Đức Giêsu ăn chay 40 ngày và chịu cám dỗ

Bài Tin Mừng của Chúa Nhật I Mùa Chay hôm nay (Mt 4,1-11) kể cho chúng ta sự kiện Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong hoang địa.

hoang diaThần Khí đưa Đức Giêsu vào một hoang địa xác định (bản văn Hy Lạp sử dụng mạo từ xác định), nhưng tác giả Mt không nói rõ hoang địa ấy ở đâu, khác hẳn với trường hợp ông Gioan Tẩy Giả (3,1: hoang địa miền Giuđê). Hoang địa mà Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào, thực ra, chính là hoang địa đã gây ảnh hưởng lớn lao trong suốt chiều dài lịch sử Dân Thiên Chúa. Chủ đề hoang địa gợi cho người đọc suy nghĩ đến hai điều có vẻ mâu thuẫn nhưng thực chất chỉ là hai mặt của cùng một thực tại. (a) Hoang địa nhắc đến thời đại và những kinh nghiệm tôn giáo lý tưởng của Dân; (b) nhưng đồng thời, đó cũng là nơi Dân chịu thử thách và đã kinh nghiệm thế nào là sự bất tuân đối với Thiên Chúa. Hoang địa, như thế, vừa là nơi con người tách mình khỏi trần thế hỗn tạp để được Thiên Chúa thanh luyện, lại cũng vừa là nơi của những thử thách lớn lao mà con người phải trải qua. Nói cách khác, hoang địa được nói đến trong trình thuật hôm nay là một thực tại mang giá trị thần học.

Mục đích của việc Thần Khí dẫn Chúa Giêsu vào hoang địa là “để Người chịu quỷ dữ cám dỗ”. Như thế, đây là một cuộc đối đầu giữa một bên là Thần Khí của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu và bên kia là Satan.

Bài Tin Mừng kể lại ba cuộc cám dỗ xảy đến trong hoang địa. Ba cuộc cám dỗ này báo trước những chống đối và thử thách mà Đức Giêsu sẽ vượt qua trong cuộc đời Mêsia của Người.

Trong hoang địa, Chúa Giêsu ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày (c.2a). Đây không phải là một cuộc chay tịnh theo nghi tiết hay theo lòng đạo đức bình thường, vì những cuộc ăn chay như thế sẽ kết thúc vào lúc mặt trời lặn. Đây là một cuộc chay tịnh ròng rã, không ngắt quãng, suốt 40 ngày và đêm. Tác giả Mc 1,12t không nói gì đến chuyện này, còn tác giả Lc 4,2 thì tránh dùng hạn từ “ăn chay”. Rõ ràng tác giả Mt muốn ám chỉ đến các cuộc chay tịnh của ông Môsê (Xh 34,28; Đnl 9,9-11) và của ông Êlia (1V19,8), tức là của hai khuôn mặt đại diện và bao quát toàn bộ Cựu Ước (Lề Luật và các ngôn sứ).

Cuộc ăn chay ròng rã 40 đêm ngày của Đức Giêsu không phải là để chuẩn bị cũng không phải là để lãnh nhận các ân huệ thần linh. Ân huệ cao cả nhất của Thiên Chúa là chính Thần Khí đã được ban xuống tràn trề trên Người từ ngay sau khi Người chịu phép rửa của ông Gioan rồi. Cuộc ăn chay của Đức Giêsu ở đây, trái lại, có giá trị thể hiện sự trung thành tuyệt đối của Người đối với sự mạng mà Chúa Cha đã trao phó cho Người, ngay cả trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất.

Sau 40 ngày đêm ăn chay, Chúa Giêsu cảm thấy đói (c.2b). “Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!” (c.3).

jesus-orando-en-el-desierto“Tên cám dỗ” đã được xác định danh tính là “quỷ dữ” (diabolos, hạn từ Hy Lạp)  ở câu 1 và sẽ được gọi là “Satan” ở câu 10. Ý nghĩa của cả hai hạn từ Hy Lạp và Hipri trên đây cơ bản giống nhau, đều chỉ về kẻ chống đối, kẻ thù nghịch. Tên cám dỗ xuất hiện để tìm cách làm cho Đức Giêsu lạc xa chương trình của Thiên Chúa. Nó tìm cách dẫn Đức Giêsu đến chỗ làm thay đổi bản chất và ý nghĩa sứ mạng Mêsia của Người.

Vậy tên cám dỗ đã bắt đầu bằng cách nói với Đức Giêsu: “Nếu ông là Con Thiên Chúa”. Nó đề nghị Đức Giêsu ý thức về tư cách Người là Con Thiên Chúa, tức là Đấng Mêsia. Rồi nó xúi Đức Giêsu dùng quyền năng Mêsia truyền cho hòn đá thành bánh để giải quyết một vấn đề của chính bản thân Người, vì Người đang cảm thấy đói. Quả thật, Đức Giêsu có thừa quyền năng để biến hòn đá này thành bánh; sau này, Người sẽ sử dụng quyền năng của Người ít là hai lần để làm cho bánh hóa nhiều, nuôi những đám đông hàng mấy ngàn người (x. 14,17tt và 15,34tt). Vấn đề là tên cám dỗ muốn đưa Đức Giêsu đến chỗ hành động bằng quyền năng Mêsia để mưu cầu lợi ích cho chính Người (và là lợi ích hoàn toàn thế tạm), không đếm xỉa gì đến chương trình và thánh ý của Thiên Chúa. Trong thực tế, đó là cám dỗ đi vào con đường vô thần thực tiễn và đề cao sự ích kỷ như là một tiêu chuẩn sống. Và khi ấy, Thập Giá sẽ trở thành vô nghĩa.

Trả lời cho tên cám dỗ, Đức Giêsu vận dụng một lời Kinh Thánh (x.Đnl 8,3). “Người đáp: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (c.4). Không chỉ sống cuộc sống vật chất và thế tạm, con người còn phải sống bằng lời của Thiên Chúa, bởi lẽ sự sống vật chất sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu nó không hòa hợp với sự sống mà Thiên Chúa thông ban cho con người. Vì thế, vượt xa hơn những đòi hỏi của sự sống thế tạm và vật chất, là đòi hỏi của sự sống trong lời do miệng Thiên Chúa phán ra. Đàng khác, trong Đnl 8,2t lời Thiên Chúa mang lại sự sống ấy được đặt trong tương quan với manna. Điều đó muốn nói rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi những kẻ trung tín với Người, nhưng sẽ chăm lo cho họ trong những nhu cầu của họ. Khi trích dẫn Đnl 8,3 Đức Giêsu ngầm cho biết Ngài ý thức rằng Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài lương thực mà Ngài cần. Ngài đặt sự an toàn của cuộc sống mình trong chương trình của Thiên Chúa. Trong Ga, Đức Giêsu sẽ tuyên bố rõ ràng: “Lương thực của Tôi là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Tôi, và hoàn tất công trình của Người” (4,34).

“Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ” (c.5). Thành thánh ở đây là thành Giêrusalem, nơi có đền thờ, chỗ Thiên Chúa hiện diện. Quỷ đưa Chúa Giêsu lên nóc đền thờ, là nơi, theo truyền thống Do Thái giáo, Đấng Mêsia sẽ tuyên bố chương trình của Người cho Israel. Và dân chúng mong chờ được nghe từ nơi đó chương trình làm vinh quang Israel và triệt hạ dân ngoại. Khi đưa Đức Giêsu lên nóc đền thờ, như vậy, là quỷ muốn đưa Người đến chỗ thích nghi với quan niệm Mêsia của dân chúng đương thời.

Rồi quỷ nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (c.6). Không chỉ xúi Đức Giêsu nhập thân vào hình ảnh vị mêsia chiến thắng oai hùng thỏa mãn mong đợi của dân chúng đương thời, quỷ còn muốn Đức Giêsu gieo mình xuống từ trên cao để chứng tỏ cho dân chúng thấy rằng Thiên Chúa luôn ở cùng Người. Quỷ sử dụng một bản văn Kinh Thánh làm chỗ dựa cho lời cám dỗ của nó. Chính Chúa Giêsu, trong cám dỗ thứ nhất, đã chẳng nói rằng người ta sống nhờ lời Thiên Chúa đó sao? Thì đây, hãy dựa vào lời Thiên Chúa trong Tv 91,11t mà thực hiện. Thực chất, quỷ cố ý giải thích sai nghịch lời Kinh Thánh. Bản văn Tv được trích dẫn nói về sự bảo vệ của Thiên Chúa dành cho những ai trung thành với Người trong mọi hoàn cảnh khó khăn bi đát. Nhưng tên cám dỗ lại đề nghị Đức Giêsu tự dấn mình vào một hoàn cảnh nguy hiểm và bắt Thiên Chúa hành động. Nếu cám dỗ thứ nhất là cám dỗ sống vô thần thực tiễn, không quan tâm gì đến chương trình của Thiên Chúa, thì cám dỗ thứ hai này, trái lại, là cám dỗ sống một cách vô trách nhiệm và thậm chí, thách thức sự quan phòng của Thiên Chúa. Cách sống này cũng đối nghịch với chương trình của Thiên Chúa.

“Đức Giêsu đáp: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (c.7). Đức Giêsu đã dựa vào Đnl 6,16 để trả lời cho cám dỗ thứ hai này. Con người phải nhận biết Thiên Chúa là Chúa Tể của mình. Khi muốn cột Thiên Chúa vào một hành động xác định nào đó, chinh là lúc con người làm đảo lộn trật tự thay vì thực hành ý muốn của Thiên Chúa. Bản văn Đnl 6,16 còn gợi nhớ câu chuyện được Xh 17,1-7 kể lại, trong đó, dân Israel thách Thiên Chúa chứng tỏ rằng Ngài thực sự ở với họ. Đức Giêsu không cần bất cứ một bằng chứng ngoại thường nào về sự hiện diện của Thiên Chúa đối với Người. Người luôn luôn tín thác vào Thiên Chúa.

“Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.” Đức Giêsu liền nói: “Satan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (cc.8-10).

Ở cám dỗ thứ ba này, quỷ không sử dụng Kinh Thánh nữa. Nó cũng chẳng nhắc đến tư cách là Con Thiên Chúa của Chúa Giêsu nữa. Quỷ vứt bỏ tất cả những thứ mặt nạ. Nó hiện nguyên hình là đầu mục của thế gian giả trá và hứa ban tặng tất cả vinh hoa lợi lộc của thế gian đó.

Ngọn núi cao trước hết có nghĩa là cảnh vực và điều kiện thần linh, vì núi cao thường được coi là biểu tượng cho nơi chỗ của Thiên Chúa hay các vị thần (x. Xh 13,1; 24,9-11; Đnl 11,19; 27,12t; Gs 8,33; 1V 18,42; Tv 2,6; 43,3; 74,2; Is 65,7; Gr 3,6.23; Hs 4,13…). Từ trên ngọn núi cao đó, thần linh cai trị thế giới. Vậy quỷ đưa Đức Giêsu đi ra khỏi khung cảnh quốc gia và dân tộc Do Thái và hứa ban cho Người một đế quốc mang tầm vóc vũ hoàn. Cần chú ý là vào thời bấy giờ các hoàng đế Rôma đều được gán hay tự gán cho mình những điều kiện thần linh.

Quỷ chỉ cho Đức Giêsu thấy tất cả các nước thế gian, cùng với những vinh hoa lợi lộc của các nước ấy và tự nhận rằng những thứ ấy thuộc về nó, rằng nó có thể ban cho ai tùy ý. Tác giả Tin Mừng, như vậy, đã ngầm trình bày những thực tại quyền lực và vinh quang thế gian như là những thực tại thuộc quyền quỷ dữ. Tên quỷ hứa cho Đức Giêsu tất cả những thực tại đó. Cái giá phải trả duy nhất là “nếu ông sấp mình bái lạy tôi”, tức là chấp nhận dành cho nó sự tôn kính vốn chỉ dành cho Thiên Chúa mà thôi. Đức Giêsu có sứ mạng thiên sai. Người phải cứu nhân loại và đưa nhân loại về với Thiên Chúa. Quỷ dữ đề nghị Người thực hiện nhiệm vụ đó bằng cách sử dụng vinh hoa lợi lộc trần gian, và để có được những vinh hoa lợi lộc ấy, Người phải quỳ lạy và tôn thờ tên đầu mục thế gian, cha của sự dối trá.

Immenraet_Temptation_of_ChristCám dỗ thứ ba này rõ ràng không xuất phát từ một nhu cầu căn bản của phận người như ở cám dỗ thứ nhất, cũng không dựa trên một cách nhìn sai lạc về Thiên Chúa và lời Thiên Chúa như ở cám dỗ thứ hai, mà là cám dỗ từ khước một cách triệt để chính Thiên Chúa, và hướng con người về chỗ tìm kiếm thỏa mãn bằng mọi giá những tham vọng sở hữu, lợi lộc, vinh quang, quyền lực và sự huy hoàng trần tục.

” Đức Giêsu liền nói: “Satan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (c.10). Khác với ở hai cơn cám dỗ trước, ở đây, Đức Giêsu không chỉ trích dẫn lời Kinh Thánh (Đnl 6,13), mà Người còn truyền lệnh cho Satan nữa: “Satan kia, xéo đi!”. Câu trả lời của Chúa Giêsu ở đây rõ ràng mang một tính cách quyết liệt hơn hẳn.

“Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người” (c.11). Câu kết này là một ghi chú thần học hơn là một sứ điệp lịch sử. Sự hiện diện và hầu hạ của các thiên thần là những thực tại diễn tả mối tương quan thân nghĩa và mật thiết của Chúa Giêsu với Thiên Chúa. Các thiên thần trực tiếp thuộc về Thiên Chúa (18,10; 22,30) và chỉ hoạt động theo lệnh truyền của Người. Vì thế, sự hiện diện và phục vụ của các ngài chứng tỏ Đức Giêsu hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa.

Một điều đáng chú ý là không một bản văn nào trong ba bản văn Đnl đã được Đức Giêsu sử dụng (để trả lời cho tên cám dỗ) có đặc tính Mêsia cả. Trái lại, những bản văn đó áp dụng cho mọi người Israel, và xa hơn nữa, cho tất cả mọi người. Tất nhiên các cơn cám dỗ nhắm tấn công Đức Giêsu trong tư cách Người là Đấng Mêsia và là Người Con tuyệt đối vâng phục Chúa Cha. Nhưng chính Đấng Mêsia lại là mẫu mực cho tất cả mọi người. Chính thái độ và cách hành xử của Người là thực tại đưa con người đến chỗ viên mãn. Chính vì thế, ta có thể tìm được nơi thái độ và cách hành động của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay sức mạnh và gương mẫu giúp chúng ta vượt qua những cơn cám dỗ của chính chúng ta.

Hơn nữa, chính trong những cám dỗ và thử thách mà Người đã trải qua, Đức Giêsu cho thấy Người liên đới sâu xa với tất cả những con người chịu cám dỗ và thử thách để cứu giúp họ. “Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Hr 2,18). “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Hr 4,15).

Nguyễn Thể Hiện

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết