Đức Giáo hoàng cho các linh mục thuộc Giáo phận Ahiara, Nigeria, 30 ngày để viết một lá thư hứa vâng phục và chấp nhận Đức Giám mục được chỉ định cho Giáo phận của họ; các linh mục không viết thư sẽ bị treo chén, theo Fides, cơ quan truyền thông của Bộ Phúc Âm hóa các Dân tộc.
Văn bản của Đức Giáo hoàng bằng tiếng Anh được đăng vào ngày 9 tháng 6 trên blog của Đức Tổng Giám mục Ignatius Kaigama của Jos, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nigeria, và Fides đăng tải bằng tiếng Ý. Văn phòng Báo chí của Vatican không thể xác nhận ngay lập tức tính xác thực của văn bản này, mặc dù Đức Hồng y John Olorunfemi Onaiyekan của Abuja, người cũng có mặt trong buổi tiếp kiến hôm 8/6, nói với Catholic News Service rằng đó là ý muốn của Đức Giáo hoàng.
Một ngày trước đó, các nhà lãnh đạo Giáo hội Nigeria đã yết kiến Đức Phanxicô để thảo luận về tình hình của Đức Giám mục Peter Ebere Okpaleke, người được Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Giám mục chánh tòa Ahiara vào năm 2012, nhưng không thể lãnh đạo Giáo phận, vì xảy ra các cuộc biểu tình, rõ ràng phần lớn là do các linh mục trong Giáo phận gây ra.
Tòa Thánh Vatican, vào ngày 8 tháng Sáu, đã chỉ ban hành một bản thông cáo ngắn gọn về cuộc họp với Đức Giáo hoàng, mô tả tình hình trong Giáo phận Ahiara là “không thể chấp nhận”. Các cuộc biểu tình được thúc đẩy bởi sự kiện là Đức Cha Okpaleke không phải là một linh mục địa phương.
“Đức Thánh Cha, sau khi lượng giá cẩn thận, đã đề cập đến tình huống không thể chấp nhận được ở Ahiara và dành quyền có các biện pháp thích hợp” – Tòa Thánh Vatican tuyên bố trong bản thông báo.
Theo những ghi nhận của Đức Tổng Giám mục Ignatius Kaigama, Đức Giáo hoàng đã nói: “Tôi nghĩ rằng, trường hợp này không liên quan đến chủ nghĩa chủng tộc, nhưng là một cố gắng chiếm lấy vườn nho của Chúa.” Đức Giáo hoàng cũng nhắc đến “dụ ngôn những tá điền sát nhân” trong Mt 21,33-44.
“Bất cứ ai phản đối Đức Giám mục Okpaleke để chiếm lấy Giáo phận này thì đều là người muốn tiêu diệt Giáo hội, một điều bị cấm hoàn toàn” – Đức Giáo hoàng nói.
Đức Giáo hoàng Phanxicô cho biết ngài thậm chí đã xem xét đến khả năng “bãi bỏ Giáo phận, nhưng sau đó tôi nghĩ rằng Giáo hội là một người mẹ và không thể bỏ rơi những người con của mình.”
Thay vào đó – ngài nói – tất cả các linh mục thuộc Giáo phận, dù ở Nigeria hay ở nước ngoài, đều phảiviết thư cho ngài để xin tha thứ vì “tất cả chúng ta đều phải chia sẻ nỗi buồn chung này.”
Mỗi lá thư của các linh mục – ngài nói – “phải trình bày rõ ràng sự vâng phục Đức Thánh Cha” và cho thấy một sự sẵn sàng “chấp nhận vị Giám mục mà Đức Giáo hoàng đề cử và bổ nhiệm”.
“Thư này phải được gửi trong vòng 30 ngày, kể từ ngày hôm nay đến ngày 9 tháng 7 năm 2017. Bất cứ ai không làm điều này sẽ bị treo chén và sẽ bị đình chỉ chức vụ hiện thời” – chỉ thị của Đức Giáo hoàng, theo bản văn được đăng tải trên blog của Đức Tổng Giám mục Ignatius Kaigama.
“Điều này có vẻ rất khó khăn, nhưng tại sao phải làm như vậy?” – Đức Phanxicô tự hỏi. “Thưa vì dân Chúa đã bị vấp phạm. Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng ai gây cớ vấp phạm thì phải chịu hậu quả.”
Đức Giám mục Okpaleke cũng đã yết kiến Đức Giáo hoàng và đã thực hiện một chuyến viếng thăm “ad limina apostolorum” cùng với các Đức Giám mục Nigeria và một số linh mục vào đầu tháng Sáu.
Trong khi các cuộc viếng thăm “ad limina” thường được thực hiện bởi các nhóm cấp quốc gia, thông cáo của Vatican lại sử dụng cùng một thuật ngữ đó để mô tả cuộc viếng thăm của Giáo phận Ahiara. Bản thông cáo ghi nhận rằng phái đoàn chín người đã cầu nguyện tại các ngôi mộ của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô và trong Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả.
Họ cũng tham dự một thánh lễ riêng vào ngày 8/6 với Đức Thánh Cha. Tòa thánh Vatican đã không nói Đức Giáo hoàng đã giảng gì trong thánh lễ đó.
Sau đó, cũng trong ngày 8/6, Đức Giáo hoàng đã tổ chức một cuộc tiếp kiến riêng với nhóm. Các thành viên cũng đã gặp Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cùng với Đức Hồng y Fernando Filoni và các quan chức hàng đầu của Bộ Phúc Âm hóa các Dân tộc để xem xét điều mà Vatican gọi là “tình huống đau đớn của Giáo hội ở Ahiara”.
Khi Đức Cha Okpaleke được bổ nhiệm về Giáo phận Ahiara, việc bổ nhiệm đã được ứng đáp bằng các cuộc biểu tình và đơn thỉnh cầu kêu gọi bổ nhiệm một giám mục khác từ các giáo sĩ địa phương.
Tuy nhiên, Đức Cha Okpaleke vẫn được phong chức Giám mục vào tháng 5 năm 2013, mặc dù lễ tấn phong diễn ra không phải ở Giáo phận Ahiara, nhưng tại một chủng viện thuộc Tổng Giáo phận Owerri.
Ahiara nằm ở Mbaise, một khu vực Công giáo chủ yếu của Bang Imo ở miền nam Nigeria. Đức Cha Okpaleke đến từ Bang Anambra, giáp Imo về phía bắc.
Một bản kiến nghị gửi lên Đức Bênêđíctô XVI do “Liên minh những người Công giáo Igbo” đưa ra, cho hay, “Hiện nay không có linh mục nào gốc Mbaise làm giám mục, [đó] là điều làm kinh ngạc tâm trí. Mbaise đã cưu mang, đã góp phần vào sự lớn lên và đã hy sinh cho Giáo hội Công giáo, đã có các linh mục tính trên đầu người là nhiều hơn bất kỳ giáo phận nào khác ở Nigeria, và chắc chắn là có đủ số lượng linh mục đủ điều kiện để trở thành giám mục tiếp theo của Giáo phận Ahiara, Mbaise. ”
Theo Vatican, Giáo phận Ahiara có gần 423,000 người Công giáo và 110 linh mục triều.
Trong cố gắng ổn định tình hình, vào tháng 7 năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Onaiyekan làm Giám quản Tông tòa Giáo phận Ahiara, và vào tháng 12 năm sau, ngài đã cử Đức Hồng y Peter Turkson, khi đó là Chủ tịch của Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình, đến Ahiara để lắng nghe mối quan tâm của các linh mục Giáo phận và người giáo dân địa phương.
Đức Cha Onaiyekan đã đi cùng Đức Cha Okpaleke trong chuyến viếng thăm “ad limina” tới Roma, cũng như Đức Tổng giám mục Anthony Obinna của Owerri và Đức Tổng Giám mục Ignatius Kaigama. Ba linh mục, một nữ tu và một người cao niên theo truyền thống cũng đã tham gia chuyến đi đó.
Minh Tâm (theo NCR)