Đức Giêsu vào Giêrusalem trên lưng lừa

Trong cuộc kiệu lá, Hội Thánh công bố bài Tin Mừng kể lại biến cố Đức Giêsu tiến vào thành Giêrusalem trên lưng lừa.

Le la 2Đức Giêsu đang trên đường từ Giêrikhô lên Giêrusalem. Khi đã có thể nhìn thấy Bêtania từ triền núi Ôliu, Đức Giêsu dừng lại. Người sai hai môn đệ và bảo: “Các anh đi vào làng trước mặt kia. Tới nơi, sẽ thấy ngay một con lừa con chưa ai cưỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và đem nó về đây. Nếu có ai bảo: “Tại sao các anh làm như vậy? “, thì cứ nói là Chúa cần đến nó”. Các ông ra đi và thấy một con lừa con cột như Chúa đã nói. Các ông liền cởi dây lừa ra. Chủ con lừa nói với các ông: “Các anh cởi con lừa ra làm gì vậy?” Hai ông trả lời như Đức Giêsu đã dặn. Và họ để mặc các ông.

Cho đến thời điểm này, Đức Giêsu là một người hầu như luôn luôn di chuyển, không hoạt động cố định ở một nơi nào mà đi khắp xứ sở. Nhưng thường thì Người đi bộ, hoặc đôi lần đi thuyền trên hồ. Lần này, trước khi vào Giêrusalem, Người lại sai hai môn đệ đi chuẩn bị cho Người một con lừa để cưỡi. Người muốn vào thành thánh trên lưng lừa.

Vậy hai môn đệ đem con lừa về cho Đức Giêsu, lấy áo choàng của mình trải lên lưng nó, và Đức Giêsu cưỡi lên. Chi tiết này đồng thời vừa cho thấy thẩm quyền của Đức Giêsu vừa cho thấy sự nghèo khó của Người. Trong tư cách là Chúa, Người ra lệnh đem đến cho Người con lừa mà trước Người, chưa ai cưỡi trên đó bao giờ. Nhưng con lừa đó lại không phải là tài sản của Người. Đó là con lừa đi mượn. Trên con lừa đó chẳng có lấy một cái yên; các môn đệ phải trải áo trên lưng nó để làm cái yên cho Người ngồi.

Rồi Người tiến vào Giêrusalem. Những người Do Thái cùng đi với Đức Giêsu vào thành thánh cũng thực hiện những hành vi rất lạ, chắc hẳn đã gây không ít ngạc nhiên cho mọi người chứng kiến. Nhiều người cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải. Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: “Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!”.

Bằng hành động và bằng lời nói, họ nhận Đức Giêsu là vua và là Đấng đem lại niềm hy vọng lớn lao cho họ. Khi dùng lời Tv 118,26 “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!”, dân chúng tuyên nhận rằng Đức Giêsu chính là Đấng được Thiên Chúa sai đến; Người sẽ thực hiện sứ mạng do Thiên Chúa trao phó, là mang lại cho dân phúc lành và sự trợ giúp quyền năng của Thiên Chúa. Họ tràn ngập hy vọng rằng Đức Giêsu đang mang đến cho họ triều đại Đavít, tổ phụ của họ. Thực ra, chính Đức Giêsu từng công bố một Vương Triều đã đến gần, nhưng đó là Nước Thiên Chúa chứ không phải triều đại Đavít.

Cách thức Đức Giêsu đi vào Giêrusalem trên lưng lừa tương ứng một cách rõ ràng với những gì đã được loan báo trong Dcr 9,9-10: “Nào thiếu nữ Xion, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ. Người sẽ quét sạch chiến xa khỏi Épraim và chiến mã khỏi Giêrusalem; cung nỏ chiến tranh sẽ bị Người bẻ gãy, và Người sẽ công bố hoà bình cho muôn dân. Người thống trị từ biển này qua biển nọ, từ sông Cả đến tận cùng cõi đất”. Bằng chính hành động mang tính biểu tượng của mình, Đức Giêsu muốn cho các đồ đệ và đám đông dân chúng biết Người là ai. Dân chúng cần phải ý thức rằng Người chính là vị vua đã được loan báo. Nhưng họ cũng phải ý thức rằng Người không phải là vị vua của bạo lực, mà là Vua khiêm tốn, Vua bình an, Vua công bố hòa bình.

Có vẻ dân chúng đã phần nào hiểu được ý nghĩa của điều Đức Giêsu đang muốn nói với họ. Họ đã đảm nhận vai trò của các thiếu nữ Xion mà ngôn sứ Dacaria đã loan báo. Họ vui sướng reo hò đón Người. Nhưng thực ra, họ mới chỉ hiểu đúng có một nửa. Trong phần thứ nhất của lời tung hô, dân chúng đã đúng khi nhận rằng Đức Giêsu chính là Đấng Thiên Chúa sai đến, và rằng Người là vua. Nhưng họ chưa hiểu đúng về vương quyền mà Đức Giêsu sẽ thi thố tại Giêrusalem. Điều đang được Người diễn tả bằng hành động biểu tượng sẽ cần phải được đào sâu. Những gì Người sẽ thực hiện ở Giêrusalem trong những ngày sắp tới sẽ minh định cho họ biết căn tính và sứ mạng đích thực của Người. Le La 1

Ý nghĩa quan trọng nhất của câu chuyện nằm ở chỗ: Đức Giêsu thực hiện một hành động đặc biệt trong quy chiếu rõ ràng về Kinh Thánh và cho thấy sự hoàn thành của lời Kinh Thánh. Vị Vua mà Thiên Chúa sai đến đã hiện diện đây rồi. Sự kiện Người đến và cùng với sự kiện ấy là Nước của Người, thì hoàn toàn khác hẳn sự giá lâm và vương quyền của một ông vua thế tục. Người không đến với quân đội, hay cảnh sát, hay vũ khí, hay vinh quang, hay quyền bính… Người chỉ khiêm tốn cưỡi trên một chú lừa con mà môn đệ mượn về cho Người, rồi Người sẽ trả chú lừa con đó cho chủ nó và cùng với đoàn người hành hương đi bộ vào dự lễ.

Người ta sẽ phải và có thể chờ đợi điều gì từ vị Vua khiêm tốn của hòa bình đó? Chắc chắn không thể lấy những thước đo và giá trị trần gian để đánh giá Người, vì rõ ràng Người không hành xử theo những thước đo và giá trị đó. Trái lại, Người chỉ một lòng tin tưởng tuyệt đối nơi Thiên Chúa và hoàn toàn để cho mình được hướng dẫn bởi thánh ý Thiên Chúa. Những người Do Thái đang đảm nhận vai trò của các thiếu nữ Xion theo lời ngôn sứ Dacaria sẽ phải điều chỉnh cách hiểu của họ về vương quyền mà Đức Giêsu đang thực hiện.

Tâm tình của Đức Giêsu khi đi vào Giêrusalem giữa tiếng reo hò của dân chúng chắc chắn sẽ không phải là một ý chí hùng bá với một chương trình hành động uy quyền, mà là tâm tình vâng phục trọn vẹn trong mầu nhiệm tự hủy, như thánh Phaolô trình bày trong bài đọc II của Lễ Lá hôm nay: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).

Hôm nay, chúng ta mở đầu Tuần Thánh bằng việc lặp lại lời tung hô và sự hân hoan của đám đông Do Thái xưa khi Đức Giêsu ngồi trên lưng chú lừa con mà tiến vào Giêrusalem. Nhưng nhiệm vụ của chúng ta không phải là quỳ xuống trước vị vua của những khao khát và ý tưởng hùng bá như người Do Thái xưa, mà là buông mình để cho Đức Giêsu hướng dẫn, hoàn toàn cùng với Người phó thác cho quyền năng của Thiên Chúa và cùng với Người đi vào cuộc khổ nạn đau thương. Có lẽ đó phải là một trong những điểm nhấn quan trọng của Lễ Lá hôm nay.

Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết