Chính những sự kiện trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu đã làm phá sản mọi cách giải thích mang tính chính trị – thế tục về vương quyền của Ngài, và đòi hỏi phải nối kết vương quyền ấy vào với Thiên Chúa trong khung cảnh lòng tin. Cuộc khổ nạn đã khắc họa nghịch lý của lòng tin vào một Đấng Kitô chịu đóng đanh, lòng tin vào một Đức Kitô bị chính dân của Người từ chối (Mt 27,15-26) và bị đám lính ngoại giáo nhạo báng (Mt 27,27-31). Vương quyền được cao rao và tung hô trong cuộc rước lá vào thành Giêrusalem là vương quyền của Đấng Kitô đó, chứ không phải vương quyền của một vị vua theo nghĩa chính trị – thế tục.
Bài đọc thứ nhất của Thánh Lễ hôm nay (Is 50,4-7) được trích trong Bài ca thứ ba về Người Tôi Trung của Đức Chúa: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng” (cc.6-7).
Bài Tin Mừng của Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay là trình thuật Thương Khó theo Thánh Mátthêu (Mt 26,14-27,66). Nhưng trong bài suy niệm này, đặt trong lời gợi ý từ câu 6 của bài đọc thứ nhất, chúng ta sẽ chỉ dừng lại ở một chi tiết của cuộc khổ nạn: Đức Giêsu bị quân lính cười nhạo (Mt 27,27-31), vốn là một trong những sự kiện trái ngược hẳn với cảnh tượng Đức Giêsu được rước vào Giêrusalem mà bài Tin Mừng được công bố trong nghi thức rước lá đã tường thuật.
“Bấy giờ lính của tổng trấn đem Đức Giêsu vào trong phủ đường, và tập trung cả cơ đội quanh Người. Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ, rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: “Vạn tuế Đức Vua dân Do-thái!” Rồi chúng khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy mà đập vào đầu Người. Chế giễu chán, chúng lột áo choàng ra, và cho Người mặc áo lại như trước, rồi điệu Người đi đóng đinh vào thập giá” (Mt 27,27-31).
Sau khi bản án tử hình Đức Giêsu được quyết định, quân lính của Philatô bước lên sân khấu. Kể từ lúc này, họ sẽ là chủ từ của một loạt các động từ có nội dung là các hành động nhắm vào một đối tượng duy nhất là chính bản thân Đức Giêsu. Theo Mt và Mc, ông Philatô, trong quyết định cuối cùng, đã truyền đánh đòn và đóng đinh Đức Giêsu. Hai tác giả tin mừng Mt và Mc đã không kể gì về việc đánh đòn, nhưng, các ông đã tường thuật việc quân lính cười nhạo Đức Giêsu như là hành động đầu tiên của họ. Điều đáng nói là họ đã không hề được truyền phải làm như thế. Trong Lc không có sự kiện này. Trong Ga 19,2-3 có sự kiện Đức Giêsu bị cười nhạo, ngay sau khi Ngài bị đánh đòn, nhưng cả việc cười nhạo lẫn việc đánh đòn trong Ga đều được kể trước khi có bản án tử hình và rõ ràng đó là các sự việc có mục đích xoa dịu những đối thủ của Đức Giêsu và tranh thủ sự đồng tình của họ với quyết định tha Đức Giêsu. Nói cách khác, sự kiện quân lính cười nhạo Đức Giêsu trong Mt 27,27-31 là một sự kiện đặc biệt đối với Mt và Mc.
Trình thuật Mt 27,27-31 kể lại rất nhiều hành động. Tất cả đều do quân lính thực hiện và đều trực tiếp nhắm vào Đức Giêsu. Sau phần chuẩn bị cho trình thuật (c.27), tác giả kể lại việc Đức Giêsu bị chế diễu (cc.28-30) và việc quân lính đẩy Ngài trở lại tình trạng trước đó (c.31). Quân lính cư xử với Đức Giêsu như đứa trẻ chơi đùa với những đồ chơi hay với một con búp bê trong tay mình: thay áo và làm những thứ mà nó muốn.
Trong phần chuẩn bị (c.27), quân lính dẫn Đức Giêsu vào phủ đường rồi tập trung cả cơ binh lại quanh Ngài. Trong ngữ cảnh của chúng ta, chỉ duy câu 27 nói đến quân lính (trong Mt còn 2 chỗ nữa: 8,9 và 28,12), được tác giả tin mừng xác định rõ là quân lính của tổng trấn. Phủ đường là trụ sở của tổng trấn Rôma và là biểu tượng của quyền lực chính trị trong thành phố Giêrusalem. Một cơ đội là 1/10 của một quân đoàn; mỗi cơ đội gồm 600 quân.
Sự chế diễu Đức Giêsu (27,28-30) như là vua Do Thái, trong Mt, gồm 3 phần: (1) quân lính cho Đức Giêsu những biểu hiệu chế diễu vương quyền, (2) chúng nhái những hành động tôn kính các vua, và cuối cùng là (3) chúng khạc nhổ vào Ngài với tất cả những gì kinh khủng sống sượng nhất.
Những biểu hiệu của vua là áo bào, triều thiên và vương trượng. Tất cả những thứ đó đều đã được đem trao cho Đức Giêsu, nhưng không phải là áo bào, triều thiên và vương trượng thật, mà là những đồ vật tầm thường để chế diễu Ngài. Chúng khoác cho Ngài một chiếc áo choàng đỏ tía. Chiếc áo choàng là áo kiểu đặc trưng của lính, còn màu đỏ là màu của chiến tranh. Thay vì triều thiên bằng vàng, chúng đặt lên đầu Ngài một vòng gai. Một cây sậy được đặt nơi tay phải của Ngài, thay thế cho chiếc vương trượng. Phẩm chất của các biểu hiệu đó diễn tả cách thức quân lính nhìn nhận về bản chất vương quyền của Đức Giêsu, một nạn nhân đang nằm trong tay chúng. Tác giả Tin Mừng không hề nói rằng chúng đã bắt Đức Giêsu ngồi.
Việc quỳ gối và cất tiếng tung hô là những hành vi bình thường để tỏ lòng tôn kính đối với một vị vua và để bày tỏ sự thần phục đối với quyền uy của vị vua đó. Các hành vi ấy đã được quân lính thực hiện, nhưng được làm với một cách thức chế diễu và xúc phạm. Lời tung hê của bọn lính lặp lại cái tước hiệu vốn đã chiếm vị trí ưu tiên trong suốt phần thẩm vấn của vị tổng trấn (27,11), và cho thấy đâu là ý tưởng trực tiếp thúc đẩy cách hành xử của quân lính. Chúng đã thực hiện cho Đức Giêsu những gì mà chúng nghĩ về một vị vua Do Thái!
Hành động của đám lính kết thúc bằng những hành vi bỉ ổi sống sượng được thực hiện đối với con người đang phải nằm trong tay chúng, một con người ở thế yếu và không thể làm bất cứ điều gì để tự bảo vệ mình được. Chúng khạc nhổ vào Ngài, một hành vi diễn tả tất cả sự khinh thường tột cùng. Rồi chúng giựt cây sậy trong tay Ngài mà đập lên đầu Ngài. Động từ “đập” này là động từ duy nhất trong đoạn văn được chia ở thời vị hoàn, diễn tả sự lặp đi lặp lại và tính chất kéo dài của cách cư xử đầy xúc phạm này.
Phần kể về việc mặc lại cho Đức Giêsu tình trạng trước đây của Ngài, trong Mt 27,31, có vai trò làm cầu nối việc Philatô trao Đức Giêsu cho quân lính (Mt 27,26) với trình thuật về việc điệu Đức Giêsu lên Golgotha (Mt 27,32-38). Quân lính đã có thể lột chiếc áo bình thường của Đức Giêsu, thì bây giờ, chúng cũng có thể mặc nó lại cho Ngài. Sau khi đã tha hồ làm những gì mình thích, quân lính quay ra thực hiện mệnh lệnh đã được truyền cho chúng. Chúng dẫn Đức Giêsu đi đóng đinh thập giá.
Theo một nghĩa, phải công nhận rằng sự kiện Đức Giêsu bị quân lính của Philatô nhạo cười không phải là một bước quan trọng và quyết định đưa đến sự chết của Đức Giêsu. Tuy nhiên, nó khai triển đề tài vương quyền của Đức Giêsu, là điểm nổi bật, theo Mt và Mc, trong cuộc thương lượng trước toà Philatô. Trong cuộc tra vấn Đức Giêsu, đề tài đó đã được Philatô quan tâm một cách đặc biệt và cũng là đề tài được bị can Giêsu lên tiếng trả lời. Trong những cuộc luận nghị về số phận của Đức Giêsu, Philatô đã lặp đi lặp lại đề nghị phóng thích vua dân Do Thái (Mc 15,9.12), phóng thích Đấng Kitô (Mt 27,17.22), nhưng cũng chính trong sự quy chiếu về vai trò này mà Đức Giêsu đã bị dân chúng gào lên đòi kết án tử hình thập tự. Rồi sau Philatô và dân chúng, chính những tên lính cũng tập chú vào phẩm tính này của Đức Giêsu. Cách hành xử của bọn lính đối với Đức Giêsu ở Mt 27,27-31 không phải là một cái gì đó đoạn tục với những gì đã được trình bày trong các đoạn trước. Quân lính cư xử thô bạo và thô lỗ không phải là với một ông Giêsu bất kỳ nào đó, mà là với Giêsu vua Do Thái bây giờ đang phải nằm trong tay họ do sự gian tà của dân chúng Do Thái và do sự kết án tử hình của quan tổng trấn Rôma Philatô!
Tất cả tình cảnh và biến cố đó cho thấy rằng cách hiểu tước hiệu “vua Do Thái” theo nghĩa chính trị – thế tục, là một cách hiểu hoàn toàn vô lý.
Đức Giêsu đang ở trong phủ đường, trong trung tâm quyền lực Rôma, và trong tay quân lính, những người làm nên lực lượng chính trong việc gầy dựng và bảo bệ quyền lực Rôma. Ngài hoàn toàn thụ động, không có bất kỳ hành động nào, dù là nhỏ nhất. Đứng trước cái quyền lực mà Ngài đang phải trực tiếp đối diện, Ngài đã không có bất cứ vai trò nào mang tính chủ thể hoạt động, nhưng chỉ hoàn toàn là ở vị thế đối tượng chịu những hành động của các chủ thể khác. Cùng với từng hành động của quân lính, sự kiện rằng quân lính, cho dù không hề được chỉ đạo gì, vẫn đã có thể hành xử lỗ mãng và cay nghiệt như thế đối với Đức Giêsu, đã cho thấy rõ ràng rằng tước hiệu “vua Do Thái” hiểu theo nghĩa chính trị – thế tục chỉ là một danh xưng rỗng không có nội dung và không có một chút nền tảng nào trong thực tế.
Trong tình cảnh như vậy, người ta không thể tránh phải chọn lựa: hoặc cái danh xưng “Vua Do Thái” được gán cho Đức Giêsu là một lời rỗng tuếch, hoặc thực tại xác nhận danh xưng này chắc chắn phải là một thực tại thuộc về một bình diện khác hẳn.
Chính những sự kiện trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu đã làm phá sản mọi cách giải thích mang tính chính trị – thế tục về vương quyền của Ngài, và đòi hỏi phải nối kết vương quyền ấy vào với Thiên Chúa (x. Mt 26,39 và song song) trong khung cảnh lòng tin. Cuộc khổ nạn đã khắc họa nghịch lý của lòng tin vào một Đấng Kitô chịu đóng đanh, lòng tin vào một Đức Kitô bị chính dân của Người từ chối (Mt 27,15-26) và bị đám lính ngoại giáo nhạo báng (Mt 27,27-31). Vương quyền được cao rao và tung hô trong cuộc rước lá vào thành Giêrusalem là vương quyền của Đấng Kitô đó, chứ không phải vương quyền của một vị vua theo nghĩa chính trị – thế tục.
Trong suốt Tuần Thánh này, chúng ta sẽ lắng nghe lời rao giảng về vương quyền ấy, vương quyền được thể hiện và thi thố trong mầu nhiệm thập giá điên rồ. “Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì có lời chép rằng: Ta sẽ huỷ diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông thái. Người khôn ngoan đâu? Người học thức đâu? Người lý sự của thời này đâu? Thiên Chúa lại đã không để cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ đó sao? Thật vậy, thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người. Cho nên Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin. Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1,18-25).
Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.