Đức Giêsu lại thất bại

Trong bài Tin Mừng của Chúa Nhật trước, chúng ta thấy Đức Giêsu đã phải thất bại thảm hại ngay tại quê hương của Người. Bài Tin Mừng Chúa Nhật này (Mc 6,7-13) lại cho thấy một thất bại khác của Người: một thất bại trong việc huấn luyện các môn đệ.

mc-67-13104728

Tác giả Mc kể: “Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền năng trên các thần ô uế. Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo. Người bảo các ông: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.” Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ” (6,7-13).

Khi thiết lập Nhóm Mười Hai (3,13-15), Đức Giêsu rõ ràng nhắm hai mục tiêu quan trọng: để họ ở với Người và để Người sai họ đi rao giảng. Bây giờ Đức Giêsu sai họ đi, từng hai người một. Nhưng cần chú ý một điều quan trọng: tác giả Mc không viết rằng Người “sai họ đi rao giảng”, như ông đã viết rất rõ ràng trong trình thuật về việc thiết lập Nhóm Mười Hai, mà chỉ viết “Người bắt đầu sai họ đi từng hai người một”. Chắc chắn đây là một sự khác biệt có ý nghĩa. Vấn đề là Người sai họ đi làm gì, nếu không phải là rao giảng?

Thực ra, mục tiêu “để họ ở với Đức Giêsu” không chỉ có nghĩa là để họ hiện diện gần gũi hay bên cạnh Người về phương diện thể lý, mà sâu xa hơn, đó phải là sự đón nhận và thấm nhuần chính con người và sứ điệp của Đức Giêsu. Một trong những điểm chính yếu trong sứ điệp mà Đức Giêsu rao giảng, từ trước khi thiết lập Nhóm Mười Hai, trong khi Người hoạt động tại Capharnaum (2,1-13), cũng như sau khi Người đã thiết lập Nhóm Mười Hai, trong diễn từ bằng các dụ ngôn (4,1-35), là sứ điệp về tính chất phổ quát của Nước Thiên Chúa. Trong sứ điệp đó không có chỗ cho những lý tưởng về các ưu vị của dân Do Thái so với các dân ngoại, cũng không có chỗ cho lý tưởng phục hưng vinh quang quốc gia và dân tộc Israel. Trái lại, Đức Giêsu nhấn mạnh sự bình đẳng của mọi người, bất chấp Do Thái hay dân ngoại, trong lãnh vực ơn cứu độ của Thiên Chúa. Trong thực tế, Nhóm Mười Hai vẫn chưa hiểu, hay ít nhất là chưa chấp nhận và càng chưa thấm nhuần sứ điệp quan trọng này. Theo những chỉ thị của Đức Giêsu dành cho các ông trong lần sai đi này, như chúng ta sẽ suy niệm dưới đây, thì rõ ràng một trong những điểm nhấn chính yếu mà Đức Giêsu đang nhắm tới, chính là để các ông sống trong thực tế cái điểm cốt yếu của sứ điệp đó. Vì thế, có lẽ mục đích của lần sai đi này chưa phải là để các ông rao giảng như trong 3,14, mà là để các ông được trải nghiệm thực tế, từ đó học cho biết thế nào là đòi hỏi của việc sống sứ điệp mà Đức Giêsu đang công bố.

Vì thế, khi sai các ông đi, Đức Giêsu “ban cho các ông quyền năng trên các thần ô uế”. Khi nói về việc thiết lập Nhóm Mười Hai, tác giả Mc ghi rõ ràng rằng Đức Giêsu sẽ sai các ông đi rao giảng “với quyền trừ quỷ” (3,15). Trong lần sai đi này, Người chưa ban cho các ông quyền trừ quỷ, mà chỉ “ban cho các ông quyền năng trên các thần ô uế”. Quyền năng này không đương nhiên bao hàm quyền trừ quỷ. Thật ra, tinh thần xấu xa (hay thần ô uế) trước hết không phải là một thế lực thần thiêng, mà có thể chỉ là những lý tưởng và nguyên lý sai lạc đang chi phối tâm tưởng người ta, ví dụ như những nguyên lý và lý tưởng về ưu vị Do Thái so với dân ngoại trong lãnh vực cứu độ, hay những nguyên tắc sống vụ luật đến độ coi “con người vì ngày Sabát” thay vì “ngày sabát vì con người” (x.1,27), hay lý tưởng Mêsia đắc thắng… Chính Đức Giêsu đã từng phải đưa các môn đệ “sang bờ bên kia” để tránh ảnh hưởng của cái tinh thần xấu xa và sai lạc đó trên các ông (x. 4,35tt). Vậy “Người ban cho các ông quyền năng trên các thần ô uế” trước tiên có lẽ là để các ông vượt thắng những tác động tiêu cực của các lý tưởng và tinh thần không phù hợp với con người và sứ điệp của Người, ngõ hầu họ có thể “ở với Người” một cách trọn vẹn thực sự, tức là gắn bó với bản thân Người và thấm nhuần sứ điệp của Người.

Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo” (cc.8-9). Những chỉ thị này thật rõ ràng. Không có bất cứ thứ gì mang dáng dấp của tâm tính tìm sự bảo đảm, dù là tối thiểu. Để sống còn, họ sẽ phải hoàn toàn tùy thuộc vào lòng tốt của dân chúng. Và do đó, họ sẽ phải tin tưởng hoàn toàn vào lòng tốt của con người, dù đó là người Do Thái hay là người ngoại. Họ sẽ không được tự tại nơi mình, nhưng tùy thuộc vào tha nhân. Họ phải tin vào giá trị và sự tồn tại thực của tình huynh đệ và của tình liên đới. Họ sẽ cảm thấy mình cần đến tha nhân hơn là người khác cần đến mình.

Nếu theo đúng những chỉ thị của Đức Giêsu về hành trang (cc.8-9), thì các môn đệ không cần phải chuẩn bị gì, một chỉ phải làm việc duy nhất: lên đường. Họ không được mang lương thực, cũng chẳng được mang bao bị để đựng những thứ người ta bố thí cho, vì họ không phải là những người đi ăn xin. Và như thế, họ không được bận tâm ngay cả đến việc sẽ ăn gì sau vài tiếng nữa để có thể tiếp tục hành trình. Họ phải chứng tỏ một tinh thần tuyệt đối không dính bén đến bất cứ thứ gì. Họ cũng sẽ không mang theo tiền bạc, cho dù là vài đồng tiền giắt lưng, tức là thứ tiền mệnh giá cực thấp, thứ tiền mà chỉ những người rất nghèo mới mang theo mình nơi giắt lưng. Họ sẽ hoàn toàn sống trong sự tin tưởng vào lòng tốt của tha nhân.

Trong chỉ thị về những thứ họ mang theo, Đức Giêsu chỉ nói đến cây gậy và đôi dép, tức là những thứ cần thiết cho một cuộc hành trình dài. Họ không được mặc hai áo như những người khá giả trong xã hội bấy giờ. Chiếc áo, trong quan niệm của người đương thời, không chỉ là thứ che thân, mà còn là dấu hiệu phản ánh giai tầng xã hội của người mang áo. Các môn đệ phải thuộc về giai tầng xã hội khiêm tốn, chứ không phải tầng lớp giàu có và quyền thế.

Sau khi đã đưa ra những chỉ thị về hành trang, Đức Giêsu nói về những phản ứng và cách thức hành xử mà các ông phải có: “Người bảo các ông: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ” (cc.10-11). Đối với người Do Thái, việc phải bước vào và nhất là phải dùng bữa trong nhà một người ngoại, là một việc rất khó khăn, và thông thường, khi thực hiện những cuộc hành trình, họ thường ngụ lại nơi nhà một người Do Thái khác để tránh khó khăn đó. Đặt trong thói tục và não trạng đó của người Do Thái, thì cách hành xử mà Đức Giêsu yêu cầu ở đây là đối ngược hẳn. Các môn đệ được sai đi phải vào bất cứ nhà nào, ngay cả khi đó là nhà những người ngoại, tức là những người vốn bị dân Do Thái khinh thường và coi là ô uế. Họ còn phải ở lại đó và sống tùy thuộc hoàn toàn vào sự đón tiếp của những người ngoại đó. Như thế là họ sẽ không thể tôn trọng các quy định sạch – dơ theo quan điểm Do Thái, nhất là về phương diện ăn uống. Điều họ phải chứng tỏ là lý tưởng về một nhân loại đại đồng vượt quá mọi ý thức hệ và sự phân biệt tôn giáo. Họ đón nhận mọi sự tiếp đón chứ không tìm cách để có được những nơi chốn có điều kiện tốt hơn: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi”.

Một chi tiết đáng chú ý: tác giả Mc không nói gì đến “hội đường” hay cái gì đó tương tự. Nói về nơi đến của những kẻ được sai đi, Đức Giêsu chỉ đề cập tới “nhà” và “nơi”, tức là những yếu tố có thể gặp được ở bất cứ vùng nào, ngay cả trong xứ Galilê, chứ không phải là những yếu tố chỉ có thể gặp được ở những nơi có cộng đoàn Do Thái, cũng không phải là những yếu tố chỉ có thể gặp được nơi thành thị.

Tuy nhiên, họ cũng được chuẩn bị trước cho trường hợp bị từ khước, như chính Đức Giêsu đã từng bị khước từ: “Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ”. Có một chi tiết đáng chú ý ở đây. Khi nói đến việc ở lại, thì Đức Giêsu nói đến “nhà” đón tiếp những người được sai đến. Nhưng khi nói về sự bỏ đi vì không được đón tiếp, thì Người đề cập đến “nơi” từ khước, tức là tất cả tập thể từ khước. Và như thế, người được sai đi phải tận dụng mọi cơ hội, dù là rất nhỏ bé, để tiếp cận với dân chúng.

Sau khi đã nhận lãnh những chỉ thị và hướng dẫn của Đức Giêsu, “các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ” (cc.12-13).

Tác giả không nói các ông đi đến những nào và trong thời gian bao lâu. Nhưng rõ ràng những gì các ông thực hiện không phù hợp với những chỉ dẫn mà Đức Giêsu đã ban cho. Tác giả nói đến ba hoạt động của các ông: trước hết, các ông rao giảng kêu gọi người ta sám hối; thứ hai, các ông trừ quỷ; và thứ ba, các ông xức dầu cho người đau ốm và chữa họ. Không có hoạt động nào trong ba hoạt động đó đã được xuất hiện trong chỉ thị của Đức Giêsu khi Người sai các ông đi.

Các ông thành công trong những hoạt động mà các ông đã thực hiện. Nhưng Đức Giêsu lại thất bại. Người thất bại trong một việc đào tạo các ông. Các ông không hiểu đúng những gì Người muốn các ông hiểu. Và sự “không hiểu đúng” này của các ông chưa dừng lại… Suy niệm về thất bại này của Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi khiêm tốn cảnh tỉnh chính mình trước hết. Chúng ta không khá hơn Nhóm Mười Hai đâu! Chúng ta càng không được tuyệt vọng khi phải đối diện với những giới hạn của con người hay là những sự họ “không hiểu đúng” ý của Đức Giêsu… Chúa vẫn phải kiên nhẫn với tất cả chúng ta, như Người đã từng phải kiên nhẫn trong việc huấn luyện Nhóm Mười Hai xưa kia vậy…

Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết