội, đặc biệt là tại châu Âu, theo nhận định của Đức Hồng y Angelo Bagnasco người Ý.
Trong cuộc phỏng vấn với ACI Stampa – đối tác ngôn ngữ Ý của CNA – nguyên Tổng Giám mục Địa phận Genoa và nguyên Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý cho biết bài huấn từ đầu tiên của Đức Thánh Cha Lêô sau khi được bầu chọn vào ngày 8 tháng 5 chính là lời mời gọi các tín hữu Công giáo đào sâu đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô là trung tâm điểm.
“Đức Thánh Cha đã bắt đầu triều đại của ngài với lời chào ‘Bình an cho anh chị em’, và ngay lập tức tiếp tục bằng ‘đó là bình an của Chúa Kitô Phục Sinh’”, Đức Hồng y Bagnasco chia sẻ với ký giả Marco Mancini của ACI Stampa. “Hai điều này không thể tách rời, vì nếu không, sứ điệp của Đức Thánh Cha sẽ bị bóp méo”.
“Bình an đến từ Chúa Kitô Phục Sinh, trong chừng mực chúng ta để mình được Ngài ôm lấy”, Đức Hồng y Bagnasco tiếp tục. “Nếu chúng ta quên đi vị thế trung tâm này, thì chúng ta quên đi nền tảng của mọi nền tảng, chính là Chúa Giêsu”.
Theo Đức Hồng y Bagnasco, việc Đức Thánh Cha Lêô XIV trích dẫn các Giáo phụ trong nhiều bài giảng và huấn từ trước công chúng từ khi khởi đầu sứ vụ không phải là điều ngẫu nhiên, trong đó có “một trong những lời diễn đạt sâu sắc nhất của Thánh Augustinô: ‘Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, và tâm hồn con luôn khắc khoải cho đến khi được nghỉ ngơi trong Chúa'”.
Than phiền về sự gia tăng của chủ nghĩa thế tục đang xói mòn đức tin của các cá nhân và xã hội, vị Hồng y 82 tuổi người Ý nói rằng châu Âu hiện rất cần lắng nghe sứ điệp của Đức Thánh Cha Lêô để tái khám phá căn tính và đức tin nơi “dung mạo của Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô”.
“Đáng tiếc thay, đây là một thực trạng không phải mới phát sinh mà đã kéo dài nhiều thập kỷ, như chúng ta đã biết”, Đức Hồng y Bagnasco nói với ký giả Mancini. “Dường như lục địa Âu Châu đang quên đi cội nguồn của mình, và điều này không hề tích cực đối với châu Âu, vì nó đồng nghĩa với việc quên đi chính khuôn mặt của mình”.
“Đó là quên rằng cuộc gặp gỡ giữa Giêrusalem, Athena và Rôma đã diễn ra tại châu Âu”, ngài nói thêm.
Dù không thể tham dự Mật nghị Hồng y ngày 7–8 tháng 5 bầu chọn Đức Tân Giáo hoàng Lêô XIV vì đã quá tuổi quy định, Đức Hồng y Bagnasco vẫn tham dự 12 Phiên họp chung trước Mật nghị để cùng suy tư về hiện trạng của Giáo hội và phân định những phẩm chất cần có nơi vị kế nhiệm Thánh Phêrô.
“Điều mà chúng ta luôn kỳ vọng nơi Đức Thánh Cha – và toàn thể thế giới Công giáo, thậm chí cả ngoài Công giáo, cũng kỳ vọng – đó là ngài trở thành điểm quy chiếu, là sự khẳng định đức tin”, Đức Hồng y Bagnasco nói trong cuộc phỏng vấn. “Sứ mạng mà Chúa Kitô đã trao cho Phêrô là loan báo một đức tin mạnh mẽ, rõ ràng, minh nhiên, và đồng thời là tinh thần bác ái Tin Mừng phát xuất từ đức tin ấy”.
Bàn về tính liên tục trong lịch sử Giáo hội và các vị Giáo hoàng, Đức Hồng y Bagnasco cho biết Đức Thánh Cha Lêô XIV kế vị những vị tiền nhiệm vốn đã, với tầm nhìn và những đặc sủng riêng, tìm cách dẫn dắt Giáo hội và củng cố đức tin của các tín hữu giữa một thế giới đầy thử thách.
“Thánh Gioan Phaolô II đã lãnh đạo Giáo hội với sức mạnh có tính biến đổi từ nhân cách của ngài; trước đó là Thánh Phaolô VI với biến cố trọng đại là Công đồng Vaticanô II”, Đức Hồng y Bagnasco chia sẻ với ký giả Mancini. “Đức Bênêđictô XVI là bậc thầy vĩ đại trước chủ nghĩa hiện đại đang quên lãng Thiên Chúa, và cùng với Thiên Chúa, quên lãng con người”.
Ngài tiếp tục: “Rồi đến Đức cố Giáo hoàng Phanxicô, ngài hết sức bận tâm đến những thách đố của thời đại như các cuộc chiến tranh đang diễn ra, các vấn đề liên quan đến môi trường, cũng như làn sóng di dân từ lục địa này sang lục địa khác để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Minh Tuệ (theo CNA)