Giáo Hội tại Châu Á cần giúp đỡ các gia đình khám phá Đức Kitô nơi chính mình và nơi những người khác – Đức Hồng y George Alencherry, vị lãnh đạo Giáo hội Syro-Malabar, một trong hai nghi lễ Đông phương ở Ấn Độ, phát biểu.
“Tất cả chúng ta cần phải tìm gặp Chúa Kitô trong chính mình và giúp người khác khám phá ra Ngài trong cuộc sống của gia đình và dân tộc chúng ta; đó là truyền giáo” – Đức Hồng y nói với các tham dự viên của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC).
Vị Hồng y 71 tuổi chủ sự Thánh lễ theo nghi lễ Syro-Malabar vào ngày 02 tháng 12, ngày thứ tư của Đại hội toàn thể FABC đang diễn ra ở Negombo, khoảng 40 km về phía bắc thủ đô Colombo của Sri Lanka.
Thánh Lễ được cử hành bằng tiếng Anh, với những bài thánh ca bằng tiếng Syria, tiếng Hindi, tiếng Tamil và tiếng Sinhala, chưa kể tiếng Malayalam. Đức Hồng y Alencherry đọc Kinh nguyện Thánh Thể trong Thánh Lễ bằng tiếng Syriac.
Dàn hợp xướng gồm các thanh thiếu niên chủ yếu là người Sinhalese của Nhà thờ Padre Pio, Athurugiya. Họ đã chuẩn bị cho Thánh Lễ suốt hơn một tháng cùng với một tu sĩ Dòng Phanxicô là Cha Jerome Kuriadan, một linh mục đến từ Kerala và làm việc tại Colombo.
Đây là lần thứ hai FABC tổ chức một Thánh Lễ trong một nghi lễ không phải nghi lễ Latin, theo lời Đức Hồng y Alencherry, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Ernakulam-Angamaly ở Kerala, miền nam Ấn Độ. Ngài cũng là người đứng đầu Hội đồng Giám mục Công giáo Syro-Malabar.
Hầu hết gần 145 đại biểu Đại hội FABC lần này đều là những người lần đầu tiên tham dự Thánh Lễ theo nghi lễ Syro-Malabar.
Chủ đề của Đại hội: “Gia đình Công giáo Á Châu: Hội Thánh tại gia của người nghèo, thi hành sứ vụ thương xót”. Đề cập đến chủ đề này, Đức Hồng y Alencherry nói rằng các giám mục phải khám phá ra Chúa Kitô trong cuộc sống của họ và giúp đỡ các gia đình làm điều tương tự, khi họ khám phá cách thực thi lòng thương xót, là trở thành một Giáo hội của người nghèo.
“Nhiệm vụ thực thi lòng thương xót của chúng ta đối với các gia đình cũng đồng thời có thể là sự khám phá Chúa Kitô cho chính mình và cho các gia đình của chúng ta. Đó là nhiệm vụ chung của Giáo hội – các giám mục, linh mục, những người sống đời sống thánh hiến và các gia đình. Một nhiệm vụ chung” – ngài nói thêm.
Đức Hồng y lưu ý rằng các gia đình châu Á hiện diện trong một môi trường đa tôn giáo, bị ảnh hưởng bởi những niềm tin khác. Ngài nói: các tôn giáo Á Châu cố gắng khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong khi các Kitô hữu tin rằng Chúa Kitô chính là món quà độc đáo của Thiên Chúa ban cho thế giới.
“Thiên Chúa là Lòng Thương Xót và Chúa Giêsu Kitô biểu lộ khuôn mặt của lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta. Trong quá khứ, các mục tử, trong một mức độ nào đó, có vẻ như đã lãng quên thực tế này và chỉ nhấn mạnh các đòi hỏi của luật lệ và quy định trong Giáo Hội, quên đi lòng thương xót của Thiên Chúa, lòng thương xót mà Ngài muốn ban cho chúng ta qua việc thực thi luật pháp” – Đức Hồng y nói thêm .
Đức Hồng y công nhận rằng mọi người, bao gồm cả các Kitô hữu, không hoàn toàn hiểu được sự hiện diện của Chúa Kitô trong toàn thể thế giới như thánh Phanxicô Assisi đã khám phá ra.
“Chúng ta phải làm cho hàng trăm hàng ngàn gia đình của chúng ta gặp Chúa Giêsu trong cuộc sống của họ và nhận được phước lành của Ngài. Hãy làm tất cả công việc này vì lợi ích của Giáo hội và vì tiến trình hòa giải hòa bình tại đất nước này”, Đức Hồng y nói thêm.
Ngọc Huỳnh chuyển ngữ